Tính đến ngày 31/3/2020, đại dịch COVID-19 đã lây nhiễm cho hơn 780.000 người trên thế giới, làm 37.843 người tử vong. Trong quá trình thu thập dữ liệu, các nhà khoa học đang tập trung vào một nguy cơ mới do virus corona gây nên ngoài viêm phổi và suy hô hấp: đột tử do tim.
Thống kê của Trung Quốc cho thấy, tỉ lệ tử vong của các bệnh nhân nhiễm COVID-19 mà có bệnh lý nền về tim mạch lên đến hơn 10%. Ở Italia, giới chức thông báo có 355 ca tử vong riêng trong ngày 17/2, khoảng 75% trong số đó bị tăng huyết áp và 33% có bệnh lý tim mạch. Điều trị nhiễm trùng thường rất khó khăn ở những người có bệnh lý nền từ trước đó, nên SARS-CoV-2 sẽ rất nguy hiểm với nhóm đối tượng này.
Ở chiều ngược lại, đã có những báo cáo về việc COVID-19 “chủ động” gây ra tình trạng tổn thương tim và gây đột tử. Tại Mỹ, đã có báo cáo mới đây về một bệnh nhân 52 tuổi nhiễm COVID-19 làm việc tại sân bay quốc tế ở New York tử vong do biến chứng suy tim của sau khi ra viện được 2 tuần. Bệnh nhân hoàn toàn khỏe mạnh, không hút thuốc và được mô tả là “chơi thể thao giỏi”. Bệnh nhân đầu tiên nhiễm COVID-19 ở New York cũng đã bị hai cơn đau tim, và cơn thứ 2 đã giết chết ông.
Hiện tượng này được lý giải như thế nào?
Virus có thể tấn công trực tiếp vào tim
Các nhà khoa học phát hiện ra virus corona gắn vào enzym chuyển Angiotensin 2 (ACE2), được tìm thấy trong các tế bào của phổi. Nó cho phép virus xâm nhập và gây nên các vấn đề của đường hô hấp.
Nhưng ACE2 cũng được tìm thấy trong cơ tim và tế bào thành mạch máu. Ngoài ra, ACE2 là một phần của hệ thống Renin – Angiotensin – Aldosteron, hệ thống các hormon giúp điều hòa chức năng tim mạch, thận và huyết áp.
Theo cơ chế này, các nhà nghiên cứu cho rằng COVID-19 có thể gây tổn thương trực tiếp cho tim. Trong một nghiên cứu thực hiện tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, khoảng 20% các bệnh nhân mắc COVID-19 nhập viện có các dấu hiệu tổn thương tim. Một nửa trong số các bệnh nhân có tổn thương tim đã tử vong, so với chỉ 4,5% tử vong ở các bệnh nhân không có triệu chứng về tim mạch.
Thuốc ức chế men chuyển và ức chế thụ thể Angiotensin 2 thường được kê cho các bệnh nhân có triệu chứng tim mạch tiềm ẩn. Tuy nhiên một số thử nghiệm cho thấy sử dụng những thuốc này lại làm nặng thêm tình trạng của những bệnh nhân COVID-19.
Tiến sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia Hoa Kỳ cho biết: “Mối lo ngại về nguy cơ tim mạch gây ra bởi virus corona là có căn cứ lý luận, nhưng hiện tại suy luận vẫn chỉ là suy luận”. Chưa có một nghiên cứu chính thức nào về vấn đề này.
Biến chứng của thuốc điều trị
Hiện tại, các nhà khoa học cũng nhận thấy một số loại thuốc được sử dụng để điều trị COVID-19 có thể làm tăng nguy cơ đột tử do tim. Những thuốc như hydroxychloroquine, lopinavir, ritonavir đang được sử dụng có thể gây ra sự biến đổi điện tim ở một số bệnh nhân mà các bác sĩ gọi là kéo dài khoảng QT. Khoảng QT kéo dài nguy hiểm ở chỗ chúng dẫn đến những bất thường nhịp thất, có thể đe dọa tính mạng, thậm chí gây đột tử.
♥ Đọc thêm: Điều gì xảy ra với cơ thể của chúng ta sau khi nhiễm virus corona?
Nguồn: MDLinX