21 C
Hanoi
Thứ bảy, Tháng Một 25, 2025

12 dấu hiệu kín đáo chỉ điểm bạn có thể mắc chứng rối loạn lo âu

- Advertisement -

Rối loạn lo âu (Anxiety disorder) là một trong những rối loạn tâm lý rất phổ biến. Bệnh này có thể tiến triển âm thầm, và kết hợp với những bệnh khác như trầm cảm, rối loạn nhân cách.

một số triệu chứng điển hình của chứng rối loạn lo âu

Bạn có biết
Bệnh nhân mắc rối loạn lo âu thường lo lắng quá mức và vô cớ trước một tình huống xảy ra, và sự lo lắng, sợ hãi đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, thậm chí cả khi mối lo thực tế đã kết thúc.

   Khi nói đến rối loạn lo âu, hầu như chúng ta sẽ tưởng tượng đến những triệu chứng như “toát mồ hôi hột”, cảm thấy bị kích động, và luôn lo lắng không ngừng. Thực ra thì lo âu có thể biểu hiện theo nhiều cách, một số cách thậm chí kín đáo đến mức chúng ta không tự ý thức được. Những dấu hiệu này không nghiêm trọng đến mức được coi là chứng “rối loạn”, tuy nhiên chúng có thể ảnh hưởng ít nhiều đến cuộc sống của chúng ta.

   Tôi đã có những trải nghiệm về sự lo âu “mơ hồ”. Cách đây vài năm khi tôi nói chuyện với một đồng nghiệp tại nơi làm việc, cô ấy nói tôi có rất nhiều lo âu nhưng lại khá giỏi trong việc “đeo mặt nạ”.

- Advertisement -

   Đa phần chúng ta không muốn nghĩ rằng bản thân mình mắc chứng lo âu vì chúng ta nghĩ đó là điểm yếu của mình, thậm chí là một thất bại cá nhân. Dĩ nhiên, điều đó không đúng vì hầu như tất cả chúng ta đều lo âu vào một thời điểm nào đó trong đời. Nhận ra sự lo âu tồn tại trong bản thân mình thì chúng ta mới có thể kiểm soát chúng và ngăn chúng làm ảnh hưởng đến cuộc sống và công việc của mình.

rối loạn lo âu

   Dưới đây là những dấu hiệu “tinh tế” của lo âu mà bạn nên biết.

Không ngừng lên kế hoạch

không ngừng lên kế hoạch - một biểu hiện của chứng rối loạn lo âu

   Trong hầu hết các tình huống của cuộc sống, bạn luôn nghĩ ra nhiều tình huống có thể xảy ra và lên kế hoạch để đối mặt hoặc phòng tránh chúng. Ví dụ, nếu bạn lái xe đến đâu đó, bạn nghĩ ra đủ các vấn đề có thể gặp phải và tìm cách tránh né chúng: tắc đường, nhiều điểm giao cắt, khó tìm bãi đỗ xe …Trước khi gặp gỡ một ai đó bạn mất rất nhiều năng lượng để nghĩ xem mình nên nói gì và phản ứng của người kia sẽ như thế nào. Có thể bạn sẽ nghĩ rằng chẳng có gì sai khi lên kế hoạch trước nhưng nếu lên kế hoạch cho mọi hoạt động hằng ngày, kể cả những việc nhỏ nhặt thì không ổn chút nào.

Không thích điều bất ngờ

   Theo cách tương tự như dấu hiệu số 1, bạn luôn tìm cách dự đoán mọi việc mình làm: lịch làm việc trong ngày, các bữa ăn, cách bạn tương tác với mọi người … Điều này là bình thường vì con người tìm thấy sự thoải mái trong các thói quen. Thói quen thì giống như một con đường mòn, và bạn sẽ không muốn đi theo một con đường khác, nhất là khi bạn lo sợ đường đó sẽ có … cướp. Lo âu khiến bạn không muốn thay đổi thói quen, và khiến bạn bỏ lỡ nhiều niềm vui bất ngờ trên “con đường mòn” của mình.

Luôn tìm việc để làm

Từ bỏ thói quen chây lười bên TV và điện thoại là cách tốt để phòng tránh và khắc phục tình trạng gan nhiễm mỡ

   Bất cứ khi nào bạn có thời gian rảnh, bạn luôn muốn lấp đầy nó bằng hoạt động nào đó. Bạn có thể với lấy chiếc điện thoại, check email, đọc tin tức, lướt Facebook, hoặc chơi một trò gì đó, hoặc mở tivi lên xem mà không thực sự để ý đến nội dung trên đó. Suốt cả ngày, bạn không dành cho mình một khoảng thời gian thư thái thật sự. Những hành vi này thường là những nỗ lực vô thức nhằm làm dịu sự kích động nảy sinh trong tâm trí của một người đang nhàn rỗi.

Cầu toàn

   Cho dù là bạn viết một bức thư, dọn dẹp nhà bếp, đăng một bài lên Instagram, hay soạn một email, nó đều phải thật hoàn hảo. Bạn tỉ mẩn kiểm tra để tất cả các chữ cái phải được viết hoa đúng chỗ, bức ảnh phải thật đẹp, nốt ruồi trên mặt phải xuất hiện đúng chỗ bạn muốn ! Mặc dù có thể đơn giản bạn là người chú ý đến các chi tiết, nhưng thường thì nó lại là biểu hiện của nỗi sợ mắc sai lầm và làm người khác thất vọng.

Trốn tránh các giao tiếp xã hội

trốn tránh các mối quan hệ xã hội, một biểu hiện của rối loạn lo âu

   Bạn thường từ chối và tìm cách trốn tránh các hoạt động cùng người khác. Bạn có thể tự nói với mình rằng bạn đang không có tâm trạng, hay bạn là người hướng nội, và những cuộc tụ họp “vô bổ” không phải là ưu tiên của bạn. Nhưng khi bạn nhận ra đó có thể là một trong những biểu hiện đầu tiên của chứng rối loạn lo âu, bạn sẽ có nhiều cách để điều chỉnh hành vi của mình.

Căng cơ

   Lo âu thường biểu hiện thông qua những triệu chứng vật lý như là căng cơ. Mặc dù có thể bạn không cảm thấy “lo âu”, nhưng cơ thể bạn sẽ đáp ứng với lo âu theo cách hoàn toàn khác. Quai hàm của bạn thường xuyên căng cứng, vai và đùi của bạn thì mỏi nhừ, và dạ dày thì đau thắt lại ! Đôi khi những khó chịu của cơ thể khiến bạn ít để ý tới cảm xúc của mình và không nhận ra rằng mình đang lo âu.

Không thích giao việc cho người khác

   Khi bạn có trách nhiệm với một việc nào đó, bạn muốn giám sát toàn bộ quá trình ngay cả khi không có thời gian. Bạn rất khó để từ bỏ quyền kiểm soát và lo lắng rằng người khác có thể làm điều đó không tốt, không vừa ý bạn. Điều đó khiến bạn có xu hướng tự làm mọi thứ hoặc nếu là nhà quản lý thì bạn sẽ soi xét tỉ mỉ từng công đoạn một của cả quá trình.

Uống rượu

uống rượu để giảm lo âu

   Ở đây chúng ta chưa nói đến tình trạng nghiện rượu, mà ở mức độ dùng rượu để khỏa lấp sự lo lắng. Thử tưởng tượng ra một bữa tiệc “giải sầu” mà chúng ta không có ly rượu trong tay? Rượu đã trở thành yếu tố chính trong các cuộc tụ họp gặp gỡ đến mức chúng ta khó nhận ra mức độ phụ thuộc vào chúng để giảm bớt lo âu. Thực tế, rượu có tác dụng làm giảm căng thẳng trong thời gian ngắn, nhưng về lâu dài, nó thậm chí khiến lo âu càng nhiều thêm.

Chần chừ làm việc

   Trái với niềm tin của nhiều người cho rằng chần chừ là biểu hiện của sự lười biếng. Thực tế, chần chừ thực hiện một việc nào đó là biểu hiện của một trong hai nỗi sợ: bạn ghét làm việc đó, hoặc bạn sợ rằng mình sẽ làm rất tệ. Những nỗi sợ này khiến bạn trì hoãn việc giải quyết nó, vì sẽ giúp tránh được những khó chịu mà bạn vốn e ngại.

Vội vã

   Vội vàng làm một việc gì đó thật sớm, ngay cả khi chưa tới thời điểm hoặc chưa cần thiết phải làm. Các nhà tâm lý học gọi đây là “pre-crastination” – một cảm giác khao khát muốn bắt đầu nhiệm vụ ngay lập tức và hoàn thành nó càng sớm càng tốt. Đây là tình trạng ngược với sự chần chừ. Nhiệm vụ chưa hoàn thành có thể tạo ra cảm giác căng thẳng, nó thúc ép bạn giải quyết vấn đề sớm nhất có thể để được thoải mái. Nhưng điều này cũng có mặt bất lợi của nó, vì sự vội vàng sẽ khiến bạn bỏ qua những giải pháp sáng tạo hơn cho công việc của mình.

Luôn xin lỗi

nói xin lỗi

   Lo âu về việc xúc phạm người khác, hoặc để tránh phải tranh luận khiến bạn nói câu xin lỗi mọi lúc, mọi nơi. Nói “tôi rất tiếc”, hay “tôi xin lỗi” có thể là phản xạ để xoa dịu bất cứ sự căng thẳng nào trong mối quan hệ của bạn.

Chọn giải pháp an toàn

   Bạn rất không thích mạo hiểm trong các khoản đầu tư dù là lớn hay nhỏ. Bạn cũng không muốn mạo hiểm trong công việc và các mối quan hệ của mình. Bạn thường né tránh khả năng thất bại bao gồm việc không theo đuổi mục tiêu và ước mơ của mình, như viết cuốn sách mà bạn từng nghĩ đến, hoặc bắt đầu công việc kinh doanh bạn từng yêu thích. Bạn cũng cẩn thận trong tình bạn, tình yêu, giữ khoảng cách với mọi người và tránh né bộc lộ cảm nghĩ thật của mình về họ. Đằng sau tất cả những biểu hiện này là nỗi sợ bị tổn thương. Kết quả là bạn tự kìm hãm bản thân mình để rồi có thể sẽ hối hận khi nhìn lại cuộc sống mà mình đã chọn.

   Nếu bạn nhận thấy bản thân mình có một vài trong số những mô tả trên, đừng lo, điều đó không phải là quá tồi tệ. Lo âu là nguyên nhân phổ biến nhất của các vấn đề tâm lý, và đôi khi lo âu lại là một động lực tích cực cho chúng ta. Nhưng nếu các biểu hiện đó nghiêm trọng đến mức làm ảnh hưởng đến công việc và tương lai của bạn (bạn tự nhận thấy hoặc người khác nói cho bạn biết), hãy đến gặp bác sĩ tâm lý để xem bạn có thực sự mắc chứng  rối loạn lo âu hay không.

♥ Đọc thêm: Trải nghiệm tâm thần phổ biến đến mức nào?

   Điều cần làm là bạn phải “tập” nhận biết được tác động của sự lo âu lên những quyết định trong cuộc sống của mình. Hãy bắt đầu tìm cách đối mặt với những điều mới lạ, những việc trước đây mình không muốn làm, thay vì tránh né chúng. Bắt đầu với từng việc nhỏ, chẳng hạn thay đổi lộ trình đi làm của mình, hay đến một bữa tiệc trước đây bạn chưa từng đến. Trong quá trình này, bạn sẽ xây dựng được một lối sống không phải được định hình bằng sự lo âu trong tiềm thức, mà bởi những điều thực sự quan trọng đối với bạn.

Nguồn : SETH J. GILLIHAN, PHD – WebMD

- Advertisement -
Nguyễn Hoàng Sơn
Nguyễn Hoàng Sơnhttps://bshoangson.com/
Bác sĩ chuyên khoa I chuyên ngành Chẩn đoán hình ảnh tại Đại học Y Hà Nội. Hiện đang làm việc tại Hà Nội

ĐỌC THÊM

Nhận thông báo qua Email
Nhận thông báo cho
guest

0 Góp ý
cũ nhất
mới nhất bình chọn nhiều nhất
Phản hồi trích dẫn trong bài viết
Xem tất cả bình luận

CỘNG ĐỒNG Y HỌC THÚ VỊ

6,000FansLike
5,000FollowersFollow
3,500SubscribersSubscribe
- Advertisement -

BÀI MỚI

0
Nếu thích bài viết, hãy để lại bình luận bạn nhé!x