Một nhóm các nhà khoa học đến từ nhiều viện nghiên cứu khác nhau tại Trung Quốc, kết hợp với một trường đại học tại Mỹ đã tìm ra mối liên hệ giữa ô nhiễm không khí và tỉ lệ thai lưu, đáng lưu ý là mối liên hệ này thường rõ ràng ở các quốc gia nghèo khó. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Communications.
Thai lưu là tình trạng thai nhi chết sau khi đạt 20 tuần tuổi cho tới trước hoặc trong khi chuyển dạ. Có khoảng 2 triệu trường hợp thai lưu xảy ra mỗi năm trên toàn thế giới, chủ yếu ở các nước nghèo, kém phát triển. Hầu hết các ca thai lưu có nguyên nhân đến từ bất thường bẩm sinh của thai, biến chứng trong quá trình chuyển dạng, bệnh lý của bánh rau, hoặc do các vấn đề sức khỏe khác của người mẹ. Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học nghi ngờ ô nhiễm không khí cũng có tác động đến tỷ lệ thai lưu, điều này lý giải tại sao càng ngày càng có nhiều ca thai lưu xuất hiện ở các nước thế giới thứ ba.
Để tìm hiểu về mối liên kết này, nhóm nghiên cứu đã tham chiếu chéo dữ liệu từ Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), so sánh số lượng ca thai lưu với mức độ ô nhiễm không khí, tập trung vào dạng ô nhiễm do bụi mịn.

Trong phân tích của mình, nhóm nghiên cứu nhận thấy các quốc gia có tỉ lệ thai lưu cao cũng là những nước có mức độ hạt bụi mịn trong không khí cao. Dẫn đầu trong danh sách là Ấn Độ, đất nước có tỉ lệ thai lưu trung bình cao nhất, khoảng 217.000 ca cho mỗi 25 triệu trường hợp sinh đẻ mỗi năm. Ấn Độ cũng nằm trong top các quốc gia có chất lượng không khí tệ nhất thế giới, với nồng độ bụi mịn được ghi nhận ở mức 60.15Ug/m3. Để so sánh, hướng dẫn của WHO quy định ngưỡng bụi mịn trung bình an toàn cho sức khỏe phải dưới mức 5 Ug/m3.
Các nhà nghiên cứu hy vọng rằng khám phá của họ sẽ được sử dụng một cách tích cực. Khi biết rằng hít thở ô nhiễm không khí sẽ làm tăng nguy cơ đối với em bé trong bụng, các bà mẹ tương lai có thể áp dụng những biện pháp dự phòng, ví dụ như đeo khẩu trang N95 khi ra đường, không ra ngoài trời trong những ngày không khí ô nhiễm nặng, và sử dụng máy lọc không khí trong nhà.
♥ Đọc thêm: 13 tác hại của ô nhiễm không khí với sức khỏe con người