Bổ sung canxi cho bà bầu như thế nào là vấn đề gần như mình được hỏi hằng ngày. Vấn đề này được các mẹ bầu quan tâm vì nhiều lí do.
Thứ nhất, hằng ngày lên mạng mẹ bầu đọc được nhan nhản các tin quảng cáo sữa bầu, thực phẩm chức năng chứa canxi với những lời “dọa dẫm” về hậu quả của thiếu canxi cho cả mẹ và con.
Thứ hai, thông tin chính thống về vấn đề này quá ít và quá “khoa học” để các mẹ bầu nhà mình có thể tìm hiểu.
Thứ ba, là hệ quả của lí do thứ hai, do thiếu thông tin chính xác nên các mẹ có xu hướng nghe theo lời mách bảo truyền miệng của nhau mà đôi khi không dựa trên cơ sở khoa học nào.
Vì vậy trong loạt bài viết này, mình sẽ cố gắng đem lại một cái nhìn đầy đủ nhất cho các mẹ với câu hỏi “Bổ sung canxi cho bà bầu như thế nào?” dựa trên những bằng chứng khoa học và khuyến cáo chính thống của các Tổ chức y tế uy tín.
Mục lục
5 tác dụng của canxi trong thai kì
Canxi giữ rất nhiều vai trò trong hoạt động của một cơ thể sống. Nhiều quá trình quan trọng như dẫn truyền thần kinh, sự co bóp của tim, chuyển hóa trong tế bào … đều cần đến canxi, như hình minh họa dưới đây.
Trong giai đoạn mang thai và cho con bú, ý nghĩa của canxi đối với mẹ bầu và thai nhi được thể hiện qua 5 vai trò sau đây:
Kiến tạo bộ xương và răng của con
Quá trình tạo xương diễn ra ngay sau khi phôi thai được hình thành và tăng lên rất nhiều từ cuối tam cá nguyệt thứ nhất.
Khung xương ban đầu chỉ là một “cái khung” được hình thành nên từ các sợi collagen gọi là chất nền. Sau đó, canxi và phospho vô cơ dần lắng đọng vào cái khung này làm cho xương trở nên cứng chắc. Quá trình này được gọi là canxi hóa. Như thế, canxi và phospho là hai chất thiết yếu để hình thành nên khung xương chắc chắn của em bé sau này.
Tương tự, bộ răng của thai nhi cũng có thành phần canxi lớn tập trung ở men răng và xương răng. Quá trình canxi hóa các răng sữa bắt đầu từ tuần thứ 20 và kéo dài đến sau khi sinh 6 tháng.
Trong thời gian mang thai, canxi được cung cấp cho con thông qua chế độ dinh dưỡng hàng ngày của mẹ. Sau khi sinh, lượng canxi cần thiết cho con chủ yếu đến từ sữa mẹ. Do đó bổ sung canxi cho bà bầu là cần thiết cả trong và sau sinh các mẹ nhé.
Phòng chống loãng xương cho mẹ
Trong cơ thể người trưởng thành, đến 99% lượng canxi tập trung ở trong bộ xương. Chỉ có 1% canxi phân bố trong các mô mềm và trong máu.
Quá trình mang thai, khi nhu cầu canxi tăng lên để thai phát triển, nếu người mẹ không bổ sung đủ canxi, cơ thể sẽ xảy ra hiện tượng “ăn cắp” canxi từ xương của mẹ để bổ sung lượng thiếu hụt này. Hệ quả là mật độ xương của người mẹ giảm đi và là nguy cơ gây loãng xương sau khi sinh.
Phòng chống tiền sản giật và sản giật
Tiền sản giật là một hội chứng bệnh lý xuất hiện trong quá trình thai nghén biểu hiện ở nhiều bất thường trên cơ thể người mẹ. 3 triệu chứng chính được dùng để chẩn đoán tiền sản giật là tăng huyết áp, phù và protein niệu (nghĩa là xuất hiện chất đạm trong nước tiểu).
Tiền sản giật thường xuất hiện từ tuần thứ 20 của thai kì (các trường hợp nặng có thể xuất hiện sớm hơn). Bệnh có thể để lại nhiều biến chứng nặng nề đối với mẹ ở thần kinh trung ương, gan, thận. Đối với thai nhi, tiền sản giật có thể gây ra tình trạng thai chậm phát triển, thậm chí sảy thai, sinh non. Trong trường hợp mẹ mắc hội chứng này và xuất hiện co giật thì gọi là sản giật.
Video dưới đây sẽ cho các mẹ biết thêm các thông tin chi tiết về tiền sản giật và sản giật.
Hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới có nói rõ: bổ sung canxi cho bà bầu là một phần quan trọng để phòng tránh tiền sản giật, đặc biệt với các thai phụ có nguy cơ cao bị tăng huyết áp thai kì.
Trong một báo cáo tổng hợp từ 10 nghiên cứu ở các quốc gia đang phát triển (trong đó có Việt Nam) từ năm 1989 đến 2009, các nhà khoa học nhận thấy bổ sung canxi cho bà bầu trong suốt thời gian mang thai giúp giảm đến 45% nguy cơ tăng huyết áp thai kì và giảm đến 59% nguy cơ mắc tiền sản giật.
Giảm nguy cơ sinh non
Sinh non là tình trạng em bé được sinh ra khi chưa đủ 37 tuần thai kì. Sinh non càng sớm nguy cơ đối với thai càng cao do các mô và cơ quan vẫn chưa phát triển hoàn thiện để sẵn sàng với cuộc sống bên ngoài tử cung người mẹ.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra trẻ sinh non tháng khi lớn lên tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành, tăng huyết áp, tiểu đường, giảm chức năng phổi, chậm dậy thì, dễ bị trầm cảm và tỷ lệ tử vong vì bệnh tim mạch cao. Cũng trong nghiên cứu tổng hợp ở các nước đang phát triển nói trên, người ta nhận thấy bổ sung canxi giúp giảm 12% nguy cơ trẻ sinh non.
Giảm các triệu chứng khó chịu trong thời gian mang thai
Các mẹ bầu thường xuyên phải đối mặt với những tình trạng khó chịu như đau mỏi cơ khớp, tê bì tay chân, chuột rút ban đêm, nhức xương … Ở mức độ nặng, một số triệu chứng khá là “khủng khiếp” và ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sống cũng như tâm lí. Bổ sung canxi cho bà bầu chính là giải pháp đơn giản và hiệu quả cho những vấn đề này.
Tác động có hại khi bổ sung thừa canxi
Thiếu canxi gây ra nhiều hậu quả xấu cho cả mẹ và con. Tuy nhiên, bổ sung thừa canxi cũng chứa đựng nhiều rủi ro tiềm ẩn.
Thói quen của rất nhiều mẹ bầu hiện nay là mua thuốc hoặc thực phẩm chức năng để bổ sung canxi ngay khi có thai. Nhiều mẹ bị “ám ảnh” về chiều cao của con nên bổ sung canxi thật lực với quan điểm “càng nhiều càng tốt”, hy vọng sau này con cao lớn. Các nhà thuốc và shop thực phẩm chức năng thậm chí còn lập hẳn những “Combo thần thánh” bao gồm sữa bầu, vitamin tổng hợp, sắt, canxi để bán cho mẹ bầu. Chưa nói đến chất lượng, việc lạm dụng sữa và các loại thực phẩm chức năng mà không căn cứ vào tình trạng thực tế có thể khiến mẹ bầu nạp vào quá nhiều canxi. Và hậu quả là:
Thừa canxi và hậu quả đối với thai nhi
Dư thừa canxi khiến quá trình cốt hóa xương tăng tốc sớm hơn bình thường. Trong một số ca bệnh đã được ghi nhận, mẹ lạm dụng bổ sung canxi khiến xương sọ của con liền sớm, làm cho não bộ không có không gian để phát triển, dẫn tới bại não sau khi sinh ra.
Hiện tượng cốt hóa quá sớm cũng giống như “đổ bê tông” vào khung xương, làm xương cứng lại quá sớm trước khi hệ thống sợi collagen kịp phát triển, và ảnh hưởng tiêu cực đến sự dài ra của xương sau này. Kết quả là chiều cao của bé cũng bị ảnh hưởng theo. Đây đúng là nghịch lí mà nhiều mẹ bầu không ngờ tới: bổ sung nhiều canxi mà con lại vẫn thấp !
Thừa canxi và hậu quả đối với mẹ bầu
* Hình thành sỏi thận : một phần lớn canxi dư thừa được đào thải qua nước tiểu. Thừa canxi làm tăng gánh nặng đối với thận và lâu dài có thể dẫn tới hình thành sỏi thận.
* Rối loạn nhịp tim: canxi là thành phần tham gia tích cực vào cơ chế dẫn truyền của tim. Nồng độ canxi cao trong máu có thể gây rối loạn nhịp tim và làm trầm trọng thêm các bệnh lý tim mạch mắc từ trước.
* Giảm hấp thu các chất dinh dưỡng khác: bổ sung nhiều canxi qua đường tiêu hóa sẽ khiến đường ruột thay đổi đặc tính hấp thu. Canxi sẽ “cạnh tranh” và làm quá trình hấp thu sắt, kẽm, phospho, magie giảm đi, làm cơ thể thiếu những vi chất cũng quan trọng không kém này.
* Ảnh hưởng đến thần kinh trung ương: canxi có vai trò trong sự dẫn truyền của hệ thần kinh. Quá tải canxi có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh, biểu hiện ra với nhiều triệu chứng, từ chán ăn, buồn nôn và nôn khan, cho đến mệt mỏi, bồn chồn, giảm sự tập trung, thậm chí trầm cảm.
Như vậy, chúng ta thấy bổ sung canxi cho bà bầu không phải là vấn đề đơn giản. Không như suy nghĩ của đa phần mọi người cho rằng canxi là một loại thuốc bổ uống “càng nhiều càng tốt”, thừa canxi cũng gây ra những tác hại trầm trọng không kém thiếu canxi.
Trong phần 2, mình sẽ trình bày về cách bổ sung canxi qua thức ăn, một biện pháp đơn giản nhưng đang bị nhiều mẹ bầu xem nhẹ. Các mẹ có thể đọc bài viết theo link dưới đây:
BỔ SUNG CANXI CHO MẸ BẦU DỰA TRÊN CƠ SỞ KHOA HỌC. [PHẦN 2] KHÔNG GÌ TỐT BẰNG ĂN UỐNG !