32 C
Hanoi
Chủ Nhật, Tháng Sáu 11, 2023

15 lời đồn sai lầm về dịch COVID-19

- Advertisement -

   Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona (dịch COVID-19) đang lan rộng trên khắp thế giới với diễn biến phức tạp. Thống kê đến ngày 9/3/2020, toàn thế giới có hơn 111.000 người nhiễm virus với 3879 ca tử vong (số liệu từ Bộ Y tế Việt Nam). Tại Việt Nam, đã ghi nhận bệnh nhân thứ 31 nhiễm SARS-CoV-2.

   Dịch COVID-19 lan nhanh trên khắp thế giới khiến chủ đề về virus corona và những vấn đề xoay quanh cách phòng tránh dịch bệnh trở thành “hot trend” trên Internet. Điều đáng nói là các nguồn thông tin chính thống của các Tổ chức y tế uy tín dường như ít được chú ý hơn những tin mang tính chất cá nhân được “share” tràn lan trên mạng xã hội, trong số đó có rất nhiều lời đồn thổi không chính xác về dịch bệnh cũng như cách phòng chống.

   Dưới đây là 15 quan điểm sai lầm về dịch COVID-19 được chúng tôi tổng hợp lại.

Đeo khẩu trang y tế giúp ngăn ngừa hoàn toàn lây nhiễm virus từ người khác

người Trung Quốc đeo khẩu trang trong dịch COVID-19

   Đây là chủ đề nóng nhất từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát.

   Các nhân viên y tế làm việc thường được trang bị khẩu trang chuyên dụng, chúng ôm khít vào mặt, giúp họ tránh được sự lây nhiễm virus. Tuy nhiên, khẩu trang y tế thông thường loại dùng một lần không có được đặc tính đó. Chúng khá lỏng và các giọt dịch tiết vẫn có thể lọt vào miệng, mũi của người đeo qua các luồng khí thở chạy dọc theo sống mũi và hai bên má. Virus với kích thước rất nhỏ cũng có thể lọt qua vật liệu làm khẩu trang.

   “Có rất ít bằng chứng khoa học cho thấy đeo khẩu trang thông thường có thể bảo vệ chúng ta khỏi sự lây nhiễm virus qua không khí” Bác sĩ Ben Kilingley thuộc Bệnh viện Đại học London cho biết.

   Tuy nhiên, khẩu trang có thể có tác dụng khi những người nhiễm bệnh đeo nó, nhằm giảm thiểu việc phát tán virus ra môi trường, qua đó hạn chế lây lan cho người khác. Nó cũng giúp hạn chế lây truyền khi chúng ta đưa tay lên mũi và miệng.

   Việc quá tự tin vào tác dụng phòng bệnh của khẩu trang có thể mang lại cảm giác yên tâm giả tạo, và khiến chúng ta bỏ qua những biện pháp hiệu quả khác để tránh lây nhiễm như rửa tay, vệ sinh đồ dùng và nơi ở.

♥ Đọc thêm: Liệu đeo khẩu trang có ngăn được lây nhiễm virus corona?

Máy sấy tay có thể tiêu diệt virus

máy sấy không thể diệt được virus corona

   Máy sấy không thể tiêu diệt được virus corona. Một số người cho rằng nhiệt độ của luồng khí nóng từ máy sấy sẽ giết được virus. Sự thực là cách tốt nhất để diệt virus có trên bàn tay bạn là rửa tay đúng cách với xà phòng và nước hoặc dung dịch sát khuẩn có chứa cồn.

Tại sao không xịt dung dịch khử khuẩn lên người để tiêu diệt virus corona?

   Xịt dung dịch khử khuẩn có chứa cồn hoặc Chlorine lên người có thể gây hại, đặc biệt là nếu dung dịch tiếp xúc với niêm mạc mũi, miệng và mắt. Mọi người có thể dùng chúng để khử trùng các bề mặt và đồ vật nhưng không nên sử dụng chúng trên da. Mặt khác, dung dịch khử khuẩn không thể tiêu diệt được virus bên trong cơ thể.

xịt khử khuẩn chống dịch COVID-19

Trẻ em không thể nhiễm COVID-19

   Thực tế đã chứng minh, cho đến thời điểm này của dịch COVID-19, mọi lứa tuổi đều có thể nhiễm bệnh, từ trẻ sơ sinh cho đến người cao tuổi. Tuy nhiên các số liệu thống kê cho thấy tỉ lệ trẻ dưới 10 tuổi nhiễm virus là khá ít. Theo báo cáo của Trung Quốc trong tháng 2/2020, nhóm bệnh nhân trẻ em từ 0-9 tuổi chỉ chiếm 0,9% các ca nhiễm. Hiện chưa có câu trả lời thỏa đáng cho hiện tượng này, một số nhà khoa học giả thiết triệu chứng của trẻ em thường ít nghiêm trọng hơn nên khó phát hiện hơn.

tỉ lệ mắc COVID-19 theo nhóm tuổi ở bệnh nhân Trung Quốc
Tỉ lệ nhiễm COVID-19 theo nhóm tuổi, thống kê trên 44.672 bệnh nhân ở Trung Quốc tại thời điểm tháng 2/2020.

Dịch COVID-19 cũng giống như cúm

   COVID-19 có các triệu chứng rất giống cúm, như mệt mỏi, sốt, ho. Cả hai đều có thể gây ra các bệnh cảnh từ nhẹ đến nặng, thậm chí gây tử vong. Cả hai cũng đều có thể dẫn đến tình trạng viêm phổi.

   Tuy nhiên, xét về tổng thể, COVID-19 nghiêm trọng hơn cúm. Tỷ lệ tử vong của COVID-19 theo báo cáo của WHO hồi đầu tháng 3/2020 là khoảng 3,4%. Ước tính của các Tổ chức y tế khác giao động từ 1-3%, cao hơn so với cúm mùa. WHO cũng lưu ý rằng cơ thể người hiện tại chưa có miễn dịch với virus SARS-CoV-2 nên tỉ lệ các ca mắc và ca bệnh nặng vẫn đang tiếp tục gia tăng.

Đọc thêm: Tỷ lệ tử vong 3,4% của COVID-19 liệu có chính xác?

Ai nhiễm COVID-19 cũng bị viêm phổi

   Điều này đương nhiên không đúng. Như đã phân tích ở trên, COVID-19 gây ra các bệnh cảnh rất khác nhau trên từng bệnh nhân, từ nhẹ đến nặng. Có những người nhiễm nhưng hoàn toàn không có triệu chứng hoặc các triệu chứng rất nhẹ.

Đọc thêm: Hé mở thông tin về ca viêm phổi do COVID-19 đầu tiên ở Mỹ

Chó và mèo có thể lan truyền dịch COVID-19

   Hiện nay, có rất ít bằng chứng về việc SARS-CoV-2 có thể lây nhiễm cho chó mèo. Tuy nhiên, ở Hồng Kông, một chú chó giống Pomeranian đã được xác nhận “dương tính yếu” với virus SARS-CoV-2. Chủ của chú chó này đã nhiễm COVID-19 và đây là trường hợp đầu tiên lây truyền từ người sang động vật được phát hiện trên thế giới.

giống chó Pomeranian
Giống chó Pomeranian

   Các nhà khoa học vẫn đang tranh luận về tầm quan trọng của phát hiện này. Giáo sư Jonathan Ball tại đại học Nottingham, Anh Quốc cho biết: “Chúng ta cần phân biệt giữa nhiễm trùng thực sự hay chỉ là sự hiện diện của virus ở chó. Tôi vẫn nghi ngờ về con đường lây truyền này có vai trò trong sự bùng phát của dịch bệnh. Hầu hết các dữ liệu trên khắp thế giới đều cho thấy rằng dịch bệnh bùng phát do sự lây nhiễm từ người sang người”.

SARS-CoV-2 là một chủng đột biến từ virus cúm

Coronavirus là một họ virus lớn, tất cả đều có các Protein gai trên bề mặt của chúng. Một số chủng có vật chủ nguyên phát là con người và gây ra bệnh cảm lạnh (Common cold). Một số chủng khác như SARS-CoV-2 có nguồn lây nhiễm khởi phát từ động vật.

Virus corona (hình mô phỏng)
Virus corona (hình mô phỏng)

Trong khi đó virus cúm (Influenzavirus) gây bệnh cúm (Flu) thuộc về họ Orthomyxoviridae là một chủng loại khác biệt hoàn toàn.

♥ Đọc  thêm: [Infographic của WHO] Bệnh cúm mùa

Rửa mũi và súc họng bằng nước muối sinh lý có thể diệt được virus

   Không có bằng chứng khoa học cho thấy nước muối sinh lý có thể tiêu diệt được virus. Một số nghiên cứu chỉ ra nước muối có thể làm giảm bớt các triệu chứng khó chịu do nhiễm trùng cấp tính đường hô hấp trên, nhưng không thể làm giảm nguy cơ nhiễm virus.

Kháng sinh có thể diệt được virus corona

    Kháng sinh chỉ có thể tiêu diệt vi khuẩn, chúng hoàn toàn bất lực trước virus. Việc bạn thấy các bác sĩ kê kháng sinh cho những bệnh nhân viêm phổi do virus có thể chỉ là để điều trị hoặc phòng ngừa các loại vi khuẩn bội nhiễm thêm trên cơ thể bệnh nhân.

Máy quét thân nhiệt chẩn đoán được nhiễm virus corona

máy quét thân nhiệt có thể phát hiện dịch COVID-19 không?

   Máy quét thân nhiệt giúp phát hiện những bệnh nhân có sốt chứ không phát hiện bệnh nhân nhiễm virus. Mặt khác, máy quét vẫn có thể bỏ sót bệnh nhân nhiễm COVID-19 vì có một khoảng thời gian (trung bình từ 2-10 ngày) trước khi người bệnh biểu hiện triệu chứng đầu tiên và trong khoảng thời gian ủ bệnh đó, thân nhiệt của họ vẫn bình thường.

Ăn nhiều gừng, tỏi để điều trị COVID-19

gừng và tỏi có thể tiêu diệt virus corona không?

   Đúng là trong gừng và tỏi có nhiều hoạt chất diệt khuẩn và các chất chống oxy hóa, nhưng chúng hoàn toàn chưa được chứng minh trong vấn đề diệt virus corona. Thực tế là chưa có một phương pháp điều trị đặc hiệu nào đối với COVID-19 cả. Kinh nghiệm dân gian là tốt nhưng chắc chắn không ai có kinh nghiệm để điều trị một dịch bệnh lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử.

Bưu kiện gửi từ Trung Quốc có thể làm dịch COVID-19 lan rộng

   Từ những nghiên cứ trên các chủng coronavirus tương tự như MERS và SARS, các nhà khoa học tin rằng virus SARS-CoV-2 không thể tồn tại trên thư từ và bưu kiện trong thời gian dài.

   CDC giải thích rằng vì khả năng sống sót của virus trên các bề mặt là rất thấp nên khả năng lây bệnh từ bao bì, bưu kiện được vận chuyện trong một vài ngày hoặc vài tuần ở nhiệt độ môi trường gần như bằng 0.

bưu kiện gửi từ Trung Quốc có làm lan truyền dịch COVID-19?

Virus corona có thể lây nhiễm qua phân

   Virus có thể đi vào đường tiêu hóa khi chúng ta nuốt các dịch tiết từ đường hô hấp trên. Đây là một cơ chế phòng vệ quan trọng của cơ thể. Phần lớn vi sinh vật khi đi vào đường tiêu hóa sẽ bị tiêu diệt bởi axit trong dạ dày và các dịch tiêu hóa khác.

   Giáo sư John Edmunds, từ trường Y học nhiệt đới và vệ sinh học London, Anh Quốc cho biết: “Bằng các phương pháp hiện đại, chúng ta có thể phát hiện “dấu vết” của virus có trong phân, nhưng chúng sẽ không thể lây lan do virus bị bất hoạt và tiêu diệt trong đường ruột của chúng ta” .

Dịch COVID-19 sẽ thoái lui khi thời tiết nóng lên

   Ắt hẳn nhiều người sẽ hy vọng cố đợi đến mùa hè để thời tiết nắng nóng “nướng chết” virus corona. Thông tin này có lẽ “lấy cảm hứng” từ virus cúm vốn phát triển thuận lợi trong điều kiện tiết trời lạnh. Gần đây nhất, một nghiên cứu của Trung Quốc cũng cho rằng virus phát triển và lây lan mạnh nhất ở nhiệt độ khoảng 8,7 độ C. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã chỉ ra một mình yếu tố thời tiết không thể đủ sức ngăn chặn dịch bệnh nếu thiếu hành động của các chính phủ và cộng đồng. Thực tế cũng đã cho thấy, ngay cả vùng Trung Đông hay châu Phi, nơi khí hậu nóng, COVID-19 cũng đang hoành hành. Một khi dịch đã lan rộng, thời tiết chắc chắn không phải là cứu cánh cho chúng ta.

Nguồn: Tổng hợp

- Advertisement -
Nguyễn Hoàng Sơn
Nguyễn Hoàng Sơnhttps://bshoangson.com/
Bác sĩ chuyên khoa I chuyên ngành Chẩn đoán hình ảnh tại Đại học Y Hà Nội. Hiện đang làm việc tại Hà Nội

ĐỌC THÊM

guest

0 Góp ý
Phản hồi trích dẫn trong bài viết
Xem tất cả bình luận

CỘNG ĐỒNG Y HỌC THÚ VỊ

6,000FansLike
5,000FollowersFollow
3,500SubscribersSubscribe
- Advertisement -

BÀI MỚI

0
Nếu thích bài viết, hãy để lại bình luận bạn nhé!x