Hộp sọ của thai nhi có thể quan sát được từ cuối tuần thứ 7, nhưng sẽ rõ ràng nhất kể từ tuần thứ 10, khi mà các bản xương sọ được cốt hóa và hiện rõ trên siêu âm. Đường kính lưỡng đỉnh và chu vi vòng đầu là hai chỉ số luôn được đo để đánh giá hình thái của đầu thai nhi. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về ý nghĩa của chúng.
Đường kính lưỡng đỉnh
Đường kính lưỡng đỉnh, viết tắt là BPD (Biparietal diameter), là khoảng cách xa nhất giữa hai xương đỉnh của vòm sọ thai nhi. Xương đỉnh là phần xương sọ nằm giữa xương trán ở phía trước, và xương chẩm ở phía sau. Mỗi bên vòm sọ có 1 xương đỉnh tương ứng.
Đường kính lưỡng đỉnh bắt đầu được đo từ tuần thai thứ 11-12 của thai kì, và là một trong những chỉ số thường dùng nhất để ước tính cân nặng của thai nhi. Ngoài ra, đường kính lưỡng đỉnh còn có giá trị ước lượng tuổi thai, chính xác nhất là trong khoảng 14 đến 20 tuần. Sau khoảng thời gian này, giá trị ước tính tuổi thai của đường kính lưỡng đỉnh sẽ giảm dần.
♥ Đọc thêm: Tính tuổi thai và ngày dự sinh, hướng dẫn chi tiết nhất
Biểu đồ phát triển của đường kính lưỡng đỉnh mang đặc trưng cho từng dân tộc, nghĩa là mỗi chủng người sẽ có bảng chỉ số đường kính lưỡng đỉnh tương ứng với tuổi thai khác nhau. Đối với người Việt Nam, thai nhi trong giai đoạn từ 14-20 tuần sẽ có công thức sau để tính tuổi thai từ đường kính lưỡng đỉnh:
GA = (BPD+19,75)/3,15
Trong đó tuổi thai (GA) tính bằng tuần, và đường kính lưỡng đỉnh (BPD) đo bằng mm.
Bảng dưới đây cho biết đường kính lưỡng đỉnh (mm) bình thường ở một số mốc tuổi thai quan trọng:
Tuần thai | BPD tối thiểu | BPD trung bình | BPD tối đa |
16 | 29 | 31 | 32 |
18 | 35,5 | 37 | 38,5 |
20 | 41,5 | 43 | 45 |
22 | 48 | 50 | 51 |
25 | 57 | 59 | 61 |
28 | 65 | 68,5 | 71 |
32 | 77 | 80 | 83 |
36 | 85,5 | 88 | 90 |
38 | 87,5 | 90 | 92 |
40 | 89 | 92 | 94 |
42 | 91 | 93 | 96 |
Giá trị ước đoán tuổi thai của đường kính lưỡng đỉnh có thể gặp sai số nếu như thai nhi có biển dạng hình dạng đầu, như đầu quá dẹt, thai ngôi ngược khiến đầu to hơn bình thường, hoặc trong trường hợp đa thai. Trong những trường hợp này, chỉ số chu vi vòng đầu có thể được dùng để thay thế.
Chu vi vòng đầu
Chu vi vòng đầu cũng là một trong những chỉ số cơ bản của siêu âm thai. Viết tắt là chữ HC (Head circumference). Chu vi vòng đầu thường xuyên được dùng để ước tính cân nặng thai nhi trong hầu như tất cả các dòng máy siêu âm. Chu vi vòng đầu cũng được dùng để ước đoán tuổi thai trong giai đoạn 3 tháng giữa.
Để đo được chu vi vòng đầu, bác sĩ sẽ sử dụng chính mặt cắt dùng để đo đường kính lưỡng đỉnh, và vẽ một đường chu vi bao quanh vòng xương sọ của thai nhi. Giá trị thu được từ phép đo này chính là chu vi vòng đầu.
Chu vi vòng đầu, ngoài dùng trong công thức đánh giá cân nặng thai còn là chỉ số có ý nghĩa để tầm soát tật đầu nhỏ hoặc đầu to ở thai nhi.
Tật đầu nhỏ là thuật ngữ chỉ những trường hợp mà chu vi vòng đầu nằm dưới 2 lần độ lệch chuẩn của chu vi vòng đầu trung bình ở tuổi thai nào đó. Tật đầu nhỏ có nhiều nguyên nhân khác nhau và thường kết hợp với tật não nhỏ. Các nguyên nhân thường gặp nhất của đầu nhỏ là Hội chứng Patau (trisomy 13), người mẹ sử dụng chất gây nghiện trong thai kì, hoặc nhiễm các loại virus trong thai kì như virus Rubella, virus Zika, hay Cytomegalovirus…
Ngược lại với tật đầu nhỏ là tật đầu to, khi chỉ số chu vi vòng đầu vượt trên 2 lần độ lệch chuẩn so với mức trung bình bình thường. Tăng kích thước vòng đầu nhưng không phối hợp với các bất thường cấu trúc nào khác của thai nhi thường có tiên lượng tốt và hầu như không gây ra ảnh hưởng về tâm thần kinh cho trẻ sau khi sinh ra. Tật đầu to bệnh lý thường gặp nhất nằm trong bệnh cảnh của não úng thủy, khi các não thất của thai nhi giãn lớn, gây tăng áp lực nội sọ khiến cho đầu thai nhi to hơn bình thường.
Trong dị tật thoát vị hoành ở thai nhi, chu vi vòng đầu cũng là một chỉ số được dùng để tiên lượng mức độ nguy hiểm của bệnh. Thoát vị hoành là tình trạng các tạng trong ổ bụng chui qua một lỗ hổng của cơ hoành vào lồng ngực. Các tạng thoát vị này chiếm chỗ của phổi và khiến cho phổi của thai nhi không phát triển được, một tình trạng mà các bác sĩ gọi là thiểu sản phổi. Nếu mức độ thiểu sản phổi lớn, trẻ có nguy cơ bị suy hô hấp ngay sau khi sinh và đe dọa tử vong.
Để tiên lượng mức độ thiểu sản phổi, các bác sĩ siêu âm thường dùng tỉ số phổi đầu, nghĩa là tỉ lệ giữa diện tích phần nhu mô phổi và chu vi vòng đầu của thai nhi. Tỉ lệ này nhỏ hơn 1, tiên lượng suy hô hấp và tử vong sau sinh là rất cao. Từ 1 đến 1,4, trẻ sinh ra cần được hỗ trợ bằng oxy hóa màng ngoài cơ thể, hay gọi tắt là ECMO. Tỉ lệ trên 1,4 có tiên lượng tốt hơn, nguy cơ suy hô hấp cũng thấp hơn.
Ngoài ra, ở tuần thai trước khi sinh, chu vi vòng đầu to hơn 350mm là một yếu tố tiên lượng thai to và đẻ khó.
♥ Đọc thêm: Ý nghĩa của các chỉ số siêu âm thai thường gặp [phần 1]: Đường kính túi ối và chiều dài đầu mông
Tài liệu tham khảo:
- Phan Trường Duyệt (2010) Kỹ thuật siêu âm và ứng dụng trong sản phụ khoa. NXB Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội.
Cranial development in the first trimester: the use of 3D in the study of complex structures 1