Hầu hết các bệnh truyền nhiễm do virus ở người xuất phát từ động vật, trong số này có những virus “khét tiếng” nhất như HIV, Ebola, cúm H1N1, SARS, MERS. Dịch COVID-19 hiện nay do virus corona chủng mới gây ra cũng được tin rằng có nguồn gốc từ loài dơi. Vậy tại sao virus có thể truyền từ động vật sang người?
Mục lục
Tại sao virus nguy hiểm cho người nhưng không gây bệnh cho động vật?
Virus là một tác nhân truyền nhiễm có kích thước siêu hiển vi. Chúng chỉ có thể sinh sôi trong tế bào sinh vật sống. Mục đích tồn tại duy nhất của virus chỉ là nhân lên và nhân lên không ngừng. Điều đó được quy định trong mã di truyền chứa bên trong lõi của mỗi virus.
Hiện tượng một bệnh truyền nhiễm ở người gây ra do những tác nhân có nguồn gốc từ động vật gọi là “Zoonosis”. Động vật được coi là những “hồ chứa” virus tự nhiên. Hầu hết các loài động vật, đặc biệt là động vật có vú đều có những quần thể virus kí sinh trong cơ thể. Ví dụ như dơi là hồ chứa khoảng 500-600 chủng virus, tê tê có khoảng 50 chủng. Điều đáng nói là đa số các loài động vật đều đã phát triển hệ miễn dịch để đề kháng với những chủng loài virus này, khiến chúng không bị mắc bệnh.
Trong quá trình tiến hóa lâu dài, dường như động vật hoang dã và virus đã “bắt tay nhau” để cùng tồn tại. Nhưng khi “nhảy” sang cơ thể người, hệ miễn dịch của chúng ta hoàn toàn không có bất cứ “hiểu biết” nào về virus từ động vật. Thiếu đi các cơ chế phòng vệ hiệu quả như động vật, cơ thể người dễ dàng bị đánh gục; và nếu chúng có thể lây truyền giữa người với người thì thực sự là thảm họa: các dịch bệnh, thậm chí là đại dịch sẽ xuất hiện và làm rất nhiều người thiệt mạng.
Virus làm thế nào để lây nhiễm từ người sang người?
Thông thường, khi một chủng virus từ động vật hoang dã xâm nhập vào cơ thể người, sự khác biệt quá lớn về mặt sinh học giữa hai vật chủ sẽ giết chết virus ngay lập tức, hoặc khiến chúng chỉ tồn tại được trong cơ thể người bị lây nhiễm mà không truyền sang cho người khác được.
Nguy cơ lớn nhất khiến virus truyền từ động vật sang người đến từ những hoạt động tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp giữa người với động vật hoặc các sản phẩm của chúng (thịt, sữa, trứng, máu) hoặc tiếp cận với môi trường sống của chúng. Chẳng hạn, những người trực tiếp làm thịt gà, thit vịt có thể phơi nhiễm với virus cúm gia cầm; Virus SARS-CoV-2 được cho là có nguồn gốc từ dơi, có thể truyền qua một vật chủ trung gian khác là tê tê – những loài động vật hoang dã được bày bán ở chợ hải sản Hoa Nam, thành phố Vũ Hán, Trung Quốc – nơi những ca bệnh đầu tiên được báo cáo.

Để lây nhiễm được từ người sang người, virus có một vũ khí rất lợi hại được gọi là sự “thay đổi kháng nguyên” (antigenic shift). Đây ra quá trình 2 chủng virus khác nhau tái tổ hợp lại để tạo ra một chủng hoàn toàn mới sử dụng vật liệu di truyền của cả hai chủng cũ. Ví dụ, khi một cơ thể vật chủ đồng thời nhiễm virus cúm gia cầm và virus cúm người, sự tái tổ hợp có thể diễn ra khiến chủng virus mới sở hữu những protein bề mặt của chủng cúm gia cầm, nhưng có phần lớn bộ gen và các đặc điểm khác từ chủng virus cúm người. Protein bề mặt mới sẽ “qua mặt” được hệ miễn dịch của người, trong khi bộ gen mang tới khả năng lây lan từ người sang người mạnh mẽ.
Sự thay đổi kháng nguyên xảy ra với xác suất vô cùng hiếm, nhưng khi đã xảy ra, chúng sẽ tạo thành những đại dịch mới. Riêng với virus cúm, sự thay đổi kháng nguyên được cho là đã gây nên đại dịch cúm Châu Á năm 1957, đại dịch cúm Hồng Kông năm 1968, và đại dịch cúm lợn năm 1976. Dịch cúm H1N1 năm 2009 cũng là kết quả thay đổi kháng nguyên và tái tổ hợp của các chủng cúm gia cầm, cúm lợn, cúm người.
Nhiều người cho rằng đại dịch cúm Tây Ban Nha 1918 , trận dịch lớn nhất trong lịch sử nhân loại làm 50-100 triệu người chết, cũng có nguyên nhân từ sự thay đổi kháng nguyên của virus cúm. Tuy nhiên các bằng chứng gần đây cho thấy đại dịch này có lẽ gây ra do một hiện tượng khác gọi là “trôi dạt kháng nguyên” (antigenic drift) trên một chủng virus cúm gia cầm.
♥ Đọc thêm: Từ dịch COVID-19 nhìn lại đại dịch Cúm Tây Ban Nha: những bài học đắt giá dành cho loài người
Trôi dạt kháng nguyên là những đột biến nhỏ trong bộ gen của virus khiến cho protein bề mặt của chúng thay đổi chút ít so với protein “nguyên bản”. Điều đó khiến hệ miễn dịch của vật chủ không “nhận ra” các protein của virus, và khiến các kháng thể được sinh ra để đối phó với những chủng virus cũ trở nên vô dụng. Đây là lí do chúng ta phải tiêm chủng cúm lại mỗi năm do virus cúm liên tục đột biến.
Trong những trường hợp hãn hữu, các đột biến được tích lũy đủ nhiều hoặc đột biến ở một vị trí “tối quan trọng” khiến virus có bước thay đổi nhảy vọt, với độc lực và khả năng lây nhiễm tăng lên mạnh mẽ. Hậu quả gây ra cũng sẽ là sự bùng phát của một đại dịch mới.
Ngoài ra, nhiều nghiên cứu gần đây còn cho thấy một cách thức khác là một chủng virus từ động vật có thể “nhảy” trực tiếp sang người mà không cần qua vật chủ trung gian hay một quá trình tái tổ hợp gen nào cả. Trong cơ thể người, virus xuất hiện những đột biến nhanh chóng để thích nghi với vật chủ mới và lây lan từ người sang người.
♥ Đọc thêm: Một chủng virus corona có thể lây nhiễm sang người đã được tạo ra trong phòng thí nghiệm từ năm 2015
Các đại dịch là tương lai và định mệnh của nhân loại
Trong suốt chiều dài lịch sử, các đại dịch luôn là “bạn đồng hành” bất đắc dĩ của con người. Ngay cả trong kỉ nguyên hiện đại, với các tiến bộ vượt bậc về khoa học công nghệ nói chung và y học nói riêng, hậu quả của các dịch bệnh vẫn hết sức nặng nề. Quá trình tiến hóa là một trận chiến khốc liệt khi các chủng virus liên tục biến đổi để xâm nhập vào cơ thể con người, và chúng ta cũng liên tục phải tìm cách đối phó với những biến đổi đó.
Mặt khác, việc tàn phá môi trường sống của các loài sinh vật hoang dã, cũng như nạn săn bắn, ăn thịt thú rừng khiến cho những “hồ chứa” virus này thường xuyên tiếp xúc với con người hơn, và xác suất để một virus nào đó thành công trong việc truyền từ động vật sang người cũng cao hơn. Nhiều nhà khoa học đã ví von những đại dịch đã và sẽ xảy ra giống như sự trừng phạt của thiên nhiên đối với cách con người tàn phá môi trường sống hoang dã. Đại dịch sẽ còn song hành với loài người như một tất yếu, một định mệnh nghiệt ngã.