Đây là một bệnh nhân mắc ung thư xương đùi đã được phẫu thuật cắt bỏ khối u, đồng thời lấy đoạn cẳng chân còn lại nối lên đùi, chỉ có điều bàn chân bị … xoay ngược ra sau 180 độ. Kĩ thuật ghép nối lạ mắt này được gọi là Rotationplasty (Rotation = xoay, plasty = phẫu thuật sửa chữa) một loại phẫu thuật tạo hình với mảnh ghép tự thân. Phương pháp này còn có tên khác là Borggreve rotation, theo tên của bác sĩ đầu tiên thực hiện nó vào năm 1927 trên một cậu bé 12 tuổi mắc bệnh lao xương. Tuy nhiên phải đến năm 1950, một bác sĩ chấn thương chỉnh hình người Hà Lan là Cornelis Pieter van Nes mới mô tả đầy đủ về phương pháp và hiệu quả của phương pháp này trong y văn.
Rotationplasty được chỉ định cho những bệnh nhân bị nhiễm trùng nặng hoặc mắc các khối u ác tính ở quanh khớp gối như ung thư xương osteosarcoma, ung thư Ewing. Một số ít trẻ em có các dị dạng lớn của xương đùi (làm cho xương đùi một bên ngắn hơn từ 50% so với bên đối diện) cũng được thực hiện Rotationplasty như một liệu pháp nhằm phục hồi chức năng di chuyển.

Phẫu thuật Rotationplasty là một đại phẫu, thường kéo dài 6-10 tiếng, và đòi hỏi từ 6-12 tuần để hồi phục hoàn toàn.
Mục đích của chiếc bàn chân bị xoay ngược 180 độ nhằm tận dụng khả năng di động của cổ chân để tạo nên một “khớp gối mới”. Sau đó các bác sĩ phục hồi chức năng sẽ gắn một chiếc chân giả vào cổ chân để bệnh nhân có thể vận động được. Chiếc khớp gối “sinh học” mới này đặc biệt có lợi khi giúp bệnh nhân có thể duy trì một lối sống ưa vận động. Hầu hết các bệnh nhân có thể chạy như bình thường, và tập các bộ môn đòi hỏi sự hoạt động của khớp gối như đạp xe, trượt tuyết, cưỡi ngựa. Thậm chí họ có thể chơi các môn thể thao phức tạp như bóng chày, bóng đá …

Chiếc chân lắp ngược ban đầu thường tạo nên mặc cảm và lo lắng cho những trẻ được phẫu thuật cũng như gia đình. Tuy nhiên theo thời gian, lợi ích tuyệt với của chiếc khớp gối mới sẽ đem lại cho trẻ một cuộc sống gần như bình thường. Một nghiên cứu năm 2002 trên 22 trẻ em được phẫu thuật Rotationplasty cho thấy những trẻ này có chỉ số chất lượng sống thậm chí còn cao hơn so với người bình thường!
♥ Đọc thêm: Hội chứng CHILD, căn bệnh ảnh hưởng đến … một nửa cơ thể!
Tài liệu tham khảo: