20 C
Hanoi
Chủ Nhật, Tháng mười một 3, 2024

Sinh thiết vú là gì? Tại sao và làm như thế nào?

- Advertisement -

   Khi bạn đi khám và bác sĩ phát hiện ra các triệu chứng nghi ngờ ung thư vú, hoặc các xét nghiệm, thăm khám chẩn đoán hình ảnh cho thấy những dấu hiệu ác tính của vú, bạn sẽ cần phải làm sinh thiết vú.

   Sinh thiết vú là những thủ thuật hoặc phẫu thuật nhằm lấy các tế bào hoặc mảnh tổ chức ở vùng nhu mô vú tổn thương ra khỏi cơ thể để các bác sĩ giải phẫu bệnh xem xét liệu có sự hiện diện của các tế bào ung thư ở đó không. Quá trình này thường mất một vài ngày để hoàn thành.

Hình ảnh các tế bào ung thư vú thể ống tuyến xâm nhập
Hình ảnh các tế bào ung thư vú thể ống tuyến xâm nhập từ mẫu mô sinh thiết vú

Tại sao cần phải sinh thiết vú ?

   Nhiều người thường e ngại khi phải thực hiện một thủ thuật cần phải chọc kim vào người, hoặc thậm chí là phải thực hiện cả một cuộc mổ. Do đó họ đặt ra câu hỏi về mức độ cần thiết của sinh thiết vú.

- Advertisement -

   Có ba lí do khiến sinh thiết vú là cần thiết.

   Thứ nhất, y học hiện đại luôn dựa vào các bằng chứng xác đáng để chẩn đoán và điều trị. Các thăm khám khác dù có hiện đại đến đâu cũng chỉ cho những hình ảnh gián tiếp của ung thư. Việc tìm thấy các tế bào ác tính trực tiếp từ tổn thương luôn là tiêu chuẩn “vàng” cho mọi chẩn đoán ung thư vú.

   Thứ hai, các thăm khám lâm sàng, xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh nhiều khi có thể bỏ qua hoặc nhầm lẫn giữa các tổn thương ác tính và lành tính. Chẳng hạn một tổn thương xơ hóa sau khi điều trị áp-xe vú có thể trông rất giống ung thư trên siêu âm, hoặc một nhân vú ác tính trong giai đoạn đầu có thể không khác gì một nhân xơ tuyến lành tính. Do sự “thật giả lẫn lộn” như vậy mà sinh thiết vú trở nên cần thiết và là giải pháp có thể trả lời tận gốc mối nghi ngờ của bác sĩ cũng như người bệnh.

   Thứ ba, sinh thiết không chỉ có giá trị trong chẩn đoán ung thư vú, nó còn có vai trò quan trọng trong điều trị ung thư nữa. Sinh thiết cho chúng ta biết được hiện trạng của tổn thương ung thư: tế bào ung thư vẫn còn nằm tại chỗ hay đã lan rộng ra mô xung quanh, chúng đã di căn đến hạch bạch huyết chưa ? Qua đó bác sĩ sẽ đánh giá giai đoạn của ung thư vú và đưa ra phương án điều trị phù hợp với từng giai đoạn.

♥ Đọc thêm: Ung thư vú, những điều cần biết

Có những kiểu sinh thiết vú nào?

Sinh thiết bằng chọc hút tế bào kim nhỏ (FNA)

   Đây là loại sinh thiết đơn giản nhất và dễ thực hiện nhất, thường được áp dụng trong thăm khám sàng lọc ung thư vú và để tìm tế bào ung thư trong các hạch bạch huyết lân cận.

   Bác sĩ sẽ sử dụng một cây kim có đường kính nhỏ, gắn vào bơm tiêm để hút một lượng nhỏ mô hoặc chất lỏng từ tổn thương nghi ngờ ở vú. Trong đa số các trường hợp thủ thuật này sẽ không cần gây tê do nó không khác mấy so với một mũi tiêm thông thường. Những người sợ đau có thể được gây tê bề mặt da nơi chọc kim.

Chọc hút tế bào bằng kim nhỏ FNA

   Mẫu tế bào sau đó sẽ được gửi đến bác sĩ giải phẫu bệnh để tìm kiếm tế bào ung thư.

   Nếu khối u vú rõ ràng và có thể sờ thấy, bác sĩ sinh thiết có thể định vị chính xác mũi kim của mình vào đúng khối u. Tuy nhiên, với những u kích thước nhỏ, nằm sâu, bác sĩ có thể sẽ phải dùng đến máy siêu âm để định vị cho mũi kim đi vào đúng khối u. Kĩ thuật này được gọi là Sinh thiết dưới hướng dẫn của siêu âm (ultrasound-guided biopsy).

Sinh thiết vú dưới hướng dẫn của siêu âm
Sinh thiết vú dưới hướng dẫn của siêu âm., với hình ảnh kim sinh thiết (mũi tên trắng) đang chọc vào nhân vú.

   Nhược điểm của FNA là đôi khi nếu kim sinh thiết không đi vào đúng vùng có tế bào ung thư (trong một khối u có thể có những vùng chứa tế bào lành tính và vùng chứa tế bào ác tính) thì kết quả trả về sẽ sai lệch. Điều này được gọi là “âm tính giả”.

   Nếu kết quả FNA không đưa ra được một chẩn đoán rõ ràng, hoặc bác sĩ vẫn còn nghi ngại, bạn có thể sẽ được làm FNA lần thứ hai, hoặc áp dụng một phương pháp sinh thiết khác.

Sinh thiết kim lõi (CNB)

   Phương pháp này thường được dùng để chẩn đoán ung thư vú tại các trung tâm ung bướu. Bác sĩ sẽ sử dụng một kim sinh thiết chuyên dụng, có đường kính lớn hơn kim làm FNA để lấy được cả một mảnh nhu mô vú ở vị trí nghi ngờ. Mảnh nhu mô được lấy ra này có hình trụ nằm ở khoảng giữa khối u, giống như lấy ra một cái lõi táo. Thông thường để tránh âm tính giả, bác sĩ sẽ lấy nhiều “cái lõi” ở nhiều vị trị trong khối u.

Sinh thiết lõi khối u vú
Mô tả cách kim sinh thiết lõi lấy mẫu mô của khối u vú

   Siêu âm cũng có thể được sử dụng trong CNB để hướng dẫn bác sĩ chọc kim chính xác. Mảnh sinh thiết sau đó được bảo quản trong dung dịch cố định và gửi đến bác sĩ giải phẫu bệnh.

   Với sự tiến bộ của công nghệ, ngoài sinh thiết lõi tiêu chuẩn, hiện nay còn có thêm hai loại sinh thiết lõi khác đó là:

Sinh thiết kim lõi lập thể (SCNB)

   Trong thủ thuật này, bác sĩ sẽ sử dụng hình ảnh X-quang vú trên nhiều bình diện khác nhau để xác định chính xác vị trí cần sinh thiết. Một máy tính sẽ hỗ trợ dựng hình ảnh 3D của vú và chỉ ra vị trí kim cần phải đi vào. Loại sinh thiết này thường được sử dụng để lấy mẫu ở những vị trí có vi vôi hóa (một dấu hiệu chỉ điểm của mô ung thư), hoặc những khối u nhỏ, ở vị trí khó mà không thể quan sát trên siêu âm.

Máy sinh thiết vú lập thể
Hệ thống máy sinh thiết vú lập thể

Sinh thiết lõi bằng hút chân không (VBA)

   Kĩ thuật này sẽ đưa một kim chuyên dụng có gắn lưỡi dao nhỏ ở đầu vào tổn thương nghi ngờ của vú. Bác sĩ có thể sẽ rạch một đường nhỏ trên da trước khi đưa kim vào dưới hướng dẫn của các phương tiện chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, cộng hưởng từ. Khi kim đã nằm trong khối u, lưỡi dao sẽ quay và cắt vào mô như một “máy cắt cỏ”, ở đầu kia, một thiết bị sẽ tạo ra vùng chân không hút tổ chức của khối u vào kim. Kĩ thuật này lấy được nhiều mẫu mô hơn so với sinh thiết lõi tiêu chuẩn.

   Ngoài ra, VBA còn được sử dụng như một biện pháp điều trị các nhân vú lành tính, giúp người bệnh tránh được một cuộc phẫu thuật.

   Quy trình thực hiện sinh thiết vú chân không được mô tả trong video dưới đây:

Sinh thiết bằng phẫu thuật

   Hầu hết các trường hợp ung thư vú có thể được chẩn đoán nhờ sinh thiết bằng kim (FNA hoặc CNB). Trong số ít trường hợp, bác sĩ sẽ phải tiến hành mổ mở để lấy được tổ chức của mô vú bị tổn thương làm giải phẫu bệnh. Có hai loại sinh thiết bằng phẫu thuật:

Sinh thiết một phần: bác sĩ chỉ lấy một phần của khối u, đủ để phục vụ chẩn đoán.

Sinh thiết toàn bộ: Bác sĩ lấy bỏ toàn bộ khối u hoặc tổn thương nghi ngờ. Thông thường, ngoài việc lấy bỏ khối u, bác sĩ phẫu thuật cũng sẽ lấy bỏ cả một phần mô lành xung quanh u.

Sinh thiết hạch bạch huyết

   Hạch bạch huyết là cấu trúc rất quan trọng tham gia vào quá trình lan tràn của ung thư vú. Tìm kiếm tế bào ung thư trong hạch bạch huyết nhằm chẩn đoán giai đoạn của ung thư và phục vụ điều trị.

   Sinh thiết hạch bạch huyết có thể được tiến hành cũng thời điểm với sinh thiết khối u ở vú, hoặc trong quá trình phẫu thuật u vú (sinh thiết tức thời).

   Để lấy mẫu mô của hạch, người ta thường dùnng phương pháp chọc hút tế bào kim nhỏ hoặc mổ mở lấy hạch.

Phẫu thuật cắt bỏ khối u vú và hạch cảnh giới

Sinh thiết vú có biến chứng gì không ?

   Sinh thiết vú là một thủ thuật tương đối an toàn, hầu như không gây ra những biến chứng trực tiếp nguy hiểm đến tính mạng hay ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe.

   Nếu phải gây tê/gây mê, người bệnh có thể gặp rủi ro về dị ứng thuốc tê/thuốc mê.

   Một số biến chứng tại chỗ có thể gặp như đau và bầm tím tại nơi chọc kim, chảy máu kéo dài (do cắt vào vị trí có mạch máu), hoặc nhiễm khuẩn (do vô trùng không tốt). Các biến chứng này đều có thể được điều trị triệt để.

Kết quả của sinh thiết vú sẽ như thế nào?

   Kết quả sinh thiết vú mà các bác sĩ giải phẫu bệnh trả về có thể rơi vào những trường hợp sau đây:

   Mô tổn thương là bình thường hoặc có những biến đổi lành tính (như nang vú, biến đổi xơ nang của vú, nhân xơ tuyến, hoại tử mỡ …). Đây là kết quả đáng mừng nhất, cho thấy hiện tại bạn không mắc ung thư.

   Mô tổn thương có chứa tế bào ung thư: đây là kết quả khẳng định bạn chắc chắn đã bị ung thư vú, và phải tiến hành điều trị ngay lập tức.

   Mô tổn thương có chứa các bất thường có nguy cơ tiến triển thành ung thư (như tăng sản tuyến vú không điển hình, tăng sản ống tuyến không điển hình …). Đây là trường hợp làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú của bạn trong tương lai. Do đó bạn cần phải tham vấn bác sĩ của mình để có một kế hoạch tầm soát ung thư vú thường xuyên và cẩn trọng hơn, cũng như áp dụng các biện pháp dự phòng nếu cần (dùng thuốc, hoặc phẫu thuật dự phòng).

Phải làm gì nếu kết quả sinh thiết là lành tính nhưng tôi vẫn không yên tâm?

rối loạn tâm thần do ô nhiễm không khí

  Đây là lo lắng của rất nhiều người khi biết mình có khối u vú nhưng kết quả sinh thiết trả về là lành tính. Điều này hoàn toàn có cơ sở do ngay cả sinh thiết cũng có thể gặp những trường hợp âm tính giả như đã phân tích ở đầu bài viết.

   Thậm chí, ngay cả các bác sĩ cũng có thể sẽ lo lắng khi kết quả sinh thiết là lành tính nhưng các thăm khám khác (xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh) cho thấy nguy cơ cao của ung thư.

   Vì vậy đừng ngần ngại trao đổi với bác sĩ khi bạn không yên tâm về kết quả sinh thiết của mình. Bạn hoàn toàn có thể yêu cầu bác sĩ thực hiện thêm một lần sinh thiết khác, hay áp dụng những phương pháp sinh thiết hiện đại hơn.

Giá thành của thủ thuật sinh thiết vú có đắt không?

   Giá thành của sinh thiết vú phụ thuộc vào phương pháp sinh thiết và số lượng mẫu sinh thiết cần phải lấy.

   Một thủ thuật sinh thiết bằng chọc hút kim nhỏ (FNA) có giá thành khoảng vài trăm ngàn đồng. Thủ thuật sinh thiết kim lõi tiêu chuẩn có giá vài triệu đồng. Nhìn chung phương pháp càng hiện đại, hoặc cần nhập viện để thực hiện thì giá thành càng cao.

   Để được tư vấn về sinh thiết vú hoặc đặt lịch khám với bác sĩ, bạn đọc có thể liên hệ tại chuyên mục TƯ VẤN SỨC KHỎE ONLINE.

♥ Đọc thêm: Trí tuệ nhân tạo giúp chấn đoán ung thư vú chính xác hơn

Tài liệu tham khảo:

  1. American Cancer Society
  2. Vinmec.com
  3. Burstein HJ, Harris JR, Morrow M. Ch. 79 – Malignant tumors of the breast. In: DeVita VT, Lawrence TS, Rosenberg SA, eds. DeVita, Hellman, and Rosenberg’s Cancer: Principles and Practice of Oncology. 10th ed. Philadelphia, Pa: Lippincott Williams & Wilkins; 2015.
  4. Wolff AC, Domchek SM, Davidson NE et al. Ch. 91 – Cancer of the Breast. In: Niederhuber JE, Armitage JO, Doroshow JH, Kastan MB, Tepper JE, eds. Abeloff’s Clinical Oncology. 5th ed. Philadelphia, Pa: Elsevier: 2014.
- Advertisement -
Nguyễn Hoàng Sơn
Nguyễn Hoàng Sơnhttps://bshoangson.com/
Bác sĩ chuyên khoa I chuyên ngành Chẩn đoán hình ảnh tại Đại học Y Hà Nội. Hiện đang làm việc tại Hà Nội

ĐỌC THÊM

Nhận thông báo qua Email
Nhận thông báo cho
guest

0 Góp ý
cũ nhất
mới nhất bình chọn nhiều nhất
Phản hồi trích dẫn trong bài viết
Xem tất cả bình luận

CỘNG ĐỒNG Y HỌC THÚ VỊ

6,000FansLike
5,000FollowersFollow
3,500SubscribersSubscribe
- Advertisement -

BÀI MỚI

0
Nếu thích bài viết, hãy để lại bình luận bạn nhé!x