21 C
Hanoi
Thứ bảy, Tháng Một 25, 2025

Ý nghĩa của các chỉ số siêu âm thai thường gặp [phần 1]: Đường kính túi thai và chiều dài đầu mông

- Advertisement -

Các mẹ bầu khi siêu âm thai sẽ nhận được một bản kết quả với nhiều chỉ số khác nhau như chiều dài đầu mông, đường kính lưỡng đỉnh, cân nặng thai, hay nhịp tim thai, vv… Đây là những thông tin chuyên môn mà bác sĩ cần để đánh giá sự phát triển của thai nhi. Tuy nhiên cũng có khá nhiều mẹ bầu tò mò muốn tìm hiểu về những chỉ số đó. Trong loạt bài này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về ý nghĩa của các chỉ số siêu âm thai thường gặp trong thai kì, cũng như giá trị bình thường và bất thường của chúng.

Đường kính túi thai – chỉ số đầu tiên của thai nhi!

Túi thai là thuật ngữ để chỉ thai ở giai đoạn đầu, khi mới vào làm tổ trong niêm mạc tử cung người mẹ. Lúc này, thai giống như một túi nhỏ chứa dịch bên trong, và biểu hiện trên hình ảnh siêu âm như một chấm đen với quầng sáng bao quanh gọi là lớp màng đệm.

Hình ảnh siêu âm đường kính túi ối
Hình ảnh túi ối trên siêu âm

Đường kính túi thai (Gestational sac, viết tắt là GS) là chỉ số đầu tiên được đo của thai nhi, đây là khoảng cách giữa hai bờ túi thai trên siêu âm. Nó thường xuyên được dùng để đánh giá tuổi thai trong giai đoạn 4-6 tuần tuổi. Khi túi thai có dạng tròn hoặc gần như tròn, bác sĩ sẽ dễ dàng đo được đường kính này. Nhưng tiếc là thời điểm túi thai có dạng hình tròn như cái đĩa lại khá ngắn, đa phần sẽ thấy túi thai có dạng bầu dục hoặc cong như quả chuối! Ngoài ra, nhiều túi thai bất thường có dạng méo mó không đều. Khi đó bác sĩ sẽ phải đo kích thước túi thai theo ba chiều và tính chỉ số trung bình. Đây được gọi là Đường kính túi thai trung bình (Mean sac diameterMSD). Quá trình này có thể sẽ làm phát sinh sai số khi dự đoán tuổi thai. Do vậy, từ tuần thứ 6 trở đi, thường bác sĩ sẽ sử dụng chỉ số chiều dài đầu mông để xác định tuổi thai với độ chính xác cao hơn so với đường kính túi thai.

Cách đo đường kính túi ối trung bình (MSD)
Cách đo đường kính túi thai trung bình (MSD)

Thông thường, máy siêu âm sẽ tự tính tuổi thai dựa theo chỉ số đường kính túi thai. Một cách tương đối, người ta có thể dùng Đường kính túi thai trung bình để ước lượng tuổi thai bằng công thức:

- Advertisement -

MSD (mm) + 30 = Tuổi thai (ngày)

Ví dụ như trong hình trên, Đường kính túi thai trung bình là 22mm, thì tuổi thai bằng 22+30=52 ngày, tức khoảng 7 tuần.

Chiều dài đâu mông

Từ cuối tuần thứ 5, phôi thai bắt đầu hình thành và có thể được nhìn thấy trên siêu âm bằng đầu dò âm đạo. Sang tuần thứ 6, phôi thai có thể thấy trên siêu âm đường bụng, đi kèm theo đó là hình ảnh tim thai bên trong phôi thai.

Phôi thai mới đầu trông giống như một “hạt thóc” nằm bên trong khoang ối. Sau đó “hạt thóc” này lớn dần lên, và sẽ phân biệt được rõ phần đầu và phần thân thai nhi. Đến tuần thai thứ 9-10, các mầm chi bắt đầu nhú ra và sau này phát triển thành chân và tay của thai nhi.

Chiều dài đầu mông, viết tắt là CRL là khoảng cách đo từ đỉnh đầu (cực đầu) cho đến hết mông (cực đuôi) của phôi thai. Chiều dài đầu mông thường được đo từ tuần thứ 6 đến tuần thứ 14 của thai kì. Với độ phân giải của các máy siêu âm hiện nay, chiều dài dài đầu mông được xác định rất dễ dàng đặc biệt từ tuần thứ 8 trở đi và có độ chính xác cao trong dự đoán tuổi thai.

Chỉ số siêu âm thai: chiều dài đầu mông
Cách đo chiều dài đầu mông (CRL) và biểu đồ mối tương quan giữa CRL với tuổi thai.

Theo Hướng dẫn của Hiệp hội Sản phụ khoa thế giới về siêu âm thai trong 3 tháng đầu, “Phụ nữ mang thai nên được siêu âm sớm trong khoảng thời gian từ 10 tuần +0 ngày đến 13 tuần+6 ngày để xác định tuổi thai chính xác”. Đây được coi là giai đoạn “vàng” để đánh giá tuổi thai chuẩn nhất. Và chỉ số được dùng trong giai đoạn này chính là Chiều dài đầu mông.

Trong quý I thai kì, các nghiên cứu đã chỉ ra nếu hiệu số giữa đường kính túi thai trung bình và chiều dài đầu mông nhỏ hơn 5mm (tức là MSD-CRL < 5mm) thì nguy cơ sảy thai sớm sẽ tăng cao, mặc dù tim thai vẫn hoàn toàn bình thường.

Mặt khác, trong những trường hợp thai mắc các bất thường di truyền, đặc biệt là tình trạng tam bội nhiễm sắc thể 18, chiều dài đầu mông thường không tương xứng với tuổi thai thực tế do sự hạn chế tăng trưởng của thai, nghĩa là chiều dài đầu mông sẽ nhỏ hơn so với mức trung bình của các thai bình thường.

Chiều dài đầu mông là một trong những chỉ số bắt buộc phải có khi làm xét nghiệm sàng lọc trước sinh để dự đoán bất thường nhiễm sắc thể thai nhi như Double test hay NIPT.

♥ Đọc thêm: Tính tuổi thai và ngày dự sinh, hướng dẫn chi tiết nhất

♥ Đọc thêm: Sàng lọc trước sinh NIPT, thông tin mẹ bầu cần biết

Sau 14 tuần, chỉ số đường kính lưỡng đỉnh, chu vi vòng đầu và chiều dài xương đùi sẽ hữu ích hơn chiều dài đầu mông trong việc đánh giá sự phát triển của thai nhi.

Cùng theo dõi tiếp phần 2 của loạt bài này ở đây.

Tài liệu tham khảo:

  1. Gestational Sac – an overview | ScienceDirect
  2. ISUOG Practice Guidelines: performance of firsttrimester fetal ultrasound scan
  3. Crown rump length – Radiopaedia.org
- Advertisement -
Nguyễn Hoàng Sơn
Nguyễn Hoàng Sơnhttps://bshoangson.com/
Bác sĩ chuyên khoa I chuyên ngành Chẩn đoán hình ảnh tại Đại học Y Hà Nội. Hiện đang làm việc tại Hà Nội

ĐỌC THÊM

Nhận thông báo qua Email
Nhận thông báo cho
guest

0 Góp ý
cũ nhất
mới nhất bình chọn nhiều nhất
Phản hồi trích dẫn trong bài viết
Xem tất cả bình luận

CỘNG ĐỒNG Y HỌC THÚ VỊ

6,000FansLike
5,000FollowersFollow
3,500SubscribersSubscribe
- Advertisement -

BÀI MỚI

0
Nếu thích bài viết, hãy để lại bình luận bạn nhé!x