24 C
Hanoi
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Ung thư vú, những điều cần biết

- Advertisement -

Ung thư vú là loại ung thư phổ biến nhất thế giới

   Theo thống kê của Trung tâm quan sát Ung thư Toàn cầu (GCO), đến năm 2020, ung thư vú đã vượt qua ung thư phổi để trở thành loại ung thư phổ biến nhất trên thế giới với hơn 2,2 triệu ca mắc mới mỗi năm. Nếu chỉ tính riêng ở nữ giới, số lượng ca mắc ung thư vú còn lớn hơn tổng số người mắc ba loại ung thư đứng liền sau cộng lại (là ung thư đại trực tràng, ung thư phổi và ung thư cổ tử cung). Số lượng người tử vong do ung thư vú ở nữ cũng đứng hàng đầu trong số các loại ung thư, ước tính có gần 700.000 người chết mỗi năm do căn bệnh này. Điều đáng mừng là những tiến bộ trong tầm soát và điều trị ung thư vú đã giúp làm giảm đáng kể tỉ lệ tử vong do bệnh. Số người được điều trị thành công và sống sót sau ung thư ngày càng gia tăng. Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, nguy cơ tử vong của một bệnh nhân ung thư vú hiện nay là 1/38 (khoảng 2,6%).

Số ca mắc mới ung thư toàn cầu, số liệu 2020

Số ca mắc mới ung thư ở phụ nữ, số liệu 2020

- Advertisement -

   Phát hiện sớm ung thư vú là điều kiện tối quan trọng để có thể điều trị thành công. Thực tế cho thấy phần lớn ca bệnh tử vong là những ca phát hiện ung thư ở giai đoạn muộn, hoặc không được tiếp cận sớm với các phương pháp điều trị đúng đắn. Có nhận thức về mức độ nguy hiểm cũng như các dấu hiệu nghi ngờ ung thư vú, và thăm khám tầm soát ung thư vú định kì là hai yếu tố quan trọng để phát hiện sớm và điều trị triệt để căn bệnh này.

Ung thư vú phát sinh từ đâu?

   Sau tuổi dậy thì, mô vú ở phụ nữ phát triển với cấu trúc bao gồm mô mỡ, tổ chức liên kết cùng hàng ngàn tiểu thùy sữa. Đây là những tuyến tuyến chế tiết sữa ở thời kì cho con bú sau này. Những ống nhỏ gọi là ống tuyến làm nhiệm vụ kết nối và dẫn sữa tập trung về núm vú.

cấu trúc của tuyến vú ở phụ nữ

   Ung thư vú thường bắt đầu khởi phát từ những tế bào biểu mô (lớp lót bên trong) của ống dẫn sữa hoặc của tiểu thùy sữa. Nếu xuất phát từ ống dẫn sữa, ta gọi đó là Ung thư biểu mô ống tuyến, nếu xuất phát từ tiểu thùy sữa, ta gọi chúng là ung thư biểu mô tiểu thùy.

   Ung thư khiến cho các tế bào nhân lên một cách vô độ, vượt qua tầm kiểm soát của cơ thể. Các tế bào ung thư không chết vào thời điểm bình thường trong vòng đời như các tế bào lành khác, nói một cách hình tượng thì các tế bào ung thư  là “bất tử”. Sự sinh sôi quá nhanh của tế bào ung thư làm khối u gia tăng kích thước, đồng thời đòi hỏi một nguồn năng lượng lớn để “nuôi” chúng. Nguồn năng lượng này đương nhiên bị tước đoạt từ những tế bào lành xung quanh. Mặt khác, các tế bào ung thư sinh sôi không ngừng từng bước “lấn chiếm” ra các mô xung quanh, chúng bong ra khỏi khối u và di chuyển đi xa theo dòng máu, hoặc các mạch bạch huyết để đến những cơ quan khác trong cơ thể, dẫn tới di căn.

   Sự tấn công của các tế bào ung thư làm thay đổi các chu trình sống quen thuộc của tế bào và mô, làm đảo lộn hoạt động sinh lý bình thường của các hệ cơ quan, dẫn tới kết cục là cơ thể suy kiệt, nhiễm độc, hậu quả cuối cùng là tử vong.

Triệu chứng của ung thư vú

   Triệu chứng đầu tiên của ung thư vú thường là sự xuất hiện của một vùng mô vú dày lên, hoặc một khối sờ thấy ở vú hoặc nách.

   Các triệu chứng khác bao gồm:

  • Đau ở nách hoặc ở vú mà không thay đổi theo chu kì kinh nguyệt.
  • Đổi màu da (thường là đỏ) hoặc xuất hiện những chấm lỗ rỗ như vỏ quả cam ở một vùng da của vú.
  • Nổi ban xung quanh núm vú.
  • Chảy dịch từ núm vú, dịch này có thể chứa máu.
  • Núm vú tụt.
  • Thay đổi kích thước hoặc hình dạng của vú.
  • Bong tróc, đóng vảy một vùng da ở vú hoặc núm vú.
Triệu chứng của ung thư vú
Các triệu chứng thường gặp của ung thư vú

   Có một tỉ lệ lớn các khối u vú không phải là ung thư. Tuy nhiên, phụ nữ nên đi khám ngay nếu phát hiện thấy một khối bất thường ở vú.

Giai đoạn của ung thư vú

   Các bác sĩ sẽ phân giai đoạn của ung thư vú dựa vào kích thước của khối unơi mà khối u lan đến (như các hạch bạch huyết, cơ, hoặc các tạng khác trong cơ thể).

   Có nhiều cách phân loại giai đoạn khác nhau đối với ung thư vú. Một trong số đó là phân loại ung thư theo các giai đoạn từ 0 đến 4 theo các tiêu chuẩn được nói tới dưới đây (mặc dù vậy vẫn còn những tiêu chuẩn khác có thể ảnh hưởng đến sự phân giai đoạn của ung thư vú):

Giai đoạn 0: Còn gọi là ung thư biểu mô ống tuyến tại chỗ (ductal carcinoma in situ – DCIS). Các tế bào ung thư vẫn giới hạn trong ống tuyến mà chưa xâm lấn ra mô xung quanh.

Giai đoạn 1: Ở giai đoạn này, khối u có kích thước lớn nhất dưới 2cm, chưa ảnh hưởng đến các hạch bạch huyết hoặc chỉ có một số lượng nhỏ tế bào ung thư trong hạch bạch huyết.

Giai đoạn 2: Khối u có kích thước dưới 2cm nhưng đã lan ra các hạch bạch huyết lân cận, hoặc khối u có kích thước từ 2-5cm nhưng chưa xâm lấn hạch bạch huyết.

Giai đoạn 3: Khối u có kích thước dưới 5cm và đã lan sang các nhóm hạch bạch huyết riêng biệt ở nách hoặc ở vú; hoặc khối u có kích thước trên 5cm nhưng mới lan đến một số hạch bạch huyết.

Giai đoạn 4: Ung thư di căn đến những tạng ở xa như xương, gan, não, phổi.

Giai đoạn của ung thư vú

Yếu tố nguy cơ của ung thư vú

   Nguyên nhân chính xác của ung thư vú hiện còn nhiều bàn cãi, nhưng các yếu tố nguy cơ của nó thì đã được chứng minh rõ ràng. Điều đáng mừng là nhiều yếu tố nguy cơ có thể được phòng ngừa chủ động.

Tuổi tác

Nguy cơ ung thư vú tăng lên theo tuổi. Ví dụ: ở lứa tuổi 20, nguy cơ mắc ung thư vú trong vòng 10 năm sau đó vào khoảng 0,06%, rất rất thấp. Tuy nhiên ở những năm 70 tuổi, nguy cơ này tăng lên 3,84%.

Di truyền

   Phụ nữ mang các đột biến trong gen BRCA1BRCA2 có nguy cơ mắc ung thư vú, ung thư buồng trứng cao hơn. Các gen này được thừa hưởng từ cha mẹ.

   Ngoài ra, đột biến trên gen TP53 cũng làm tăng nguy cơ ung thư vú.

   Nếu người thân của chúng ta (cha mẹ, con ruột, anh chị em ruột) bị mắc ung thư vú thì nguy cơ ung thư vú của chúng ta cũng cao hơn.

   Khuyến cáo hiện nay của các Chuyên gia ung thư là Những người mà tiền sử gia đình có thành viên bị mắc ung thư vú, ung thư buồng trứng, vòi trứng hoặc ung thư màng bụng nên làm xét nghiệm di truyền để kiểm tra nguy cơ ung thư vú.

Tiền sử mắc ung thư vú hoặc u vú

   Phụ nữ có tiền sử đã từng mắc ung thư vú (và đã được điều trị khỏi) thì có nguy cơ mắc lại một lần lần nữa cao hơn những người bình thường khác.

   Một số loại u vú không phải là ung thư nhưng có thể tiến triển thành ung thư theo thời gian như tăng sản ống tuyến không điển hình.

Mật độ mô vú

   Phụ nữ có mô vú dày (mô vú có nhiều tổ chức tuyến và tổ chức xơ hơn là mỡ) thường có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn.

   Lưu ý rằng mật độ mô vú không đồng nghĩa với kích thước hay hình dạng của vú.

Nồng độ Estrogen nội sinh

   Estrogen là một nội tiết tố sinh dục có vai trò quan trọng trong việc hình thành chu kì kinh nguyệt, phát triển hệ thống sinh sản và hình thành các đặc điểm riêng biệt của cơ thể người phụ nữ.

   Khoa học đã chứng minh những người có mức độ Estrogen nội sinh cao có thể tăng nguy cơ hình thành ung thư vú. Trường hợp này hay gặp ở những người dậy thì sớm hoặc mãn kinh muộn.

   Ngược lại, trong thời kì cho con bú, đặc biệt là trong 1 năm đầu, phụ nữ dường như ít bị ung thư vú hơn. Điều này có thể được giải thích do sự suy giảm nồng độ Estrogen trong giai đoạn mang thai và cho bú.

Trọng lượng cơ thể

   Phụ nữ thừa cân, béo phì sau khi mãn kinh làm tăng nguy cơ phát triển ung thư vú, nguyên nhân có lẽ cũng do tăng nồng độ Estrogen. Ngoài ra, lượng đường ăn vào quá cao cũng là một yếu tố nguy cơ.

Uống rượu

   Những người thường xuyên uống rượu dường như có nguy cơ phát triển ung thư vú cao hơn. Theo Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ (NCI), các nghiên cứu liên tục cho thấy rằng phụ nữ uống rượu có tỉ lệ mắc ung thư vú cao hơn những phụ nữ không uống. Số lượng rượu “nạp vào” mỗi ngày càng nhiều thì nguy cơ này càng cao.

♥ Đọc thêm: [Infographic] Tác hại của rượu đối với cơ thể

Phơi nhiễm với bức xạ

   Các nguồn bức xạ ion hóa thường gặp như tia X, tia phóng xạ đều là những tác nhân gây ung thư rất mạnh.

   Điều trị tia xạ đối với một loại ung thư khác làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú cho bệnh nhân trong tương lai.

♥ Đọc thêm: Ung thư tuyến giáp, nguy cơ từ những chiếc SmartPhone

Điều trị hormon

   Cũng theo NCI, các nghiên cứu cho thấy sử dụng viên uống tránh thai có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú. Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ ACS cũng cho biết các nghiên cứu đã tìm thấy mối liên quan giữa Liệu pháp hormon thay thế, đặc biệt là Liệu pháp Estrogen – Progesteron với sự gia tăng nguy cơ mắc ung thư vú.

Cấy ghép ngực thẩm mĩ

phẫu thuật nâng ngực

   Một nghiên cứu công bố năm 2003 cho biết những phụ nữ nâng ngực thẩm mĩ có nguy cơ cao hơn mắc ung thư vú so với nhóm bình thường, cũng như nguy cơ tử vong vì bệnh cao hơn.

   Điều này có thể do nguyên nhân vật liệu cấy ghép (túi nước muối, túi silicon) “che dấu” các tổn thương ung thư trong quá trình thăm khám và tầm soát. Cũng có thể chính các vật liệu này kích thích gây ra những thay đổi trong mô vú.

   Tuy nhiên đến năm 2015, một nghiên cứu uy tín khác được công bố trên Tạp chí Phẫu thuật thẩm mỹ cho thấy phẫu thuật cấy ghép ngực không làm tăng nguy cơ ung thư vú. Do vậy, chúng ta vẫn cần các nhà khoa học tiến hành thêm những nghiên cứu rộng lớn hơn nữa để xác nhận tính chính xác của yếu tố nguy cơ này.

♥ Đọc thêm: 7 thứ có thể bạn không ngờ là nguyên nhân gây ung thư

Các loại ung thư vú

Như đã phân tích ở trên, hai type phổ biến nhất của ung thư vú bao gồm:

  • Carcinoma ống tuyến: đây là loại phổ biến nhất, chiếm 80% các trường hợp.
  • Carcinoma tiểu thùy sữa, loại này chiếm 10% các trường hợp.

   Ung thư vú xâm lấn xuất hiện khi các tế bào ung thư phá vỡ cấu trúc bên trong của tiểu thùy sữa hoặc ống tuyến để xâm nhập ra các mô xung quanh. Điều này làm tăng cơ hội ung thư lan tràn ra các vùng khác trong cơ thể.

   Ngược lại, ung thư vú chưa xâm lấn là tình huống các tế bào ung thư được phát hiện khi nó vẫn còn nằm trong tiểu thùy hoặc ống tuyến mà chưa phát triển ra ngoài.

   Ngoài ra còn một số thể đặc biệt của ung thư vú chiếm tỉ lệ nhỏ hơn như:

  • Bệnh Paget của vú
  • Ung thư tổ chức liên kết (Sarcoma) của vú
  • U diệp thể tuyến vú

Chẩn đoán ung thư vú

   Ung thư vú có thể được chẩn đoán tình cờ khi người bệnh đi khám sàng lọc định kì hoặc do người bệnh đi khám sau khi có triệu chứng bất thường ở vú.

   Những phương pháp được dùng để chẩn đoán bao gồm:

Khám lâm sàng

   Các bác sĩ ung bướu có kinh nghiệm sẽ khám vú của người bệnh để đánh giá về hình thái và các đặc điểm của khối u, từ đó đưa ra những thăm khám cận lâm sàng bổ sung.

   Bác sĩ cũng sẽ khám để tìm và đánh giá sự xuất hiện của các hạch bạch huyết ở nách, cổ, ngực (nếu có).

   Khám lâm sàng là một trong hai phương pháp dùng để tầm soát ung thư vú theo khuyến cáo của WHO.

Chẩn đoán hình ảnh

   Chụp nhũ ảnh (X-quang vú hay Mammogram): Đây là phương pháp tầm soát ung thư vú thứ hai đươc WHO khuyến cáo. Sử dụng một máy X-quang chuyên dụng để tạo ảnh X-quang của mô vú, Nhũ ảnh có thể phát hiện ra các tổn thương nghi ngờ ung thư. Nhũ ảnh đặc biệt nhạy với các tổn thương ung thư có chứa vôi.

Chụp nhũ ảnh Mammography

♥ Đọc thêm: Trí tuệ nhân tạo giúp chấn đoán ung thư vú chính xác hơn

   Siêu âm: Siêu âm là phương pháp thăm khám đơn giản và dễ tiếp cận hơn so với chụp Nhũ ảnh. Qua siêu âm có thể phát hiện các tổn thương dạng nốt, khối, phân biệt giữa một khối dạng đặc và khối dạng nang; đánh giá tổn thương có các yếu  tố nghi ngờ ung thư hay không. Ngoài ra siêu âm còn có vai trò “dẫn đường” (hướng dẫn bác sĩ chọc kim) trong thủ thuật sinh thiết u vú.

Hình ảnh siêu âm của ung thư vú
Hình ảnh siêu âm của ung thư vú

   Cộng hưởng từ vú: Cộng hưởng từ (MRI) là phương pháp tạo ảnh tiên tiến để nhận định tổn thương ung thư và các bất thường khác của vú với độ nhạy cao. Các bác sĩ thường chỉ định MRI vú sau khi ghi nhận các bất thường bằng khám lâm sàng, Nhũ ảnh hay siêu âm. Đôi khi MRI được dùng như một công cụ để tầm soát ung thư ở những người có nguy cơ cao.

Hình ảnh cộng hưởng từ vú
Hình ảnh cộng hưởng từ vú cho thấy một khối u nghi ngờ ung thư (mũi tên vàng) và một hạch kích thước lớn (mũi tên xanh) ở vú bên phải.

Sinh thiết

   Đây là thủ thuật mà bác sĩ sẽ lấy mẫu mô của tổn thương nghi ngờ và gửi đến phòng xét nghiệm giải phẫu bệnh để phân tích.

   Điều này sẽ cho biết chính xác tổn thương có sự hiện diện của tế bào ung thư hay không. Nếu có, sinh thiết còn giúp xác định loại ung thư, và đánh giá liệu ung thư có nhạy cảm với hormon hay không.

   Ngoài ra, trong quá trình chẩn đoán, bác sĩ cũng sẽ đánh giá giai đoạn của ung thư vú dựa vào các yếu tố:

  • Kích thước của khối u
  • Khối u đã xâm lấn chưa?
  • Khối u đã lan tràn ra các cơ quan khác chưa?

   Chẩn đoán giai đoạn sẽ cho bác sĩ một bức tranh toàn cảnh về người bệnh, hướng điều trị phù hợp với họ cũng như cơ hội phục hồi sau khi điều trị.

♥ Đọc thêm: Sinh thiết vú là gì? Tại sao và làm như thế nào?

Điều trị ung thư vú

   Các phương pháp điều trị ung thư vú hiện nay rất đa dạng. Thông thường, người bệnh sẽ được kết hợp nhiều phương pháp điều trị với nhau (gọi là điều trị đa mô thức) để tăng hiệu quả và tránh tái phát. Quyết định phương án điều trị đối với bệnh nhân phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:

  • Loại ung thư và giai đoạn của ung thư
  • Mức độ nhạy cảm với hormon của khối u
  • Tuổi tác, sức khỏe tổng thể và ý muốn của người bệnh

   Các phương pháp điều trị chủ yếu bao gồm:

  • Phẫu thuật
  • Xạ trị
  • Hóa trị liệu
  • Liệu pháp đích
  • Trị liệu hormon

Phẫu thuật

   Có nhiều kiểu phẫu thuật đối với ung thư vú, tùy thuộc vào chẩn đoán cũng như lựa chọn của bệnh nhân. Chúng bao gồm:

Phẫu thuật cắt bỏ khối u (Lumpectomy): Chỉ cắt bỏ khối u cùng một phần nhỏ mô vú lành xung quanh. Đây là lựa chọn khi kích thước khối u còn nhỏ, chưa xâm lấn.

Phẫu thuật cắt bỏ vú (Mastectomy): Một phẫu thuật cắt bỏ vú đơn giản bao gồm lấy bỏ toàn bộ các tiểu thùy, ống tuyến, mô mỡ, núm vú cùng một phần da tương ứng. Trong các trường hợp phức tạp hơn, bác sĩ có thể lấy bỏ các hạch bạch huyết cũng như cơ ở thành ngực.

Sinh thiết hạch cảnh giới

   Hạch cảnh giới (Sentinel node) là những hạch bạch huyết có vai trò như “người lính gác”, là chốt chặn đầu tiên mà các tế bào ung thư từ khối u nguyên phát lan đến. Trong điều trị ung thư vú, các bác sĩ phẫu thuật thường tìm kiếm các hạch cảnh giới, cắt bỏ chúng và tiến hành sinh thiết tại chỗ để xem tế bào ung thư đã lan đến đây chưa? Nếu hạch cảnh giới không chứa tế bào ung thư thì khả năng rất cao là những hạch khác sẽ không có, nghĩa là ung thư chưa di căn ra khỏi mô vú, do đó bệnh nhân sẽ không phải chịu đựng cuộc môt nạo vét hạch nách triệt để, vốn để lại nhiều di chứng khó chịu sau này.

Phẫu thuật cắt bỏ khối u vú và hạch cảnh giới

Nạo vét hạch nách

   Nếu ghi nhận có sự hiện diện của tế bào ung thư ở hạch cảnh giới, các bác sĩ sẽ tiến hành nạo vét toàn bộ hạch ở nách bên tổn thương nhằm ngăn chặn ung thư lan ra xa hơn.

Phẫu thuật tái tạo

   Theo sau phẫu thuật cắt bỏ vú, các bác sĩ tạo hình sẽ sử dụng mô mỡ ở các bộ phận khác của cơ thể hoặc vật liệu nhân tạo để phục hồi lại mô vú trông giống với tự nhiên nhất có thể. Điều này giúp bệnh nhân tránh được những ảnh hưởng về tâm lý sau khi phẫu thuật cắt bỏ vú.

Xạ trị

   Xạ trị thường được tiến hành trong khoảng 1 tháng sau khi phẫu thuật. Tia xạ được nhắm vào vùng mổ nhằm tiêu diệt những tế bào ung thư còn sót lại sau mổ.

♥ Đọc thêm: Xạ trị ung thư, những điều cần biết

Hóa trị

   Bác sĩ sẽ chỉ định các thuốc hóa chất gây độc tế bào để tiêu diệt các tế bào ung thư nếu như người bệnh có nguy cơ tái phát hoặc di căn cao. Khi một bệnh nhân được dùng hóa trị liệu sau phẫu thuật, người ta gọi đó là “hóa chất bổ trợ”.

   Đôi khi, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân sử dụng hóa chất trước khi phẫu thuật nhằm thu nhỏ kích thước khối u, tạo điều kiện thuận lợi cho phẫu thuật viên cắt bỏ chúng dễ dàng hơn. Kĩ thuật này được gọi là “hóa chất tân bổ trợ”.

♥ Đọc thêm: Hóa chất điều trị ung thư, những điều cần biết

Liệu pháp ức chế thụ thể hormon

   Các bác sĩ sử dụng liệu pháp ức chế thụ thể hormon (gọi tắt là liệu pháp hormon) nhằm ngăn chặn sự quay trở lại của ung thư đối với những cơ địa nhạy cảm với hormon. Liệu pháp hormon được sử dụng để điều trị điều trị ung thư vú dương tính với thụ thể Estrogen (ER) và thụ thể Progesteron (PR).

Thuốc ức chế thụ thể hormon
Cơ chế tác dụng của các thuốc ức chế thụ thể hormon

   Liệu pháp hormon thường được sử dụng sau khi phẫu thuật, nhưng cũng có thể dùng trước phẫu thuật nhằm thu nhỏ kích thước khối u.

   Liệu pháp hormon cũng có thể là lựa chọn duy nhất đối với những bệnh nhân không còn chỉ định phẫu thuật, hóa trị hay xạ trị.

   Các bác sĩ có thể khuyến cáo người bệnh sử dụng liệu pháp hormon kéo dài 5-10 năm sau khi phẫu thuật. Điều trị bằng thuốc ức chế hormon có thể làm ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của phụ nữ.

   Các thuốc ức chế hormon thường được sử dụng bao gồm:

  • Tamoxifen
  • Chất ức chế Aromatese
  • Thuốc ức chế buồng trứng

   Sử dụng các thuốc ức chế nội tiết có thể gây ra những tác dụng không mong muốn như bốc hóa, đổ mồ hôi trộm, rối loạn kinh nguyệt, khô âm đạo. Tamoxifen còn làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, loãng xương và tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung về sau.

Liệu pháp đích

   Là phương pháp điều trị ung thư hiện đại, trong đó các thuốc điều trị được thiết kế để tấn công vào các gen hoặc protein đặc hiệu được tìm thấy ở tế bào ung thư hoặc những tế bào có liên quan đến sự phát triển của ung thư.

   Đa phần các thuốc đích đòi hỏi bệnh nhân phải được xét nghiệm hóa mô miễn dịch hoặc xét nghiệm sinh học phân tử để tìm kiếm các gen hoặc thụ thể phù hợp với thuốc, khi đó thuốc mới phát huy tác dụng.

Liệu pháp đích trong điều trị ung thư vú
Liệu pháp đích trong điều trị ung thư vú

   Một số thuốc đích thường được sử dụng trong điều trị ung thư vú như:

  • Trastuzumab (Herceptin)
  • Lapatinib (Tykerb)
  • Bevacizumab (Avastin)

   Ngoài ra, hiện nay xu hướng điều trị kết hợp giữa liệu pháp đích với liệu pháp hormon đang được chú ý, giúp làm tăng tỷ lệ điều trị thành công, và hạn chế ung thư tái phát.

Tiên lượng của ung thư vú

   Tiên lượng của một bệnh nhân ung thư vú phụ thuộc rất nhiều vào giai đoạn của bệnh khi được phát hiện. Phát hiện càng sớm thì triển vọng điều trị khỏi bệnh càng cao.

   Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, một người được chẩn đoán ung thư vú ở giai đoạn 0 hoặc giai đoạn 1 có tỉ lệ khỏi bệnh và sống sót sau 5 năm lên đến 99%. Nhưng nếu ung thư được phát hiện ở giai đoạn 4, tỉ lệ sống sót sau 5 năm chỉ còn 27%.

   Tầm soát ung thư vú định kì là biện pháp tốt nhất hiện nay để phát hiện sớm ung thư vú.

Giai đoạn0 và 12 và 34
Tỉ lệ sống sau 5 năm99%86%27%

Tầm soát ung thư vú

   Có rất nhiều hướng dẫn khác nhau về khoảng thời gian mà người phụ nữ nên đi khám sàng lọc ung thư.

   Hiệp hội Bác sĩ Hoa Kỳ ACP khuyến cáo phụ nữ trong độ tuổi 40-49 có nguy cơ mắc ung thư vú trung bình nên tham vấn bác sĩ về giá trị cũng như nguy cơ của các thăm khám sàng lọc ung thư.

   Lứa tuổi từ 50-74, phụ nữ có nguy cơ mắc ung thư vú trung bình nên tiến hành sàng lọc mỗi 2 năm một lần. Sau 75 tuổi, bác sĩ chỉ khuyến nghị tiến hành sàng lọc ung thư vú cho những người có khả năng sống thêm được 10 năm trở lên.

   Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ ACS lại khuyến cáo phụ nữ có nguy cơ trung bình từ 40 tuổi trở lên nên tầm soát bằng chụp Nhũ ảnh hàng năm nếu họ muốn và đủ điều kiện. Lứa tuổi từ 45-54 cần được chụp Nhũ ảnh mỗi năm một lần. Phụ nữ trên 55 tuổi có thể giảm tần số chụp Nhũ ảnh xuống còn 2 năm một lần.

   Hiệp hội Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh Hoa Kỳ khuyến cáo phụ nữ từ 40 tuổi cần sàng lọc ung thư vú mỗi năm một lần.

Bác sĩ tư vấn cho bệnh nhân về hóa chất điều trị ung thư

   Dù có nhiều khuyến cáo khác nhau, hầu hết các chuyên gia đều nhất trí rằng từ độ tuổi 40 trở đi, người phụ nữ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ về việc tầm soát ung thư vú.

   Đối với những phụ nữ có nguy cơ cao, các bác sĩ khuyến cáo cần phải theo dõi sát hơn, với tần suất thường xuyên hơn ở một cơ sở y tế Chuyên khoa về ung bướu, đồng thời cân nhắc việc xét nghiệm di truyền và áp dụng các biện pháp điều trị dự phòng (phẫu thuật dự phòng, hoặc điều trị hormon dự phòng).

Tự khám vú tại nhà

   Tự khám vú là phương pháp mà chị em phụ nữ có thể tự thực hiện tại nhà, phương pháp này mặc dù không thể thay thế thăm khám của bác sĩ nhưng vẫn có vai trò nhất định trong phòng ngừa và phát hiện sớm ung thư:

  • Tự khám vú là cách nhận biết sớm các thay đổi bất thường của vú – dù là lành tính hay ác tính, qua đó giúp chúng ta chủ động đi khám sớm để phát hiện bệnh.
  • Tự khám vú cũng là cách tăng cường nhận thức của phụ nữ đối với ung thư vú, cho thấy trách nhiệm của họ với sức khỏe bản thân.

   Hãy học cách tự khám vú tại nhà qua video dưới đây:

   Để đặt câu hỏi về nội dung của bài viết, hoặc về tình trạng của bản thân, hãy để lại comment phía dưới hoặc truy cập tới chuyên mục TƯ VẤN SỨC KHỎE ONLINE

Tài liệu tham khảo:

  1. Global Cancer Observatory
  2. American Cancer Society
  3. Medical News Today
  4. Screening for Breast Cancer in Average-Risk Women: A Guidance Statement From the American College of Physicians
  5. Risk of Developing Breast Cancer
  6. www.cancer.gov
  7. Breast cancer detection and survival among women with cosmetic breast implants: systematic review and meta-analysis of observational studies
  8. Breast implants and the risk of breast cancer: a meta-analysis of cohort studies
  9. New ACP Guidelines Would Result in Thousands of Unnecessary Breast Cancer Deaths
- Advertisement -
Nguyễn Hoàng Sơn
Nguyễn Hoàng Sơnhttps://bshoangson.com/
Bác sĩ chuyên khoa I chuyên ngành Chẩn đoán hình ảnh tại Đại học Y Hà Nội. Hiện đang làm việc tại Hà Nội

ĐỌC THÊM

Nhận thông báo qua Email
Nhận thông báo cho
guest

0 Góp ý
Phản hồi trích dẫn trong bài viết
Xem tất cả bình luận

CỘNG ĐỒNG Y HỌC THÚ VỊ

6,000FansLike
5,000FollowersFollow
3,500SubscribersSubscribe
- Advertisement -

BÀI MỚI

0
Nếu thích bài viết, hãy để lại bình luận bạn nhé!x