Khi đại dịch COVID-19 đang hoành hành khắp thế giới, khuyến cáo của WHO, CDC và các Chính phủ về giữ vệ sinh khiến mối quan tâm về dung dịch sát khuẩn tay tăng nhanh. Jeffrey Gardner, giáo sư sinh vật học tại đại học Maryland, Hoa Kỳ sẽ giải đáp một số thắc mắc thường gặp về nước sát khuẩn tay.
Mục lục
Tại sao cồn là thành phần chính trong hầu hết các dung dịch sát khuẩn tay?
Cồn được chứng minh là có hiệu quả trong việc tiêu diệt rất nhiều loại vi sinh vật bao gồm cả virus và vi khuẩn, bởi cồn làm bộc lộ và bất hoạt các loại protein của chúng. Quá trình này trong sinh học được gọi là Sự biến tính (denaturation) sẽ làm tê liệt và thường giết chết vi sinh vật vì nó khiến cấu trúc protein của chúng bị biến đổi và dính lại với nhau. Nhiệt độ cũng có thể làm biến tính protein. Ví dụ khi bạn luộc trứng, lòng trắng trứng cứng lại chính là do protein bị biến tính.
Tại sao cồn không thể tiêu diệt được một số loại vi sinh vật?
Có rất nhiều chủng loài vi khuẩn và virus. Nhiều loài trong số đó rất dễ bị tiêu diệt bởi cồn. Ví dụ, vi khuẩn E.coli gây ra bệnh lỵ rất nhạy cảm và bị tiêu diệt hoàn toàn với dung dịch cồn 60 độ. Tuy nhiên cấu trúc lớp vỏ ngoài là rất khác nhau giữa các chủng loài vi khuẩn, điều đó làm thay đổi hiệu quả diệt khuẩn của cồn đối với từng chủng.
Đối với virus cũng vậy. Một số chủng virus có lớp vỏ bọc bên ngoài lấy từ lớp màng tế bào của vật chủ, trong khi một số chủng khác không có vỏ bọc này. Cồn rất hiệu quả đối với các loài virus có vỏ bọc, bao gồm cả coronavirus, nhưng ít hiệu quả hơn đối với nhóm còn lại.
Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng nồng độ cồn ít nhất 60 độ mới có hiệu quả tiêu diệt vi sinh vật.
Cồn 60 độ tốt, vậy 100 độ có tốt hơn không?
Câu trả lời đáng ngạc nhiên là không. Sự biến tính protein sẽ diễn ra nhanh hơn khi có một lượng nhỏ nước hòa trộn cùng dung dịch cồn. Và cồn nguyên chất (100 độ) sẽ bay hơi quá nhanh trước khi chúng tạo ra hiệu ứng để tiêu diệt vi khuẩn hay virus, đặc biệt là trong mùa đông, khi độ ẩm không khí thấp.
Sử dụng cồn 100 độ cũng sẽ làm khô da của bạn rất nhanh và khiến da bị kích ứng. Điều đó khiến bạn ngại vệ sinh tay thường xuyên. Đây là lí do tại sao hầu hết dung dịch sát khuẩn tay đều có chứa chất làm mềm da, một hỗn hợp các hoạt chất làm mềm và giữ ẩm cho da.
— Ethanol : từ 60-85 độ
— Isopropanol: từ 60-80 độ
— n-propanol: từ 60-80 độ
Tự làm dung dịch sát khuẩn tay tại nhà có phải một ý tưởng hay?
Theo quan điểm của tôi thì không! Trong mùa dịch này, bạn có thể thấy nhiều công thức tự pha chế dung dịch sát khuẩn tay ở nhà qua Internet, một số sử dụng cả … rượu Vodka. Tuy nhiên rượu Vodka thực tế có nồng độ cồn chỉ khoảng 40% và như thế không có hiệu quả trong việc diệt khuẩn.
Mặt khác, chúng ta rất khó kiểm định được chất lượng của các nguyên liệu dùng để pha chế. Các hóa chất được dùng có thể thẩm thấu qua da vào máu gây hại cho sức khỏe.
Dung dịch sát khuẩn tay có “hết date” không?
Nhiều người cho rằng cồn để mãi thì cũng vẫn là cồn. Nhưng thực tế là hầu hết các dung dịch sát khuẩn tay thương mại lưu hành trên thị trường đều có hạn sử dụng, tất nhiên là khá lâu (một vài năm nếu như được bảo quản đúng cách). Một điều cần lưu ý là cồn dễ bay hơi và theo thời gian nồng độ cồn sẽ giảm dần khiến dung dịch mất đi hiệu quả diệt vi khuẩn, virus. Tuy nhiên trong mùa dịch COVID-19 hiện nay, khi nhu cầu nước sát khuẩn tăng cao thì tôi cá là bạn khó lòng mua được một chai dung dịch sát khuẩn tay đã hết hạn!
♥ Đọc thêm: Rửa tay đúng cách: xà phòng, thời gian, nhiệt độ nước, điều gì quan trọng hơn?
♥ Đọc thêm: Những khuyến cáo của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) và Bộ Y tế Việt Nam về dịch COVID-19
Nguồn: Theconversation