Trong quá trình hình thành và phát triển của nền y học hiện đại, các bác sĩ đã phát minh ra rất nhiều dụng cụ phục vụ cho công việc chuyên môn của mình. Tuy vậy, trong buổi sơ khai, có khá nhiều dụng cụ y học khiến mọi người “rùng mình” khi nhắc đến. Dưới đây là 7 dụng cụ đáng sợ như thế đã từng được sử dụng trong lịch sử.
Mục lục
Đỉa nhân tạo
Từ thế kỉ thứ 18-19, đỉa được sử dụng như một liệu pháp trị bệnh hữu hiệu. Người ta dùng đỉa để hút “máu độc” từ các vết thương, vết loét lâu liền, giúp nhanh liền sẹo. Đỉa hút máu cũng giúp cải thiện tình trạng thừa dịch của cơ thể. Nhu cầu sử dụng đỉa khi đó nhiều đến nỗi các trại nuôi đỉa ở Pháp, Hy Lạp nở rộ và kiếm bộn tiền.

Đã từng có thời gian đỉa gần như tuyệt chủng ở Châu Âu. Để khắc phục tình trạng khan hiếm … đỉa, người ta đã chế ra một công cụ với tính năng tương tự.
Công cụ này gồm các lưỡi dao nhỏ quay được để cắt vào da bệnh nhân, còn ống xilanh phía sau để rút máu ra. Một biến thể khác được gọi là Scarificator có 10 lưỡi dao gắn vào lò xo để “xiên” qua da bệnh nhân, trong khi phần ống hút phía sau được làm nóng để tạo chân không giúp cho máu chảy ra.
Khoan sọ
Công cụ khoan sọ đã được các thầy thuốc phát mình và sử dụng từ hàng ngàn năm nay. Chúng được dùng để mở hộp sọ lấy máu tụ do chấn thương vào đầu hoặc điều trị cơn đau đầu do tăng áp lực bên trong hộp sọ. Trong ảnh là các công cụ khoan sọ từ thế kỉ 18 được mô tả trong cuốn sách Chirurgical Works (1779), chúng bao gồm một giá đỡ để cố định và một mũi khoan vận hành bằng tay. Và thời đó bệnh nhân đương nhiên cũng chẳng được gây mê gì cả !
Bơm tiêm thủy ngân
Bơm tiêm được sử dụng phổ biến ngày nay đã ra đời từ rất lâu. Tuy nhiên chiếc bơm tiêm này khá đặc biệt. Nó có kích cỡ lớn hơn bơm tiêm dưới da hiện nay một chút, với một cái đầu kim dài bằng kim loại. Chúng được dùng để bơm thủy ngân vào cơ thể nhằm điều trị bệnh giang mai, thường được các thủy thủ ở thế kỉ 16 sử dụng.
Tin tốt là người ta sẽ không chọc mũi kim to tướng đó vào mạch máu của mình. Còn tin xấu là họ chọc vào … niệu đạo, thông qua lỗ tiểu ở đầu dương vật. Thủy ngân được bơm vào đường niệu với hy vọng sẽ ngăn được biến chứng của bệnh. Tuy nhiên thật tệ là dường như các thủy thủ thường chết do độc tính của thủy ngân trước khi bệnh giang mai kịp gây ra biến chứng !
Dụng cụ lấy mũi tên
Ở thế kỉ 16, khi một người trúng phải mũi tên, các thầy thuốc sẽ không vội rút nó ra ngay. Họ sẽ gắn trục của mũi tên vào một dụng cụ trông như cái kéo, chỉ có điều lưỡi của “chiếc kéo” này không khép vào khi cắt mà lại mở rộng ra. Bởi vậy, nếu mũi tên bị kẹt lại và không cắm quá sâu, lưỡi kéo sẽ rạch vào da thịt của bệnh nhân để mở rộng vết thương, giúp thầy thuốc gỡ mũi tên ra dễ dàng hơn.
Ecraseur
Công cụ này được phát minh trong thế kỉ 19 được sử dụng để điều trị khối u xơ tử cung, u nang buồng trứng có cuống hoặc các búi trĩ. Vòng dây thắt của nó được lồng xung quanh cấu trúc bệnh lý cần cắt bỏ và sẽ được thít chặt dần. Các khối u và khối trĩ sẽ bị thiếu máu dẫn đến hoại tử và teo dần đi. Nguyên lý này ngày nay vẫn được áp dụng ở nhiều nơi để điều trị các khối u, tuy nhiên thường dùng chỉ để thắt. Ở thế kỉ 19, thủ thuật này khá là đau đớn, nhất là với các bệnh nhân trĩ, tuy nhiên các bác sĩ cho rằng cơn đau sẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn và do đó không áp dụng biện pháp giảm đau nào kèm theo.
Cưa cắt cụt chi
Lịch sử y học đã trải qua những thời kì mà các bác sĩ không biết đến vi khuẩn cũng như tình trạng nhiễm khuẩn. Ở thời kì trước khi kháng sinh được phát minh ra (và thậm chí cho đến ngày nay), nhiễm trùng luôn là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến việc phải cắt cụt chi. Các bác sĩ ngoại khoa ở thế kỉ 18-19 khá là tự hào về các dụng cụ chuyên môn của họ, do vậy họ thường đặt thiết kế chúng thật đẹp, với nhiều hoa văn góc cạnh và các chi tiết thừa thãi. Trớ trêu thay, những thiết kế kiểu này lại là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn sinh sôi và trú ngụ, làm cho tình trạng nhiễm khuẩn sau mổ trở nên nghiêm trọng hơn !
Dụng cụ điều trị thoát vị bẹn
Dụng cụ y học này được phát minh từ giữa thế kỉ 19 ở Anh. Nó gồm có một bộ kẹp làm từ gỗ bọc bạc và một tay cầm bằng gỗ. Sau khi bác sĩ phẫu thuật xử lí xong khối thoát vị, dụng cụ này sẽ được đưa vào lớp cơ ở trên thành bụng và … kẹp chắc lại, tay cầm sau đó được tháo bỏ và dụng cụ được lưu lại trên vết mổ từ 6 đến 8 ngày. Tác giả phát minh tin rằng cái kẹp sẽ kích thích hình thành một vết sẹo chắc chắn hơn ngăn cho thoát vị tái phát. Tuy nhiên, người ta nghi ngờ điều này và thực tế là nó … không có tác dụng, ngoại trừ cơn đau mà người bệnh phải chịu khi đặt và gỡ bỏ nó !
♥ Đọc thêm: 15 bức ảnh độc đáo về cơ thể con người
Nguồn : sưu tầm