Một nhóm các nhà khoa học ở Trung tâm y tế New York -Presbyterian /Weill Cornell (Mỹ) vừa công bố thông tin về một người phụ nữ được chữa khỏi HIV và bệnh bạch cầu (leukemia) bằng tế bào gốc thu thập từ máu cuống rốn. Sau 14 tháng kể từ khi ngừng dùng thuốc kháng virus, cô ấy vẫn âm tính với xét nghiệm phát hiện HIV. Họ đã trình bày phát hiện của mình tại Hội nghị về Retrovirus và bệnh nhiễm trùng cơ hội năm 2022 tại Mỹ.
Trước đó, y văn mới chỉ ghi nhận 2 người khác đã từng được chữa khỏi HIV hoàn toàn, cả hai đều là nam giới và đáng ngạc nhiên là đều mắc bệnh bạch cầu. Những người này đã được cấy ghép tủy xương từ một người khác mang đột biến gen được cho là có thể ngăn chặn sự nhân lên của HIV.
Với ca bệnh mới, người phụ nữ nói trên đã nhận máu dây rốn từ một người có cùng đột biến gen với người hiến tặng cho hai bệnh nhân nam đã được chữa khỏi. Cô cũng được nhận tế bào gốc từ máu của người thân cấp 1 (bố mẹ, anh chị em ruột hoặc con). Các tế bào gốc được đưa vào để tăng cường hệ thống miễn dịch của người phụ nữ, trong khi những tế bào máu cuống rốn được hiến tặng sẽ nhân lên và chiếm ưu thế trong hệ miễn dịch. Tế bào gốc mất khoảng 6 tuần để nhân lên, không giống như tế bào đến từ ghép tủy xương vốn được biết với thời gian nhanh hơn nhiều. Người phụ nữ này tiếp tục dùng thuốc kháng virus HIV trong 37 tháng rồi ngừng thuốc. Điều kì diệu đã xảy ra khi 14 tháng kể từ khi ngừng uống thuốc, xét nghiệm HIV của cô hoàn toàn âm tính.
Các nhà nghiên cứu chưa thể giải thích tại sao tế bào máu cuống rốn lại hoạt động hiệu quả để loại bỏ virus HIV, nhưng họ dự đoán nó có thể liên quan đến khả năng thích ứng với môi trường sống mới của chúng, và máu cuống rốn chứa các tế bào gốc có thể hỗ trợ quá trình này. Họ cũng lưu ý rằng bệnh nhân nữ này có chủng tộc hỗn hợp (người lai). Hầu hết các nghiên cứu có liên quan đến điều trị HIV đều sử dụng đối tượng là đàn ông da trắng.
Được biết máu cuống tốn dễ dàng được thu thập hơn nhiều so với các tế bào gốc được sử dụng trong cấy ghép tủy xương, và quy trình cấy ghép tế bào máu cuống rốn cũng nhẹ nhàng hơn nhiều so với cấy ghép tủy xương thông thường. Cả hai người đàn ông được chữa khỏi HIV trước đây đều phải chịu những tác dụng phụ nghiêm trọng như bệnh mảnh ghép chống kí chủ tiến triển (DGVHD). Hiện tượng này gây nên bởi các tế bào miễn dịch của người cho lẫn vào các đơn vị tế bào gốc trong qua trình thu thập, nhận biết cơ thể người nhận là ngoại lai, từ đó tạo ra phản ứng miễn dịch không mong muốn và gây tổn thương ở các cơ quan khác nhau của cơ thể người nhận. Một trong hai bệnh nhân đã suýt mất mạng sau ca cấy ghép, người còn lại bị sụt cân trầm trọng và tổn thương tai trong, khiến anh ta gần như bị điếc. Ngược lại, người phụ nữ được điều trị mới đây lại phải chịu rất ít tác dụng phụ. Điều này mở ra một hướng đi mới an toàn hơn trong việc điều trị HIV bằng liệu pháp tế bào gốc.
♥ Đọc thêm: Virus có lợi cho sức khỏe
♥ Đọc thêm: [Infographic] Các đại dịch lớn nhất trong lịch sử nhân loại