Xét nghiệm beta hCG là một xét nghiệm khá quen thuộc với các mẹ bầu. Khi bắt đầu chậm kinh và nghi ngờ có thai, việc đầu tiên các mẹ thường làm là dùng que thử thai. Đây chính là xét nghiệm beta hCG qua nước tiểu.
Vậy beta hCG là gì và nguồn gốc của nó từ đâu ? Nó có những tác dụng gì mà bác sĩ lại thường chỉ định cho mẹ bầu như vậy? Hãy theo dõi bài viết này để có câu trả lời.
Mục lục
Nguồn gốc của beta hCG
Sau khi thụ tinh, tinh trùng gặp trứng và hình thành hợp tử. Sau khoảng 1 tuần, phôi thai sẽ di chuyển vào làm tổ trong buồng tử cung của người mẹ và bắt đầu quá trình phát triển nhanh chóng. Lúc này, cấu trúc của phôi được chia làm 2 phần: phần bên trong gọi là “Khối tế bào bên trong” (inner cell mass – ICM) sau này sẽ phát triển thành em bé và phần bên ngoài là các tế bào nuôi (trophoblast) giống như một lớp vỏ bọc xung quanh ICM. Lớp các tế bào nuôi sau này sẽ phát triển thành nhau thai.
Chính các tế bào nuôi sẽ tiết ra hormon hCG. Tên gọi hCG là viết tắt của Human Chorionic Gonadotropin. Một tên gọi khác mà mình hay sử dụng là hormon thai nghén (pregnancy hormone). Trong thai kì, hormon hCG có tác dụng kích thích hoàng thể tiết ra Progesterone, một hormon có vai trò quan trọng trong việc duy trì sự tồn tại của thai trong buồng tử cung. Ngoài ra, hCG kích thích hình thành giới tính nam của thai nhi. Đối với mẹ, hCG làm tuyến sữa phát triển, tăng dự trữ mỡ và tăng nồng độ oxy trong máu, đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho thai.
Phân tử hCG gồm 2 tiểu đơn vị : alpha và beta, trong đó tiểu đơn vị beta có cấu trúc riêng biệt và là thành phần đem lại hoạt tính sinh học cho hCG. Chính vì vậy khi xét nghiệm người ta thường tập trung vào việc phát hiện và định lượng beta hCG.
5 tác dụng của xét nghiệm beta hCG
1. Chẩn đoán có thai
Sau khi hợp tử được hình thành và vào làm tổ trong buồng tử cung (khoảng 1 tuần sau khi thụ tinh, hoặc tuần thứ 3 tính từ chu kì kinh cuối), hCG được các tế bào nuôi tiết ra và khuếch tán vào trong máu mẹ, rồi được bài tiết qua nước tiểu. Do đó có thể thông qua xét nghiệm máu hoặc nước tiểu để phát hiện hCG.
Que thử thai là hình thức xét nghiệm beta hCG đơn giản nhất qua nước tiểu. Đây là xét nghiệm định tính (chỉ báo kết quả âm tính hoặc dương tính).
Cách thử khá đơn giản và có thể thực hiện đươc tại nhà. Tuy nhiên do chưa đảm bảo các yếu tố kĩ thuật mà kết quả có thể sai lệch đi. Mình gặp nhiều trường hợp các mẹ phàn nàn về que thử thai báo kết quả “ảo”, hoặc lúc dương tính lúc âm tính. Các mẹ có thể xem hình dưới đây để biết cách dùng que thử một cách chính xác.
Thời điểm thử thai rất quan trọng và ảnh hưởng nhiều đến độ chính xác của test thử. Các Nhà sản xuất thường quảng cáo độ nhạy của các que thử lên đến 99% nhưng họ không nói đó là tỉ lệ khi thử thai ở thời điểm sau khi chậm kinh. Thực tế, mẹ bầu thử thai càng sớm trước ngày chậm kinh thì nguy cơ kết quả sai lệch càng cao, đặc biệt là âm tính giả (nghĩa là mẹ có bầu nhưng que thử báo 1 vạch). Lí do bởi nồng độ beta hCG trong nước tiểu chưa đủ nhiều ở thời điểm quá sớm để xảy ra phản ứng trên que thử.
Trong trường hợp que thử cho kết quả không rõ ràng, hoặc mẹ bầu nôn nóng muốn biết kết quả ngay từ giai đoạn sớm thì có thể xét nghiệm máu. Xét nghiệm beta hCG máu hiện cũng đã rất phổ biến ở các cơ sở y tế. Kết quả có sau 1 đến 2 tiếng. Mẹ bầu không cần nhịn ăn khi lấy máu. Phân tích kết quả như trong bảng dưới đây:
Kết quả xét nghiệm | Kết luận |
<=5 mIU/ml | Không có thai |
>=25 mIU/ml | Có thai |
6-24 mIU/ml | vùng “nghi ngờ”, cần làm lại xét nghiệm sau vài ngày |
2. Chẩn đoán chửa ngoài tử cung bằng xét nghiệm beta hCG
Chửa ngoài tử cung (Ectopic pregnancy) là hiện tượng thai không làm tổ ở vị trí bình thường trong buồng tử cung. Vị trí chửa ngoài tử cung rất đa dạng nhưng 90% là ở vòi trứng. Chửa ngoài tử cung đặc biệt nguy hiểm khi khối chửa ngoài vỡ gây mất máu cấp tính đe dọa đến tính mạng của người mẹ.
Với một thai kì bình thường, khi xét nghiệm beta hCG đạt mức 1500 mUI/ml trở lên thì bắt buộc phải thấy được túi ối làm tổ trong buồng tử cung trên siêu âm đầu dò âm đạo. Nếu xét nghiệm hCG vượt quá ngưỡng nói trên mà bác sĩ chưa thấy được túi ối trong buồng tử cung, cần phải nghĩ đến chửa ngoài ! Lúc này bác sĩ siêu âm sẽ đi tìm khối thai ở các vị trí khác ngoài buồng tử cung như vòi trứng, buồng trứng, cổ tử cung, hoặc trong ổ bụng …
Trong trường hợp bác sĩ vẫn chưa tìm được hình ảnh thai ngoài tử cung thì các mẹ vẫn cần tiếp tục theo dõi và làm siêu âm lại sau 5-7 ngày hoặc khi có dấu hiệu bất thường như ra máu âm đạo hay đau bụng dưới.
Đối với chửa ngoài tử cung ở giai đoạn chưa vỡ, giá trị của thăm khám lâm sàng, siêu âm đầu dò âm đạo và xét nghiệm beta hCG giống như kiềng ba chân giúp chẩn đoán và tiên lượng bệnh một cách chính xác.
Một giá trị khác của xét nghiệm beta hCG đối với chửa ngoài tử cung là giúp bác sĩ quyết định có nên điều trị nội khoa hay không. Ngày nay, phương pháp tiêm Methotrexat (MTX – một hóa chất ức chế sự sinh sản của tế bào, làm khối chửa ngoài tiêu đi) được các bác sĩ sản khoa ứng dụng khá nhiều giúp cho bệnh nhân tránh được một cuộc mổ. Tuy nhiên, chỉ định tiêm MTX điều trị chửa ngoài đòi hỏi nhiều điều kiện chặt chẽ, trong đó có tiêu chuẩn về nồng độ beta hCG trong máu mẹ, như hình bên dưới.
Sau khi tiêm thuốc MTX, xét nghiệm beta hCG tiếp tục được thực hiện hàng tuần như một biện pháp theo dõi kết quả điều trị. Nếu beta hCG không giảm hoặc giảm với biên độ quá ít (<15%), bác sĩ có thể sẽ chỉ định phẫu thuật để tránh nguy cơ cho mẹ. Trường hợp beta hCG giảm nhanh và về dưới ngưỡng phát hiện của xét nghiệm, điều đó có nghĩa liệu pháp điều trị đã thành công !
3. Tiên lượng sớm sảy thai, thai lưu
Trong một thai kì bình thường, nồng độ beta hCG có xu hướng tăng dần từ sau khi thai làm tổ (tuần thứ 3 tính từ kinh cuối cùng) và đạt đỉnh ở tuần thứ 8-10. Sau đó beta hCG giảm dần đến tuần thứ 14-18 và duy trì ổn định trong suốt thai kì.
Chẩn đoán thai lưu ở sau tuần thai thứ 10 khá dễ dàng với việc mất hoạt động tim thai trên hình ảnh siêu âm. Tuy nhiên trong những tuần thai sớm hơn, đôi khi chẩn đoán bằng hình ảnh là không đơn giản do các dấu hiệu siêu âm đều không đặc hiệu. Khi đó, xét nghiệm beta hCG sẽ có vai trò quan trọng. Nếu mẹ bầu có các triệu chứng của dọa sảy hay sảy thai, hoặc hình ảnh siêu âm nghi ngờ nhưng chưa đủ kết luận, bác sĩ sẽ chỉ định cho mẹ bầu xét nghiệm hCG nhiều lần, cách nhau mỗi 2-3 ngày. Chỉ định này dựa trên nguyên lí sau:
Trong 85% thai kì bình thường, ở những tuần thai đầu, mức beta hCG sẽ tăng gấp đôi sau mỗi 48-72h (tức 2-3 ngày)”.
Trong trường hợp sảy thai hoặc thai lưu, nồng độ beta hCG có xu hướng không tăng hoặc giảm dần qua các lần xét nghiệm beta hCG. Trường hợp beta hCG có tăng nhưng tăng chậm cũng cần phải được theo dõi sát để phát hiện những bất thường xảy ra.
Cũng như trong trường hợp chẩn đoán chửa ngoài tử cung, đối với chẩn đoán thai lưu và sảy thai, sự kết hợp giữa thăm khám lâm sàng, siêu âm và xét nghiệm beta hCG là hết sức cần thiết. Bạn không thể có một chẩn đoán chắc chắn chỉ với 1 xét nghiệm hCG đơn độc.
4. Chẩn đoán chửa trứng bằng xét nghiệm beta hCG
Chửa trứng là bệnh lý do sự phát triển bất thường của tế bào nuôi, trong đó rau thai thoái hóa tạo thành những nang dịch to nhỏ không đều dính vào nhau giống như trứng ếch. Người ta phân biệt chửa trứng toàn phần và chửa trứng bán phần. Nếu toàn bộ rau thai thoái triển mà không có phôi thai bên trong thì là chửa trứng toàn phần. Ngược lại nếu có sự hiện diện của phôi thai thì là chửa trứng bán phần.
Chửa trứng nguy hiểm ở chỗ các tế bào rau thai đột biến có thể xâm lấn và di căn ra các tổ chức, cơ quan xung quanh, có thể tái phát nhiều lần hoặc chuyển thành ác tính (gọi là bệnh ung thư tế bào nuôi).
Để chẩn đoán chắc chắn chửa trứng, người ta thường phải nạo buồng tử cung của thai phụ lấy mảnh rau thai đem đi xét nghiệm giải phẫu bệnh. Tuy nhiên trước khi thực hiện bước đó, việc phát hiện chửa trứng có vai trò rất lớn của siêu âm và xét nghiệm beta hCG. Nồng độ beta hCG trong chửa trứng thường tăng rất cao so với mức bình thường. Chửa trứng toàn phần có mức beta hCG >100.000 mUI/ml và hơn nữa. Nồng độ beta hCG trong chửa trứng bán phần thường thấp hơn chửa trứng toàn phần.
Có nhiều biện pháp điều trị chửa trứng như nạo buồng tử cung, nút mạch, cắt tử cung, thậm chí là điều trị hóa chất nếu bệnh tiến triển ác tính. Trong tất cả các liệu pháp điều trị, vấn đề theo dõi nồng độ beta hCG là yếu tố quan trọng nhất. Điều trị chỉ thành công khi nồng độ hCG máu được đưa về dưới ngưỡng xét nghiệm có thể phát hiện. Bảng dưới đây là khuyến cáo của Hội sản phụ khoa Pháp về cách theo dõi beta hCG đối với bệnh nhân chửa trứng:
Bệnh lý | Theo dõi sau khi điều trị |
Chửa trứng toàn phần | Xét nghiệm beta hCG mỗi tuần 1 lần cho tới khi kết quả về âm tính. Sau đó xét nghiệm lại mỗi tháng 1 lần trong 6 tháng liên tiếp. |
Chửa trứng bán phần | Xét nghiệm beta hCG mỗi tuần 1 lần cho đến khi kết quả về âm tính 3 lần liên tiếp |
Nếu xét nghiệm beta hCG không thể trở về mức bình thường hoặc đã trở về bình thường nhưng đột ngột tăng lại, hãy coi chừng, đó là dấu hiệu bệnh tái phát trở lại!
5. Chẩn đoán dị tật thai bằng xét nghiệm beta hCG
Beta hCG là một trong số các xét nghiệm huyết thanh được sử dụng trong sàng lọc Double test và Triple test mà các mẹ bầu đã quen thuộc. Beta hCG rất có ý nghĩa trong sàng lọc hội chứng Down, là đột biến dị bội phổ biến nhất ở người.
♥ Đọc thêm: Xét nghiệm Double test, Triple test – Kiến thức từ A đến Z
Sàng lọc Double test được tiến hành trong giai đoạn thai được11 tuần đến 13 tuần 6 ngày. Sàng lọc Triple test tiến hành muộn hơn, trong giai đoạn từ 16 đến 18 tuần. Ngày nay, công nghệ Gen cho các mẹ bầu một lựa chọn sàng lọc trước sinh chính xác hơn và sớm hơn Double test, Triple test, đó là NIPT (sàng lọc trước sinh không xâm lấn)
♥ Đọc thêm: Sàng lọc trước sinh NIPT, thông tin mẹ bầu cần biết
Một ứng dụng khác của xét nghiệm beta hCG mà các mẹ có thể đã nghe nói tới là ước lượng tuổi thai. Tuy nhiên mình khuyến cáo các mẹ không nên sử dụng cách này do trị số beta hCG theo tuổi thai biến thiên rất nhiều và do đó cũng sẽ gây ra sai số rất nhiều.
♥ Đọc thêm: Tính tuổi thai và ngày dự sinh, hướng dẫn chi tiết nhất
Trên đây mình đã trình bày 5 tác dụng của xét nghiệm beta hCG trong chẩn đoán các vấn đề liên quan đến thai nghén. Trong thực tế, xét nghiệm beta hCG còn nhiều vấn đề phức tạp đòi hỏi sự suy luận, đồng thời kết hợp với các thăm khám cận lâm sàng khác. Do đó, các mẹ bầu nên thực hiện xét nghiệm này theo chỉ định của bác sĩ để nhận được sự tư vấn tốt nhất. Và cũng đừng ngạc nhiên khi bác sĩ cho bạn xét nghiệm beta hCG rất nhiều lần.
Mọi thắc mắc về bài viết các bạn có thể để lại comment ở bên dưới hoặc trong mục TƯ VẤN. Cảm ơn sự chú ý theo dõi của các bạn. Chúc mọi người nhiều sức khỏe và hạnh phúc.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Sàng lọc và chẩn đoán trước sinh – Đại học Y dược Huế, 2010.
2. The Role of Serum Beta hCG in Early Diagnosis and Management Strategy of Ectopic Pregnancy.
3. Strips of Hope: Accuracy of Home Pregnancy Tests and New Developments
4. Update on the diagnosis and management of gestational trophoblastic disease
5. When to Take a Pregnancy Test, Understanding How Pregnancy Tests Really Work – www.verywellfamily.com