Vaccine COVID-19 đang là chủ đề được bàn luận sôi nổi ở những ngày đầu năm 2021. Với những người may mắn đã được tiêm phòng, việc tiếp theo là chờ đợi trong vòng 2 tuần để hệ miễn dịch tạo ra đầy đủ kháng thể chống lại virus. Sau đó thì liệu bạn có thể ra ngoài và khôi phục lại cuộc sống của mình như trước thời đại dịch? Đừng vội mừng. Các nhà khoa học cho biết tình trạng lây nhiễm bệnh sau chủng ngừa vẫn có thể xảy ra, và những biến chủng mới của virus vẫn có thể thay đổi cuộc chơi.
Mục lục
Liệu vaccine COVID-19 có phòng ngừa hoàn toàn sự lây nhiễm hay không?
Câu trả lời ngắn gọn là không. Bạn vẫn có thể bị lây nhiễm virus sau khi tiêm vaccin. Điểm khác biệt là nguy cơ bạn bị mắc bệnh ở thể nặng cũng như nguy cơ tử vong sẽ giảm xuống gần như là bằng 0.
Nhiều người hình dùng vaccin COVID-19 sẽ có tác dụng như một tấm khiên, ngăn chặn virus xâm nhập vào tế bào và cơ thể. Thế nhưng trong nhiều trường hợp, người được tiêm vaccine chỉ được bảo vệ khỏi bệnh COVID-19, mà không nhất thiết được bảo vệ khỏi sự lây nhiễm.
Hệ miễn dịch của mỗi người phản ứng lại với vaccine theo những cách rất khác nhau, điều đó lí giải hiệu quả của vaccine COVID-19 theo các nghiên cứu cao nhất cũng chỉ đạt 95%. Điều đó có nghĩa 95% những người tiêm vaccin sẽ không mắc bệnh. Những người này có thể không bị nhiễm virus, hoặc nếu có nhiễm thì cũng sẽ không biểu hiện thành triệu chứng, vì hệ miễn dịch của họ sẽ nhanh chóng loại bỏ virus khỏi cơ thể. Chỉ khoảng 5% những người tiêm vaccin vẫn có thể bị lây nhiễm và mắc bệnh, nhưng cũng rất ít trong số đó bị bệnh nặng tới mức phải nhập viện.
Vaccine không đem lại hiệu quả phòng bệnh 100%, nhưng trong tất cả các trường hợp, nó đem lại cho hệ miễn dịch của chúng ta một bước tiến dài trong việc đối phó với coronavirus. Hiệu quả này không chỉ đối với cá nhân, mà là với toàn bộ quần thể dân cư – khi miễn dịch cộng đồng được thiết lập.
♥ Đọc thêm: Vaccine COVID-19 đầu tiên được Việt Nam cấp phép, những điều cần biết
Nhiễm bệnh không có nghĩa là lan truyền bệnh
Quá trình lan truyền bệnh xảy ra khi có một lượng virus đủ lớn từ một người nhiễm bệnh xâm nhập vào một người khỏe mạnh. Theo lý thuyết này, bất cứ ai nhiễm coronavirus đều có khả năng trở thành người truyền bệnh. Tuy nhiên, vaccine sẽ làm giảm cơ hội để điều này xảy ra.
Thông thường, nếu vaccine không ngăn chặn được sự nhiễm bệnh thì nó cũng sẽ làm giảm một cách có ý nghĩa số lượng virus phát tán ra từ mũi và miệng của chúng ta, và rút ngắn thời gian phát tán virus. Đây là một yếu tố cực kì quan trọng. Một người ít phát tán virus ra môi trường xung quanh hơn thì sẽ ít có nguy cơ lan truyền bệnh cho người khác hơn.
Trong một nghiên cứu chuẩn bị được công bố, các nhà khoa học Israel đã làm xét nghiệm cho 2897 người đã được tiêm vaccine nhưng có dấu hiệu nhiễm coronavirus. Hầu hết các trường hợp đều không phát hiện thấy virus trong cơ thể người được tiêm phòng, những trường hợp dương tính với virus thì có tải lượng virus chỉ bằng một phần tư so với những người không tiêm phòng tại cùng một thời điểm sau khi lây bệnh.
Khi lượng virus trong cơ thể đủ thấp, cơ hội để chúng lan truyền sang người khác là gần như bằng 0. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vẫn chưa xác định được đâu là ngưỡng “đủ thấp” (ngưỡng cut-off) để SARS-CoV-2 không thể lan truyền, và do hiệu quả bảo vệ của vaccine không phải là tuyệt đối nên Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật (CDC) vẫn khuyến cáo người dân tiếp tục đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách xã hội sau khi được tiêm phòng tại những vùng dịch đang lưu hành.
Thách thức từ những biến chủng mới của coronavirus
Những biến chủng mới của coronavirus đã trở nên đáng chú ý trong những tháng gần đây, và những nghiên cứu mới nhất cho thấy vaccine trở nên kém hiệu quả hơn đối với một số biến thể nhất định, như biến thể B1351 được phát hiện lần đầu tiên tại Nam Phi.
Sau mỗi lần virus SARS-CoV-2 tái tạo trong tế bào người, chúng sẽ phát sinh những đột biến mới. Các nhà khoa học đã phát hiện ra những biến thể khiến virus dễ lây nhiễm hơn (nghĩa là một người chỉ cần hít phải số lượng virus ít hơn đã có thể nhiễm bệnh) và những biến thể khiến virus dễ lan truyền hơn (nghĩa là tăng số lượng virus mà một người có thể phát tán ra môi trường). Các nghiên cứu cũng tìm thấy ít nhất là một biến chủng virus mới có khả năng “lẩn trốn” khỏi hệ miễn dịch của con người.
Những khám phá này có liên quan gì đến vaccine?
Lấy ví dụ đối với biến chủng Nam Phi, vaccine vẫn có hiệu quả trên 85% trong việc ngăn ngừa mắc COVID-19 mức độ nặng. Nhưng nếu tính cả những ca mắc bệnh ở mức độ nhẹ và vừa thì hiệu quả tốt nhất của vaccine cũng chỉ đạt 50-60%. Điều đó có nghĩa là ít nhất 40% người được tiêm phòng vẫn sẽ có những triệu chứng đủ rõ rệt của bệnh, và chứa một lượng virus đủ lớn trong cơ thể để có thể truyền bệnh.
Nếu mọi thứ diễn biến theo kịch bản tốt đẹp, vaccine sẽ nhanh chóng làm giảm tỷ lệ mắc bệnh nặng và tỉ lệ tử vong do COVID-19 trên toàn thế giới. Cụ thể hơn, bất cứ loại vaccine nào làm giảm nguy cơ mắc bệnh nặng trên cấp độ quần thể dân cư cũng phải làm giảm số lượng virus lan truyền về tổng thể. Tuy nhiên sự xuất hiện của các biến chủng virus mới khiến cho ngay cả những người đã được tiêm chủng vẫn có thể phát tán và lan truyền coronavirus cho những người khác. Điều này có nghĩa là sẽ mất nhiều thời gian hơn để vaccine làm giảm chuỗi lây nhiễm và đạt được trạng thái miễn dịch cộng đồng hiệu quả.
♥ Đọc thêm: Tại sao virus SARS-CoV-2 lại lây nhiễm dễ dàng như vậy?
Nguồn: MDLinx