Những cơn khó thở ngắn, thở khò khè, ho… đủ để quấy rầy bạn trong suốt một ngày, và đặc biệt việc thức giấc giữa các cơn ho hay không thể thở được trong đêm là điều vô cùng đáng lo ngại. Thật không may có khoảng 30-70% số người mắc bệnh hen suyễn có triệu chứng khó thở về đêm hoặc là những triệu chứng khác tồi tệ hơn.
Mục lục
Những yếu tố gây khởi phát cơn khó thở về đêm và nguyên nhân
Tiếp xúc với dị nguyên
Côn trùng, lông thú cưng, bụi mạt … Chúng đều tìm thấy ở trong phòng ngủ và tất cả trong số đó đều là tác nhân của những cơn hen suyễn.
Bạn chắc chắn sẽ phải dành ra 6-9 giờ đồng hồ ở trong phòng ngủ, đó là khoảng thời gian khá dài để bạn tiếp xúc với những dị nguyên này. Một vài người thì trải qua quá trình phản ứng dị ứng chậm vào buổi tối. Không hiếm những người có phản ứng dị ứng chậm từ 3-8 tiếng sau khi tiếp xúc với chất gây dị ứng. Ví dụ nếu bạn có tiếp xúc với phấn hoa khi bạn bị dị ứng với nó bạn có thể bị khó thở hay thở khò khè khi cố gắng đi vào giấc ngủ.
♥ Đọc thêm: 13 tác hại của ô nhiễm không khí với sức khỏe con người
Tư thế nằm ngửa và trào ngược dịch axit dạ dày
Khi ở tư thế nằm ngửa, dịch vị dạ dày sẽ dễ dàng trào lên trên thực quản, đó là ống dẫn nối giữa miệng và dạ dày. Thay vì nuốt lại hết những dịch tiết đó thì một phần chúng có thể trào vào khí quản kích thích phản xạ ho. Bên cạnh đó dịch axit dạ dày này cũng có thể là nguyên nhân làm co thắt đường dẫn khí, khiến cho việc thở khó khăn hơn.
Dịch mũi họng
Dịch mũi thường sẽ dễ bị tiết ra vào ban đêm. Khi bạn ngủ trên giường phẳng, điều đó dễ dàng làm cho dịch mũi chảy ra cửa mũi sau để đi vào ngực và gây ho. Mặt khác tư thế nằm sẽ làm tích tụ chất lỏng lại trên đường thở và gây hẹp đường thở.
Sự thay đổi chức năng của phổi về đêm
Phổi chúng ta hoạt động khác nhau giữa ban ngày và ban đêm. Phổi thực hiện chức năng của nó tốt nhất vào ban ngày. Đây có lẽ là kết quả của quá trình tiến hóa. Sức cản của đường thở tăng lên gấp đôi vào ban đêm, và tác động rõ ràng hơn ở những người bị hen suyễn.
Thời gian dùng thuốc
Trong nhiều trường hợp, việc sử dụng thuốc hen không đủ liều lượng hoặc không hợp lý về thời gian sẽ khiến thuốc hết tác dụng vào ban đêm, khiến cơn hen suyễn tái phát.
Stress
Một nghiên cứu đã tìm ra mối quan hệ giữa stress và cơn hen suyễn về đêm. Những hormon giải phóng ra từ cơ thể khi bị stress là nguyên nhân khởi phát cơn hen. Một vài nghiên cứu cũng cho rằng khi bị stress có thể gây nên chít hẹp đường thở ở một số ít người mắc bệnh hen suyễn.
Điều trị cơn khó thở về đêm như thế nào?
Nếu như bạn bị thức giấc và lúc nửa đêm vì cơn hen suyễn, thì hãy dùng thuốc giãn phế quản ngay (hãy để nó gần giường ngủ của bạn, đặc biệt với những ai hay có cơn khó thở về đêm).
Hãy nâng cao lưng của bạn ở tư thế nửa nằm nửa ngồi, nó cũng giúp làm giảm khó thở. Uống một cốc nước cũng có thể làm dịu cơn ho.
Nếu bạn thường xuyên bị khó thở về đêm thì hãy báo ngay lại với bác sĩ của bạn để được điều chỉnh lại thời gian uống thuốc cho phù hợp. Bác sĩ điều trị của bạn có thể thay hoặc bổ sung thêm thuốc khi cần. Bệnh hen suyễn của bạn có thể xấu đi bất cứ lúc nào, nếu như bạn có những triệu chứng vào ban đêm, có thể bệnh hen suyễn của bạn đang được kiểm soát không tốt.
Tập thể dục cũng có thể làm giảm bớt những cơn hen suyễn. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc hoạt đông thể chất ít nhất hai lần 1 tuần, trong khoảng khoảng 6-8 tuần sẽ làm giảm bớt triệu chứng khó thở về đêm ở trẻ nhỏ. Việc tập thể dục khoảng 10-12 tuần cũng có thể làm giảm bớt cơn hen suyễn và giúp cải thiện giấc ngủ về đêm ở người trưởng thành.
♥ Đọc thêm: 13 cách giữ cho phổi khỏe mạnh
Nguồn: CNN health