33 C
Hanoi
Chủ Nhật, Tháng Mười 1, 2023

Hóa chất điều trị ung thư, những điều cần biết

- Advertisement -

   Hóa chất điều trị ung thư, hay còn gọi là hóa trị liệu (Chemotherapy) là một trong các phương pháp điều trị ung thư phổ biến hiện nay. Hóa chất được sử dụng nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư, ngăn không cho chúng nhân lên và làm cho khối u không phát triển. Hóa chất có thể được dùng đơn độc hoặc kết hợp cùng với những phương pháp điều trị khác (gọi là điều trị đa mô thức) tùy theo loại ung thư, giai đoạn ung thư và nhiều yếu tố khác.

   Nhiều loại hóa chất điều trị ung thư gây ra những tác dụng phụ, thậm chí ở mức độ nặng. Tuy nhiên khi bác sĩ chỉ định truyền hóa chất cho bệnh nhân, bạn nên hiểu rằng đó là do lợi ích của thuốc đem lại cao hơn hẳn nguy cơ tác dụng phụ gây ra.

   Bác sĩ sẽ luôn tư vấn cho người bệnh trước khi quyết định truyền hóa chất. Ngược lại, người bệnh cũng rất nên hiểu về phương pháp điều trị này để có cái nhìn đúng đắn và không hoang mang khi gặp phải những tác dụng phụ không mong muốn.

Bác sĩ tư vấn cho bệnh nhân về hóa chất điều trị ung thư

- Advertisement -

Hóa trị liệu là gì ?

   Một cơ thể khỏe mạnh sẽ liên tục thay thế các tế bào già và chết đi bằng những tế bào mới khỏe mạnh. Quá trình này có được nhờ sự phân chia tế bào. Khi ung thư xảy ra, các tế bào sinh sản một cách vô tổ chức và không kiểm soát được.

   Khi một bộ phận nào đó của cơ thể phát sinh ung thư, chúng ngày càng chứa nhiều tế bào hơn và lấn chiếm “không gian sống” của những tế bào khỏe mạnh, có ích, làm cho chức năng của bộ phận đó suy giảm. Tế bào ung thư cũng “vơ vét” năng lượng, dinh dưỡng từ máu để phát triển và nhân lên, làm cơ thể trở nên kiệt quệ.

   Hóa chất sẽ can thiệp vào khả năng phân đôi và nhân lên của tế bào ung thư. Bác sĩ có thể dùng một loại hóa chất hoặc kết hợp nhiều thuốc để đạt được hiệu quả tối ưu.

Trong quá trình điều trị, hóa chất có thể:

  • Tấn công vào tất cả các tế bào ung thư trong cơ thể
  • Tấn công khu trú vào một bộ phận hoặc một quá trình nào đó

Hóa chất có thể làm được gì ?

   Hóa chất điều trị ung thư có thể:

  • Ngăn ngừa tế bào ung thư nhân lên.
  • Ngăn chặn nguồn dinh dưỡng cung cấp cho tế bào ung thư (thông qua các enzym và hormon mà khối u cần để phát triển).
  • Kích hoạt quá trình “chết theo chương trình” của tế bào ung thư, nói cách khác khiến cho tế bào ung thư “tự sát”.

   Một phương pháp điều trị mới dùng hóa chất kết hợp với thuốc nút mạch để ngăn chặn cung cấp máu cho khối u, khiến khối u “chết đói”.

nút mạch khối u
Bơm hóa chất kết hợp nút mạch để điều trị khối u: một ống thông nhỏ được luồn vào mạch máu nuôi khối u, qua đó bác sĩ bơm hóa chất diệt tế bào ung thư, sau đó gây tắc mạch máu này lại khiến khối u “chết đói”.

Tại sao cần phải dùng hóa chất điều trị ung thư?

   Bác sĩ sẽ chỉ định truyền hóa chất cho bệnh nhân nhằm:

  • Điều trị trực tiếp những loại ung thư đặc biệt (ung thư máu, ung thư hạch bạch huyết …)
  • Thu nhỏ khối u trước khi phẫu thuật cắt bỏ nó.
  • Sau khi phẫu thuật nhằm tiêu diệt nốt các tế bào ung thư còn “rơi rớt” lại trong cơ thể hoặc ngăn chặn tái phát.
  • Làm chậm tiến triển của ung thư, giảm nhẹ các triệu chứng khó chịu với bệnh nhân, đặc biệt là các bệnh nhân ở giai đoạn cuối.

   Hóa trị liệu gây ra khá nhiều tác dụng không mong muốn, trong và sau khi điều trị. Điều này là bởi vì hóa chất không chỉ tác động đến các tế bào ung thư mà còn ảnh hưởng cả với các tế bào khỏe mạnh, đặc biệt là ở các mô tế bào non, có tốc độ sinh trưởng nhanh ( như niêm mạc đường tiêu hóa, chân tóc…)

   Tuy vậy, điều trị hóa chất sớm đôi khi có tác dụng hoàn hảo, làm giảm thiểu các tác dụng phụ và khó chịu cho bệnh nhân.

   Cuối cùng, hầu hết tác dụng không mong muốn sẽ biến mất sau khi liệu trình điều trị kết thúc.

Điều trị hóa chất trong vòng bao lâu?

   Bác sĩ của bạn sẽ lập một kế hoạch cụ thể về thời điểm tiến hành hóa trị cũng như thời gian trong bao lâu.

   Một đợt điều trị có thể giao động từ 1 ngày cho đến vài tuần, tùy theo loại ung thư và giai đoạn ung thư.

   Với những người cần phải điều trị nhiều đợt thì sẽ có một khoảng nghỉ giữa hai đợt để cơ thể có thể hồi phục. Ví dụ một người có thể truyền hóa chất trong 1 ngày, sau đó nghỉ ngơi theo dõi 1 tuần, rồi lại truyền hóa chất 1 ngày, tiếp tục nghỉ ngơi trong 3 tuần sau đó … Quá trình này có thể lặp lại nhiều lần.

Xét nghiệm máu

Xét nghiệm máu giúp đánh giá tổng thể sức khỏe của người bệnh, đảm bảo rằng họ có đủ khả năng để chống đỡ với những tác dụng phụ của thuốc hóa chất.

Chức năng gan

   Gan là “nhà máy” thải độc của cơ thể, nó sẽ phân giải các hóa chất được sử dụng để điều trị. Nếu xét nghiệm máu phát hiện chức năng gan của người bệnh suy giảm, họ có thể phải hoãn điều trị hóa chất cho đến khi gan phục hồi trở lại.

Số lượng hồng cầu/ bạch cầu/ tiểu cầu

   Tương tự chức năng gan, nếu xét nghiệm cho thấy số lượng các tế bào máu quá thấp, người bệnh cũng sẽ phải hoãn điều trị.

   Ngay cả trong quá trình hóa trị, người bệnh cũng phải được xét nghiệm máu thường xuyên để đánh giá diễn biến của các chỉ số nêu trên. Do vậy đừng ngạc nhiên nếu bác sĩ chỉ định lấy máu cho bạn nhiều lần.

Hóa chất được dùng theo đường nào?

truyền hóa chất điều trị ung thư

   Thông thường chúng ta thường nghe nói đến “truyền hóa chất”, nghĩa là thuốc hóa trị được đưa vào cơ thể bằng dịch truyền qua đường tĩnh mạch. Thực tế còn các biện pháp dùng hóa chất khác như:

  • Đường uống (hóa chất dạng viên nén, dung dịch, viên nang).
  • Tại chỗ bằng thuốc mỡ bôi trên da.

   Trong một số trường hợp, người bệnh có thể được cho phép sử dụng hóa chất tại nhà, nhưng họ vẫn cần phải đến cơ sở y tế thường xuyên để bác sĩ có thể đánh giá hiệu quả điều trị. Thêm nữa, họ cần tuân thủ nghiêm ngặt liều dùng, thời điểm dùng thuốc của bác sĩ.

   Đôi khi, bệnh nhân cần phải truyền hóa chất liên tục, nghĩa là họ phải đeo một bơm tiêm điện theo người, bơm tiêm này được cài đặt để đưa hóa chất liên tục vào cơ thể người bệnh trong vài tuần, thậm chí hàng tháng.

12 tác dụng phụ của hóa chất điều trị ung thư

   Sử dụng hóa trị liệu có thể gây ra các tác dụng phụ từ nhẹ đến nặng, tùy thuộc và loại thuốc và mức độ điều trị. Một số bệnh nhân có thể gặp ít hoặc không bị tác dụng phụ. Các tác dụng không mong muốn của thuốc bao gồm:

Buồn nôn và nôn

   Đây là tác dụng không mong muốn điển hình của hóa trị liệu. Bác sĩ có thể kê thuốc chống nôn để giảm bớt khó chịu cho bạn.

   Một nghiên cứu năm 2012 đã chứng minh ăn gừng có thể làm tăng tác dụng của các thuốc chống nôn.

Tóc, móng và da

   Nhiều bệnh nhân sẽ bị rụng tóc, hoặc tóc trở nên thưa và dễ gãy hơn sau vài tuần điều trị hóa chất. Bác sĩ thường sẽ thông báo trước để bệnh nhân đỡ lo lắng và mặc cảm về tình trạng này. Thông thường, tóc sẽ mọc lại sau khi kết thúc điều trị.

   Ở một số nơi, người ta cho bệnh nhân đội những chiếc mũ đặc biệt giúp làm “mát” da đầu, giúp làm chậm dòng chảy của mạch máu nuôi da đầu, qua đó hạn chế bớt lưu lượng hóa chất ảnh hưởng đến chân tóc, tuy nhiên hiệu quả khá thay đổi tùy theo bệnh nhân và loại hóa chất được truyền.

Cold cap - mũ cho bệnh nhân điều trị hóa chất
Cold cap – Những chiếc mũ làm mát da đầu dùng cho bệnh nhân điều trị ung thư bằng hóa chất. Mũ có một dây kết nối với máy tính để điều chỉnh độ lạnh.

   Móng tay cũng có thể trở nên giòn và dễ gãy hơn. Trong khi da bị khô rát và nhạy cảm với ánh sáng. Người bệnh nên chú ý bảo vệ da bằng cách tránh đi ra ngoài trời vào giữa trưa, sử dụng kem dưỡng da và mặc quần áo kín.

♥ Xem thêm: Top 5 loại thức ăn giúp tóc mọc nhanh

Mệt mỏi

   Mệt mỏi là cảm giác của nhiều người khi truyền hóa chất. Cảm giác mệt thường đến sau khi vận động, nặng hơn, nó có thể xuất hiện thường xuyên trong ngày.

   Để giảm thiểu mệt mỏi, bạn nên dành đủ thời gian để nghỉ ngơi và ngủ, tránh làm việc căng thẳng, quá sức.

   Nếu mệt mỏi ở mức độ nặng, hãy thông báo với bác sĩ bởi đó có thể là dấu hiệu của chứng thiếu máu.

Nghe kém

   Những độc tố có trong một số loại hóa chất có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh, bao gồm:

  • Ù tai
  • Giảm/mất thính lực tạm thời hoặc vĩnh viễn
  • Mất thăng bằng

Nhiễm khuẩn

   Truyền hóa chất có thể khiến cho số lượng bạch cầu – các tế bào làm nhiệm vụ bảo vệ cơ thể chống nhiễm khuẩn – suy giảm. Điều này làm suy yếu hệ thống miễn dịch và tăng nguy cơ nhiễm khuẩn.

tế bào bạch cầu
Số lượng bạch cầu có thể suy giảm do hóa trị liệu

   Để giảm nguy cơ nhiễm trùng, người bệnh nên áp dụng các biện pháp phòng ngừa cơ bản bao gồm:

  • Rửa tay thường xuyên.
  • Giữ cho các vết thương, vết xây xát sạch sẽ.
  • Đảm bảo thực phẩm an toàn và vệ sinh.
  • Điều trị sớm nếu có dấu hiệu của nhiễm khuẩn.

Việc tự ý sử dụng kháng sinh đối với bệnh nhân đang hóa trị liệu là rất không nên. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được kê toa kháng sinh phù hợp.

Xuất huyết

   Điều trị hóa chất cũng khiến cho số lượng tiểu cầu trong máu suy giảm. Điều đó có nghĩa là máu sẽ khó đông hơn, và chảy máu sẽ khó tự cầm hơn.

   Người bệnh có thể:

  • Dễ bị bầm tím hơn.

♥ Xem thêm: Xử lý vết bầm tím đúng cách.

  • Chảy máu nhiều hơn qua vết thương, kể cả những vết thương nhỏ.
  • Thường xuyên chảy máu mũi hoặc chảy máu chân răng.

     Nếu số lượng tiểu cầu tụt quá thấp, người bệnh có thể phải truyền máu hoặc truyền khối tiểu cầu.

   Để phòng tránh xuất huyết, người bệnh cần cẩn trọng trong những sinh hoạt hàng ngày như nấu ăn, làm vườn, cạo râu …

Thiếu máu

   Tế bào hồng cầu vận chuyển oxy đến tất cả các mô trong cơ thể. Hóa chất có thể làm suy giảm số lượng hồng cầu trong máu, dẫn đến chứng thiếu máu.

Ghi nhớ : triệu chứng thường gặp của thiếu máu
— Mệt mỏi
— Khó thở
— Hồi hộp đánh trống ngực
— Vẻ ngoài xanh xao

 Bổ sung sắt sẽ giúp cơ thể tái tạo tế bào hồng cầu. Chế độ ăn giàu sắt nên bao gồm những loại thức ăn như:

  • Các loại rau có lá màu xanh thẫm
  • Đậu
  • Thịt, gan
  • Các loại hạt
  • Quả mơ, mận khô, nho khô
thực phẩm giàu sắt tốt cho tạo máu
Các thực phẩm giàu sắt

   Nếu triệu chứng thiếu máu của bạn trở nên nặng nề, hãy thông báo cho bác sĩ để được làm xét nghiệm. Bệnh nhân thiếu máu nặng có thể cần phải truyền máu.

Viêm niêm mạc tiêu hóa

   Niêm mạc là lớp bề mặt của ống tiêu hóa. Tình trạng viêm của niêm mạc có thể xảy ra ở bất kì đoạn nào, từ khoang miệng cho đến thực quản, dạ dày, ruột non, ruột già và hậu môn.

   Loét niêm mạc miệng thường gặp sau 7-10 ngày điều trị hóa chất. Triệu chứng có thể khác nhau tùy theo loại hóa chất và liều điều trị, có thể gây đau khi nói và khi ăn, hoặc cảm giác “bỏng buốt” trong miệng hoặc môi. Tình trạng suy giảm miễn dịch càng làm cho vết loét chậm liền.

   Bác sĩ có thể kê một số loại thuốc bảo vệ niêm mạc để làm giảm triệu chứng cho người bệnh.

   Các triệu chứng viêm niêm mạc thường sẽ biến mất sau vài tuần từ khi kết thúc điều trị.

Vấn đề về đường ruột

   Tình trạng tổn thương niêm mạc tiêu hóa do hóa chất gây ra ở ruột non, ruột già có thể gây nên táo bón hoặc tiêu chảy kéo dài.

   Triệu chứng thường bắt đầu vài ngày sau khi bắt đầu điều trị.

Chán ăn

   Ung thư và hóa trị liệu đều tác động tiêu cực đến hệ tiêu hóa, cản trở quá trình hấp thu dinh dưỡng, gây nên cảm giác chán ăn và sụt cân ở người bệnh.

Chán ăn ở bệnh nhân hóa chất điều trị ung thư

   Cũng như các tác dụng phụ khác, cảm giác chán ăn sẽ thuyên giảm sau khi kết thúc điều trị.

   Một vài mẹo để khắc phục vấn đề này:

  • Ăn từng ít một, chia làm nhiều bữa nhỏ trong ngày.
  • Dùng các đồ uống giàu dinh dưỡng như sữa, sinh tố, súp loãng.

   Các bệnh nhân quá khó khăn trong việc ăn uống do tình trạng viêm niêm mạc tiêu hóa, hoặc do khối u vùng cổ, hầu họng, thực quản chèn ép có thể cần phải nuôi dưỡng qua ống sonde đặt vào dạ dày hoặc nuôi dưỡng bằng dịch truyền tĩnh mạch.

Khả năng sinh sản và mang thai

   Người bệnh thường giảm hoặc mất ham muốn tình dục trong quá trình hóa trị liệu, tuy nhiên sẽ phục hồi sau khi dừng điều trị.

   Một số loại hóa chất có thể làm giảm khả năng sinh sản ở nam và nữ giới. Mặc dù nguy cơ gây vô sinh của các hóa chất này còn đang được nghiên cứu nhưng nếu bạn có dự định sinh con trong tương lai, có thể nghĩ đến việc bảo quản tinh trùng và trứng đông lạnh trước khi tiến hành điều trị.

   Ảnh hưởng của các loại hóa chất lên thai nhi cũng chưa được nghiên cứu rõ ràng. Nếu một phụ nữ có thai cần được hóa trị liệu, các bác sĩ thường sẽ trì hoãn điều trị cho đến sau khi thai được 12-14 tuần, bởi đây là khoảng thời gian các cơ quan, tổ chức trong cơ thể thai nhi phát triển hoàn thiện.

   Một phụ nữ có thai cũng sẽ tiến hành đợt truyền hóa chất cuối cùng 8 tuần trước ngày dự kiến sinh để giảm thiểu nguy cơ nhiễm khuẩn cho mẹ và con trong quá trình sinh nở.

Bệnh nhân hóa chất điều trị ung thư vú sinh con
Một bệnh nhân nữ người Mỹ mắc ung thư vú đang hóa trị liệu đã mang thai và sinh nở thành công.

   Tuy nhiên, do những tác dụng phụ của hóa chất có thể rất tệ, nên tốt nhất bạn không nên mang thai trong quá trình điều trị. Hãy hỏi bác sĩ để được tư vấn biện pháp tránh thai phù hợp.

Vấn đề về tư tưởng và sức khỏe tâm thần

   Có khoảng 75% bệnh nhân phản ánh về tình trạng giảm chú ý, nhận thức và trí nhờ ngắn hạn trong suốt quá trình hóa trị liệu.  Khoảng 35% người bệnh tiếp tục gặp phải các triệu chứng này sau vài tháng đến vài năm.

   Hóa chất cũng khiến một số bệnh nhân gặp khó khăn trong học tập, tổ chức cuộc sống, một số khác thậm chí thay đổi tâm trạng và trầm cảm.

   Sự lo lắng của bệnh nhân cho căn bệnh của mình càng khiến các triệu chứng này nặng thêm. Do đó, khâu tư vấn tâm lý của bác sĩ và những người chăm sóc cho bệnh nhân là hết sức quan trọng.

Các loại hóa chất điều trị ung thư

   Có nhiều loại hóa chất được sử dụng, bao gồm

– Nhóm các tác nhân kiềm hóa (Alkylating agents): tác động đến DNA của tế bào và giết chết tế bào ung thư ở các giai đoạn khác nhau của chu trình nhân đôi tế bào.

– Nhóm ức chế chuyển hóa: loại này “bắt chước” các protein mà tế bào ung thư cần để tồn tại. Khi được tế bào hấp thu, chúng không có giá trị trong quá trình chuyển hóa và khiến tế bào ung thư “chết đói”.

– Nhóm Alkaloid thực vật: ngăn các tế bào phát triển và phân chia.

– Nhóm “kháng sinh” chống khối u: những chất này ngăn các tế bào sinh sản. Chúng khác với các loại kháng sinh thông thường để điều trị nhiễm khuẩn.

   Bác sĩ sẽ cân nhắc lựa chọn các loại hóa chất tùy vào loại ung thư và giai đoạn bệnh.

Hiệu quả của hóa chất điều trị ung thư đến đâu ?

   Các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả của hóa trị liệu bao gồm:

– Vị trí, loại ung thư, giai đoạn của ung thư. Nhìn chung, phát hiện ở giai đoạn càng sớm thì hiệu quả điều trị càng cao. Một số loại ung thư đáp ứng rất tốt với hóa chất như ung thư máu, ung thư phổi tế bào nhỏ …

– Tuổi của bệnh nhân, thể trạng chung, và điều kiện tiếp cận các dịch vụ y tế.

   Làm thế nào để biết hóa trị có hiệu quả hay không ? Hãy đón đọc bài viết tiếp theo về chủ đề này của bshoangson.com

Lời kết

   Như vậy chúng ta có thể thấy, hóa trị liệu thành công phụ thuộc vào nhiều yếu tố từ thể ung thư, giai đoạn ung thư cho đến thể trạng bệnh nhân cũng như điều kiện kinh tế nữa. Trong một số trường hợp, chỉ riêng hóa trị liệu đã có thể chữa khỏi hoàn toàn ung thư.

♥ Đọc thêm: Xạ trị ung thư, những điều cần biết

   Vì những tác dụng không mong muốn gặp phải khi truyền hóa chất, người bệnh cần một số thay đổi trong cuộc sống cũng như chế độ ăn uống. Đáng mừng là đa phần các triệu chứng sẽ biến mất nhanh sau khi kết thúc điều trị.

hóa chất điều trị ung thư chemotherapy

   Trước khi bắt đầu truyền hóa chất, hãy thảo luận với bác sĩ của bạn để hiểu rõ:

  • Tại sao tôi được chỉ định hóa trị ?
  • Tôi có lựa chọn nào khác không ?
  • Loại hóa chất nào được chọn ?
  • Giá thành của liệu trình điều trị là bao nhiêu ?

   Người bệnh cũng nên:

  • Thông báo cho Hãng bảo hiểm nhân thọ về giá thành điều trị hóa chất.
  • Báo cho người sử dụng lao động về tình trạng bệnh cũng như những thay đổi về lối sống trong quá trình hóa trị.
  • Nói chuyện với người thân để được thông cảm và sẻ chia về những bất tiện họ có thể gặp phải.

   Và trên hết, luôn giữ thái độ lạc quan và tin tưởng vào quá trình điều trị.

Sớm hay muộn, người chiến thắng là người nghĩ mình có thể thắng !

Sooner or later, those who win are those who think they can.

Paul Tournier

   Bạn đọc có các thắc mắc về vấn đề hóa trị liệu ung thư có thể đặt câu hỏi trong bằng cách Comment bên dưới bài viết hoặc gửi câu hỏi cho mình qua chuyên mục TƯ VẤN SỨC KHỎE ONLINE.

- Advertisement -
Nguyễn Hoàng Sơn
Nguyễn Hoàng Sơnhttps://bshoangson.com/
Bác sĩ chuyên khoa I chuyên ngành Chẩn đoán hình ảnh tại Đại học Y Hà Nội. Hiện đang làm việc tại Hà Nội

ĐỌC THÊM

Nhận thông báo qua Email
Nhận thông báo cho
guest

0 Góp ý
Phản hồi trích dẫn trong bài viết
Xem tất cả bình luận

CỘNG ĐỒNG Y HỌC THÚ VỊ

6,000FansLike
5,000FollowersFollow
3,500SubscribersSubscribe
- Advertisement -

BÀI MỚI

0
Nếu thích bài viết, hãy để lại bình luận bạn nhé!x