Trong thị trường các sản phẩm hỗ trợ tăng cường sức khỏe đang bùng nổ hiện nay, có hàng ngàn loại thực phẩm khác nhau được quảng bá không ngừng về công dụng kì diệu của chúng. Một số thực sự có tác dụng, trong khi đa phần chỉ hiệu quả trên … phim quảng cáo. Nhưng có những loại thực phẩm hoàn toàn tự nhiên có khả năng hỗ trợ sức khỏe và điều trị bệnh hiệu quả tương đương với các thuốc đặc hiệu (dựa trên những nghiên cứu khoa học rõ ràng chứ không phải theo kinh nghiệm hay lời đồn thổi). Sau đây là 5 loại thực phẩm tự nhiên như vậy được chúng tôi tổng hợp và giới thiệu về một số lợi ích đã được khoa học chứng minh.
Mục lục
Củ nghệ
Curcumin là một hoạt chất sinh học được tìm thấy trong củ nghệ, một loại gia vị phổ biến ở Ấn Độ và nhiều nước châu Á khác. Củ nghệ đã được trồng và sử dụng cho mục đích y học từ nhiều thế kỉ.
Giá trị của curcumin rất nhiều, ví dụ tác dụng chống viêm do ngăn chặn các chất trung gian hóa học gây viêm. Trong một số nghiên cứu, curcumin được chứng minh là có cả tác dụng giảm đau khi dùng trong thời gian dài. Ví dụ, ở người cao tuổi và trung niên mắc chứng viêm xương khớp, liều 1500mg Curcumin mỗi ngày trong 28 ngày liên tục có hiệu quả giảm đau tương đương với Diclofenac, một thuốc giảm đau chống viêm mạnh. So với Paracetamol, liều 400-500mg Curcumin có tác dụng tương đương 2000mg chất này mỗi ngày.
Curcumin cũng là một chất chống oxy hóa (antioxydant), do nó có khả năng làm giảm nồng độ protein C-reactive và các peroxid lipid, những chất “chỉ điểm” của quá trình oxy hóa.
Quan trọng nhất, curcumin có tiềm năng chống ung thư. Có hàng ngàn nghiên cứu về chủ đề này trong y văn thế giới. Curcumin đã được chứng minh là làm giảm nguy cơ ung thư đại tràng, ung thư tiền liệt tuyến, và ung thư vú. Nó cũng giúp tăng cường hiệu quả điều trị hóa chất và bảo vệ những tế bào khỏe mạnh trong quá trình xạ trị.
♥ Đọc thêm: Khả năng chống ung thư của nghệ vàng, lời đồn và sự thật
Liều khuyến cáo đối với Curcumin là 500mg mỗi ngày. Curcumin có thể hòa tan trong chất béo, nên sử dụng chúng cùng với bữa ăn hoặc với các nguồn chất béo khác (như dầu cá). Khả năng hấp thu curcumin của đường tiêu hóa khá kém, nên xu hướng hiện nay các nhà sản xuất thường bào chế thuốc dưới dạng nano nhằm giúp chúng dễ dàng vượt qua niêm mạc ruột.
Berberin
Berberin là hợp chất được tìm thấy trong nhiều loại thực vật, như cây Vàng đắng, Hoàng bá, nho Oregon … Giống như curcumin, nó có màu vàng, trong những thời đại trước nó được sử dụng để nhuộm len, da và đồ gỗ. Berberin có đặc tính chống viêm, làm giảm lipid máu và chống tiểu đường rất tốt. Các lợi ích sức khỏe này có được do berberin có khả năng kích hoạt AMPK, một loại enzyme quan trọng trong sự sinh trưởng, hoạt động chức năng và duy trì cân bằng năng lượng ở cấp độ tế bào. Berberin cũng có khả năng tương tự kháng sinh diệt vi khuẩn và một số loại nấm.
Trong một nghiên cứu, các nhà khoa học nhận thấy berberin có tác dụng tương tự metformin trong việc làm giảm mức đường máu. Trong một nghiên cứu khác, berberin được chứng minh là không chỉ làm giảm lượng triglycerid máu và hạ huyết áp, mà còn giảm cả lượng cholesterol “xấu” (LDLc) trong máu. Những nghiên cứu khác về khả năng kháng khuẩn, bảo vệ tim mạch, và chống ung thư biến berberin trở thành một thực phẩm bổ sung “siêu việt” đầy tiềm năng.
Liều khuyên dùng của Berberin là 500mg mỗi lần và 3 lần mỗi ngày, dùng cùng với đồ ăn. Tuy nhiên, bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng vì berberin có tương tác với khá nhiều loại thuốc.
Tảo xoắn
Tảo xoắn là một hỗn hợp màu xanh lam của các loại tảo (còn được gọi là vi khuẩn lam) có chứa những hợp chất mang hoạt tính sinh học. Nó là một trong những nguồn thực phẩm của người Aztec và các bộ lạc Trung Mỹ khác cho đến thế kỉ 16. Gần đây, NASA đã nghiên cứu việc nuôi trồng chúng trong không gian để làm nguồn thức ăn cho các phi hành gia.
Các phân tích cho thấy tảo xoắn chứa đầy dưỡng chất. Trong 7g bột tảo xoắn khô có chứa tới 4g protein, 11% lượng vitamin B1 được khuyến cáo mỗi ngày, 15% lượng vitamin B2, 4% lượng vitamin B3, 21% đồng và 11% sắt. Nó cũng chứa cả các axit béo omega-3 và omega-6, vitamin C, magie, kali, mangan và một lượng nhỏ của hầu hết các dưỡng chất mà cơ thể con người cần.
Lợi ích sức khỏe của tảo xoắn có thể đến từ khả năng ức chế NAPDH, một hợp chất tạo ra những phản ứng oxy hóa mạnh ở cấp độ tế bào. Ngoài ra tảo xoắn cũng được chứng minh trong những nghiên cứu sơ bộ về khả năng giảm lượng peroxide lipid, triglycerid, làm hạ huyết áp và đặc biệt là kích hoạt hệ thống miễn dịch. Tin tốt cho những người bị dị ứng là tảo xoắn có thể làm giảm nhẹ triệu chứng của viêm mũi dị ứng.
Liều khuyến cáo của tảo xoắn là khoảng 1-3g mỗi ngày, được chia nhỏ làm nhiều lần uống trong ngày.
Cây rễ vàng
Cây rễ vàng tên khoa học là Rhodiola rosea. Loại thảo mộc này thường mọc trong khí hậu lạnh trên những ngọn núi ở đại lục Á-Âu, như Nga, Scandinavi và Trung Quốc. Chúng thương được sử dụng trong y học cổ truyền của các dân tộc này. Các hoạt chất trong rễ của Rhodiola rosea được cho là giúp cơ thể thích nghi với tình trạng stress. Ví dụ, Rhodiola có thể làm giảm sự mệt mỏi về tinh thần và thể chất, nó đặc biệt có lợi với những người phải đối mặt với sự căng thẳng kéo dài do công việc hoặc bệnh tật. Nó cũng làm giảm nguy cơ trầm cảm, rối loạn lo âu và hỗ trợ tốt để nâng cao sức khỏe.
Trong nhiều nghiên cứu, Rhodiola được chứng minh khả năng làm giảm các triệu chứng trầm cảm từ nhẹ đến trung bình, giảm triệu chứng lo âu, cải thiện tâm trạng.
♥ Đọc thêm: 12 dấu hiệu kín đáo chỉ điểm bạn có thể mắc chứng rối loạn lo âu
Rhodiola được bào chế ở dạng viên nang hoặc viên nén, dưới dạng bột khô hoặc dịch chiết. Liều lượng khuyến cáo giao động từ 250-680mg mỗi ngày.
Gạo đỏ lên men
Gạo đỏ lên men tên khoa học là Monascus Purpueus, là chất được chiết xuất từ gạo lứt đỏ lên men. Nó được sử dụng ở Trung Quốc trong nhiều thế kỉ như một phương thuốc giúp “lưu thông khí huyết”. Các chất ức chế HMG-CoA reductase, hay còn gọi là monacolins, xuất hiện một cách tự nhiên trong gạo đỏ lên men. Nếu thường xuyên dùng thuốc điều tri mỡ máu, bạn có thể thấy cái tên này “na ná” các thuốc trong nhóm Statin (như lovastatin). Các hoạt chất khác của gạo đỏ lên men bao gồm betasitosterol, campesterol, stigmasterol, sapogenin, isoflavone và các axit béo không bão hòa.
Với các thành phần này, không ngạc nhiên khi gạo đỏ lên men có tác dụng tuyệt vời trong điều trị hạ mỡ máu. Trong một phân tích tổng hợp từ 93 nghiên cứu về 3 chế phẩm của gạo đỏ lên men, các nhà khoa học nhận thấy chúng làm giảm mức cholesterol toàn phần và LDL cholesterol tương ứng là 34mg/dL và 28mg/dL, con số này ở triglycerid máu là 35mg/dL. Chúng cũng làm tăng lượng HDL cholesterol (tức cholesterol “tốt”) ở mức 6mg/dL. Họ kết luận rằng tác dụng điều chỉnh mỡ máu của gạo đỏ lên men tương tự như của các thuốc pravastatin, simvastatin, lovastatin, atorvastatin, và fluvastatin.
Gạo đỏ lên men cũng rất hữu dụng trong phòng ngừa nhồi máu cơ tim thứ phát. Trong một nghiên cứu lớn ở Trung Quốc trên gần 5000 bệnh nhân có bệnh lý mạch vành và tiền sử nhồi máu cơ tim, các nhà khoa học nhận thấy những người tham gia được dùng viên nang chứa gạo đỏ lên men đã giảm 45% nguy cơ nhồi máu cơ tim thứ phát và giảm 33% nguy cơ tử vong so với nhóm dùng giả dược.
Thành phần giá trị nhất của gạo đỏ lên men là monacolin K, được coi là một loại thuốc hơn là thực phẩm bổ sung, theo FDA. Nếu bạn muốn sử dụng loại thực phẩm tự nhiên này, hãy lựa chọn những sản phẩm từ nhà cung cấp uy tín và kiểm tra kĩ thành phần và hàm lượng monacolin K trong đó.
Nguồn: MDLinx