27 C
Hanoi
Thứ Bảy, Tháng Tư 20, 2024

Hướng dẫn bổ sung sắt cho bà bầu đúng cách [phần 2] Uống thuốc sắt như thế nào?

- Advertisement -

    Trong Phần 1, chúng ta đã tìm hiểu về vai trò của sắt đối với cơ thể người mẹ khi mang thai, cũng như cách bổ sung các loại thực phầm giàu sắt trong khẩu phần ăn hàng ngày. Trong bài viết tiếp theo này, mình sẽ đề cập đến bệnh lý thiếu máu thiếu sắt và các bổ sung sắt cho bà bầu bằng thuốc và thực phẩm chức năng.

bổ sung sắt cho bà bầu

Tại sao nhất định phải uống thuốc sắt khi mang thai?

   Ở phần 1, chúng ta đã biết rằng tổng lượng sắt một thai phụ cần thêm trong suốt thai kì để đảm bảo sự phát triển bình thường cho thai nhi vào khoảng trên 1000mg. Để dễ hình dung thì lượng sắt này tương đương với việc chúng ta phải ăn khoảng 130kg thịt bò, hoặc 270kg thịt gà. Tất nhiên khó ai có thể “tải” nổi số lượng thực phẩm “khủng” đó để có đủ lượng sắt cần thiết; mặt khác bổ sung sắt bằng thức ăn đòi hỏi chúng ta phải lựa chọn và chế biến thực phẩm kĩ càng, một điều khá là khó thực hiện trong cuộc sống bận rộn hiện nay; hiệu suất hấp thu sắt cũng biến đổi tùy theo loại thức ăn, cách thức chế biến và tình trạng dinh dưỡng của cơ thể. Các nghiên cứu cũng cho thấy hiệu quả của việc bổ sung thực phẩm giàu sắt diễn ra khá muộn, phải đến khoảng tuần thai thứ 32 mới làm thay đổi các chỉ số sinh hóa của cơ thể. Vì những lí do đó, ăn uống khó đáp ứng đủ lượng sắt cần thiết cho mẹ bầu trong cả thai kì. Và uống viên sắt là giải pháp phù hợp trong trường hợp này.

- Advertisement -
Ghi nhớ

Sắt do thức ăn cung cấp thường không đáp ứng được nhu cầu gia tăng trong suốt thời gian mang thai, cho con bú. Vì vậy, bà mẹ có thai cần được bổ sung viên sắt trong thời gian mang thai và ăn các thức ăn giàu sắt trong thời gian nuôi con bằng sữa mẹ.

Hướng dẫn Quốc gia Dinh dưỡng dành cho phụ nữ có thai và bà mẹ cho con bú

Thiếu máu thiếu sắt là gì, dùng xét nghiệm nào để đánh giá?

   Sắt là nguyên tố thiết yếu để tạo hồng cầu. Khi bổ sung không đủ sắt, cơ thể không có nguyên liệu để tồng hợp tế bào máu, dẫn tới thiếu máu. Tổ chức Y tế Thế giới đã định nghĩa: Thiếu máu là tình trạng giảm lượng huyết sắc tố (hemoglobin) và số lượng hồng cầu trong máu ngoại vi dẫn đến thiếu Oxy cung cấp cho các mô tế bào trong cơ thể. Cụ thể, thiếu máu là khi nồng độ Hemoglobin thấp hơn

  • 130 gam/lit ở nam giới
  • 120 gam/lit ở nữ giới
  • 110 gam/lit ở phụ nữ có thai

triệu chứng của bệnh thiếu máu

Dựa vào chỉ số Hemoglobin, người ta còn chia ra các mức độ thiếu máu như sau:

Mức độ thiếu máuNặngTrung bìnhNhẹ
Hemoglobin (g/l)< 7070-99100-109

   Có rất nhiều nguyên nhân gây thiếu máu, như cơ thể bị mất máu quá nhiều, bệnh lý gây tan máu, hay rối loạn quá trình tạo tế bào máu do tủy xương bị ức chế, do các bệnh lý ác tính vv… Thiếu sắt được xếp vào nhóm nguyên nhân thiếu máu do thiếu dinh dưỡng.

   Thiếu sắt là tình trạng thiếu hụt dự trữ sắt trong cơ thể. Thực tế thì thiếu sắt là tình trạng thiếu hụt khoáng chất phổ biến nhất trên thế giới. Thiếu sắt thường là kết quả của việc vắng mặt sắt có giá trị sinh học cao từ khẩu phần ăn, tăng nhu cầu sắt trong thời kỳ có thai, hoặc tình trạng tăng mất máu như bị chảy máu đường tiêu hóa, nhiễm giun móc, hay rong kinh … Khi đó, kho dự trữ sắt trong cơ thể sẽ được huy động và sử dụng đến cạn kiệt. Thiếu sắt thường tiến triển âm thầm trước khi thiếu máu xuất hiện, và gây ra tác hại ngay cả khi chưa có các biểu hiện lâm sàng của thiếu máu.

tiến triển của thiếu máu thiếu sắt
Các giai đoạn tiến triển của thiếu máu thiếu sắt

   Các biểu hiện của thiếu sắt bao gồm:

  • Tóc xơ xác, dễ bị chẻ ngọn, dễ gãy
  • Mất gai lưỡi, lưỡi láng bóng
  • Da khô
  • Móng tay chân lõm, biến dạng, có sọc, dễ gãy

   Để đánh giá sự suy giảm dự trữ sắt trong cơ thể, các bác sĩ thường sử dụng các xét nghiệm định lượng Ferritin huyết thanh (một protein làm nhiệm vụ dự trữ sắt cho cơ thể), Transferrin bão hòa (một protein khác làm nhiệm vụ vận chuyển sắt trong máu) và nồng độ Sắt huyết thanh. Các mức độ thiếu sắt được thể hiện trong bảng dưới đây:

Chỉ sốFerritin (mcg/l)Transferrin bão hòa (%)Sắt huyết thanh (mcg/dl)
Giảm dự trữ sắt<2030115
Thiếu sắt tạo hồng cầu10<15<60
Thiếu máu thiếu sắt<10<15<40
Ghi nhớ

Các xét nghiệm đánh giá thiếu máu thiếu sắt dành cho phụ nữ có thai:
— Tổng phân tích công thức máu
— Ferritin huyết thanh
— Transferrin bão hòa
— Sắt huyết thanh

Cách bổ sung sắt cho bà bầu bằng thuốc và thực phẩm chức năng

Liều bao nhiêu là phù hợp ?

   Các mẹ bầu nếu không có triệu chứng thiếu máu thường ít khi làm xét nghiệm từ trước khi mang thai. Tuy nhiên như đã phân tích ở trên, thiếu sắt có thể xuất hiện trước khi có thiếu máu. Do vậy, mình khuyến cáo các mẹ bầu nên chủ động làm xét nghiệm đánh giá mức độ dự trữ sắt của cơ thể trước khi bắt đầu bổ sung sắt, và nếu được thì trước cả khi có ý định mang thai.

   Nếu xét nghiệm trả về bình thường, mẹ bầu sẽ bổ sung sắt theo liều dự phòng. Khuyến cáo của WHO cho hay liều bổ sung cho bà bầu trong suốt thai kì vào khoảng 30-60 mg sắt nguyên tố mỗi ngày, tùy theo việc bạn có thể điều chỉnh được bữa ăn theo hướng tăng thực phẩm giàu sắt hay không. Nếu khẩu phần ăn giàu sắt, mẹ bầu chỉ cần dùng liều từ 30-40mg sắt nguyên tố/ngày.

Ghi nhớ

Hàm lượng sắt nguyên tố là hàm lượng của chỉ riêng sắt có trong thành phần một hợp chất nào đó. Đây cũng là hàm lượng thường được ghi trên bao bì các thuốc và chế phẩm bổ sung sắt.

   Hãy đọc lại Phần 1 để biết những thực phẩm giàu sắt mà chúng ta có thể dễ dàng bổ sung trong bữa ăn hàng ngày.

   Nếu xét nghiệm cho biết dự trữ sắt của chúng ta đang giảm, hoặc tệ hơn nữa là đang có thiếu máu thiếu sắt, mẹ bầu sẽ cần uống sắt theo liều điều trị.

   Liều điều trị thiếu sắt là 2-3mg /kg cân nặng/ngày. Ví dụ nếu bạn nặng 50kg, liều điều trị sẽ là từ 100-150mg sắt mỗi ngày. Tuy nhiên, mình vẫn khuyên các mẹ bầu bị suy giảm dự trữ sắt nên gặp bác sĩ để được thăm khám kĩ hơn cũng như theo dõi trong quá trình điều trị.

   Một điều quan trọng cần nhớ rằng điều trị thiếu sắt là một quá trình lâu dài. Các nghiên cứu cho thấy sau khi bổ sung sắt khoảng 1 tháng thì các chỉ số huyết học mới bắt đầu có sự cải thiện, và phải mất từ 4-6 tháng thì dự trữ sắt của cơ thể mới được phục hồi lại hoàn toàn. Bởi vậy, mẹ bầu nhất thiết không được nôn nóng, tránh tình trạng uống được một vài tuần đi xét nghiệm máu thấy các chỉ số không cải thiện lại đổi loại thuốc khác, hoặc tự ý tăng liều.

Các lưu ý khi uống viên sắt

bổ sung sắt cho bà bầu

   Thời điểm uống sắt tốt nhất là khi đói bụng do nồng độ axit cao trong dạ dày là yếu tố thuận lợi để hấp thu sắt, nếu không thể uống được khi đói thì cũng nên cách các bữa ăn ít nhất 1 tiếng đồng hồ. Uống thuốc với nhiều nước (để giúp ion sắt hòa tan dễ dàng hơn) và nuốt nguyên viên (không được nhai viên thuốc khi uống). Với các thuốc sắt dạng dung dịch, nên uống bằng ống hút để tránh tác dụng phụ làm đen răng.

   Vitamin C là chất giúp tăng cường hấp thu sắt do tạo môi trường axit tương tự như axit dạ dày. Do đó uống sắt cùng một cốc nước cam, nước chanh là một ý tưởng tuyệt vời !

   Tránh uống trà, cà phê gần thời điểm uống sắt. Mẹ bầu cũng không nên uống các loại vitamin tổng hợp và khoáng chất khác như canxi, magie, kẽm cùng thời điểm với sắt do các chất này sẽ cạnh tranh nhau ở đường tiêu hóa và khiến hiệu suất hấp thu của nhau kém đi.

♥ Đọc thêm: Đừng uống cà phê cùng những loại vitamin này

Tác dụng phụ khi bổ sung sắt cho bà bầu

   Các muối sắt gây ra một số tác dụng phụ, đôi khi gây khó chịu đến mức khiến mẹ bầu … sợ không dám uống.  Tiêu chảytáo bón được ghi nhận ở khoảng 6% thai phụ dùng viên sắt, trong khi có khoảng 6-12% gặp phải buồn nôn, nônkích ứng dạ dày (cảm giác khó chịu như đau vùng thượng vị, cồn cào, ợ nóng …)

   Hầu hết các tác dụng phụ này được cho là do một phần lớn sắt không được hấp thụ sau khi uống và vẫn khu trú trong lòng ruột. Sắt tự do tồn tại trong đường tiêu hóa sẽ là xúc tác sinh ra các gốc tự do và những gốc này kích thích niêm mạc đường tiêu hóa phản ứng lại gây ra những tác dụng không mong muốn kể trên.

   Để hạn chế tình trạng táo bón, nhiều thuốc sắt hiện nay được bổ sung thêm  thành phần inulin hoặc sorbitol là những chất gây nhuận tràng, chống táo bón.

   Tác dụng phụ buồn nôn và nôn có thể khắc phục bằng cách dùng viên sắt trước khi đi ngủ, nếu phản ứng quá mạnh, mẹ bầu nên gặp bác sĩ để được kê các thuốc chống nôn.

Buồn nôn là tác dụng phụ thường gặp khi bổ sung sắt cho bà bầu
Buồn nôn là tác dụng phụ thường gặp khi bổ sung sắt cho bà bầu

   Kích ứng dạ dày thường gặp khi sử dụng các chế phẩm từ sắt sulfat. Trong đa phần các trường hợp, chỉ cần uống sắt sau bữa ăn và uống cùng với nhiều nước là có thể cải thiện được tình trạng này mà không cần dùng các thuốc bảo vệ dạ dày. Nếu tình trạng không thuyên giảm, hãy tham vấn bác sĩ của bạn để đổi một loại thuốc sắt khác.

   Một lưu ý nhỏ nữa là khi uống sắt, phân có thể sậm màu hơn, thậm chí chuyển màu đen. Đây là phản ứng bình thường do lượng sắt không được hấp thu chuyển hóa thành các sản phẩm có màu đen. Cần phân biệt tình trạng này với phân đen do chảy máu trong đường tiêu hóa. Khi đó phân thường nhão và có mùi thối khẳn

Uống nhiều sắt có hại không?

   Bổ sung sắt là hết sức cần thiết cho mẹ bầu. Tuy nhiên cái gì nhiều quá cũng không tốt. Nếu bạn làm dụng thuốc và thực phẩm chức năng chứa sắt, hàm lượng cao của sắt trong cơ thể cũng có thể gây hại không kém gì tình trạng thiếu sắt.

   Ở trạng thái bình thường, có rất ít sắt tự do lưu thông trong dòng máu. Các loại protein, mà quan trọng nhất là Transferrin sẽ “bắt giữ” các phân tử sắt, liên hợp với chúng và ngăn không cho độc tính của sắt phát tác.

   Khi lượng sắt đường ruột hấp thu vào quá nhiều, vượt quá khả năng “bắt giữ” của các phân tử protein, sắt tự do sẽ tăng cao trong máu và gây hại đến tế bào do đặc tính oxy hóa mạnh mẽ của nó.

   Ngộ độc sắt cấp tính thường xảy ra khi sử dụng quá liều thuốc bổ sung sắt. Một liều sắt từ 10-20mg/kg cân nặng đã có thể gây ra các triệu chứng bất lợi, và liều cao hơn 40mg/kg đòi hỏi phải nhập viện ngay.

   Tương tự, việc bổ sung sắt liều cao lặp đi lặp lại cũng gây ra các vấn đề nghiêm trọng cho sức khỏe. Các triệu chứng ban đầu của ngộ độc sắt bao gồm đau vùng dạ dày, buồn nôn và nôn nhiều. Dần dần, lượng sắt dư thừa sẽ tích lũy trong các nội tạng, gây tổn thương cho não, gan, thận, thậm chí đe dọa tử vong.

Gan thường là cơ quan chịu ảnh hưởng nặng nề của tình trạng dư thừa và quá tải sắt
Gan thường là cơ quan chịu ảnh hưởng nặng nề của tình trạng dư thừa và quá tải sắt trong cơ thể

   Đối với những người mắc các hội chứng di truyền khiến cơ thể mất đi khả năng điều tiết hấp thu sắt, việc uống sắt lâu dài sẽ dẫn đến tình trạng quá tải sắt (iron overload), kéo theo hàng loạt vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe như rối loạn nhịp tim, tiểu đường, suy giáp trạng, bệnh lý về gan, suy giảm ham muốn tình dục và vô sinh, trầm cảm …

   Trong Phần 3 của loạt bài bổ sung sắt cho bà bầu đúng cách, mình sẽ phân tích về ưu nhược điểm của các loại thuốc sắt phổ biến trên thị trường hiện nay và cách lựa chọn thuốc phù hợp cho mẹ bầu.

   Chúc các mẹ có một thai kì an toàn và khỏe mạnh !

♥ Đọc thêm: Bổ sung canxi cho bà bầu dựa trên cơ sở khoa học

♥ Đọc thêm: Sàng lọc trước sinh NIPT, thông tin mẹ bầu cần biết

Tài liệu tham khảo

  1. WHO (2011), Hemoglobin concentration for the diagnosis of anemia and assessment of severity.
  2. Hans-Konrad Biesalski and Jürgen G. Erhardt (2007), Diagnosis of
    nutritional anemia – laboratory assessment of iron status. Nutritional
    Anemia, Switzerland: Sight and Life.
  3. Rosalind S. Gibson (2005), Assessment of iron status. Principles of
    Nutritional Assessment – The second edition. Vol. 17, Oxford University
    Press. 443-476.
  4. Bộ Y tế (2017) Hướng dẫn Quốc gia dinh dưỡng cho phụ nữ có thai và bà mẹ cho con bú.
  5. WHO Guidance summary: Daily iron and folic acid supplementation during pregnancy
  6. Nguyễn Thị Diệp Anh (2018) Nghiên cứu một số chỉ số hóa sinh liên quan đến tình trạng dinh dưỡng sắt, vitamin A ở phụ nữ mang thai được bổ sung thực phẩm. Luận án tiến sĩ y học, Đại học Y Hà Nội.
  7. M.R.Raziwala et al (2013), Comparison Study of Oral Iron Preparations Using a Human Intestinal Model. . 81(4): 1123–1139.
- Advertisement -
Nguyễn Hoàng Sơn
Nguyễn Hoàng Sơnhttps://bshoangson.com/
Bác sĩ chuyên khoa I chuyên ngành Chẩn đoán hình ảnh tại Đại học Y Hà Nội. Hiện đang làm việc tại Hà Nội

ĐỌC THÊM

2 COMMENTS

Nhận thông báo qua Email
Nhận thông báo cho
guest

2 Góp ý
cũ nhất
mới nhất bình chọn nhiều nhất
Phản hồi trích dẫn trong bài viết
Xem tất cả bình luận
Uyen

Bác sĩ cho em hỏi hiện em đang mang thai 5 tuần, viên đa sinh tố chứa 14mg sắt, có uống thêm viên sắt, mỗi viên chứa 50mg Fe III hydroxyd polymantose và 30mg Feerrous fumarat. Như em tìm hiểu thì feerrous fumarat chứa 33% sắt nguyên tố, còn Sắt polymantose em không tìm được nguồn quy đổi. Bác sĩ cho em hỏi tổng lượng sắt như vậy có đủ chưa hay cần bổ sung thêm? Em ăn uống bình thường, không ăn quá nhiều thịt, trước đây xét nghiệm có thiếu máu nhẹ. Cảm ơn bs!

CỘNG ĐỒNG Y HỌC THÚ VỊ

6,000FansLike
5,000FollowersFollow
3,500SubscribersSubscribe
- Advertisement -

BÀI MỚI

2
0
Nếu thích bài viết, hãy để lại bình luận bạn nhé!x