20 C
Hanoi
Thứ tư, Tháng mười hai 11, 2024

Tại sao vi khuẩn gây nhiễm trùng đường tiết niệu không bị trôi ra khi ta đi tiểu?

- Advertisement -

   Nhiễm trùng đường tiết niệu là một trong những chứng bệnh nhiễm khuẩn phổ biến nhất, rất thường gặp trong đời sống, đặc biệt là với phụ nữ. Một câu hỏi được nhiều người thắc mắc là tại sao vi khuẩn có thể “trụ lại” trong đường tiết niệu mà không bị cuốn trôi khi chúng ta đi tiểu?

Vi khuẩn gây nhiễm trùng đường tiết niệu

   Câu trả lời là vi khuẩn đã hình thành một cơ chế rất “thông minh” để có thể bám chặt vào các tế bào ở thành của đường tiết niệu khi chúng cảm thấy có áp lực của dòng nước tiểu chảy qua. Khi ngừng tiểu, vi khuẩn lại tiếp tục “du hành”  lên trên, đi sâu vào hệ tiết niệu.

   Khám phá này rất hữu ích ở chỗ nó cho thấy nhiễm trùng tiết niệu thông thường có thể được điều trị mà không cần dùng kháng sinh! Chỉ cần một loại thuốc có thể vô hiệu hóa cơ chế bám của vi khuẩn, công việc còn lại sẽ hết sức đơn giản chỉ bằng cách … đi tè. David Brown, thuộc Tổ chức Nghiên cứu Kháng sinh, Vương quốc Anh, cho biết:

- Advertisement -

Chúng tôi hy vọng cách tiếp cận này sẽ dẫn chúng ta tới những loại thuốc diệt khuẩn mạnh mẽ mà không phải kháng sinh

   Khoảng một nửa phụ nữ trên thế giới đã từng trải qua nhiễm trùng đường tiết niệu một vài lần trong đời. Nam giới cũng gặp nhưng ít hơn. Nguồn gốc vi khuẩn thường đến từ các cơ quan lân cận như hậu môn hoặc âm hộ, âm đạo ở nữ. Chủng vi khuẩn thường gặp là Escherichia coli.

   Các nhà khoa học dự đoán rằng E.coli có thể bám vào bề mặt tế bào người bằng những “cái móc” ở đầu của chúng. Tuy nhiên cho đến nay, chưa ai tìm ra chính xác cấu trúc của phân tử protein làm nhiệm vụ này, và cách nó tương tác với tế bào người.

   Với sự hỗ trợ của kính hiển vi điện tử, một nhóm các nhà nghiên cứu Thụy Sĩ đã khám phá ra cấu trúc của phân tử protein tạo nên “cái móc” này của E.coli, họ gọi nó là FimH. Các FimH kết nối với nhau bằng những liên kết dọc theo phân tử tạo thành những bó. Các nhà khoa học nhận thấy khi chịu tác động của lực kéo giãn, chính là lực xuất hiện trong dòng nước tiểu, các protein FimH sẽ phản ứng lại bằng cách gắn chặt vào những phân tử đường có trên bề mặt tế bào, qua đó giữ vi khuẩn không bị cuốn trôi.

cấu trúc phân tử FimH
Cấu trúc phân tử FimH của vi khuẩn E.coli

   Khi ngừng đi tiểu, FimH trở về trạng thái “thả lỏng”, và vi khuẩn tiếp tục di động tự do, tiến về phía bàng quang, nơi có nhiệt độ và độ pH ổn định hơn so với niệu đạo. Tại đó, vi khuẩn sẽ gây nên tình trạng viêm bàng quang.

   Kháng sinh là giải pháp phổ biến để điều trị viêm đường tiết niệu. Song tình trạng kháng thuốc kháng sinh của vi khuẩn đang ngày một gia tăng, đòi hỏi những phương pháp điều trị mới hiệu quả hơn. Nhóm nghiên cứu hiện đang tập trung thử nghiệm một loại thuốc có khả năng ức chế FimH (FimH Antagonist) trên chuột. Hy vọng liệu pháp độc đáo này sẽ sớm được ứng dụng trong tương lai không xa.

♥ Đọc thêm: Lần đầu tiên quan sát được hình ảnh 3D của hoạt chất tự nhiên chống lại nhiễm khuẩn đường tiết niệu ở người

Nguồn: New Scientist

- Advertisement -
Nguyễn Hoàng Sơn
Nguyễn Hoàng Sơnhttps://bshoangson.com/
Bác sĩ chuyên khoa I chuyên ngành Chẩn đoán hình ảnh tại Đại học Y Hà Nội. Hiện đang làm việc tại Hà Nội

ĐỌC THÊM

Nhận thông báo qua Email
Nhận thông báo cho
guest

0 Góp ý
cũ nhất
mới nhất bình chọn nhiều nhất
Phản hồi trích dẫn trong bài viết
Xem tất cả bình luận

CỘNG ĐỒNG Y HỌC THÚ VỊ

6,000FansLike
5,000FollowersFollow
3,500SubscribersSubscribe
- Advertisement -

BÀI MỚI

0
Nếu thích bài viết, hãy để lại bình luận bạn nhé!x