Ung thư vú là một trong những loại ung thư phổ biến nhất thế giới, với khoảng hơn 2 triệu ca mắc mới, và gây ra cái chết cho gần 700.000 người mỗi năm. Có nhiều yếu tố nguy cơ liên quan đến căn bệnh này. Một số yếu tố nguy cơ của ung thư vú mà bạn không thể làm gì để thay đổi được, như yếu tố gen di truyền, tuổi tác, dậy thì sớm hoặc mãn kinh muộn … Tuy nhiên, rất nhiều yếu tố nguy cơ liên quan đến lối sống của bạn có thể được kiểm soát được. Hãy cùng tìm hiểu và tạo lập cho mình một lối sống lành mạnh nhằm giảm thiểu nguy cơ mắc ung thư vú nhé.
Yếu tố nguy cơ của một bệnh nào đó là bất cứ điều gì làm tăng khả năng mắc bệnh của bạn. Tuy nhiên có một yếu tố nguy cơ, hay thậm chí là nhiều yếu tố nguy cơ cùng một lúc cũng không đồng nghĩa với việc bạn chắc chắn sẽ mắc bệnh.
Mục lục
Uống rượu
Tiêu thụ rượu có mối liên quan rõ ràng với ung thư vú. Lượng rượu sử dụng càng nhiều thì nguy cơ càng tăng. Phụ nữ uống một ly rượu mỗi ngày thì nguy cơ mắc ung thư vú tăng khoảng 7-10% so với những người không uống. Tuy nhiên nếu uống từ hai đến ba ly mỗi ngày thì nguy cơ này tăng lên 20%. Ngoài ra, rượu cũng là yếu tố nguy cơ gây nên nhiều loại ung thư khác.
Tốt nhất là không nên uống rượu thường xuyên. Với những ai đã uống, hãy giới hạn không quá 1 ly mỗi ngày.
♥ Đọc thêm: [Infographic] Tác hại của rượu đối với cơ thể
Thừa cân, béo phì
Thừa cân và béo phì sau khi mãn kinh làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú. Trước khi mãn kinh, buồng trứng của bạn là nơi “chế tạo” phần lớn nội tiết tố Estrogen cho cơ thể, còn mô mỡ chỉ tạo ra một lượng nhỏ Estrogen. Sau khi mãn kinh, buồng trứng ngừng hoạt động, Estrogen chỉ còn được tạo ra từ mô mỡ của cơ thể. Quá nhiều mỡ sẽ khiến nồng độ Estrogen trở nên “dư thừa” và điều này làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú. Mặt khác, phụ nư thừa cân béo phì thường có lượng insulin trong máu cao. Nồng độ cao insulin đã được nhiều nghiên cứu chứng minh là có mối liên hệ với một số loại ung thư, trong đó có ung thư vú.
Chưa hết, mối liên hệ giữa cân nặng và nguy cơ ung thư vú khá là phức tạp.
Ví dụ, nguy cơ mắc ung thư vú là cao hơn đối với những phụ nữ tăng cân sau khi mãn kinh. Tuy nhiên, trước khi mãn kinh thì những phụ nữ thừa cân béo phì lại có nguy cơ mắc bệnh thấp hơn. Nguyên nhân của điều này hiện còn chưa được giải thích rõ ràng.
Cân nặng cũng ảnh hưởng khác nhau đến những loại ung thư vú khác nhau. Ví dụ thừa cân sau mãn kinh có mối liên hệ mạnh mẽ với ung thư vú dương tính thụ thể hormon, trong khi thừa cân trước khi mãn kinh lại làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú bộ ba âm tính – một type ít gặp của ung thư vú.
Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ khuyến cáo hãy giữ cân nặng lý tưởng của bạn bằng cách cân bằng chế độ ăn và chăm chỉ luyện tập thể chất.
♥ Đọc thêm: 7 thứ có thể bạn không ngờ là nguyên nhân gây ung thư
Không vận động thể chất
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy hoạt động thể chất thường xuyên làm giảm nguy cơ mắc ung thư vú, đặc biệt là với phụ nữ sau mãn kinh. Câu hỏi đặt ra là luyện tập bao nhiêu là đủ? Một số nghiên cứu cho thấy thậm chí chỉ cần 2 giờ luyện tập mỗi tuần đã có thể giúp ích, mặc dù vậy luyện tập nhiều hơn vẫn sẽ tốt hơn!
Nguyên nhân chính xác vì sao luyện tập thể lực làm giảm nguy cơ mắc ung thư vú hiện vẫn chưa rõ ràng, có thể là do tác động tích cực của nó đối với cân nặng cơ thể, nồng độ hormon, tình trạng viêm nhiễm và cân bằng năng lượng.
Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ khuyến cáo người trưởng thành nên luyện tập từ 150-300 phút với cường độ trung bình hoặc 75 đến 150 phút với cường độ mạnh mỗi tuần (hoặc kết hợp cả hai). Tiến sát đến hoặc vượt quá giới hạn 300 phút là lý tưởng nhất.
Không sinh con
Phụ nữ không sinh đẻ hoặc sinh con đầu tiên sau tuổi 30 có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn một chút về tổng thể. Mang thai nhiều lần và mang thai sớm hơn 30 tuổi là những yếu tố làm giảm nguy cơ ung thư vú.
Ảnh hưởng của việc mang thai và sinh con đối với ung thư vú cũng khá phức tạp. Ví dụ, nguy cơ ung thư vú là cao hơn trong 10 năm đầu tiên sau khi sinh con, đặc biệt là với type ung thư vú âm tính với thụ thể hormon (bao gồm cả loại hiếm gặp là ung thư vú bộ ba âm tính), sau đó nguy cơ mắc bệnh lại giảm dần.
Không cho con bú
Hầu hết các nghiên cứu cho thấy việc cho con bú làm giảm nhẹ nguy cơ ung thư vú, đặc biệt là nếu bạn cho con bú trong vòng một năm hoặc lâu hơn. Hiệu ứng này có thể được lý giải là do cho con bú làm giảm tổng số vòng kinh trong đời người phụ nữ (tương tự với việc bạn bắt đầu hành kinh muộn hơn và mãn kinh sớm hơn).
Các biện pháp tránh thai
Một số biện pháp kiểm soát sinh sản sử dụng hormon sẽ làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú.
Viên uống tránh thai: hầu hết các nghiên cứu đều kết luận phụ nữ sử dụng viên uống tránh thai thường xuyên có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn so với những người chưa bao giờ dùng. Sau khi ngừng uống thuốc, mất khoảng 10 năm để nguy cơ giảm xuống về mức bình thường.
Tiêm ngừa thai: Depo-Provera là một dạng hormon progesteron dùng đường tiêm với tần suất 3 tháng một lần để ngừa thai. Một số nghiên cứu cho thấy phụ nữ đang dùng biện pháp này có nguy cơ ung thư vú cao hơn, tuy nhiên một số nghiên cứu khác lại cho kết quả là tiêm ngừa thai không làm tăng khả năng ung thư vú. Do đó chúng ta sẽ phải chờ đợi những nghiên cứu lớn hơn để làm sáng tỏ vấn đề này.
Que cấy tránh thai, dụng cụ tử cung (IUDs) giải phóng hormon, miếng dán tránh thai, vòng âm đạo: những phương pháp tránh thai này cũng sử dụng hormon nên về mặt lý thuyết đều có thể thúc đẩy sự phát triển của ung thư vú. Tuy nhiên các bằng chứng vẫn chưa đủ mạnh để có thể khẳng định rõ ràng nguy cơ của chúng.
Liệu pháp hormon thay thế sau khi mãn kinh
Liệu pháp hormon sử dụng Estrogen (thường kết hợp thêm với Progesteron) đã được sử dụng trong nhiều năm để giúp cải thiện các triệu chứng khó chịu cho phụ nữ thời kì mãn kinh, và ngăn ngừa chứng loãng xương. Liệu pháp này có nhiều cái tên như liệu pháp hormon sau mãn kinh (PHT), liệu pháp hormon thay thế (HRT), hay liệu pháp hormon mãn kinh (MHT).
Liệu pháp này có 2 dạng chính. Đối với những phụ nữ vẫn còn tử cung, bác sĩ thường kê Estrogen và Progesteron kết hợp (nên còn gọi là liệu pháp hormon kết hợp). Sở dĩ như vậy là bởi nếu chỉ dùng đơn độc Estrogen sẽ làm tăng nguy cơ ung thư tử cung. Đối với những phụ nữ đã phẫu thuật cắt tử cung, có thể chỉ cần dùng Estrogen đơn thuần (gọi là liệu pháp Estrogen thay thế).
Liệu pháp hormon kết hợp
Sử dụng liệu pháp hormon kết hợp sẽ làm tăng nguy cơ ung thư vú. Nguy cơ thường bắt đầu tăng sau khi dùng thuốc được 4 năm, và giảm xuống ngưỡng bình thường trong vòng 5 năm kể từ ngừng điều trị.
Ngoài ra, liệu pháp hormon kết hợp còn có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch, cục máu đông, hay đột quỵ. Ngược lại, chúng làm giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng và loãng xương, nhưng điều này cần được cân nhắc với những tác hại mà nó có thể gây ra, đặc biệt là khi có những cách khác để phòng chống loãng xương và tầm soát ung thư đại tràng hiệu quả.
Liệu pháp hormon “sinh học”
Từ “sinh học” đôi khi được sử dụng để chỉ những loại thuốc nội tiết mà phân tử của chúng có cấu trúc giống với hormon tự nhiên của con người. Việc sử dụng các loại hormon này được quảng cáo như một cách an toàn để điều trị các triệu chứng của thời kì mãn kinh. Tuy nhiên chưa có nhiều nghiên cứu để so sánh giữa hormon “sinh học” (hay hormon “tự nhiên”) với hormon “tổng hợp” nên chưa có bằng chứng nào để nói rằng chúng an toàn hơn hay hiệu quả hơn. Cho tới khi có những nghiên cứu đáng tin cậy thì hormon sinh học nên được coi là có cùng nguy cơ gây ung thư vú với bất kì liệu pháp hormon nào khác.
Liệu pháp Estrogen thay thế (ET)
Các nghiên cứu về liệu pháp sử dụng Estrogen đơn độc cho kết quả trái ngược, một số cho thấy chúng làm tăng nguy cơ ung thư vú (nhưng với tỉ lệ không nhiều), một số thì không. Ngoài ra ET còn làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Phụ nữ bước vào giai đoạn mãn kinh nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa trước khi quyết định có sử dụng liệu pháp hormon thay thế hay không. Cần phải nhận thức rõ lợi ích cũng như rủi ro gặp phải để quyết định bạn sẽ ưu tiên điều gì hơn.
Nếu sử dụng liệu pháp hormon thay thế, bạn nên dùng với liều thấp nhất có thể (mà vẫn đảm bảo hiệu quả cải thiện triệu chứng mãn kinh), và trong thời gian ngắn nhất có thể.
Nâng ngực thẩm mĩ
Cấy ghép ngực thẩm mĩ không có mối liên hệ rõ ràng với sự gia tăng của hầu hết các loại ung thư vú. Tuy nhiên chúng lại có mối liên hệ với một dạng hiếm của Bệnh ung thư hạch non-Hodgkin gọi là ung thư hạch tế bào lớn sau phẫu thuật cấy ghép vú (viết tắt là BIA-ALCL), thường được hình thành trong mô xơ sẹo bao quanh vật liệu cấy ghép (túi silicone, túi nước biển…). Loại ung thư này thường xảy ra ở trên các vật liệu cấy ghép có bề mặt gồ ghề hơn là loại có bề mặt trơn nhẵn. Triệu chứng của BIA-ALCL là xuất hiện một khối u ở vú, hoặc một vùng tụ dịch, sưng nề, đau ở gần vùng cấy ghép, hoặc vú thay đổi về hình dạng và kích cỡ.
♥ Đọc thêm: Ung thư vú, những điều cần biết
Nguồn: American Cancer Society