Năm 2016, một cô gái trẻ người Anh tên là Sophie xuất hiện những cơn đau bụng dữ dội sau khi sinh con được 2 tháng. Các bác sĩ thăm khám cho cô nhưng không phát hiện được bất thường gì cho đến khi cô gái được nội soi dạ dày. Trên hình ảnh nội soi, một khối lớn màu đen được xác định là một … búi tóc nằm trọn trong dạ dày của Sophie. Sau đó cô gái kể rằng mỗi khi căng thẳng cô có thói quen nhổ vài sợi tóc trên đầu và … chén chúng. Các chuyên gia tâm lý xác định Sophie mắc một chứng rối loạn tâm thần gọi là Pica, trong đó người bệnh thèm ăn những thứ hầu như hoặc hoàn toàn không có giá trị dinh dưỡng như kim loại, gỗ, giấy, sỏi đá, tóc thậm chí chất thải và chất nôn.
Sophie được chỉ định phẫu thuật và các bác sĩ đã lấy ra búi tóc nặng 6,4kg từ dạ dày cô.
Pica lần đầu tiên được mô tả từ thời cổ đại bởi Hypocrat. Thuật ngữ “Pica” bắt nguồn từ chữ Picave, là tên một loài chim nổi tiếng với hành vi ăn uống “phàm phu tục tử” khi chúng có thể chén hầu như mọi thứ bắt gặp.
Pica phổ biến hơn bạn nghĩ. Và nhóm đối tượng hay gặp nhất chính là … các bà bầu. Chắc bạn cũng đã nghe chuyện các bà chửa ốm nghén và thèm ăn đủ thứ kinh khủng như …vôi tường, gạch non, thậm chí đất sét. Một nghiên cứu trên phụ nữ mang thai và sau sinh cho thấy Pica phổ biến nhất ở châu Phi với tỉ lệ phụ nữ có biểu hiện bệnh lên đến 44%, tiếp theo là châu Mỹ (23%) và Á-Âu (17,5%).
Pica còn gặp ở trẻ em, và những người có rối loạn phát triển tâm thần chẳng hạn như tự kỉ. Với các trẻ chậm phát triển trí tuệ, tỉ lệ mắc Pica có thể lên đến 10-33%.
♥ Đọc thêm: Triệu chứng sớm của bệnh tự kỉ [Infographic]
Các biến chứng thường gặp của Pica là nhiễm độc, tắc ruột, thủng tạng rỗng do những vật sắc nhọn, nhiễm giun sán và đau do co thắt đường tiêu hóa.
Pica có nhiều phân loại nhỏ hơn, dựa vào “món ưa thích” mà người bệnh thường thèm ăn. Bảng dưới đây cho biết thuật ngữ chuyên môn của những chứng bệnh này:
Loại “đồ ăn” Thuật ngữNước đá Pagophagia Tóc Trichophagia Giấy Xylophagia Vật sắc nhọn Acuphagia Kim loại Metallophagia Đá sỏi Lithophagia Đất Geophagia
Cẩm nang về chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần đưa ra 4 tiêu chí để chẩn đoán một người mắc Pica như sau:
- Ăn những thứ không phải là thức ăn hoặc không có giá trị dinh dưỡng trong vòng ít nhất 1 tháng.
- Hành vi ăn uống này được coi là bất thường trong độ tuổi của người đó (ví dụ một em bé 2 tuổi nuốt những viên bi sẽ không coi là Pica do chúng chưa nhận thức được bản chất của thứ nuốt vào).
- Hành vi ăn uống này không có liên hệ với những thực hành văn hóa của xã hội nơi người đó sinh sống (ví dụ người dân ở một số nơi thuộc tỉnh Vĩnh Phúc có tục ăn “đất hun khói” từ nhiều đời nay).
- Đối với phụ nữ có thai hoặc những người mắc các chứng bệnh tâm thần (như rối loạn phổ tự kỉ), chỉ nên chẩn đoán Pica khi hành vi của họ là nguy hiểm [cho sức khỏe] và cần phải được xem xét cẩn thận hơn hoặc cần phải điều trị những biến chứng về sức khỏe do hành vi đó gây ra.
Một số nghiên cứu cho thấy sự liên quan giữa Pica với chứng thiếu máu, thiếu sắt và những nguyên tố vi lượng khác, tuy nhiên Pica vẫn được coi là một rối loạn tâm thần chứ không phải do nguyên nhân thực thể nào đó. Rất nhiều cá nhân hoàn toàn khỏe mạnh về thể trạng cũng mắc Pica.
Cuối cùng, một điều thú vị là động vật cũng có thể mắc Pica, thường gặp nhất là ở chó và mèo.
♥ Đọc thêm: 10 ca bệnh kì lạ trên thế giới