21 C
Hanoi
Thứ bảy, Tháng Một 25, 2025

8 sự thực thú vị về kí sinh trùng

- Advertisement -

Nguồn gốc của thuật ngữ kí sinh trùng không phải là để chỉ … kí sinh trùng

   Thuật ngữ “kí sinh trùng” (Parasite) có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp là Parasitos (Para = bên cạnh; sitos = thức ăn). Ở thời Hy Lạp cổ đại, những người giàu muốn chứng tỏ sự hào phóng của mình thường mời những người nghèo đến dùng bữa ở nhà mình. Đổi lại, các vị khách nghèo khó muốn kiếm thức ăn sẽ phải ca ngợi gia chủ, hát, đọc thơ hoặc kể chuyện. Những vị khách này được gọi là Parasitos. Đến thế kỉ 16, từ này được dùng để ám chỉ những người sống nhờ việc nịnh nọt, lợi dụng lòng hảo tâm và tình thương của người khác. Mãi đến thế kỉ 18, ý nghĩa “sinh vật sống nhờ vào việc ăn bám một sinh vật khác” của từ Parasite mới trở nên nổi bật và từ này dần chuyển sang lĩnh vực sinh học.

Kí sinh trùng không phải hoàn toàn có hại

   Kí sinh trùng ăn bám trên cơ thể vật chủ, sử dụng chất dinh dưỡng hoặc thậm chí “chén” luôn cả mô cơ thể của vật chủ để tồn tại. Tuy nhiên trong những bối cảnh nhất định thì chúng không phải là không có mặt tích cực.

   Trong quá trình tiến hóa, dường như cả kẻ kí sinh và vật chủ đều có những thay đổi để thích nghi với việc chung sống cùng nhau. Ví dụ giun đũa hay giun móc làm giảm phản ứng miễn dịch của cơ thể, có lợi cho những người mắc bệnh liên quan đến dị ứng như hen phế quản, mày đay mạn tính… Giun đũa và sán có thể hỗ trợ tích cực cho người thừa cân béo phì trong quá trình kiểm soát cân nặng. Thậm chí ở Mỹ đã có những trường hợp mua … sán dây về ăn để giảm cân. Tất nhiên các bác sĩ không khuyến cáo chúng ta sử dụng những biện pháp có phần … rùng rợn này, đơn giản vì y học vẫn còn vô khối giải pháp khác.

- Advertisement -
sán dây khổng lồ
Cơ thể của một con sán dây (mũi tên chỉ vào đầu sán)

Kí sinh trùng là một trong những dạng sống thành công nhất của tiến hóa

   Thật vậy, nếu xét về số lượng các loài sinh vật thì có đến 80% các dạng sống trên trái đất đang tồn tại bằng hình thức kí sinh. Khoa học về kí sinh trùng hiện đại ngày nay thậm chí còn chưa thể phát hiện hết tất cả những loài kí sinh trên cơ thể con người. Ước tính mỗi năm có hàng trăm đến hàng ngàn loài kí sinh trùng mới ở người được phát hiện. Quả là khủng khiếp!

♥ Xem thêm: 10 ca bệnh kì lạ trên thế giới

Kí sinh trùng giết nhiều người hơn cả chiến tranh và nạn đói

   Một trong những nhóm kí sinh trùng giết chết nhiều người nhất được gọi là Protozoa, hay còn gọi là động vật nguyên sinh. Chúng là những sinh vật đơn bào bé nhỏ, có khả năng di động và tồn tại nhờ “ăn” các thành phần hữu cơ của những sinh vật khác. Protozoa nguy hiểm nhất được biết tới là Plasmodium, gây bệnh sốt rét ở người.

kí sinh trùng sốt rét nhân lên và phá hủy hồng cầu người
Kí sinh trùng sốt rét nhân lên và phá hủy hồng cầu của người nhiễm.

   Theo thống kê của WHO, mỗi năm có hàng trăm triệu người trên thế giới mắc sốt rét, và khoảng hơn 400.000 ca tử vong do sốt rét. Trung gian truyền bệnh của Plasmodium là muỗi cũng được “vinh danh” là loại động vật giết người nhiều nhất trong lịch sử nhân loại. Ước tính số lượng người chết do sốt rét còn cao hơn cả nguyên nhân do chiến tranh, đậu mùa, thiên tai và nạn đói. Một số giả thuyết cho rằng Đế chế La Mã cổ đại đã sụp đổ trong một trận dịch sốt rét khủng khiếp.

♥ Xem thêm: Infographic đầy đủ nhất về sốt xuất huyết

Có cả kí sinh trùng của … kí sinh trùng

   Đây được gọi là hiện tượng kí sinh bậc cao (hyperparasite), khi mà một thể kí sinh có vật chủ cũng là một thể kí sinh khác. Hình thức kí sinh này hay gặp ở nấm và côn trùng.

Loài giun kí sinh duy nhất có răng

   Giun móc là loài giun duy nhất kí sinh trong cơ thể người được biết đến là có răng. Chúng có đôi răng rất sắc, cân đối hai bên miệng làm nhiệm vụ “ngoạm” vào đường ruột của người để hút máu. Giun móc có thể sống trong ruột người tới 15 năm. Một con giun móc cái trưởng thành có thể đẻ tới 20.000 trứng mỗi ngày. Ước tính có khoảng 1 tỉ người trên thế giới nhiễm giun móc !

giun óc là kí sinh trùng hút máu đáng sợ
Bộ răng đáng sợ của giun móc

Sán máng làm … bùng phát dịch HIV/AIDS ở châu Phi

con sán máng
Con sáng máng: cơ thể con đực nhỏ hơn và nằm gọn trong “cái máng” do cơ thể con cái lõm vào tạo thành.

   Sán máng (Schistosomiasis) kí sinh trong hệ tuần hoàn của người để hút máu. Ấu trùng của chúng khi thoát ra ngoài môi trường có khả năng bơi trong nước để tìm vật chủ mới. Các nhà nghiên cứu tin rằng loại sán này có thể là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến tỉ lệ nhiễm HIV/AIDS tăng cao ở phụ nữ châu Phi. Lí do là khi tắm giặt trong nước, ấu trùng sán có thể chui vào âm đạo phụ nữ và gây ra những vết loét nhỏ, các vết loét này là cửa ngõ để virus HIV dễ dàng xâm nhập vào cơ thể khi người phụ nữ quan hệ tình dục.

Kí sinh trùng là nguồn gốc biểu tượng của Y học?

biểu tượng y học

   Một trong những giả thuyết về biểu tượng của y học – cây quyền trượng có con rắn quấn quanh đến từ một phương pháp trị bệnh thời cổ đại khá … đáng sợ. Số là thời đó, các thầy lang có cách chữa giun sán bằng một con dao và một cái que. Họ rạch một vết nhỏ trên da người bệnh, vị trí đoán định là đầu con giun/sán, sau đó đặt cái que vào vết rạch. Con giun/sán sẽ từ từ bò ra và quấn quanh cái que cho đến khi ra hết. Có lẽ đây là thuyết về biểu tượng y học mà ít người muốn tin nhất !

Nguồn : Sưu tầm

- Advertisement -
Nguyễn Hoàng Sơn
Nguyễn Hoàng Sơnhttps://bshoangson.com/
Bác sĩ chuyên khoa I chuyên ngành Chẩn đoán hình ảnh tại Đại học Y Hà Nội. Hiện đang làm việc tại Hà Nội

ĐỌC THÊM

Nhận thông báo qua Email
Nhận thông báo cho
guest

0 Góp ý
cũ nhất
mới nhất bình chọn nhiều nhất
Phản hồi trích dẫn trong bài viết
Xem tất cả bình luận

CỘNG ĐỒNG Y HỌC THÚ VỊ

6,000FansLike
5,000FollowersFollow
3,500SubscribersSubscribe
- Advertisement -

BÀI MỚI

0
Nếu thích bài viết, hãy để lại bình luận bạn nhé!x