Đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến khó lường trên khắp thế giới, đặc biệt là Mỹ và châu Âu. Tính đến ngày 6/4/2020, virus SARS-CoV-2 đã lây nhiễm cho hơn 1,2 triệu người, và làm hơn 260.000 người chết. Ước tính hơn 4 tỉ người trên thế giới đang phải ở nhà và thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội để ngăn ngừa sự lan tràn của dịch bệnh. Tuy nhiên có một số ý kiến từ các chuyên gia cho rằng khoảng cách 6 feet (khoảng 2m) giữa người với người được khuyến cáo là chưa đủ … rộng để triệt tiêu khả năng lây nhiễm của virus.
“Đám mây virus” có thể lớn hơn chúng ta nghĩ
6 feet là khoảng cách an toàn tối thiểu được khuyến cáo bởi các chuyên gia y tế dự phòng kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu. Tuy vậy khoảng cách mà các giọt bắn bay ra khi ho hoặc hắt hơi có thể lớn hơn nhiều so với chúng ta nghĩ.
Tiến sĩ phó giáo sư Lydia Bourouiba tại Viện công nghệ Massachusetts (MIT), một chuyên gia trong lĩnh vực động lực học hơi thở đã phát hiện ra rằng hơi thở của chúng ta có thể tạo ra những “đám mây” khí có thể di chuyển tới … 27 feet (hơn 8 mét). Mặc dù không nghiên cứu trực tiếp trên những bệnh nhân mắc COVID-19, nhưng phát hiện này đặt ra dấu hỏi về khoảng cách 6 feet vẫn được khuyến cáo, và có thể được xem xét để đưa ra hướng dẫn mới về giãn cách xã hội trong tương lai.
Tiến sĩ Bourouiba cho biết: “Đây là một vấn đề cấp bách trong việc sửa đổi các hướng dẫn hiện tại đang được WHO và CDC đưa ra về các thiết bị phòng vệ cần thiết, đặc biệt là đối với các nhân viên y tế đang trên tuyến đầu điều trị người bệnh”.
Bà cho biết thêm hướng dẫn hiện tại về giãn cách xã hội dựa trên hiểu biết về khả năng bay xa của các giọt bắn có kích thước lớn, chúng thường chỉ đi được một quãng ngắn. Trong nghiên cứu mới đây của Bourouiba công bố trên JAMA Network, tốc độ cực đại có thể đạt được của luồng khí thở ra lên đến 33-100 feet mỗi giây (tương đương 10-30 mét/giây). Thêm nữa, khẩu trang N95 chưa được thử nghiệm với các tốc độ luồng khí thở như vậy.
Video dưới đây mô tả cách mà các giọt bắn lan đi trong không gian khi một người hắt hơi.
Tuy nhiên, đã có nhiều ý kiến phản biện quan điểm của tiến sĩ Bourouiba. Chẳng hạn, bác sĩ Paul Pottingger, giáo sư về bệnh truyền nhiễm tại trường đại học Y Washington cho biết: “Theo tôi, câu hỏi dịch tiết của bệnh nhân có thể đi bao xa không quan trọng bằng chúng có thể đi bao xa mà vẫn còn khả năng lây bệnh? Những giọt bắn càng nhỏ thì nguy cơ làm lây nhiễm virus của chúng càng ít khi người khác hít chúng vào phổi, hoặc “đáp” lên mũi, miệng”.
Mối đe dọa lây nhiễm virus corona lớn nhất là những giọt bắn lớn, những giọt nước bọt, nước mũi, chất đờm do khạc nhổ. Các giọt này đủ nặng để chịu tác động của trọng lực và rơi xuống trong phạm vi 6 feet tính từ “nguồn phát”. Đây chính là lý do ra đời của quy tắc giãn cách “6 bước chân”.
Phải có một số lượng virus đủ lớn mới có thể gây bệnh cho người tiếp xúc với giọt bắn. Trong trường hợp các giọt quá nhỏ, số lượng virus ít hơn khiến cho chúng ta ít nguy cơ nhiễm bệnh hơn.
“Nếu virus corona có thể lây truyền ở khoảng cách 27 feet như nội dung nghiên cứu của tiến sĩ Bourouiba, số lượng người nhiễm sẽ là rất nhiều” Pottinger cho biết.
WHO có quan điểm “ba phải” hơn về vấn đề này. Trong một thông cáo mới đây, họ viết “WHO cẩn thận theo dõi các bằng chứng mới về chủ đề quan trọng này và sẽ cập nhật các bằng chứng khoa học và thông tin ngay khi có thể. WHO hoan nghênh các nghiên cứu loại này, chúng rất hữu ích cho việc lập kế hoạch phòng ngừa dịch bệnh”.
♥ Đọc thêm: Mô phỏng máy tính giúp chúng ta hiểu được ý nghĩa của cách ly xã hội trong đại dịch COVID-19
Nguồn: MDLinx