Bắt đầu từ ngày 1/4/2020, Chính phủ Việt Nam ban hành chỉ thị Cách ly xã hội trong vòng 15 ngày để ngăn ngừa sự lây nhiễm của virus corona trong cộng đồng.
Có thể bạn chưa biết, những biện pháp giãn cách xã hội hay cách ly xã hội không phải là những biện pháp thụ động của các Chính phủ nhằm đối phó với đại dịch đang hoành hành, mà đều dựa trên các mô hình dự báo khoa học.
Để hiểu được cơ sở khoa học của Cách ly xã hội, trước tiên chúng ta hãy tìm hiểu về “đường cong dịch bệnh” (epidemic curve). Đây là đường biểu diễn số người nhiễm bệnh trong một đợt bùng phát dịch. Nó có dạng chữ V úp ngược với một sườn lên thể hiện giai đoạn lây nhiễm lan tràn trong cộng đồng (sườn càng dốc thì tốc độ lây nhiễm càng nhanh), một đỉnh dịch và một sườn xuống thể hiện số người nhiễm giảm dần do khỏi bệnh, do các biện pháp phòng dịch hoặc do … không còn ai để mà lây nhiễm nữa.
Trong một vụ dịch, luôn có sự mất cân đối giữa nhu cầu điều trị bệnh của người dân và khả năng của hệ thống y tế, do sự tăng nhanh của số lượng người bệnh nhưng nguồn lực y tế thì có hạn. Khi số lượng người nhiễm bệnh rất lớn vượt quá khả năng “tải” của các bệnh viện, thảm họa y tế sẽ diễn ra. Các giường bệnh bị lấp đầy, vật tư y tế nhanh chóng cạn kiệt, một lượng lớn bệnh nhân không được điều trị sẽ tử vong, nỗi sợ hãi, hoảng loạn lan rộng và nhanh chóng chuyển thành khủng hoảng toàn xã hội.
♥ Đọc thêm: Từ dịch COVID-19 nhìn lại đại dịch Cúm Tây Ban Nha: những bài học đắt giá dành cho loài người
Để không rơi vào thảm cảnh này, các chính phủ và ngành y tế luôn cố gắng giữ cho đỉnh dịch (nghĩa là số lượng bệnh nhân nhiễm bệnh tối đa) phải thấp hơn hoặc chí ít cũng không vượt quá nhiều so với khả năng cung ứng của hệ thống y tế . Hành động này được gọi là “ép đỉnh” dịch hay “làm phẳng đường cong”.
Các lập trình viên đã tạo ra một mô phỏng máy tính để giúp chúng ta hiểu rõ hơn về khả năng “làm phẳng đường cong” của các biện pháp cách ly xã hội.
Trong mô phỏng này, quần thể dân cư khoảng 200 người sẽ đối diện với một bệnh truyền nhiễm với khả năng lây lan cao. Khi người nhiễm bệnh tiếp xúc với một ai đó sẽ khiến người lành nhiễm bệnh ngay. Những người nhiễm bệnh sau đó sẽ khỏi và hình thành miễn dịch, do đó họ không nhiễm bệnh lại nữa.
Đầu tiên chúng ta sẽ xem mô phỏng khi không có biện pháp phòng ngừa nào được áp dụng. Người dân vẫn di chuyển tự do.
Đây là biện pháp mà một số các nước Tây Âu chủ trương áp dụng trong giai đoạn đầu của dịch COVID-19. Họ để virus lây lan tự do với hy vọng tạo ra miễn dịch cộng đồng sau một thời gian ngắn. Đường cong dịch bệnh tạo ra với đỉnh nhọn và rất sớm. Điều các chính phủ này không lường tới là virus tỏ ra rất nguy hiểm với những người cao tuổi và có bệnh lý nền từ trước đó. Tỉ lệ tử vong quá cao khiến biện pháp này không khác gì “nước cờ liều” đánh đổi sinh mạng người dân lấy miễn dịch cộng đồng. Và nó đã sớm bị dẹp bỏ.
Tiếp theo là mô phỏng về biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt. Đây là cách mà chính phủ Trung Quốc áp đặt lên tỉnh Hồ Bắc trong giai đoạn đầu, nơi bùng phát dịch bệnh COVID-19 đầu tiên. Cụ thể là người dân vẫn được di chuyển tự do nhưng một bộ phận người nghi nhiễm sẽ được kiểm soát và được đội ngũ y tế kiểm tra sức khỏe để phát hiện trường hợp nhiễm bệnh.
Cách này có hiệu quả hơn việc để virus lây lan tự do một chút, tất nhiên rồi, nhưng vẫn khiến dịch lan rộng trong dân cư vì kiểm dịch không thể phát hiện hết những trường hợp nhiễm virus (do nhân lực có hạn, hoặc để lọt những trường hợp mang virus nhưng chưa biểu hiện thành triệu chứng). Đỉnh dịch vào khoảng 150 người.
Mô phỏng thứ 3 khi áp dụng các biện pháp hạn chế di chuyển và tiếp xúc của người dân, hay chính là Cách ly xã hội. Có khoảng 1/4 người trong quần thể vẫn di chuyển vì lý do công việc hoặc các trách nhiệm xã hội khác. Đây là nguồn lây nhiễm virus ra cộng đồng.
Có thể thấy đỉnh dịch chỉ còn khoảng 120 người nhiễm. Giữ khoảng cách giữa người với người trong xã hội khiến cho nguy cơ tiếp xúc với mầm bệnh giảm đi, đỉnh dịch không những giảm về số lượng mà còn xa hơn về mặt thời gian. Việc trì hoãn đỉnh dịch càng lâu càng tốt có một vai trò quan trọng, nhằm giúp cho hệ thống y tế có thời gian tập trung nguồn lực tăng cường cho công tác đối phó với dịch bệnh.
Và đây là mô phỏng thứ 4, hãy xem điều gì xảy ra khi chỉ còn 1/8 số người trong cộng đồng di chuyển.
Đỉnh dịch chỉ còn khoảng 75 người và đường cong thực sự rất “phẳng”. Càng nhiều người ngồi yên tại nhà, dịch bệnh càng khó lây lan và dễ được kiểm soát. Ngoài các biện pháp hành chính do Chính quyền ban hành, ý thức của mỗi công dân có vai trò không kém phần quan trọng trong quá trình cách ly xã hội. Chúng ta hy vọng không chỉ là 1/8, mà là 1/16, 1/32 thậm chí ít hơn nữa người dân ra khỏi nhà. Tất nhiên không thế hy vọng con số này giảm về 0 do vẫn cần có những nhân lực giúp duy trì hoạt động tối thiểu của xã hội.
Ngoài cách ly xã hội, còn nhiều giải pháp khác giúp làm làm phẳng đường cong lây nhiễm. Hàn Quốc và Mỹ đã tiến hành xét nghiệm trên diện rộng nhằm sàng lọc các bệnh nhân mắc COVID-19 sớm. Việt Nam thành lập các khu cách ly tập trung cho người nghi nhiễm. Khuyến cáo người dân đeo khẩu trang khi ra đường và thường xuyên rửa tay … Những giải pháp này đều có vai trò tích cực trong quá trình hạn chế sự lan truyền của virus.
♥ Đọc thêm: Rửa ray đúng cách: xà phòng, thời gian, nhiệt độ nước, điều gì quan trọng hơn?
Tham khảo:
1. Why outbreaks like coronavirus spread exponentially, and how to “flatten the curve” – WashingtonPost
2. What are the rules of social distancing? – Vox.com
3. Coronavirus Disease (COVID-19) Statistics and Research – Ourworldindata.org