Tinh trùng là những tế bào đảm nhiệm chức năng sinh sản của con người. Câu chuyện tinh trùng thụ tinh với trứng để tạo thành hợp tử và phát triển thành em bé đã trở thành bài học quen thuộc của chương trình Sinh học ở cấp phổ thông.
Thế nhưng bạn có biết, 300 năm trước đây, người ta thậm chí vẫn tin rằng có một con người tí hon nằm sẵn trong phần đầu của tinh trùng khi được thụ tinh, và tử cung của người mẹ chỉ đơn giản là cung cấp cái tổ để nuôi “người tí hon” này lớn lên mà thôi.
Tất nhiên với sự phát triển của khoa học, ý tưởng này đã bị bỏ vào sọt rác. Tuy vậy cho đến nay vẫn có khá nhiều hiểu lầm của chúng ta đối với “tinh binh” và cách chúng tạo ra một con người thực sự. Dưới đây là 8 lầm lẫn mà có thể từ trước tới giờ bạn vẫn tin là đúng về “tinh binh”.
Mục lục
Tinh trùng tự bơi đến trứng như vận động viên Olympic
Mỗi lần xuất tinh, có khoảng 20 triệu đến 300 triệu tinh trùng được đưa vào âm đạo của người phụ nữ. Những hình minh họa trên sách báo thường mô tả cuộc đua của đội “tinh binh” này như những vận động viên bơi lội cố gắng ganh đua để đến được cái đích cuối cùng là trứng.
Điều này không thực sự đúng. Thứ nhất, phần lớn “tinh binh” không thực sự bơi tới đích. Các nhà khoa học đã chia tinh trùng làm 3 nhóm dựa vào tính chất di động của nó:
- Nhóm “Cấp tiến” là những tinh trùng di động theo đường thẳng hoặc theo một vòng tròn lớn.
- Nhóm “Không cấp tiến” là những tinh trùng di động theo bất kì cách nào khác với nhóm trên.
- Nhóm “bảo thủ” là những chàng tinh binh nằm im một chỗ, không di động.
Trong một bài viết, tiến sĩ Robert D. Martin đã mô tả cuộc đua của tinh trùng không thực sự giống với cuộc thi bơi lội ở Olympic. Thậm chí tinh trùng cần phải có sự hỗ trợ đắc lực từ hệ thống sinh sản của người phụ nữ mới có thể tiến đến gần với trứng. Trên thực tế, hầu hết quá trình di chuyển của “tinh binh” là nhờ sự co bóp của cơ tử cung. Những làn sóng nhu động của niêm mạc tử cung vòi trứng sẽ đưa đẩy “tinh binh” về phía vòi trứng, giống như sóng xô chúng ta khi đi tắm biển vậy !
Tinh dịch càng đặc thì khả năng thụ thai càng cao
Quan điểm của mọi người cho rằng tinh dịch càng đặc thì mật độ tinh trùng càng cao và do đó khả năng thụ tinh càng lớn. Vấn đề là quá trình thụ tinh không giống như một cuộc chiến tranh mà quân số càng đông thì cơ hội thắng càng cao. Tất cả “tinh binh” khi xâm nhập vào âm đạo của người phụ nữ sẽ phải đi qua một “hàng rào kiểm duyệt” bắt buộc là nút nhầy ở cổ tử cung. Nút nhầy này đảm nhiệm hai vai trò: thứ nhất là bảo vệ tinh trùng sống sót trước môi trường axit “chết chóc” của âm đạo (99% “tinh binh” sẽ chết ở âm đạo), thứ hai nó ngăn không cho những tinh trùng bất thường về hình dạng hoặc có chuyển động yếu kém vượt qua cổ tử cung để thụ tinh. Điều này đảm bảo chỉ có những “tinh binh” ưu tú và khỏe mạnh mới có thể tiếp cận đến trứng. Bạn thấy đấy, số lượng sẽ không quan trọng bằng chất lượng. Nên không phải cứ nhiều thì đã là tốt đâu !
Tinh trùng chỉ sống được một thời gian ngắn sau khi xuất tinh
Không phải như vậy. Tuổi thọ của tinh trùng phụ thuộc rất nhiều vào môi trường mà nó “hạ cánh”. Nếu xâm nhập được vào âm đạo của người phụ nữ, tinh trùng có thể sống được tối đa 5 ngày do được bảo vệ trong chất nhày và các ống tuyến ở cổ tử cung. Còn nếu rơi vào các môi trường khác hoặc tiếp xúc với không khí bên ngoài, tinh trùng thường chết rất nhanh trong vòng vài phút, những “chiến sĩ” dẻo dai nhất cũng không quá nửa tiếng. Thời gian sống của “tinh binh” sẽ càng ngắn lại nếu gặp môi trường có nhiệt độ cao (nước nóng, không khí nóng..)
Tinh trùng chỉ việc đi thẳng đến với trứng
Hành trình “tinh binh” di chuyển đến với trứng chỉ dài khoảng 15cm nhưng là một hành trình đầy cam go và tinh trùng cũng cần có những “trạm dừng nghỉ”. Không như mọi người nghĩ, sau khi xuất tinh, đạo quân này sẽ “tồng tộc” chạy thẳng đến thụ tinh với trứng; trên thực tế tinh trùng có thể sẽ nằm chờ trong các ống tuyến chứa dịch nhầy trong cổ tử cung hoặc gắn với các tế bào biểu mô của vòi trứng trước khi tiếp tục hành trình của chúng.
Mặc quần lót chặt ảnh hưởng không tốt đến số lượng tinh trùng
Khoa học thường lí giải khi mặc quần lót chặt, tinh hoàn bị áp sát vào cơ thể dẫn tới nhiệt độ của chúng tăng lên, điều này khiến quá trình sản xuất tinh trùng bị ảnh hưởng tiêu cực do “tinh binh” cần một nhiệt độ thấp hơn thân nhiệt một chút để có thể hình thành.
Nhưng trong một nghiên cứu năm 2016, các nhà khoa học đã chỉ ra việc mặc quần lót hay không có rất ít ảnh hưởng đến số lượng “tinh binh”.
Và còn một điểm nữa, là khi nhiệt độ tinh hoàn tăng lên, cơ thể có thể bù đắp bằng cách tiết ra thêm hormon kích thích tinh hoàn sản xuất thêm tinh trùng.
Vì vậy, việc mặc quần lót lỏng hay chật cũng sẽ ảnh hưởng không quá nhiều đến “tinh binh” và chúng ta chỉ cần lựa chọn đồ lót sao cho thoải mái nhất mà không cần lo cho hệ sinh sản của mình.
Dịch tiết trước khi xuất tinh (Pre-cum) không thể gây có thai
Pre-cum là một chất dịch trong suốt được tiết ra trước khi xuất tinh thực sự diễn ra. Và về mặt lí thuyết, chúng không có chứa tinh trùng. Tuy nhiên một số lượng “tinh binh” bị đẩy ra sớm từ túi tinh vào niệu đạo có thể lẫn vào với Pre-cum. Chắc chắn số lượng tinh trùng này không thể nhiều như trong tinh dịch được rồi. Một nghiên cứu năm 2011 cho thấy 37% số mẫu Pre-cum có chứa một lượng đáng kể tinh trùng khỏe mạnh, di động.
Điều này khiến cho việc áp dụng kĩ thuật tránh thai bằng xuất tinh ngoài âm đạo chứa đựng tỉ lệ rủi ro nhất định do tinh trùng lọt vào đường âm đạo của người phụ nữ qua Pre-cum.
Càng nhiều tinh trùng tiếp cận được với trứng thì thụ thai càng tốt
Thông thường sẽ chỉ có một tinh trùng có thể đi vào bên trong và thụ tinh cho noãn để tạo nên hợp tử. Sau khi “tinh binh” may mắn nhất phá vỡ lớp vỏ protein bên ngoài để tiến vào bên trong, nang trứng sẽ phản ứng lại bằng cách “đổ bê tông” lớp vỏ của mình để ngăn những “tinh binh” khác tiến vào.
Rõ ràng càng nhiều “tinh binh” khỏe mạnh tiếp xúc được với trứng thì khả năng đậu thai càng lớn. Nhưng khi mật độ “tinh binh” đến đích quá cao, sẽ có nguy cơ có 2 tinh trùng cùng chui được vào bên trong trứng. Khi đó, sự rối loạn về vật chất di truyền do 2 tinh bào mang tới sẽ dễ tới những đột biến trong bộ nhiễm sắc thể của hợp tử mới được hình thành, hậu quả là những bất thường di truyền nặng nề như hội chứng Down, chửa trứng, hoặc những dị tật về tim, não … của phôi thai.
♥ Đọc thêm: Sàng lọc trước sinh NIPT, thông tin mẹ bầu cần biết
Tinh dịch rất giàu protein
Đây có lẽ là một lầm lẫn rất hay được đem ra làm trò đùa ! Trên thực tế giá trị dinh dưỡng của protein trong tinh dịch không cao như người ta vẫn tưởng. Thành phần tinh dịch là sự kết hợp của nhiều chất như Vitamin C, kẽm, cholesterol, muối natri và protein phức hợp … và nó hoàn toàn không phải là một công thức dinh dưỡng hoàn hảo ! Hơn nữa, nhiều phụ nữ còn bị dị ứng với tinh dịch nên việc … nuốt nó là điều không nên được khuyến khích.
Nguồn : healthline.com