Cuộc tranh cãi về vai trò của khẩu trang trong việc ngăn ngừa đại dịch COVID-19 trở nên nóng hổi tại Mỹ trong hơn một tháng vừa qua, khi chính quyền ở nhiều bang áp đặt lệnh đeo khẩu trang tại nơi công cộng. Mặc dù còn nhiều tranh luận trong cộng đồng, thậm chí là trong giới khoa học, vai trò của khẩu trang đối với sức khỏe là không thể phủ nhận. Bạn có biết, chiếc khẩu trang y tế nhỏ bé chúng ta đeo hàng ngày cũng đã có quá trình phát triển hàng trăm năm, gắn với không ít thăng trầm trong lịch sử y học thế giới.
Mục lục
Châu âu thế kỉ 17
Dịch hạch là căn bệnh gây ám ảnh người dân Châu Âu suốt hàng trăm năm. Đại dịch “Cái chết đen” xảy ra vào khoảng giữa thế kỉ 14 đã quét sạch 200 triệu sinh mạng, chiếm 30-50% dân số châu Âu khi đó. Đến thế kỉ 17, một loạt những trận dịch hạch lớn nhỏ tiếp tục tấn công tác thành phố trên khắp Lục địa già. Nền y học thời điểm đó chưa biết đến nguyên nhân của dịch hạch, và do đó cũng không có phương pháp điều trị. Người ta chỉ biết có một điều: đã mắc bệnh là sẽ chết!
Bệnh dịch hạch do một loại vi khuẩn tên là Yersinia pestis gây ra. Vi khuẩn này kí sinh trong các loài gặm nhấm nhỏ như chuột, sóc. Trung gian truyền bệnh từ động vật sang người, và giữa người với người là bọ chét.
Các thầy thuốc của thế kỉ 17 thường xuyên phải tiếp xúc với người bệnh đã trang bị cho mình những “trang phục bảo hộ” trông khá kinh dị: một chiếc mặt nạ với phần mỏ nhô ra trông như mỏ chim, cùng với mũ rộng vành, áo choàng kín từ cổ đến chân. Người ta gọi các thầy thuốc trong bộ trang phục này là những “Bác sĩ dịch hạch” (Plague doctor).
Các thầy thuốc khi đó vẫn tin vào một thuyết có từ thời Hy Lạp cổ đại gọi là “miasma” (chướng khí) cho rằng mùi hôi thối, hay “không khí xấu” phát ra từ những xác chết hoặc thức ăn thối rữa là nguyên nhân gây bệnh. Vì thế họ nhồi vào trong chiếc mỏ một ít rơm trộn lẫn với các loại thảo mộc thơm như bạc hà, cánh hoa hồng, đinh hương, long não …, hy vọng rằng những thứ ấy sẽ giúp “làm sạch” không khí.
Lẽ dĩ nhiên mặt nạ của bác sĩ dịch hạch chẳng có tác dụng gì để phòng ngừa dịch hạch cả, có chăng nó giúp bác sĩ bớt khó chịu bởi mùi hôi thối của những xác chết la liệt khắp nơi! Tuy nhiên, mặt nạ dịch hạch chính là ý tưởng đầu tiên về một công cụ che chắn đường hô hấp nhằm chống lại các tác nhân truyền nhiễm.
Những người công nhân thức thời
Thế kỉ 18 và 19 đánh dấu sự chuyển mình của Châu Âu với sự ra đời của máy hơi nước và cuộc Cách mạng công nghiệp lần đầu tiên. Những người công nhân khi đó làm việc trong hầm mỏ, hay nhà máy len dệt mơ hồ nhận ra những hạt bụi nhỏ bay trong không khí có thể làm hại đến sức khỏe của mình. Năm 1799 tại nước Phổ, Alexander von Humboldt đã sáng chế ra chiếc “máy thở” dành cho các thợ mỏ, có bản chất là một máy lọc bụi. Đầu thế kỉ 19, trong một vài nhà máy dệt sợi lanh ở Ai-len, người ta đã thấy công nhân đeo những tấm khăn che mặt và mũi. Tuy nhiên, ý tưởng thức thời này hoàn toàn chưa phổ biến vào thời điểm đó. Người dân, và ngay cả giới khoa học vẫn chưa nhận ra giá trị của khẩu trang.
Những bác sĩ tiên phong
Năm 1878, một bác sĩ người Mỹ tên là A.J. Jessup tại New York đã làm thí nghiệm lọc không khí qua các miếng cotton và nhận thấy chất liệu này có thể ngăn chặn được phần lớn những hạt bụi và mầm bệnh được biết tới khi đó. Ông đã trình bày ý tưởng của mình trên Tạp chí Khoa học Hoa Kỳ:
Một bộ lọc làm từ cotton được chế tạo đúng cách để đeo trên miệng và mũi có thể chặn đứng tất cả các mầm bệnh trong không khí.
Dẫu vậy, ý tưởng này vẫn không được các đồng nghiệp của Jessup để ý.
Năm 1897, bác sĩ người Pháp tên là Paul Berger đã trở thành nhà phẫu thuật đầu tiên đeo khẩu trang trong một cuộc mổ. Paul Berger thừa hưởng những kiến thức của bạn mình, nhà vi sinh vật học người Đức Carl Fluegge, người phát hiện ra trong nước bọt có chứa rất nhiều vi khuẩn gây bệnh. Là một người thông minh, Berger nhận thấy sẽ là không khôn ngoan chút nào nếu để nước bọt của mình bắn vào bụng của một bệnh nhân đang mổ. Ông đã chế ra một chiếc khẩu trang che chắn từ phía trên mũi trở xuống với sáu lớp gạc. Đây là ý tưởng khởi thủy của khẩu trang nhiều lớp ngày nay.
Đến năm 1989, Berger đã báo cáo về việc dùng khẩu trang trong phẫu thuật trước Hội ngoại khoa Paris. Đáp lại, người ta cười nhạo ông và nói rằng “Chúng tôi chẳng bao giờ đeo khẩu trang và chắc chắn sẽ không bao giờ làm như vậy!” Sức ỳ và tính sĩ diện của giới khoa học khi đó đã trì hoãn một phát kiến mang tính cách mạng.
Bức ảnh trên đây ghi lại cảnh tượng ở một phòng kiến tập của sinh viên y khoa tại trường Y Jefferson, Philadelphia, Hoa Kỳ năm 1902. Chúng ta có thể thấy ở trung tâm của phòng là một bàn phẫu thuật với bệnh nhân, phẫu thuật viên, bác sĩ gây mê ở chính giữa, và các y tá đứng bên cạnh. Cử tọa, gồm các bác sĩ và sinh viên ngồi trên những hàng ghế xung quanh giống như trong một rạp xiếc.
Hãy chú ý rằng thời đó, tất cả các nhân viên y tế đang tiến hành phẫu thuật đều không đeo khẩu trang, thậm chí còn không có cả găng tay!
Một sinh viên ngồi gần bàn phẫu thuật đã để ý thấy rằng, khi phẫu thuật viên vừa mổ vừa giảng giải, có những giọt nước bọt của ông bắn ra xung quanh, về phía bàn phẫu thuật và bệnh nhân. Sinh viên này đã kể về phát hiện của mình cho bác sĩ Alice Hamilton, giảng viên của mình.
Alice Hamilton (1869-1970) là một nữ bác sỹ và nhà nghiên cứu người Mỹ. Bà được coi là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực sức khỏe nghề nghiệp, và là người tiên phong nghiên cứu về tác động của các chất độc công nghiệp. Năm 1919, Hamilton là phụ nữ đầu tiên trở thành giảng viên của Đại học Y Harvard danh giá.
Sự nghiệp của Alice Hamilton gắn liền với những nghiên cứu của bà về tác động có hại đến sức khỏe con người của các độc chất công nghiệp như chì, thủy ngân, radium, benzen, cacbon monoxide, cacbon disulfide, hydrogen sulfide… Với tầm nhìn sâu rộng, bà tích cực phản đối việc sử dụng nhiên liệu pha chì do những tác động nguy hại của chúng với sức khỏe và môi trường. Tuy nhiên, vì lợi ích kinh tế, chính phủ đã phớt lờ cảnh báo này của bà. Đến năm 1988, Cục bảo vệ môi trường Hoa Kỳ đã ước tính trong vòng 60 năm xăng pha chì được cấp phép lưu hành, có khoảng 68 triệu trẻ em trên thế giới đã chịu phơi nhiễm nặng nề với kim loại độc hại này.
Alice Hamilton rất quan tâm đến câu chuyện mà sinh viên kể với mình. Bà quyết định bắt tay vào nghiên cứu. Bà đặt những đĩa nuôi cấy bên cạnh bàn mổ trong khi bác sĩ phẫu thuật đang thuyết giảng. Sau một thời gian nuôi cấy, Hamilton ghi nhận có đến 75 chủng vi khuẩn khác nhau phát triển trên đĩa, trong đó quá nửa là những chủng có hại như Streptococci, Diplococci, Staphylococci … Tất cả những chủng này đều có nguồn gốc từ … miệng của bác sĩ, và chúng là nguyên nhân dẫn đến nhiều trường hợp nhiễm khuẩn vết mổ tồi tệ.
Bà cũng khám phá ra rằng có những “giọt đờm vô hình” bắn ra đến 24cm khi người ta nói chuyện với nhau. Khoảng cách này tăng lên 36cm khi chúng ta ho. Ngày nay, đây chính là khái niệm “giọt bắn” mà chúng ta thường nghe thấy trong đại dịch COVID-19 vừa qua. Hamilton là người đầu tiên nhận ra vai trò của những giọt bắn trong việc lây truyền bệnh lao và là “nguồn lây nhiễm rõ ràng cho bệnh nhân phẫu thuật đã bị các bác sĩ ngoại khoa bỏ qua”.
Alice Hamilton xuất bản nghiên cứu của mình trên tạp chí JAMA năm 1905. Trong đó, bà kêu gọi các phẫu thuật viên và y tá nên đeo khẩu trang để tránh lan truyền vi khuẩn. Và thực tiễn chứng minh bà đã đúng. Tại các phòng kiến tập ngoại khoa ở Chicago, khi nhân viên y tế thực hành đeo khẩu trang, không một ca nhiễm khuẩn sau mổ nào xảy ra trong vòng 8 tháng theo dõi.
Uy tín của Hamilton khiến lời kêu gọi của bà được chú ý. Năm 1906, cuốn sách y học đầu tiên ủng hộ việc đeo khẩu trang trong phẫu thuật đã được xuất bản ở Anh. Mặc dù đã có những bằng chứng rõ ràng về lợi ích của khẩu trang, đáng buồn thay phần lớn các bác sĩ ở đầu thế kỉ 20 vẫn xem nhẹ nó và từ chối sử dụng, đơn giản vì “không thấy thoải mái khi đeo”.
Đại dịch hạch Mãn Châu
Năm 1910, một trận dịch kì lạ bùng phát ở Mãn Châu, Trung Quốc đã giết chết đến 99,9% người mắc bệnh. Lịch sử ghi nhận đó là Đại dịch dịch hạch viêm phổi Mãn Châu (Manchurian pneumonic plague), khiến hơn 60.000 người tử vong. Bệnh được cho là bắt nguồn từ loài rái cá cạn, vốn được các thợ săn thời đó săn lùng để lấy lông.
Tại thành phố Cáp Nhĩ Tân, bác sĩ Ngũ Đức Liên (Wu Lien-teh), một người Trung Quốc gốc Malaysia, đã tốt nghiệp đại học Cambridge, được chính phủ giao phụ trách công tác chống dịch. Ông nhận ra căn nguyên dịch bệnh lây truyền qua không khí chứ không giống dịch hạch thông thường. Bệnh nhân mắc Dịch hạch Mãn Châu nhanh chóng tiến triển thành viêm phổi và chết do suy hô hấp.
Bác sĩ Ngũ Đức Liên đã áp dụng những biện pháp chống dịch chưa từng có trước đó: người nhiễm bệnh đã chết phải được hỏa thiêu, thậm chí nơi ở của họ cũng có thể bị đốt nếu cần. Các khu dân cư bị phong tỏa. Đường sắt và đường thủy tạm thời đóng cửa. Những người nghi nhiễm bệnh, hoặc thân nhân của người chết được đưa đến những khu cách ly, sau 5-10 ngày, nếu không xuất hiện triệu chứng thì họ được thả. Và biện pháp đáng chú ý nhất: đeo khẩu trang vải đối với nhân viên y tế và công chúng. Đối với nhân viên y tế, họ còn phải mặc trang phục bảo hộ kín toàn thân. Thật ngạc nhiên khi hơn 100 năm trước, bác sĩ Liên đã tổ chức được một hệ thống các biện pháp phòng chống dịch chẳng khác gì nền y tế hiện đại đang làm ngày nay trong dịch COVID-19.
Tất nhiên, khuyến nghị đeo khẩu trang của bác sĩ Liên cũng vấp phải sự phản đối từ các đồng nghiệp bảo thủ. Gérald Mesny, một bác sĩ người Pháp vốn có tranh luận với bác sĩ Liên về vấn đề này đã chết vài ngày sau khi thăm khám cho bệnh nhân mà không đeo khẩu trang. Trên bình diện rộng, đến cuối tháng 1/1911, nhờ những biện pháp quyết liệt, dịch bệnh cơ bản được khống chế tại Cáp Nhĩ Tân.
Đại dịch hạch viêm phổi Mãn Châu là bằng chứng mạnh mẽ nhất cho đến thời điểm đó về hiệu quả của chiếc khẩu trang trong phòng ngừa một dịch bệnh hô hấp. Giới khoa học và công chúng bắt đầu chú ý đến chiếc khẩu trang. Và đến khi Đại dịch Cúm Tây Ban Nha bùng phát trong năm 1918, khẩu trang đã thực sự phổ biến trong cộng đồng. Tuy vậy, độc lực chết người của virus cúm H1N1 năm 1918 đã khiến cho hiệu quả của khẩu trang trở nên nhỏ bé so với sức tàn phá của virus. Ước tính có đến 50-100 triệu người đã chết vì cúm Tây Ban Nha trong giai đoạn 1918-1920, biến nó thành trận dịch khủng khiếp nhất trong lịch sử nhân loại.
♥ Đọc thêm: Từ dịch COVID-19 nhìn lại đại dịch Cúm Tây Ban Nha: những bài học đắt giá dành cho loài người
Phổ biến khắp thế giới
Từ năm 1920, đeo khẩu trang vải bắt đầu phổ biến trong các phòng mổ tại Âu Mỹ, và trở thành tiêu chuẩn thực hành về vô trùng. Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh hiệu quả không thể chối cãi của khẩu trang trong ngăn ngừa nhiễm khuẩn hậu phẫu thuật. Trong những thập niên tiếp theo, các nhà khoa học tiếp tục nhiều thử nghiệm về thiết kế và vật liệu để tăng hiệu quả cho chiếc khẩu trang.
Tiêu chuẩn về thực hành vô trùng trong phòng mổ bao gồm:
– Rửa tay vô trùng
– Đeo găng tay vô trùng
– Đeo khẩu trang, mũ/bao tóc
– Mặc quần áo mổ vô trùng
– Che phủ người bệnh bằng săng vô trùng
Các biến thể của khẩu trang bằng gạc bắt đầu xuất hiện, khi người ta thay thế những lớp gạc bằng chất liệu khác như cao su, cellulose, nhựa, thậm chí là … vàng. Sau cùng, chiếc khẩu trang với chất liệu cotton nén kết hợp với những lớp gạc thấm nước được đánh giá cao nhất, với khả năng lọc bụi bẩn và mầm bệnh tốt, có thể tái sử dụng sau khi giặt và tiệt khuẩn, đồng thời mang lại cảm giác thoải mái cho người đeo. Cấu trúc này là cơ sở của những chiếc khẩu trang y tế, hay khẩu trang phẫu thuật ngày nay.
Nhiều loại khẩu trang chuyên dụng cũng được phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu khắt khe hơn của những tiêu chuẩn phòng dịch. Các loại khẩu trang được thiết kế để vừa với khuôn mặt (như khẩu trang N95), với vật liệu giúp lọc được các tác nhân gây bệnh ngày càng nhỏ.
♥ Đọc thêm: Khẩu trang N95 được tạo ra dựa trên thiết kế … áo lót phụ nữ
Từ những năm 1960, khẩu trang y tế dùng một lần làm từ sợi tổng hợp bắt đầu xuất hiện ở Mỹ và nhanh chóng phổ biến khắp thể giới.
Khẩu trang y tế hiện nay có cấu trúc gồm 3 thành phần cơ bản:
– Lớp ngoài cùng làm từ vải không dệt chống thấm, có tác dụng ngăn nước thấm vào bên trong, và chặn các hạt bụi có kích thước lớn.
– Lớp giữa có thể có từ 1-2-3 lớp con, làm từ những chất liệu kháng khuẩn (polymer, than hoạt tính) hoặc chất liệu để lọc được bụi có kích thước nhỏ đến siêu nhỏ.
– Lớp trong cùng làm từ chất liệu thấm hút tốt, có tác dụng hấp thu những giọt bắn từ mũi, miệng người đeo, giúp tránh phát tán mầm bệnh ra môi trường xung quanh.
Do vậy, khi đeo khẩu trang y tế, cần đeo đúng mặt và che kín cả mũi lẫn miệng.
Đáng ngạc nhiên là dù đã có lịch sử phát triển hàng trăm năm nhưng cho đến cuối thế kỉ 20 và đầu thế kỉ 21, những tranh luận về hiệu quả của việc đeo khẩu trang để ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp trong cộng đồng vẫn còn tiếp diễn. Điều này có nguyên do từ việc thiếu các dữ liệu nghiên cứu tin cậy.
♥ Đọc thêm: Liệu đeo khẩu trang có ngăn được lây nhiễm virus corona?
Trong giai đoạn đầu của đại dịch COVID-19, ngay cả các tổ chức y tế uy tín hàng đầu như WHO, CDC, NHS cũng không đưa ra khuyến cáo bắt buộc về đeo khẩu trang. Người ta không tin rằng khẩu trang y tế thông thường có thể ngăn được những mầm bệnh siêu nhỏ như virus. Chỉ đến khi dịch bệnh dùng phát mạnh mẽ ở châu Âu và bắc Mỹ, trong khi được kiểm soát tốt ở những quốc gia có “truyền thống” đeo khẩu trang như Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, các chính phủ Âu-Mỹ mới bắt đầu thay đổi quan điểm. Cũng giống như Đại dịch hạch Mãn Châu, dịch COVID-19 sẽ một lần nữa cho thế giới thấy một vật dụng nhỏ bé, đơn giản như khẩu trang có thể đem lại tác động lớn lao đến mức nào đối với sức khỏe cộng đồng.
Tham khảo:
Người mĩ vẫn chủ quan ko đeo khẩu trang. Các bs ở mĩ nói rằng họ phải chiến đấu chống lại dịch bệnh đồng thời với chiến đấu chống lại sự ngu dốt của nhiều người dân Haizz.