Một người phụ nữ Hy Lạp 31 tuổi nhập viện vì tình trạng nhìn mờ mắt trái xuất hiện khoảng 4 tuần trước đó và lồi mắt tiến triển trong vòng 2 tuần trở lại đây. Theo một ca bệnh nang sán chó được báo cáo trên tạp chí Y học New England ngày 2/4/2020.
Ảnh chụp Cộng hưởng từ sọ não cho thấy một khối dạng nang có bờ tròn, nhẵn nằm trong khoang hậu nhãn cầu mắt trái trông giống như một “nhãn cầu thứ 3”, khối đè đẩy dây thần kinh thị giác vào trong, đây là lí do khiến bệnh nhân bị nhìn mờ.
Bệnh nhân đã được phẫu thuật để loại bỏ cái nang, nhưng không may nang bị vỡ trong quá trình mổ khiến các bác sĩ phải rửa lại vùng mổ bằng nước muối sinh lý. Kết quả giải phẫu bệnh cho thấy nhiều đầu sán non trong nang và dịch rửa, xác nhận chẩn đoán một nang sán chó trong hốc mắt của bệnh nhân.
Bệnh do sán chó gây ra bởi một loài kí sinh có tên khoa học là Echinococcus (sán dây chó, hay sán dải chó), là một bệnh truyền nhiễm lưu hành ở nhiều vùng trên thế giới như Trung Đông, Châu Phi, Nam Mỹ, Trung Quốc, New Zealand, Úc, Thổ Nhĩ Kỳ và Nam Âu.
Sán chó trưởng thành kí sinh trong đường ruột của chó, chúng đẻ trứng và trứng phát tán ra ngoài môi trường qua phân, hoặc do chó liếm hậu môn rồi lại liếm vào các vật dụng khác trong nhà. Sau khi xâm nhập vào đường tiêu hóa của người hoặc của những vật chủ trung gian khác (chuột, mèo, gia súc …), ấu trùng sán nở ra và lách qua thành ống tiêu hóa vào hệ tuần hoàn và “chu du” đến các tạng trong cơ thể, thường gặp nhất là gan (75% các trường hợp), phổi (5-15%), tim, não, thận, lách (khoảng 10-20%). Trường hợp ấu trùng sán kí sinh trong hốc mắt như trường hợp trình bày ở trên là rất hiếm, chỉ chiếm dưới 1%. Tại các tạng này, ấu trùng hình thành những cái nang mà bên trong chứa dịch, thành của nang là nơi các đầu sán non hình thành và phát triển. Quá trình này có thể kéo dài vài năm thậm chí hàng thập kỉ.
Đầu sán non được giải phóng khỏi nang và quay trở lại đường tiêu hóa, phát triển thành sán trưởng thành. Sán trưởng thành có phần đầu, cổ và thường là 3 đốt, với một đốt “non”, một đốt “trưởng thành” và một đốt “già” chứa trứng. Trứng được giải phóng vào phân ra ngoài và khép kín vòng đời của sán.
Điều trị nang sán chó bao gồm phẫu thuật loại bỏ nang, và kháng sinh kéo dài 3-6 tháng. 2 loại kháng sinh thường dùng nhất để điều trị là Albendazol và Mebendazol.
Một số biện pháp điều trị mới đang được phát triển như hóa chất trị liệu và chọc hút nang sán (PAIR – puncture-aspiration-injection-reaspiration). Chọc hút nang sán là một can thiệp tối thiểu trong đó người ta chọc kim vào nang sán dưới hướng dẫn của các phương tiện chẩn đoán hình ảnh, hút bớt dịch trong nang rồi tiêm vào nang dung dịch chứa nước muối ưu trương và cồn. Dung dịch này sẽ giết chết các đầu sán non.
Đề phòng bệnh, cần phải thực hiện các biện pháp vệ sinh như ăn chín uống sôi, rửa tay thường xuyên, nhất là sau khi tiếp xúc, chơi đùa với chó mèo hoặc các loại gia súc.
♥ Đọc thêm: 8 sự thực thú vị về kí sinh trùng
♥ Xem thêm: 10 ca bệnh kì lạ trên thế giới