Shani Gal-oz, một nghiên cứu sinh tại đại học Ben-Gurion, Israel chuyên nghiên cứu về sự khác biệt trong hệ thống miễn dịch giữa hai giới đã lí giải về một số yếu tố có thể giải thích cho hiện tượng nam giới có tỉ lệ tử vong vì COVID-19 cao hơn so với nữ.
Tại Trung Quốc, các thống kê cho thấy tỉ lệ tử vong do virus corona ở nam giới là 2,8%, còn nữ giới là 1,7%. Điều này cũng diễn ra tương tự khi dịch bệnh bùng phát ở Mỹ và châu Âu. Điều phối viên các lực lượng phản ứng chống dịch COVID-19 của Mỹ phát biểu tại Nhà trắng rằng tỉ lệ tử vong ở nam giới cao gấp đôi so với nữ giới. Tại Italia, nam giới chiếm đến 71% các ca tử vong, và ở Tây Ban Nha cũng gần tương tự như vậy.
Mặc dù chúng ta sớm biết rằng người già và những người suy giảm miễn dịch dễ bị ảnh hưởng nặng hơn với virus corona, nhưng tỉ lệ tử vong vì COVID-19 cao hơn đáng kể ở nam giới thực sự là một điều đáng kinh ngạc.
♥ Đọc thêm: Tỉ lệ tử vong do COVID-19 chỉ 3,4% liệu có chính xác?
Các nhà virus học từ lâu đã nhận thấy rằng nam giới dễ bị tác nhân virus tấn công hơn phụ nữ, và phụ nữ thường có hệ thống miễn dịch hoạt động “tích cực” hơn nam giới. Điều này thể hiện ở những căn bệnh rối loạn tự miễn phổ biến, trong đó 9 trong số 10 người mắc bệnh là nam giới.
Gal-oz đưa ra một số giải thích về hiện tượng này. Bà cho biết phụ nữ thường có nhiều đại thực bào hơn nam giới ngay từ khi sinh ra. Đại thực bào là một loại tế bào bạch cầu có nhiệm vụ “bắt” và tiêu hóa các mảnh vụn tế bào, các vật chất ngoại lai, vi sinh vật, tế bào ung thư và bất cứ thứ gì không có các loại protein đặc hiệu của cơ thể trên bề mặt màng tế bào.
“Chúng tôi thấy rằng sự phân chia của quần thể đại thực bào ở phụ nữ không cần có kích thích của hệ miễn dịch, điều này không được quan sát thấy ở nam giới. Các đoạn của nhiễm sắc thể X có chứa những gen liên quan đến khả năng điều hòa các gen khác của hệ thống miễn dịch nằm trên các nhiễm sắc thể thường. Và trong khi nam giới chỉ có 1 nhiễm sắc thể X thì phụ nữ có đến 2 chiếc”.
Tương tự, một nghiên cứu về virus SARS (gây bùng phát dịch năm 2003) trên chuột cho thấy dường như được bảo vệ khỏi ảnh hưởng của virus nhờ hormon estrogen, một hormon sinh dục đặc trưng của giống cái. Thử nghiệm cắt bỏ buồng trứng của chuột cái để giảm lượng estrogen khiến chúng mẫn cảm hơn với virus và dễ mắc bệnh hơn.
Gal-oz cũng đưa ra giả thiết rằng cơ thể người phụ nữ được “thiết kế” để chống lại virus tốt hơn nhằm bảo vệ thai nhi.
“Xét về mặt miễn dịch, khi mang thai, người phụ nữ mang trong mình một cơ thể “lạ” với một nửa bộ gen ngoại lai. Để hệ miễn dịch không tấn công phôi thai như cách nó làm với các tác nhân ngoại lai khác, phải có một cơ chế đặc thù được kích hoạt để giữ cho thai an toàn. Kết quả là hệ miễn dịch của nữ giới tỏ ra “thông minh” hơn, tránh được những phản ứng thái quá như “cơn bão cytokin” có thể gây chết người.
Ngoài ra, lối sống và các hành vi thường thấy ở nam giới khiến họ dễ nhiễm bệnh đường hô hấp hơn, qua đó khiến tỉ lệ tử vong vì COVID-19 cao hơn. Ví dụ nam giới hút thuốc nhiều hơn nữ giới, mắc bệnh lý tim mạch nhiều hơn (nguy cơ tử vong của COVID-19 trên nền bệnh lý tim mạch lên đến hơn 10%), chế độ ăn uống kém khoa học và giữ vệ sinh kém hơn phụ nữ.
Thống kê của CDC Hoa Kỳ cho thấy tỉ lệ người thực hành rửa tay sau khi sử dụng nhà vệ sinh công cộng ở nữ đạt 65%, trong khi ở nam chỉ vỏn vẹn …31%.
♥ Đọc thêm: Điều gì xảy ra với cơ thể của chúng ta sau khi nhiễm virus corona?
♥ Đọc thêm: Rửa tay đúng cách: xà phòng, thời gian, nhiệt độ nước, điều gì quan trọng hơn?
Nguồn: MDLinx