Ô nhiễm không khí là sự xuất hiện của các thành phần lạ trong không khí như khói, bụi, hơi nước, các loại khí độc hại. Theo WHO, 6 chất là thủ phạm chính gây ô nhiễm không khí gồm bụi mịn (PM2.5), khí CO, SO2, NO2, chì và ozon mặt đất. Ô nhiễm không khí là hậu quả của quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa. Một thống kê cho thấy 80% các đô thị trên thế giới có chỉ số chất lượng không khí vượt quá ngưỡng cho phép. Tác hại của ô nhiễm không khí đối với sức khỏe con người là hết sức nghiêm trọng, có thể khiến hàng triệu người chết mỗi năm.
Mục lục
Ung thư phổi
Các thành phần trong không khí ô nhiễm có thể gây ra ung thư phổi, loại ung thư đứng hàng đầu thế giới về số ca mắc và tử vong mỗi năm. Ước tính trên toàn cầu, khoảng 6% các ca tử vong gây ra do tác nhân ô nhiễm không khí là từ ung thư phổi. Ngoài ra ô nhiễm không khí cũng góp phần gây nên một số loại ung thư khác như ung thư đường tiết niệu và ung thư bàng quang.
♥ Đọc thêm: Ung thư phổi: triệu chứng, chẩn đoán và các phương pháp điều trị
Hen phế quản tiến triển
Một số khí gây ô nhiễm bạn có thể nhìn thấy, như khói thuốc lá, một số khác thì không, như carbon monoxide (CO). Chất gây ô nhiễm có thể là các loại khí, hoặc những hạt vật chất nhỏ lơ lửng trong không khí. Cả hai loại này đều có thể ảnh hưởng đến tình trạng hen phế quản của bạn. Chúng kích thích các phản ứng miễn dịch trong đường hô hấp và làm nặng thêm các triệu chứng hen như khó thở, thở rít, ho, cảm giác nghẹt thở.
Viêm phế quản mạn tính
Khí thải từ ôtô, xe máy và các phương tiện giao thông khác là một trong những thủ phạm chính gây ô nhiễm không khí. Nếu bạn sống trong một thành phố và “phơi nhiễm” hàng ngày với khí thải, bạn có thể mắc viêm phế quản mạn tính. Đó là khi lớp niêm mạc của đường dẫn khí vào phổi (khí quản, phế quản) bị viêm. Biểu hiện cơ bản là khó thở và ho có đờm màu trắng, vàng, xanh. Quan trọng hơn, chúng có thể tái đi tái lại nhiều lần.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)
Khi viêm phế quản mạn tính kết hợp với khí thũng phổi (tình trạng khí trong nhu mô phổi bị ứ đọng không thể thoát ra ngoài) thì được gọi là Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Hút thuốc lá (chủ động và thụ động), phơi nhiễm lâu dài với khí độc và các hạt trong không khí là nguyên nhân chính gây bệnh. WHO thống kê có khoảng hơn 250 triệu người mắc COPD trên toàn thế giới và 3,17 triệu người chết mỗi năm.
COPD tiến triển thầm lặng và thường chỉ biểu hiện rõ ràng ở độ tuổi 40-50. Các triệu chứng bao gồm khó thở, ho dai dẳng và có nhiều đờm, cảm giác mệt mỏi, đuối sức, hụt hơi đặc biệt là khi làm viêc hoặc luyện tập. Về lâu dài, thể trạng người bệnh dần suy kiệt, bội nhiễm thêm nhiều loại bệnh khác và tử vong.
Viêm phổi
Nitrogen oxit và lưu huỳnh dioxit trong không khí ô nhiễm sẽ làm tăng nguy cơ viêm phổi. Các triệu chứng bao gồm đau ngực, ho, mệt mỏi, khó thở và sốt. Trẻ em và người già là các đối tượng nguy cơ cao. Viêm phổi là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em. Việc điều trị viêm phổi cũng khó khăn hơn đối với người già và những người có các bệnh lý khác kết hợp như tim mạch, tiểu đường, tăng huyết áp.
Bệnh tim
Tác hại của ô nhiễm không khí không chỉ dừng lại ở các vấn đề của đường hô hấp, nó còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch như rối loạn nhịp tim, cơn đau thắt ngực, suy tim và đột quỵ. Các hạt bụi mịn lơ lửng trong không khí đủ nhỏ để có thể xuyên qua thành mạch và đi vào trong máu, gây viêm nhiễm và thúc đẩy sự tiến triển của các bệnh tim mạch. Càng sống gần các khu vực ô nhiễm cao và thời gian phơi nhiễm càng dài, nguy cơ mắc bệnh càng lớn.
Rối loạn tâm thần
Các nghiên cứu đã cho thấy mối liên hệ mạnh mẽ giữa ô nhiễm không khí và sức khỏe tâm thần của con người. Các nhà khoa học đã phân tích dữ liệu y tế của hơn 150 triệu người tại Mỹ và Đan Mạch và nhận thấy: những người sống ở nơi có chất lượng không khí tệ hại có nguy cơ mắc chứng rối loạn lưỡng cực cao hơn 27% và trầm cảm cao hơn 6% so với thông thường.
Bệnh tự miễn
Hệ miễn dịch vốn sinh ra để bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh. Nhưng đôi khi chúng “phản chủ” và tấn công chính cơ thể người. Các cơ quan thường bị ảnh hưởng nhất là khớp, tim và phổi. Nghiên cứu cho thấy các hạt bụi mịn có thể kích hoạt những phản ứng quá mức của hệ miễn dịch gây ra viêm kéo dài và làm hại các mô sống. Các nhà khoa học chưa biết rõ cơ chế chính xác của tình trạng này.
Sảy thai
Ozon mặt đất và các hạt trong không khí có thể góp phần gây sảy thai ở nửa đầu thai kì. Mặc dù chưa thể khẳng định chính xác nguyên nhân, các nhà khoa học nghi ngờ chúng tác động bất lợi đến rau thai. Một nghiên cứu về ô nhiễm không khí do giao thông ở Hoa Kỳ và Israel đã tìm thấy mối liên hệ với tình trạng sảy thai ở tuần thai thứ 10 đến tuần 20.
Sinh non
Phơi nhiễm với các tác nhân ô nhiễm trong không khí có thể làm máu bị nhiễm độc, khiến hệ miễn dịch của người mẹ phải làm việc quá mức. Điều này có thể làm suy yếu bánh rau và dẫn đến tình trạng sinh non. Ngoài ra em bé cũng có thể chịu những tác động về sức khỏe tức thời hoặc về lâu dài.
Chết sớm
Ước tính có hơn 4 triệu người chết sớm mỗi năm do tác hại của ô nhiễm không khí. Những cái chết này chủ yếu đến từ các nguyên nhân kể trên như đột quỵ, bệnh tim mạch, COPD, ung thư phổi và các nhiễm trùng đường hô hấp. Nghiên cứu cũng cho thấy tuổi thọ trung bình của cư dân ở đô thị thấp hơn so với những người sống ở nông thôn và rừng núi, nơi có bầu không khí trong lành hơn nhiều.
Khó khăn trong học tập và ghi nhớ
Ô nhiễm không khí có thể làm hại tới não bộ. Nghiên cứu cho thấy chúng làm chậm quá trình phát triển hành vi ở trẻ em. Ở người già, không khí ô nhiễm làm tăng nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ. Các chất khí ô nhiễm và hạt bụi mịn có thể tấn công vào những cấu trúc của hệ thần kinh như chất xám, chất trắng và các hạch nền.
Kích ứng mắt và mũi
Khi nói đến ô nhiễm không khí bạn thường chỉ nghĩ đến chúng khi ra ngoài. Nhưng ô nhiễm cũng có thể đến từ trong ngôi nhà của bạn. Những bức tường mới sơn có thể giải phóng ra những chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC) gây kích ứng cho mắt và mũi. Đồ nội thất và tấm thảm bạn mới mua có thể phát ra những mùi khiến bạn đau đầu và chóng mặt. Hóa chất tẩy rửa cũng vậy. Hệ thống sưởi hoặc làm mát khiến cho lượng hóa chất này luẩn quẩn trong phòng và gây hại. Vì vậy, hãy nhớ luôn đảm bảo thông khí tốt cho căn nhà của bạn.
♥ Đọc thêm: 13 cách giữ cho phổi khỏe mạnh
Chỉ số chất lượng không khí
Làm thế nào để biết chất lượng không khí nơi bạn sinh sống? Chỉ số chất lượng không khí (Air Quality Index – AQI) là một thông số hữu ích để tham khảo. Thang điểm của AQI từ 0 đến 500. Chỉ số càng cao, ô nhiễm không khí càng tệ hại. Có 6 mức độ
- Tốt (0-50)
- Trung bình (51-100)
- Không có lợi cho nhóm các đối tượng nhạy cảm (101-150)
- Kém (151-200)
- Rất kém (201-300)
- Nguy hại (301-500)
Bạn có thể kiểm tra chỉ số AQI trực tuyến tại trang iqair.com
Nguồn: WebMD