Bản dịch nguyên văn bài báo “Đại dịch và sự miệt thị cộng đồng” (The Public-shaming Pandemic) của tờ New Yorker đang gây tranh cãi trong thời gian vừa qua.
Bài dịch đã lược bỏ một số nội dung là nhận xét một chiều của tác giả bài viết đối với Chính phủ Việt Nam (không phải là ý kiến của người được phỏng vấn).
Một số hình ảnh trong bài viết do người dịch thêm vào để minh họa cho nội dung.
Trên khắp thế giới, những người tình cờ lây nhiễm coronavirus phải đối mặt đồng thời với căn bệnh nguy hiểm và sự tấn công của cộng đồng mạng.
Ngày 18/2, Nga Nguyễn, 28 tuổi, một tài khoản có tầm ảnh hưởng trên Instagram, thích đi du lịch và thời trang cao cấp, đã bay từ nơi ở của cô tại Luân Đôn đến Milan để tham dự show thời trang mùa xuân của Gucci. Nhà mốt này đã đặt sẵn vé máy bay và khách sạn cho cô. Nga giải thích: “Tôi có mối quan hệ khá tốt với tất cả các thương hiệu, bất kể với tư cách khách hàng thân thiết hay là bạn bè”. Cô đến Milan cùng với em gái tên Nhung, ít hơn cô một tuổi và sống ở Hà Nội, nơi cô làm quản lý một khách sạn sang trọng do gia đình sở hữu. Một tuần sau sự kiện của Gucci, hai chị em đặt vé tàu cao tốc Eurostar trở lại Paris để dự show của Saint Laurent; sau đó họ về Luân Đôn, ở tại nhà của Nga. Ngày 1/3, Nhung trở lại Việt Nam và Nga có một chuyến công tác ngắn đến Đức, ở đó cô đưa một người họ hàng đến gặp bác sĩ. Trong phòng khám, Nga ho nhẹ vài tiếng. “Bác sĩ đã trông thấy và khuyên tôi làm xét nghiệm coronavirus” cô nói. “Tôi đã nghĩ là ông ấy đùa!”.
Bác sĩ lấy mẫu dịch tị hầu của Nga và nói cô về nhà của người họ hàng trong thời gian chờ kết quả. Nga nhớ rằng khi đó cô cảm thấy ổn, nhưng đến tối thì cô bắt đầu sốt và ho nặng hơn. Hai ngày sau, cô bị viêm phổi và xét nghiệm coronavirus của cô cho kết quả dương tính. Từ một người có thể chạy 4 dặm trong nửa tiếng đồng hồ, nay cô còn không thể đi bộ nổi. Ngày 12/3, nhân viên cấp cứu đưa Nga vào bệnh viện. Cô nằm viện hơn một tuần, sau đó quay trở lại nhà của người của người họ hàng và dần hồi phục hoàn toàn. Hiện tại khi đã trở lại Luân Đôn, cô cảm thấy “rất biết ơn sự chăm sóc” mà cô nhận được ở Đức.
Khi Nhung trở lại Hà Nội, cô đi qua trạm kiểm soát ở sân bay vì không có sốt. Nhưng tối đó cô bắt đầu ho. Bốn ngày sau, cô trở thành bệnh nhân nhiễm COVID-19 đầu tiên ở Hà Nội. Cô mất hai tuần trong phòng cách ly tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, sau đó trở về nhà tự cách ly. Cô cũng đã hồi phục và rất biết ơn những bác sĩ đã điều trị cho mình.
Trải nghiệm của hai chị em có một điểm khác nhau quan trọng. Liên minh Châu Âu có những chế tài bảo vệ quyền riêng tư rất chặt chẽ, và không một ai ngoài gia đình Nga cùng một vài người bạn biết cô nhiễm COVID-19. Còn trường hợp của Nhung thì được hết thảy công chúng biết đến. Trước khi Nhung được chẩn đoán, Việt Nam có một số ít người bị nhiễm coronavirus nhưng không phải ở thủ đô, và sự lây nhiễm đã được kiểm soát. Một nhà báo Việt Nam cho biết: “Chính phủ đã nghĩ đến việc tuyên bố Việt Nam hết dịch”. Nhung làm hỏng kế hoạch. Nhà chức trách yêu cầu người dân Hà Nội ở trong nhà. Cả khu phố nơi Nhung ở bị phong tỏa. Đó chưa phải tất cả: […] giới chức đã mời truyền thông tham dự cuộc họp trực tuyến về tình trạng sức khỏe của nữ bệnh nhân. Vài giờ sau khi nội dung của cuộc họp được đăng tải, cộng đồng trên mạng Internet đã tìm ra Nhung là ai và các tài khoản mạng xã hội của cô.
Trong vòng không đầy một ngày, tài khoản Instagram của Nhung có 10.000 lượt theo dõi mới, đa phần trong số đó miệt thị cô. Mọi thứ vượt quá tầm kiểm soát khiến cô phải chuyển tài khoản về chế độ riêng tư. Mặc dù cô chỉ nằm trên giường bệnh, mọi người không ngừng nói rằng họ nhìn thấy cô đi lại nhộn nhịp trong thành phố. Một người dùng trông thấy bức ảnh của một cô gái trông giống Nhung tại buổi khai trương cửa hàng Uniqlo, và đăng lại nó trên Instagram, nói rằng Nhung vẫn tiệc tùng trong khi bị bệnh. Một người dùng khác đăng một bức ảnh ai đó trông giống Nhung đang đi trên phố Tạ Hiện, một con phố đêm ở Hà Nội, và cho rằng Nhung đang thản nhiên lây nhiễm bệnh cho những người trên phố. Tiếp đến là tin đồn Nhung đi thăm bạn trai ở Vinhomes Time City, một khu đô thị cao cấp.
Chính phủ Việt Nam […] cho biết khi trở về nhà từ Luân Đôn, cô đã không khai báo việc mình từng đến Italia. Nhung không chỉ lây bệnh cho chị gái mình, theo giới chức, cô có thể cũng là nguồn lây cho 10 người khác trên chuyến bay, tài xế đón cô ở sân bay, người giúp việc và một bà bác của cô. Một số hành khách bị lây nhiễm trên chuyến bay của Nhung là khách du lịch người Anh. Tờ Daily Mail nhận định rằng Nhung là một trường hợp “siêu lây nhiễm”. Báo chí sau đó đăng tải một tấm hình Nhung ở trong bệnh viện, cho thấy rằng cô đang hồi phục. Và người dùng mạng xã hội đã sử dụng hình ảnh này để miệt thị cô một lần nữa.
Làn sóng giận dữ cũng lan tới với Nga ở Châu Âu. Hình của cô có trong những bài báo về ngành công nghiệp thời trang và sự lan truyền của COVID-19. Dường như cô không lây bệnh cho bất cứ ai. “Những người tôi đã tiếp xúc trong suốt Tuần lễ thời trang đều ổn”, Nga cho biết. “Nhiếp ảnh gia và người trang điểm cho tôi đều đã tiếp xúc gần, và họ vẫn OK”. Tuy nhiên, công chúng Việt Nam đang phẫn nộ đã đào xới tài khoản Instagram của Nga, bao gồm những hình ảnh trong chuyến đi của cô từ Milan tới Paris, miêu tả cô là một kẻ vô tâm và chơi bời. Những kẻ chơi khăm tìm thấy hình ảnh cũ của Nga trong kì nghỉ ở Mykonos, mặc váy của Saint Laurent và đứng cạnh Salt Bae – đầu bếp người Thổ Nhĩ Kì nổi tiếng với cách rắc muối điệu đà khi nấu ăn. Ai đó ở Việt Nam đã thêm vào hình ảnh này những chiếc vương miện lấp lánh, hàm ý rằng Nga đang gieo rắc coronavirus như rắc muối. Người dùng Instagram đón nhận hình ảnh này với 11 ngàn lượt “like”. Một người Việt Nam bình luận về Nga rằng: “Ý thức cộng đồng của cô ta như cái …” Một người khác tuyên bố: “Làm ơn nói dùm tôi “fuck you” với toàn thể gia đình Nhung”.
Nguồn cơn sự nổi bật của Nga – tài khoản Instagram hào nhoáng của cô – trở thành cây gậy để [cộng đồng mạng] miệt thị chính cô và em gái cô. Một tài khoản người dùng mạng xã hội cố gắng công kích Nga theo cách khác. “Tôi đã theo dõi bạn từ lâu vì bạn là một tài năng”, một phụ nữ ở Thành phố Hạ Long viết cho Nga. “Nhưng tôi thực sự không thể chấp nhận em gái của bạn”. Cô này nói thêm: “Tôi hy vọng bạn và gia định của bạn sẽ mau chóng hồi phục”.
Cuộc tấn công đối với hai chị em đến vào lúc họ dễ bị tổn thương nhất. Nhung tự ẩn mình và lo nghĩ rất nhiều. Nga nói rằng: “Chiến đấu với virus trong khi tất cả công luận đang tát vào mặt mình thực sự là một điều rất khó khăn”. Cô xem những vụ miệt thị này là minh họa cho sự ghen tị giữa các tầng lớp trong xã hội. “Ở Việt Nam, chúng tôi có quá nhiều đặc quyền – chúng tôi đi du lịch quá nhiều”. Cô cho rằng sự chú ý mà cô và em gái nhận được từ những nơi khác giống như là phân biệt chủng tộc. “Nếu đó là Paris Hilton, sẽ chẳng có gì đặc biệt xảy ra”.
Sự miệt thị cộng đồng từng diễn ra trên các quảng trường thành phố. Đến thế kỉ XIX, nó chuyển sang trên mặt báo, và đến thế kỉ XX là trên truyền hình. Ngày nay, sự miệt thị đến từ mạng Internet. Trên mạng, người ta có thể ẩn danh, và cũng không bị ai kiểm soát, họ có thể phóng đại những sự việc nhất thời, và dễ dàng tạo ra một làn sóng phẫn nộ ngay lập tức từ công chúng. Các trang Blog, có xu hướng phản ánh quan điểm cá nhân đã nhường chỗ cho những bài đăng trên mạng xã hội, thường thiên về quan điểm của đám đông, bốc đồng và hiếu thắng.
Miệt thị thời kĩ thuật số mang lại hiệu ứng nhanh chóng và áp đảo, và thường là không công bằng. Bạn thậm chí không cần bêu xấu ai đó, tất cả những gì bạn cần làm là khiến mọi người nghĩ rằng mình là nạn nhân. Vào năm 2015, một người đàn ông Úc đã chụp ảnh Selphy ở trung tâm mua sắm, trước tấm áp phích của Darth Vader và gửi cho con của anh ta. Một người mẹ đứng gần đó nhầm tường máy ảnh đang chĩa vào con mình đã cho rằng anh ta là một tên biến thái. Cô ta chụp ảnh người đàn ông và đăng lên Facebook với dòng cảnh báo: “ Hãy nhìn thứ đáng sợ này xem”. Bài đăng này được chia sẻ hơn 20 ngàn lần. Khi vợ của người đàn ông cho anh ấy biết cộng đồng mạng đang gọi anh là kẻ ấu dâm, anh ta đã phải tới đồn cảnh sát để lấy lại danh dự cho mình. Nhưng đã muộn, danh tính của anh được phát hiện. Anh nhận được nhiều lời dọa giết. Và sau khi lỗi sai của người phụ nữ tố cáo anh được thông báo, cô này cũng gặp phải tình cảnh tương tự.
Đầu năm nay, khi Singapore bị phong tỏa, một phụ nữ địa phương xuất hiện trên video khi không đeo khẩu trang trong khi đang gọi món ở một quầy đồ ăn. Đoạn video lan truyền mạnh mẽ và những người bình luận trên mạng đã nhận nhầm cô ấy là Tuhina Singh, giám đốc điều hành một công ty công nghệ. Một vài kẻ bất lương đã chơi khăm Singh khi công khai email và số điện thoại của cô. Singh đã bị tấn công cho đến khi chính quyền Singapore công bố nhân vật thực sự trong video có tên là Paramjeet Kaur. Người dùng mạng xã hội sau đó quay sang tấn công Kaur, gọi cô là “Covidiot” (Covid+idiot: kẻ ngu ngốc).
Sự miệt thị kỹ thuật số có những người bảo vệ nó. Khi những người làm sai có quyền lực xã hội, việc thể hiện sự thất vọng với họ trên các diễn đàn như Twitter trông giống như sự phản kháng tập thể hơn là bắt nạt. Ví dụ, phong trào #MeToo đã vạch trần nhiều người nổi tiếng, chính trị gia và doanh nhân có hành vi không phù hợp. Tương tự, các thước phim về bạo lực của cảnh sát là khởi nguồn cho Black Lives Matter (Mạng sống của người da đen cũng đáng giá). Jennifer Jacquet, giáo sư tại Đại học New York lập luận rằng miệt thị kỹ thuật số có thể đạt được mục đích trong khi các hình thức đấu tranh truyền thống khác thất bại: một video tàn phá môi trường được lan truyền trên mạng xã hội có thể trở thành một vụ bê bối toàn cầu, buộc một tập đoàn phải thay đổi những chính sách thân thiện với môi trường hơn. Trong một cuốn sách năm 2015 với tựa đề “Miệt thị có cần thiết không? Những công dụng mới của một công cụ cũ ”, Jacquet cho rằng chỉ trích của công chúng có thể giữ người ta ở trong giới hạn cho phép. “Tác dụng tốt nhất của cảm giác xấu hổ là giúp điều chỉnh hành vi mỗi cá nhân và làm giảm nguy cơ khiến họ phải đối mặt với các loại hình phạt khắc nghiệt hơn”. Gần đây, tác giả nói với đài MSNBC rằng đại dịch Covid-19 đang mở ra “rất nhiều cơ hội để miệt thị”. Bà cũng cảnh báo rằng mọi người nên lên án “một hành vi phổ biến”, chẳng hạn như tụ tập đám đông trong phòng, thay vì quấy rối “một cá nhân cụ thể”.
Sự miệt thị trên mạng có thể không tàn bạo như những cái cùm dành cho người Thanh Giáo, nhưng quy mô của nó thì vô cùng lớn: một “mục tiêu” công kích nào đó đang thịnh hành trên Twitter có thể nhận được hàng trăm tin nhắn xỉ nhục mỗi giây. Đôi khi các chiến dịch miệt thị tập thể này đi quá xa ngoài tầm tưởng tượng của những người khởi xướng chúng. Mùa xuân vừa qua, một người New York tên là Christian Cooper đi ngắm chim ở Công viên trung tâm đã yêu cầu một người phụ nữ buộc chú chó của cô lại. Khi người phụ nữ từ chối, anh này lập tức quay phim cô ta. Người phụ nữ phản ứng bằng cách gọi cho cảnh sát và nói rằng “một người đàn ông gốc Phi” đang đe dọa cô ta. Em gái của Christian đã đăng đoạn video đó lên Twitter. “Cô ta cần được cộng đồng mạng dạy dỗ” Một tài khoản bình luận. Hàng triệu người đã xem video đó và người phụ nữ, tên là Amy Cooper, vốn là một quản lý kinh doanh trở nên “nổi tiếng” đến nỗi công ty nơi cô làm việc đã phải sa thải cô. Hành vi của Amy Cooper là không tốt chút nào, nhưng Christian Cooper cũng cảm thấy sợ hãi trước phản ứng của cộng đồng đối với cô ấy. Anh ta nói với Times: “Tôi không bào chữa cho việc phân biệt chủng tộc, nhưng tôi không biết liệu cuộc sống của cô ấy có đáng bị đảo lộn như vậy không”.
Lawrence Garbuz là một luật sư 51 tuổi. Ông sống ở New Rochelle, thuộc quận Westchester, và làm việc tại công ty do ông và vợ đồng sáng lập ở khu trung tâm Manhattan. Họ có 4 người con, trong đó 1 đang học tại Đại học Yeshiva, và 1 đang học trung học ở Bronx.Một ngày tháng hai, Garbuz xuất hiện ho và sốt. Vào thời điểm đó, gần như tất cả những người Mỹ được xác định nhiễm COVID-19 đều đã từng ra nước ngoài hoặc tiếp xúc với những người từ nước ngoài về. Garbuz hầu như không đi du lịch, và ông ngồi ở văn phòng cả ngày nên hoàn toàn không nghĩ mình có thể bị nhiễm bệnh.Sau đó ông thấy tình trạng của mình xấu đi. Sau khi bác sĩ yêu cầu ông nhập viện, một người bạn của Garbuz đã đưa ông tới bệnh viện ở Bronxville. Phim X-quang cho thấy ông mắc viêm phổi thông thường, do vậy không có biện pháp đặc biệt nào được áp dụng để cách ly ông khi nhập viện. Garbuz là thành viên tích cực của một giáo đường Do thái ở New Rochelle, và một phần của truyền thống Do Thái là đi thăm người bị ốm. Có hàng chục người bạn và thành viên gia đình đã đến thăm ông. Sau 4 ngày, Garbuz trở nên khó thở đến mức phải đặt ống nội khí quản và chuyển đến bệnh viện Columbia-Presbyterian, và vẫn không có biện pháp phòng ngừa nào cả. Ngày 2/3, ông được chẩn đoán mắc COVID-19 và được gây mê để có thể thở máy mà không cảm thấy khó chịu. Đến lúc đó, hơn 23.000 người ở bang New York đã có kết quả xét nghiệm dương tính với coronavirus.Trước khi Garbuz tới bệnh viện Bronxville, ông đã tham gia một đám tang và một lễ Bar mitzvah (lễ trưởng thành của các cậu bé người Do Thái đủ 13 tuổi), từ đó vô tình làm hơn 100 gia đình phơi nhiễm. Thật không may, Garbuz dường như cũng là một trường hợp siêu lây nhiễm: vợ và hai người con sống cùng ông, người bạn đã đưa ông tới bệnh viện, và một y tá chăm sóc cho ông đã sớm có kết quả dương tính với virus. Tính chung, Garbuz là “bệnh nhân số 0” của một ổ dịch có khoảng 90 ca nhiễm.
Chẩn đoán của Garbuz được báo cáo vào thời điểm mà nước Mỹ vẫn còn đang hy vọng tránh được kịch bản đen tối đã xảy ra ở Trung Quốc và Italia. Ngày 3/3, thị trưởng New York – Bill de Blasio đã đăng Tweet tên công ty luật của Garbuz và đề cập đến nơi các con ông đi học. Ý định của thị trưởng là cảnh báo nhưng ai có thể tiếp xúc với các thành viên của gia đình, nhưng hậu quả là điều đó vi phạm quyền riêng tư của bệnh nhân. Một người đã ngạc nhiên bình luận trên Twitter “Ông thật sự có thể tiết lộ ngần này thông tin của một người khi họ cho kết quả dương tính sao?”
Adina Lewis (vợ của Garbuz) từ lâu đã sử dụng mạng xã hội để ghi lại những sự kiện xảy ra trong cuộc sống của mình. Sau dòng Tweet của thị trưởng, cô viết trên Facebook: “Tôi yêu cầu tất cả chúng ta, những người đang tất bật trong guồng quay cuộc sống, đặc biệt là những người New York, hãy học hỏi từ điều này và dành cho mình chút thời gian để chăm sóc bản thân”. Hầu hết người dùng Facebook đã bình luận trên bài đăng của cô đều chúc chồng cô nhanh bình phục. Nhưng cũng có những người khác thì lại đay nghiến. Một phụ nữ tên là Nora Madonick nói: “Không thể tưởng tượng nối có ai đó cho rằng tất cả những điều này chỉ là một tình huống đáng tiếc và không phải chịu trách nhiệm”. Một anh thanh niên chưa từng gặp những người trong gia đình Garbuz miệt thị: “Tôi hy vọng công việc của các người không bao giờ phục hồi vì những gì chồng bà mang lại cho chúng tôi”. Sự thù địch nhắm vào gia đình Garbuz vượt ta ngoài mạng Internet. Một tiệm giặt là ở New Rochelle đã từ chối giặt quần áo của gia đình, và trong hơn một tuần, thư từ của họ không được chuyển phát. Chỉ khi Lewis phàn nàn với thị trưởng của thị trấn thì mọi thứ mới được phục hồi trở lại.
Vào lễ Purim của người Do Thái, Lewis vào Facebook để chúc mọi người có một kì nghỉ lễ vui vẻ, cô cũng nhận xét rằng mình đang cố gắng tìm thấy “phước lành” trong “ổ dịch virus” này. Có lẽ chồng của cô là “sứ giả cho một điều gì đó tốt đẹp” và “căn bệnh của anh ấy khiến cho chúng ta nhận thức được vấn đề”. Cô nhắc nhở mọi người rằng chồng cô không có bất cứ yếu tố dịch tễ nào đáng nghi ngờ. “Tất cả hãy giữ lí trí và bình tĩnh”. Cô van xin. “Chúng ta hãy tìm ra sự hài hước trong sự vô lý của tất cả mọi người. Tôi mong có thể cười về khoảng thời gian mà chúng tôi được “coronaed” (một động từ tôi vừa tạo ra) với tất cả các bạn.
Bài đăng này đã thu hút hơn 400 bình luận – phần nhiều trong số đó rất gay gắt. Một cư dân Rye đã viết: “Một phước lành sao? Ông ta không chỉ đi đến một bữa tiệc mà đi đến những ba lần. Rồi ông ta còn đi tàu điện ngầm phía Bắc. Ông ta đang ho, còn bàn tay thì dính đầy vi trùng. Bất cứ ai ông ta chạm vào đều bị bệnh …, đó là sự thiếu suy nghĩ và liều lĩnh”. Một người đàn ông đến từ Queens viết: “Ông ta đến thánh đường nơi các giáo sĩ Do Thái và những người khác đã được xét nghiệm dương tính, và rồi những người này lại lây cho hàng trăm người khác, bây giờ New York đã có hơn 20.000 ca nhiễm và 157 người chết, nhiều người còn không trả nổi tiền thuê nhà [do mất việc]. Đừng gọi đó là phước lành!” Một bình luận khác nói: “Một thành viên trong gia đình của tôi đã qua đời vì COVID-19. Tôi sẽ không nghĩ chồng bà là một anh hùng đâu!”. Một nam thanh niên nói với Lewis rằng anh ta mong chồng bà đừng khỏi bệnh. “Ông ta đáng chết. Một kẻ cặn bã. Làm ảnh hưởng đến cả trăm ngàn người. Ông ta không bao giờ có thể sống được ở New York nữa sau chuyện này, và ông ấy xứng đáng với điều đó”.
Những người mắc bệnh truyền nhiễm thường là trung tâm của sự miệt thị cộng đồng. Năm 1907, Mary Mallon, một đầu bếp cho các gia đình giàu có ở New York được xác nhận là người lành mang mầm bệnh thương hàn đầu tiên. Cô đã vô tình lây bệnh cho 7 trong 8 người của gia đình nơi cô làm việc. Mallon bị buộc phải cách ly nhưng không phải chịu trách nhiệm, vì công bằng mà nói cô không thể biết mình có thể lây bệnh cho người khác khi cô ấy không phát bệnh. Cô được miễn cách ly sau khi đồng ý sẽ không làm đầu bếp nữa. Nhưng Mallon đã đổi tên và tìm được việc trong một gia đình mới, và lại lây nhiễm cho những người trong gia đình này. Bị buộc quay trở lại nơi cách ly, cô bị tố cáo trên mặt báo và được công chúng đặt cho biệt danh đáng nhớ: Mary Thương hàn. Một bài báo đăng tải bức vẽ biếm họa của một người phụ nữ đang chiên … đầu lâu trong chảo. Trong bức thư mà Mallon viết năm 1909, cô than thở rằng mình đã trở thành tâm điểm miệt thị của công chúng.
Trong suốt đại dịch cúm [Tây Ban Nha] năm 1918, nước Mỹ đang có chiến tranh, và nhiều quan chức mượn ngôn từ kích động lòng yêu nước để khuyến khich người dân tuân thủ các chính sách ngăn ngừa sự lây nhiễm dịch bệnh. Ở Sanfrancisco, đeo khẩu trang là bắt buộc. Tháng 10 năm đó, hàng trăm cư dân của thành phố đã bị xử lý vì vi phạm quy định (hầu hết đều biện hộ do quên đeo). Tờ Chronicle đã công bố một danh sách những người vi phạm, và giải thích thêm: “Hiện giờ, đàn ông, phụ nữ hay trẻ em không đeo khẩu trang đều là những kẻ lười biếng nguy hiểm”.
♥ Đọc thêm: Lịch sử của khẩu trang y tế, từ bác sĩ dịch hạch đến COVID-19
Miệt thị cộng đồng luôn diễn ra trong những trận dịch, từ AIDS cho đến SARS, nhưng trong đại dịch COVID-19, nó trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Ở thời điểm mà đời sống xã hội bình thường bị thay thế bởi cuộc sống trên mạng xã hội, những hành vi bình thường cũng có thể bị coi là nguy hiểm và nhận được những làn sóng phẫn nộ từ cư dân mạng. Người ta chê bai những người tích trữ giấy vệ sinh và khăn giấy, những người mua hàng ở cửa hiệu tạp hóa và giao bán lại chúng. Họ cũng miệt thị những người không đeo khẩu trang, hoặc đeo khẩu trang y tế trên đường phố. Họ trách cứ những người chi quá nhiều tiền để bảo vệ sức khỏe của bản thân mình. Ở Anh, cảnh sát triển khai những chiếc drone để theo dõi và đe dọa những người dắt chó đi dạo muốn mượn cớ chăm sóc thú cưng để tham gia vào những hoạt động “ám muội”. Tại Florida, một người đàn ông mặc trang phụ Thần chết đi dọc bờ biển để nhắc nhở mọi người giữ khoảng cách an toàn cũng đã nhận được những lời dọa giết từ trên mạng.
Miệt thị cộng đồng thời kĩ thuật số dường như trở nên đặc biệt nguy hiểm vì không có tiêu chuẩn gì để xác định một hành vi như thế nào là đúng. Nhiều quy định phòng dịch COVID-19 là rất mơ hồ, tình hình dịch tễ liên tục thay đổi. Làm sao để biết những người đang tắm nắng trên bãi biển đã giữ khoảng cách đủ an toàn chưa? Những chiếc khăn choàng cổ có ngăn được giọt bắn không, hay chỉ những chiếc khẩu trang mới làm được việc đó? Trong khi đó, Hoa Kỳ đang được lãnh đạo bởi một tổng thống có vẻ rất coi thường lời khuyên của các chuyên gia y tế. Trước sự tán thành của những người theo chủ nghĩa tự do, Trump chống lại việc đeo khẩu trang – một việc làm rõ ràng vì mục đích giành quyền lực chính trị; và điều đó được những người ủng hộ Trump hưởng ứng. Họ gọi những người đeo khẩu trang là đồ “cừu non”.
Khi hai anh em đến từ Tennessee tích trữ được gần 18.000 chai nước rửa tay để bán online, người dùng trên mạng đã tranh nhau mua chúng. Những người không mua được quay ra công kích: “Tôi hy vọng mấy tay ở Tennessee ngộ độc nước rửa tay mà chết đi cho rồi”. Một phụ nữ ở New Jersey đăng tweet. Quá bối rối với luồng công kích, hai anh em này sau đó đã quyên góp một lô hàng khác. Một trong hai người đã đăng lời xin lỗi công khai: “Nếu vì hành động mua gom của chúng tôi mà ai đó không thể mua được nước sát khuẩn tay ở các cửa hàng địa phương, thì chúng tôi thực sự xin lỗi”. Sau đó anh này nói với Times: “Đó không phải là con người thật của tôi. Nhưng những những gì tôi nhận được trong 48 giờ đồng hồ qua lại cho thấy tôi là một con người như vậy”. Tờ Chronicle tuyên bố rằng công bằng đã được thực hiện, và dư luận rộng rãi là tòa án thích đáng nhất cho những kẻ cơ hội nhưng mơ hồ về đạo đức.
Công chúng đối xử với những trường hợp “siêu lây nhiễm” như thể họ cố ý truyền bệnh cho người khác. Nhưng sự thực thì việc ai đó cố tình lây nhiễm bệnh cho mọi người hầu như không xảy ra. Trong tháng 3, ABC News đưa tin rằng FBI đã thông báo cho các cơ quan thực thi pháp luật địa phương về những nhóm cực hữu đang có kế hoạch lan truyền virus cho những đối thủ của họ, bằng cách cử những người nhiễm bệnh vào khu của người Do Thái, hay phun dịch mũi họng của những người nhiễm bệnh vào cảnh sát. Tuy nhiên, không có hành vi nào như vậy diễn ra trong thực tế.
Wojciech Rokita là một bác sĩ sản phụ khoa ở Kielce, Ba Lan, cũng là chuyên gia tư vấn sức khỏe cho chính phủ ở các vùng ngoại vi thành phố. Dưới sự chỉ đạo của ông, tỉ lệ tử vong chu sinh trong các khu vực này đã đi từ mức cao nhất cả nước xuống còn thấp nhất. Năm 2018, khi ông 52 tuổi, ông được bầu làm Chủ tịch hiệp hội Bác sĩ Sản phụ khoa Ba Lan. Rokita, một người theo chủ nghĩa hoàn hảo, thường thẳng thắn khiển trách những cấp dưới mắc lỗi.
Ngày 8/3, khi mà Ba Lan chưa có ca nhiễm COVID-19 nào, Rokita và vợ cùng một cặp vợ chồng khác đi trượt tuyết ở dãy An-pơ, Thụy Sĩ. Tại khu nghỉ dưỡng, Rokita đã tham gia xây dựng quy trình hướng dẫn xử trí đối với những sản phụ bị nhiễm trong trường hợp dịch bùng phát ở Ba Lan. Ông cũng thường xuyên theo dõi tin tức về tình hình lây lan dịch bệnh ở Châu Âu. Lo ngại về tiến triển nhanh chóng của dịch bệnh ở Thụy Sĩ, ông đã kết thúc kì nghỉ sớm hơn dự kiến và quay trở lại Kielce vào ngày 11/3. Trong khi ông vắng mặt, Ba Lan đã báo cáo ca mắc COVID-19 đầu tiên. 3 ngày sau khi ông trở về, Ba Lan đóng cửa biên giới.
Công việc của Rokita phải đến tiếp xúc với bệnh nhân nên ông được xét nghiệm. Kết quả có sau khoảng 30 giờ. Trong thời gian chờ đợi, ông làm một vài việc lặt vặt, và đi lấy xe ô tô của vợ tại một cửa hàng sửa chữa BMW. Ngày hôm sau, ông nhận được tin mẫu xét nghiệm của mình dương tính. Rokita bắt đầu cách ly tại bệnh viện nơi ông làm việc, và thông báo cho văn phòng địa phương của cơ quan quản lý sức khỏe tên những người ông đã tiếp xúc.
Echo Dnia, một tờ báo lá cải, sớm điều tra ra bệnh nhân đầu tiên mắc COVID-19 trong vùng là một bác sĩ. Tờ báo đăng tin này lên mạng, và trong vòng 30 phút, tên của Rokita đã xuất hiện trong phần bình luận. Một trong những người làm tại đại lý BMW cho rằng Rokita đã không giữ khoảng cách an toàn với nhân viên. Tờ báo lá cải lại không đề cập đến việc Rokita chưa nhận được kết quả xét nghiệm vào thời điểm đó. Một số y tá tại bệnh viện của Rokita nói với tờ báo rằng ông ta cũng ghé qua nơi làm việc của mình, vi phạm các nguyên tắc vệ sinh phòng dịch. Các bình luận xúc phạm ngày một tăng lên, bao gồm cả những người biết đến ông. Một nhân viên bệnh viện, cũng là bệnh nhân của Rokita viết: “Tạ ơn Chúa tôi đã không đến khám theo hẹn. Ông ta có thể đã lây nhiễm cho tôi một cách cố ý. Không biết có bao nhiêu phụ nữ không may mắn như tôi vào tuần trước?” Nhưng camera giám sát cho thấy Rokita không đến văn phòng trước khi bắt đầu cách ly ở đó (Bài báo sau cùng đã xóa bình luận của cô nhân viên bệnh viện kia).
Một bình luận trên Website của Echo Dnia nói: “Ai đó nên nhổ vào mặt ông ta”. Một người khác viết: “Một bác sĩ mà lại đi trượt tuyết trong lúc dịch bệnh, đồ không có não”. Điện thoại của Rokita liên tục quá tải bởi những cuộc gọi đến, tới nỗi gia đình không thể liên lạc được với ông. Họ bắt đầu lo lắng rằng một kẻ quá khích nào đó sẽ đốt nhà mình.
Ngày 14/3, trong khi vẫn đang cách ly, Rokita gọi điện cho báo Echo Dnia và cầu xin họ đừng để người ta quấy rối ông nữa. Biên tập viên nói với Rokita rằng giới hạn bình luận về ông trên trang Facebook của báo sẽ chỉ khiến người ra giận dữ hơn. Theo lời kể của con gái ông tên là Karolina, biên tập viên báo lá cải đã cố thuyết phục Rokita trả lời phỏng vấn của họ để cứu vãn danh dự của ông, Rokita nói rằng sẽ xem xét chuyện đó. Hai ngày sau, báo chí đưa tin có tới 734 ca nghi nhiễm mới ở Ba Lan. Mọi người đều lo lắng, những thuyết âm mưu được đặt ra. Ngày hôm sau, một người nào đó viết trên trang Facebook của Echo Dnia: “Quá đủ rồi, tất cả âm mưu khốn nạn của các người, hãy vứt sạch chúng đi”.
Rokita cố gắng trấn an gia đình rằng cú sốc này sẽ sớm kết thúc, nhưng bản thân ông cảm thấy rất đau đớn. Karolina nói “Ông ấy bị choáng ngợp. Không chỉ vì lượng lớn bình luận, tin nhắn và các cuộc gọi đến cho ông – thậm chí vào lúc 4 giờ sáng – mà còn vì thực tế rằng có những người ông ấy biết và đã từng giúp đỡ trước kia giờ quay sang tấn công ông”. Một người bạn cũ nhắn tin cho Rokita: “Cậu cảm thấy thế nào?”. Rokita rất cảm động nhắn lại: “Tớ vẫn sống!”
Ngày hôm đó, ông gọi facetime cho Karolina từ bệnh viện. Cô nói rằng trông ông có vẻ mệt. Ông trả lời: “Bố mệt, rất mệt mỏi”. Tối hôm đó, vợ Rokita gọi vào số di động của ông nhưng ông không bắt máy. Ngày hôm sau, Echo Dnia đưa tin rằng Rokita đã tự sát. Tờ báo có thông tin này thậm chí còn trước cả gia đình của ông. Một bình luận sớm cho biết Rokita đã tự tử bằng cách treo cổ.
Karolina nghĩ rằng hành động của cha cô nhằm kết thúc “cuộc săn lùng” của cộng đồng nhắm vào gia đình cô. Cô nói: “Ông ấy sợ chúng ta cũng chẳng khác gì cách chúng ta sợ ông ấy”.
Cuối cùng, ngay cả những chiến dịch miệt thị rầm rộ nhất cũng đến lúc thoái trào. Sự quan tâm của công chúng giảm dần, và những dòng tweet hằn thù biến mất trên màn hình điện thoại của chúng ta. Ai còn nhớ những vụ scandals #PlaneBreakup, hay #CecilTheLion? Lawrence Garbuz đã xuất viện từ cuối tháng 3, kể từ đó ông chỉ ở nhà để dưỡng sức. Khi tôi gọi cho ông, ông ấy lịch sự từ chối nói về trải nghiệm của bản thân. “Tôi không bao giờ Google tên của mình, có lẽ tôi không muốn làm việc ấy” ông cho biết. Khi tôi gặp Nga Nguyễn ở Luân Đôn, cô nói rằng cô đã sẵn sàng trở lại các show diễn thời trang khi chúng được tổ chức tiếp, nhưng nói thêm “đó không phải ưu tiên của tôi”. Cô đang phát triển một dòng sản phẩm tự chăm sóc thân thiện với môi trường và hy vọng “sẽ ra mắt vào cuối năm nay”. Cô nói rằng em gái mình bị “tổn thương” nhiều hơn mặc dù tai tiếng của Nhung cũng đang phai mờ dần. Nhà báo Việt Nam mà tôi từng nói chuyện về Nhung cho biết: “Mọi người không còn quan tâm cô ấy là ai nữa. Có một quy tắc là sau khoảng 20-30 ngày, công chúng sẽ chuyển sự chú ý của họ sang một vấn đề khác”.
Nỗi đau của gia đình Rokita còn tiếp tục. Theo Karolina, không nhà tang lễ nào nhận thi hài của cha cô. Ông được hỏa táng, nhưng các quan chức bệnh viện nhất quyết yêu cầu gia đình phải đến một địa điểm bên ngoài thành phố để nhận tro cốt của ông, như thể cách đối xử với người mắc bệnh hủi thời Trung cổ (Một bác sĩ có mối quan hệ tốt đã thuyết phục phía bệnh viện xem xét lại). Biên tập viên của tờ Echo Dnia nói rằng anh ấy “rất tiếc” về cái chết của Rokita, mặc dù anh ta biện minh rằng không có lời giải thích chính thức nào cho vụ tự tử, và nói “Ban biên tập đã cố gắng hết sức để giảm thiểu những bình luận mang tính thù hằn”. Tuy nhiên ngay cả sau khi Rokita qua đời, những bài viết trên mạng vẫn tiếp tục công kích ông. Một số người gọi hành động của Rokita là phản ứng thái quá một cách ngu ngốc. Ba tuần sau khi Rokita mất, tờ báo nổi tiếng của Warsaw là Gazeta Wyborcza đã đăng một bài viết có nội dung thông cảm với những áp lực mà gia đình Rokita gặp phải, nhưng ngay cả câu chuyện này cũng nhận được những phản hồi tiêu cực từ cộng đồng mạng. Một người dùng cho rằng lẽ ra Rokita không nên bận tâm với những công kích trực tuyến nhắm đến ông. “Chẳng ai trong số những tên ngốc để lại bình luận thực sự quan tâm đến ông ấy cả”. Một người khác nói: “Đúng là một thảm kịch”, người này còn suy đoán rằng có lẽ Rokita đã nhận hối lộ và sợ rằng việc đó sẽ bị phát giác.
Không ai trong nhóm đi du lịch Thụy Sĩ bị lây nhiễm từ Rokita. Vợ ông và cặp vợ chồng đi cùng họ vẫn khỏe mạnh. Các quan chức ở Kielce không biết ông ấy nhiễm virus từ ai. Vợ của Rokita ban đầu có kết quả xét nghiệm dương tính, nhưng bà không có triệu chứng, và xét nghiệm lần 2 lại cho kết quả âm tính. Theo đó, mẫu xét nghiệm của chính Rokita đang được xem xét lại. Kết quả đã bị trì hoãn công bố trong nhiều tháng và Karolina nghi ngờ có sự can thiệp của giới chức nhằm che đậy sự bất tài của họ. Cô chỉ ra rằng xét nghiệm COVID-19 của cha cô là mẫu đầu tiên được thực hiện trong vùng. Trong khi Nhung và Garbuz hầu như chắc chắn đã lây nhiễm cho người khác thì không có bằng chứng xác đáng nào cho thấy Rokita đã truyền bệnh cho ai cả. Có thể ông chưa từng mắc COVID-19.
Vào ngày 28/2, Rijo Moncy, một bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh 26 tuổi tại một bệnh viện ở Italia, đã bay từ Venice đến Kochi, Ấn Độ với cha mẹ mình (Tất cả họ đều sinh ra ở Ấn Độ nhưng đã sống tại Italia từ khi Moncy còn nhỏ). Ở Kochi, thay vì tự cách ly, nhà Moncy ngay lập tức ra ngoài thăm người thân và bạn bè. Ngay sau đó, một người bác cảm thấy mệt, tiếp đó là Rijo Moncy và 9 thành viên khác trong gia đình. Ông của Moncy, 93 tuổi cũng nằm trong số những người nhiễm bệnh.
Sau khi gia đình tìm kiếm sự chăm sóc y tế, tên của họ được tiết lộ cho báo chí Ấn Độ. Cộng đồng mạng bắt đầu tấn công họ, một số còn kêu gọi đánh họ công khai. Gia đình Moncy bị tố cố tính mang virus từ Italia về. Moncy nói “Điều tệ nhất không phải là virus, mà là sự tấn công của mạng xã hội”. K.K Shalaja, bộ trưởng Y tế tỉnh Kerala tố cáo gia đình này là “vô trách nhiệm”. Gia đình nhà Moncy chỉ còn biết cầu nguyện.
Moncy và cha mẹ anh cuối cùng được chuyển tới trung tâm y tế Pathanamthitta, và tại đó mọi thứ thay đổi. Bệnh viện chăm sóc tốt cho họ, và họ không bị miệt thị nữa. Moncy nói với tờ Telegraph India “Họ cung cấp cho chúng tôi bánh, đồ ăn đóng gói và nhiều thứ khác mà chúng tôi sẽ không bao giờ nhận được từ một bệnh viện Nhà nước”. Một y tá chăm sóc cho những người khác trong gia đình đã bị nhiễm coronavirus, nhưng cô ấy không tức giận về điều đó. “Đây là công việc của chúng tôi”, cô nói. Trên mạng xã hội, những kẻ công kích im lặng sau khi Moncy xin lỗi công khai trên nhiều phương tiện truyền thông về sai lầm của anh và gia đình. “Chúng tôi cảm ơn mọi người, kể cả những người đã công kích chúng tôi”, Moncy nói.
Trong vòng một tháng, tất cả thành viên trong gia đình đã xuất viện, kể cả người ông của Moncy – ca bệnh cao tuổi nhất phục hồi sau khi nhiễm COVID-19 ở Ấn Độ. Ông được coi là một người hùng của đất nước. “Ông làm cho chúng ta can đảm hơn” Moncy chia sẻ. Trong một bài phỏng vấn trên tạp chí quốc gia, anh ấy nói về người ông của mình: “Tạ ơn Chúa, ông sống ở Kerala. Nếu ông ở Ý hay Hoa Kỳ, ông sẽ bị bỏ lại cho đến chết”.
Moncy đã quay trở lại Italia để làm việc. Anh vẫn còn ngạc nhiên là sự miệt thị dành cho mình đã kết thúc một cách khá tích cực. Người Ấn Độ học được từ sai lầm của gia đình anh và đã trở nên khoan dung hơn. “Trước đây còn nhiều sự thiếu hiểu biết”. Anh nói. Shailaja, Bộ trưởng Y tế Ấn Độ đã liên lạc với anh sau khi họ xuất viện, “Bà ấy là một người tuyệt vời, rất thông minh. Bà ấy gọi về nhà chúng tôi và hỏi thăm chúng tôi”. Cuộc tấn công từ mạng xã hội chấm dứt. Moncy nói rằng trong thời gian bị tấn công, anh ấy đã tải xuống một vài video của những kẻ công kích. “Bây giờ thì tôi đã xóa chúng đi, và cố gắng quên mọi chuyện”.
♥ Đọc thêm: Câu chuyện “lựa chọn người được sống” trong đại dịch COVID-19 và nguyên tắc đạo đức y khoa