Ước tính khoảng 15-25% bệnh nhân mắc COVID-19 nặng có những triệu chứng về thần kinh như đau đầu, lú lẫn, mê sảng, suy giảm ý thức, co giật và đột quỵ não. Khi các triệu chứng thần kinh xuất hiện, các bác sĩ thường chỉ định bệnh nhân thực hiện Điện não đồ, một thăm khám trong đó người ta đặt các điện cực lên đầu bệnh nhân để thăm dò hoạt động điện của não.
Để nghiên cứu xem virus corona chủng mới có tác động như thế nào đến não bộ, các nhà khoa học từ Đại học Y Baylor ở Houston và Đại học Pittsburgh đã phân tích kết quả điện não đồ từ 617 bệnh nhân mắc COVID-19, được báo cáo trong 84 nghiên cứu khác nhau. Tuổi trung bình của những bệnh nhân được làm điện não đồ là 61,3 và 2/3 trong số đó là nam giới.
Các dấu hiệu phổ biến nhất mà nhóm nghiên cứu ghi nhận là sự chậm lại của sóng não và hiện tượng phóng điện bất thường. Mức độ của các bất thường trên hình ảnh điện não tỉ lệ thuận với mức độ nghiêm trọng của bệnh và bệnh lý thần kinh nền mà bệnh nhân đã mắc từ trước đó, chẳng hạn như động kinh.
Có khoảng 1/3 các bất thường sóng não được ghi nhận ở thùy trán. “Chúng ta biết rằng điểm xâm nhập của virus nhiều khả năng nhất là mũi, vì vậy dường như có sự liên hệ giữa thùy trán – vùng não nằm gần mũi nhất, với điểm xâm nhập này” Bác sĩ Zulfi Haneef, trợ lý giáo sư thần kinh học ở Đại học Baylor, một trong hai đồng tác giả của nghiên cứu cho biết.
Phát hiện này gợi ý các nhà nghiên cứu cần thực hiện Điện não đồ trên nhiều bệnh nhân hơn, cũng như áp dụng các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác như chụp Cộng hưởng từ, Cắt lớp vi tính để có cái nhìn sâu hơn về những biến đổi của thùy trán do COVID-19.
Các nhà khoa học cũng nhấn mạnh rằng virus không phải là tác nhân trực tiếp cho mọi tổn thương mà não phải gánh chịu. Ảnh hưởng toàn thân của nhiễm khuẩn, như phản ứng viêm, nồng độ oxy thấp, sự cô đặc máu, và rối loạn nhịp tim đều có thể gây nên những dấu hiệu bất thường trên điện não đồ, và cũng không chỉ xuất ở thùy trán mà còn ở nhiều vùng khác của não.
Các nhà khoa học đã xác nhận hiện tượng “sóng chậm lan tỏa” trong hoạt động điện của toàn bộ não ở gần 70% bệnh nhân được nghiên cứu.
Một số bệnh nhân COVID-19 đã phục hồi báo cáo nhiều vấn đề sức khỏe mà họ gặp phải sau khi ra viện, một trong số đó là hiện tượng “sương mù não” (brain fog), ám chỉ tình trạng nhận thức của người bệnh không trở về như trước khi mắc bệnh.
Theo một nghiên cứu chưa được xuất bản nhưng đã được công bố trên MedRxiv, những cá nhân biết rằng mình nhiễm COVID-19 có kết quả kém hơn trong một bài kiểm tra nhận thức trực tuyến so với những người không mắc bệnh (hoặc ít nhất nghĩ mình không mắc bệnh). Các tác giả ước tính rằng tình trạng nhiễm khuẩn này đã khiến nhận thức trung bình của người bện “già” đi khoảng 10 năm.
Theo các chuyên gia đến từ Trung tâm Truyền thông khoa học ở London, Anh Quốc, nghiên cứu cắt ngang này không chứng tỏ nhiễm khuẩn sẽ gây ra suy giảm nhận thức lâu dài, tuy nhiên nó làm nổi bật lên ảnh hưởng của virus tới não bộ và hệ thần kinh, điều mà các nhà khoa học trước đây vẫn còn tranh cãi.
“Rất nhiều người nghĩ rằng họ bị ốm, rồi họ khỏe lại, và mọi thứ sẽ trở về bình thường. Nhưng có những dấu hiệu cho thấy có thể có những tổn thương kéo dài, chúng tôi đã nghi ngờ và hiện đang tìm kiếm thêm bằng chứng để chứng minh điều đó”.
Tuy nhiên, cũng có những thông tin tích cực, đó là có đến 56,8% những bệnh nhân trong nghiên cứu đã có sự cải thiện trong quá trình theo dõi bằng điện não đồ.
Nhóm nghiên cứu cũng cho biết phân tích của họ có nhiều hạn chế, như thiếu các dữ liệu thô từ các cá nhân được nghiên cứu. Các bác sĩ cũng có thể đã không công bố hết những điện não đồ bình thường trong nghiên cứu của họ, cũng như chỉ tập trung vào làm điện não cho những bệnh nhân có triệu chứng thần kinh, điều đó có thể làm sai lệch kết quả phân tích. Ngoài ra, việc dùng thuốc điều trị thần kinh cũng có thể làm xóa mờ các dấu hiệu trên điện não đồ của người bệnh.
♥ Đọc thêm: Điều gì xảy ra với cơ thể của chúng ta sau khi nhiễm virus corona?
♥ Đọc thêm: Trải nghiệm tâm thần phổ biến đến mức nào?
Nguồn: MedicalNewsToday