Một nhóm các nhà khoa học đến từ nhiều viện nghiên cứu tại Hoa Kỳ đã tìm ra một loại kháng thể có hiệu quả lên đến 99,9% trong việc “bẫy” tinh trùng của nam giới. Trong một bài báo được xuất bản trên tạp chí Science Translational Medicine, nhóm tác giả đã mô tả cách họ phát triển biện pháp tránh thai mới có thể thay thế cho những phương pháp tránh thai “truyền thống” sử dụng nội tiết tố, vốn gây ra nhiều tác dụng phụ và làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú.
♥ Đọc thêm: Thuốc tránh thai nào là tốt nhất để hạn chế ung thư vú?
Khoa học hiện đại cung cấp cho phụ nữ hai lựa chọn tránh thai cơ bản. Thứ nhất là phương án ngăn chặn cơ học, như sử dụng bao cao su, dụng cụ tránh thai (IUDs); và thứ hai là các liệu pháp sử dụng hormon, như viên uống tránh thai, thuốc tiêm tránh thai hoặc que cấy. Các biện pháp này có mặt bất lợi là đều gây ảnh hưởng ít nhiều đến người phụ nữ. Trong nỗ lực mới này, các nhà khoa học đã tìm ra phương án thứ ba: sử dụng kháng thể.
Các nghiên cứu trước đây đã chứng minh rằng sự hiện diện của một số loại kháng thể trong âm đạo người phụ nữ có thể dẫn tới tình trạng vô sinh. Có hai cơ chế của hiện tượng này. Thứ nhất, kháng thể làm “đông vón” tinh trùng thành các bó có kích thước lớn, khiến chúng không thể vượt qua lỗ trong cổ tử cung. Thứ hai, khi mật độ tinh trùng thấp hơn, kháng thể có thể “bẫy” tinh trùng bằng cách tạo ra một mạng lưới các sợi chất nhày “bắt dính” tinh trùng, giống như cách con mồi dính vào mạng nhện.
Nhiều năm trước, quan sát này đã dẫn đến sự ra đời của “vaccine ngừa thai”. Vaccine sản xuất ra kháng thể kháng tinh trùng mang lại hiệu quả tránh thai đáng kể, tuy nhiên việc đưa vào áp dụng đại trà vấp phải thách thức do mức độ đáp ứng và thời gian đáp ứng tránh thai rất biến đổi, vaccine cũng gây ra tình trạng vô sinh không hồi phục ở phụ nữ. Để khắc phục nhược điểm này của vaccine, giải pháp của các nhà khoa học là đưa kháng thể kháng tinh trùng ở dạng có hoạt tính liên tục vào âm đạo, khiến hiệu quả tránh thai được duy trì, đồng thời khả năng mang thai có thể hồi phục nhanh chóng sau khi ngừng dùng thuốc.
Năm 2020, các nhà nghiên cứu đã thành công trong việc thu được một vài trong số các loại kháng thể kháng tinh trùng ở những phụ nữ tình nguyện viên. Sau đó họ dùng công nghệ gen loại bỏ thành phần gắn vào kháng nguyên của kháng thể và dùng nó để tạo ra một phân tử IgG làm nhiệm vụ như một “giá đỡ”. Tiếp theo, các nhà khoa học bổ sung thêm nhiều đoạn liên kết vào “giá đỡ” IgG, giúp tăng khả năng “bám dính” vào tinh trùng. Mã gen của loại kháng thể tái tổ hợp này được đưa vào tế bào phôi người và tạo ra một dòng “tế bào IgG”. Thử nghiệm trên đĩa thí nghiệm cho thấy các dòng tế bào IgG này thu hút và gây ngưng kết tinh trùng mạnh hơn gấp 10 lần so với phân tử kháng thể “nguyên gốc” thu được từ các tình nguyện viên.

Trong giai đoạn 2 của thử nghiệm, nhóm nghiên cứu đưa dung dịch chứa IgG tái tổ hợp vào âm đạo cừu, theo sau đó là tinh dịch người. Các mẫu xét nghiệm được lấy ra sau đó cho thấy số lượng tinh trùng di động đã giảm tới 99,9% so với nhóm đối chứng.
Kế hoạch tiếp theo của các nhà khoa học là thử nghiệm hiệu quả của kháng thể trên người. Mặc dù còn rất nhiều việc phải làm nhưng nhóm nghiên cứu rất tự tin về tương lai của phương pháp tránh thai mới này.
HM-IgG (tên của loại kháng thể mới-ND) không chỉ là một liệu pháp tránh thai không dùng hormon đầy hứa hẹn, mà còn là một nền tảng tiềm năng cho nhiều ứng dụng y sinh học khác.
Nhóm nghiên cứu
♥ Đọc thêm: 8 sự thật về tinh trùng mà mọi người thường nhầm lẫn
Nguồn: Medical Express