Các vấn đề về hô hấp dai dẳng gây ra cho nhiều bệnh nhân sống sót sau khi nhiễm COVID-19 đã được các nhà khoa học ghi nhận và xếp chúng vào hội chứng sau mắc COVID-19 hay hội chứng COVID kéo dài (long COVID syndrome). Một nghiên cứu mới đây cho biết điều này có thể là do các quá trình vi mô vẫn tiếp tục gây tổn thương phổi ngay cả sau khi tình trạng nhiễm trùng cấp tính đã kết thúc.
Các nhà khoa học đã nghiên cứu mẫu máu và dịch rửa phế quản – phế nang của 38 bệnh nhân từng mắc COVID-19 nhưng vẫn có những vấn đề về hô hấp sau ít nhất 3 tháng kể từ khi họ được xuất viện.
So sánh với các tình nguyện viên khỏe mạnh, đường thở của những người sống sót sau nhiễm COVID-19 có nhiều hơn các tế bào lympho gây độc tế bào (đặc biệt là các tế bào T CD8+ thường trú trong nhu mô phổi), men lactat dehydrogenase và albumin (dấu ấn sinh học của các tế bào chết và tính toàn vẹn của hàng rào miễn dịch).
“Thật thú vị, những thay đổi tương tự không được tìm thấy ở mẫu máu và dịch của các tình nguyện viên khỏe mạnh”. James Harker, từ Đại học Hoàng gia London, đồng tác giả của báo cáo được xuất bản trên tạp chí medRxiv cho biết.
Những phát hiện này vẫn cần được xác nhận trong các nghiên cứu lớn hơn, tuy nhiên nó cho thấy nhiều bệnh nhân vẫn có những biến loạn liên tục trong các tế bào miễn dịch của họ và tổn thương các tế bào niêm mạc đường thở sau vài tháng kể từ khi được xuất viện. Và điều này có thể là lí giải cho những triệu chứng mà người bệnh tiếp tục phải chịu đựng từ hội chứng COVID kéo dài, thậm chí là rất lâu sau khi nhiễm trùng cấp tính do COVID-19 thoái lui.
♥ Đọc thêm: Kháng thể ngăn chặn virus corona có thể tồn tại ít nhất 4 tháng sau khi khỏi bệnh
Nguồn: MDLinx