20 C
Hanoi
Thứ tư, Tháng mười hai 11, 2024

Một chủng virus corona được tạo ra trong phòng thí nghiệm từ năm 2015 có thể lây nhiễm sang người

- Advertisement -

   Ralph Baric, một nhà nghiên cứu về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Bắc Carolina và cộng sự của ông đã xuất bản một bài báo trên tạp chí Nature Medicine từ tháng 11/2015 mô tả họ đã thành công trong nỗ lực thiết kế một loại virus có protein bề mặt (hay protein gai) của virus SHC014-CoV, một chủng virus corona tương tự như SARS-CoV. SHC014-CoV được tìm thấy ở dơi móng ngựa (Rhinolophidae), một họ dơi sống ở Trung Quốc. Virus corona được tạo ra trong phòng thí nghiệm này có thể gây ra hội chứng viêm đường hô hấp cấp tính ở chuột nhưng đáng nói hơn là nó có thể lây nhiễm vào các tế bào niêm mạc đường thở ở người.

SARS-CoV-2 dưới kính hiển vi điện tử với những "cái gai" trên bề mặt
Virus corona dưới kính hiển vi điện tử với những “cái gai” trên bề mặt

   Kết quả nghiên cứu cho thấy protein bề mặt của SHC014-CoV có khả năng gắn vào thụ thể ACE2 trên màng tế bào người và qua đó xâm nhập vào trong tế bào. Điều đó xác nhận lo ngại của giới khoa học về việc chủng virus này, hoặc một chủng coronavirus khác trong cơ thể loài dơi có thể tiến hóa để “nhảy”sang con người mà không cần thông qua một vật chủ trung gian nào khác, theo đánh giá của Nature Medicine.

Bạn có biết
Vật chủ trung gian là một mắt xích quan trọng trong việc tạo ra những chủng virus mới có thể lây lan từ người sang người.
Chẳng hạn, một con lợn nhiễm đồng thời virus cúm gia cầm và virus cúm người có thể là môi trường để hai chủng virus này tái tổ hợp với nhau tạo thành một chủng virus mới có phần lớn bộ gen của chủng cúm người nhưng protein bề mặt lại của chủng cúm gia cầm.

   Virus này cũng tỏ ra “miễn nhiễm” với các loại kháng thể đơn dòng và vaccin được sử dụng để tiêu diệt virus SARS. Đây cũng lại là một mối lo ngại khác đối với các nhà virus học do không có miễn dịch chéo giữa các chủng virus corona khác nhau.

   Ở một khía cạnh khác, kết quả mà nhóm của Ralph Baric báo cáo cũng khơi lại cuộc tranh luận về tính an toàn và đạo đức của những nghiên cứu “Tăng cường chức năng” cho mầm bệnh.

- Advertisement -

   Nghiên cứu “tăng cường chức năng” (Gain-of-function – GOF) là những nghiên cứu nhằm mục đích hoặc dự kiến có thể làm tăng độc lực và khả năng truyền bệnh của một mầm bệnh nào đó.

virus corona tạo ra trong phòng thí nghiệm có thể lây nhiễm vào tế bào người

   Viện sức khỏe Quốc gia Hoa Kỳ (NIH) đã tài trợ cho các nghiên cứu này với mục đích tìm hiểu bản chất về cách mầm bệnh tương tác để lây truyền giữa người với người, qua đó đánh giá tiềm năng bùng phát thành đại dịch của các tác nhân lây nhiễm mới cũng như phát triển các liệu pháp điều trị, phòng bệnh và chuẩn bị cho các kế hoạch chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên chúng cũng kéo theo những rủi ro về an toàn sinh học hoặc trở thành vũ khí sinh học nếu lọt vào tay kẻ xấu.

Nếu virus mới thoát ra ngoài, không ai có thể lường được đường đi và hậu quả của chúng.

Simon Wain-Hobson, nhà virus học thuộc viện Pasteur Paris, Pháp

   Với những quan ngại đó, năm 2014, chính phủ Mỹ dưới thời tổng thống Barack Obama đã tạm dừng mọi hoạt động tài trợ cho các nghiên cứu “tăng cường chức năng” liên quan đến virus cúm, SARS và hội chứng hô hấp cấp vùng Trung Đông (MERS).

   Nghiên cứu của Baric trên virus SHC014-CoV bắt đầu từ trước thời điểm lệnh cấm được ban hành, và do đó NIH vẫn cho phép nó được tiếp tục nhưng dưới sự giám sát chặt chẽ. Điều này làm dấy lên một cuộc tranh luận gay gắt giữa các nhà khoa học. Phe phản đối cho rằng việc tạo ra một mầm bệnh hoàn toàn mới và phi tự nhiên trong phòng thí nghiệm là nguy hiểm và trái với đạo đức y học. Trong khi Baric và những người ủng hộ nói nó sẽ giúp Chính phủ và cộng đồng nhận thức rõ ràng hơn bao giờ hết về những nguy cơ của virus đang đe dọa con người nhưng lại chưa được để ý đúng mức.

Lưu ý
Chủng virus corona được tạo ra trong phòng thí nghiệm ở bài viết này không phải là virus SARS-CoV-2 gây ra đại dịch toàn cầu COVID-19. Thực tế, hiện không có bằng chứng nào cho thấy nguồn gốc của SARS-CoV-2 là từ phòng thí nghiệm.

♥ Đọc thêm: Tại sao virus SARS-CoV-2 lại lây nhiễm dễ dàng như vậy?

♥ Đọc thêm: Điều gì xảy ra với cơ thể của chúng ta sau khi nhiễm virus corona?

Nguồn: The Scientist

- Advertisement -
Nguyễn Hoàng Sơn
Nguyễn Hoàng Sơnhttps://bshoangson.com/
Bác sĩ chuyên khoa I chuyên ngành Chẩn đoán hình ảnh tại Đại học Y Hà Nội. Hiện đang làm việc tại Hà Nội

ĐỌC THÊM

Nhận thông báo qua Email
Nhận thông báo cho
guest

0 Góp ý
cũ nhất
mới nhất bình chọn nhiều nhất
Phản hồi trích dẫn trong bài viết
Xem tất cả bình luận

CỘNG ĐỒNG Y HỌC THÚ VỊ

6,000FansLike
5,000FollowersFollow
3,500SubscribersSubscribe
- Advertisement -

BÀI MỚI

0
Nếu thích bài viết, hãy để lại bình luận bạn nhé!x