Hình ảnh có phần kinh dị này là một căn bệnh ít gặp gọi là bệnh Buerger, hay bệnh viêm mạch huyết khối tắc nghẽn (thromboangiitis obliterans). Bệnh nhân xuất hiện những mạch máu bị viêm, phù nề và bị những cục máu đông nhỏ làm tắc nghẽn dòng chảy, hậu quả gây ra tình trạng thiếu máu nuôi dưỡng cho một vùng cơ thể, dẫn tới phá hủy tổ chức da, nhiễm khuẩn và hoại tử.
Bệnh Buerger thường xuất hiện đầu tiên ở đầu ngón tay, ngón chân, sau đó có thể lan rộng ra cả bàn tay, bàn chân, cánh tay hoặc cẳng chân, đùi.
Một điều đặc biệt là hầu hết những bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh Buerger đều là những người có tiền sử hút thuốc lá. Do vậy, bỏ thuốc lá là đòi hỏi cần thiết để ngăn chặn bệnh tiến triển.
♥ Đọc thêm: Infographic về ung thư phổi
Cơ chế gây nên bệnh chưa thực sự được làm sáng tỏ. Các nhà nghiên cứu cho rằng những hóa chất trong khói thuốc lá tác động gây kích ứng nội mạc mạch máu khiến chúng bị viêm, phù nề, co hẹp lòng mạch. Thành mạch bị tổn thương cộng với sự lưu thông chậm chạp của dòng máu tạo điều kiện thuận lợi để cục máu đông hình thành.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng bệnh có yếu tố di truyền và tự miễn, nghĩa là khi hệ miễn dịch của cơ thể tự tấn công vào chính các thành phần của cơ thể, trong trường hợp này là mạch máu ở chi.
Mục lục
Triệu chứng của bệnh Buerger
Các triệu chứng của bệnh bao gồm
- Đau nhói hoặc tê bì vùng bàn tay, bàn chân.
- Bàn tay, bàn chân nhợt nhạt, có màu hơi đỏ hoặc xanh.
- Xuất hiện những cơn đau ở bàn tay, cánh tay, bàn chân, cẳng chân khi vận động. Đau giảm dần khi nghỉ ngơi.
- Phản ứng viêm xảy ra ở các tĩnh mạch nông dưới da (do hình thành những cục máu đông trong lòng mạch gây nghẽn mạch) biểu hiện thành nhữn g dải xanh tím, hoặc những mảng đổi màu trên da dọc theo đường đi của mạch máu.
- Ngón tay và ngón chân trở nên tái nhợt khi tiếp xúc với nhiệt độ lạnh (hiện tượng Raynaud)
- Xuất hiện các vết loét, vết nứt trên đầu ngón tay, ngón chân. Nhiễm khuẩn khiến cho những chỗ loét bốc mùi khó chịu.
- Trong trường hợp nặng, hoại tử xảy ra làm cho ngón tay, ngón chân, thậm chí cả bàn tay, bàn chân tím đen, mất hoàn toàn cảm giác.
Yếu tố nguy cơ
Hút thuốc lá
Như đã nói trên, sử dụng thuốc lá (dạng hút, hay nhai) là tác nhân số một của bệnh Buerger. Những người hút thuốc lá cuốn với lá thuốc thô ít được chế biến, hoặc những người có thói quen hút trên 1 bao thuốc mỗi ngày (hoặc nửa điếu xì gà mỗi ngày) là nhóm có nguy cơ mắc bệnh cao nhất. Bệnh Buerger xuất hiện nhiều ở vùng Địa Trung Hải, Trung Đông và châu Á – những nơi thói quen hút thuốc lá rất phổ biến trong cư dân.
Nhiễm trùng lợi (nướu răng) mạn tính
Các nghiên cứu chỉ ra viêm lợi lâu dài có mối liên hệ với bệnh Buerger, tuy nhiên cơ chế của hiện tượng này còn chưa được hiểu rõ.
Giới tính và tuổi
Bệnh Buerger thường gặp ở nam giới hơn là phụ nữ. Độ tuổi triệu các triệu chứng đầu tiên xuất hiện thường là dưới 45 tuổi.
Điều trị bệnh Buerger
Hiện nay, chưa có biện pháp điều trị triệt để với cặn bệnh này. Các bác sĩ thường cho bệnh nhân dùng thuốc giảm đau, chống viêm như một cách để điều trị triệu chứng.
Trong các ca bệnh diễn biến cấp tính, người ra sử dụng những biện pháp làm giãn mạch máu ở tay chân của bệnh nhân với hy vọng giúp cải thiện tình trạng thiếu máu của chi thể, ví dụ như gây tê ngoài màng cứng, hoặc cho bệnh nhân nằm trong buồng oxy áp lực cao.
Đối với những bệnh nhân mắc bệnh lâu ngày, phẫu thuật diệt hạch giao cảm thắt lưng có thể giúp làm giãn mạch và tăng cường máu đến chân.
Khi mạch máu đã bị tắc nghẽn hoàn toàn, bác sĩ có thể tiến hành phẫu thuật bắc cầu để cứu chi thể (dùng một đoạn mạch máu nối qua chỗ tắc). Còn khi chi thể đã có dấu hiệu hoại tử, phẫu thuật cắt cụt là không thể tránh khỏi.
Lời khuyên của các bác sĩ khi bạn mắc căn bệnh này là hãy cai thuốc lá ngay lập tức! Bỏ thuốc lá không thể khiến bạn khỏi bệnh nhưng sẽ làm chậm tiến triển của bệnh và giảm nguy cơ phải cắt cụt chi.