Hình ảnh quen thuộc khi xảy ra các vụ dịch do virus lây qua đường hô hấp là cảnh người dân khắp nơi đeo khẩu trang khi ra đường.
Sử dụng khẩu trang để phòng chống lây nhiễm là cách đơn giản và đã phổ biến khắp thế giới, nhất là ở Trung Quốc thời gian vừa qua, trong đợt bùng phát dịch viêm phổi do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) và tình trạng ô nhiễm không khí ở mức báo động tại các thành phố lớn của nước này.
♥ Đọc thêm: Điều gì xảy ra với cơ thể của chúng ta sau khi nhiễm virus corona?
Tuy nhiên các nhà virus học còn nhiều nghi ngờ về hiệu quả của những chiếc khẩu trang y tế trong việc chống lại sự lây nhiễm virus trong không khí.
Đã có một số bằng chứng khoa học chứng tỏ khẩu trang giúp ngăn việc lây truyền cơ học từ tay lên miệng.
Khẩu trang phẫu thuật (hay khẩu trang y tế) được sử dụng lần đầu tiên trong các bệnh viện từ cuối thế kỉ 18, nhưng chúng chỉ phổ biến trong cộng đồng kể từ sau đại dịch Cúm Tây Ban Nha năm 1919 đã giết chết hơn 50 triệu người.
♥ Đọc thêm: Lịch sử của khẩu trang y tế, từ bác sĩ dịch hạch đến COVID-19
Bác sĩ David Carrington, thuộc đại học London cho biết “Khẩu trang y tế thông thường cho cộng đồng không phải là một biện pháp hữu hiệu chống lại virus hoặc vi khuẩn lơ lửng trong không khí – cách mà hầu hết các loại virus hô hấp lây truyền, điều này do khẩu trang y tế quá lỏng, không có bộ lọc không khí và cũng không bảo vệ được mắt của chúng ta khỏi phơi nhiễm”.
Tuy nhiên khẩu trang có thể giúp giảm thiểu nguy cơ phát tán virus “văng ra” khi bệnh nhân ho hoặc hắt hơi. Điều đó có nghĩa khi đeo khẩu trang chúng ta đang phòng bệnh cho cộng đồng hơn là cho chính chúng ta.
Mặt khác khẩu trang giúp hạn chế đường lây truyền virus trực tiếp từ tay lên miệng.
Năm 2016, một nghiên cứu ở New South Wales, Australia cho thấy mọi người dùng tay chạm vào mặt mình trung bình 23 lần mỗi giờ ! Vì vậy, nếu bàn tay chúng ta nhiễm virus, chúng ta sẽ vô tư “mời” chúng vào miệng mà không hề ý thức được.
Tuy vậy, cũng có một số ý kiến trái chiều về hiệu quả của đeo khẩu trang y tế. Jonathan Ball, giáo sư virus học ở đại học Nottingham nói: “Trong một nghiên cứu được kiểm soát tốt tại bệnh viện, khẩu trang y tế thông thường ngăn ngừa nhiễm virus cúm cũng tốt như mặt nạ phòng độc”. Tuy nhiên, khi nghiên cứu mở rộng ra trong cộng đồng dân cư, các số liệu rất kém thuyết phục.
Bác sĩ Connor Bamford, thuộc viện Y học thực nghiệm đại học Belfast, Anh cho biết “thực hiện các biện pháp vệ sinh đơn giản” có hiệu quả hơn rất nhiều so với đeo khẩu trang.
“Che miệng trong khi ho, hắt hơi, rửa tay đúng cách và không đưa tay lên miệng trước khi rửa tay có thể giúp hạn chế nguy cơ nhiễm bất kì loại virus đường hô hấp nào”.
Vụ y tế Quốc gia Anh Quốc (NHS) khuyến cáo, những cách tốt nhất để tránh lây nhiễm virus cúm bao gồm:
- Thường xuyên rửa tay với nước ấm và xà phòng
- Tránh chạm vào mắt và mũi của bạn hết mức có thể
- Duy trì lối sống khỏe mạnh
Và tuyệt nhiên không nhắc gì đến việc đeo khẩu trang !
Bác sĩ Jake Dunning, trưởng bộ phận phòng chống nhiễm trùng cấp tính ở cục Y tế Dự phòng Anh Quốc cho biết: “Mặc dù có quan điểm cho rằng việc đeo khẩu trang có thể có lợi, nhưng thực tế có rất ít bằng chứng về lợi ích rộng rãi từ việc sử dụng chúng bên ngoài môi trường bệnh viện”.
Ông cũng cho biết khẩu trang phải được đeo đúng cách, thay đổi thường xuyên và gỡ bỏ một cách an toàn nếu muốn chúng đảm bảo được chức năng phòng bệnh. Tuy nhiên đáng buồn là các hành động được khuyến nghị này ít được người dân chấp hành một cách đầy đủ, nhất là trong những vụ dịch kéo dài.
“Sẽ là tốt hơn nếu mọi người tập trung vào việc giữ vệ sinh cá nhân và vệ sinh bàn tay” Bác sĩ Dunning nói thêm.
♥ Đọc thêm: Những khuyến cáo của CDC Hoa Kỳ và Bộ Y tế Việt Nam về phòng ngừa dịch COVID-19
Nguồn : BBC News