Cách đây không lâu, mình có ngồi café với anh bạn làm ở Bệnh viện K trung ương. Anh có chia sẻ lại là càng ngày tỉ lệ mắc ung thư tuyến giáp càng tăng và nguy hiểm hơn là bệnh này đang có xu hướng trẻ hóa. Các thống kê trên thế giới cũng cho thấy Ung thư tuyến giáp đặc biệt “thích” các đối tượng trẻ tuổi. Nó chiếm đến 67% các trường hợp mắc ung thư ở người dưới 55 tuổi.
♥ Đọc thêm: Infographic về ung thư tuyến giáp
Mình khá là lưu tâm đến thông tin này nên về nhà mở máy tính tra cứu ngay vài bài báo khoa học về ung thư tuyến giáp, và gặp được một nghiên cứu của Thụy Điển vào năm 2016. Nghiên cứu này mô tả ảnh hưởng của các loại sóng điện từ đến sự gia tăng của ung thư tuyến giáp tại các nước Bắc Âu và trên thế giới, trong đó có một phần không nhỏ nguyên nhân đến từ một vật dụng rất quen thuộc với chúng ta: điện thoại di động. Dưới đây mình sẽ tổng hợp một phần nội dung của nghiên cứu này. Mình cũng sẽ đưa ra một số khuyến cáo của các nhà khoa học để phòng tránh tác hại của sóng điện từ lên tuyến giáp. Các bạn chú ý để áp dụng nhé !
Mục lục
Ung thư tuyến giáp là gì ?
Mình sẽ không đi sâu vào câu hỏi này vì thông tin đã có quá nhiều trên mạng. Video dưới đây sẽ tóm tắt ngắn gọn cho các bạn biết về ung thư tuyến giáp là gì, các triệu chứng của ung thư, các thể bệnh cũng như các phương pháp điều trị.
♥ Đọc thêm: Xạ trị ung thư, những điều cần biết
Ung thư tuyến giáp đang ngày một gia tăng
Tại Thụy Điển, bộ Y tế nước này thành lập ra Chương trình đăng kí quản lý và theo dõi bệnh nhân ung thư từ năm 1958 (khi Việt Nam còn đang chìm trong khói lửa chiến tranh!). Ung thư tuyến giáp được họ đưa vào chương trình từ năm 1970, và đến năm 1993 thì nâng cấp lên một bước nữa: họ theo dõi đến từng thể ung thư tuyến giáp. Như trong video trên, các bạn có thể thấy có 4 thể ung thư giáp, trong đó thể nhú thường gặp nhất, chiếm đến 60-70% tổng số các ca. Đây cũng là thể ung thư thường liên quan đến tác nhân bức xạ điện từ.
Câu chuyện bắt đầu khi các nhà khoa học Thụy Điển lập ra một biểu đồ thống kê số lượng các ca mắc ung thư giáp ở nam và nữ trong giai đoạn 1969 đến 2013. Người ta nhận thấy bắt đầu từ năm 2006, số lượng các ca mắc ung thư tuyến giáp ở cả nam và nữ bắt đầu tăng lên đột biến với biên độ tương đương nhau. Điều này cũng xảy ra khi nghiên cứu mở rộng ra toàn bộ khu vực Bắc Âu. Điểm kì lạ ở chỗ các bằng chứng từ trước đều cho thấy ung thư tuyến giáp “ưu ái” phụ nữ hơn là nam giới. Điều này cho thấy có một nhân tố nào đó tác động thúc đẩy ung thư tuyến giáp một cách đồng đều, không phân biệt giới tính.
Tiếp tục nghiên cứu sâu hơn, Các nhà khoa học tìm ra thể ung thư tuyến giáp có sự gia tăng mạnh nhất về số lượng các ca mắc là thể nhú. Thể ung thư này lại được biết tới do thường phát sinh dưới tác động của bức xạ điện từ. Một câu hỏi đặt ra : liệu sự gia tăng của ung thư tuyến giáp có liên quan gì đến sóng điện từ hay không?
Với sự giúp sức của Cục viễn thông, người Thụy Điển dựng nên một biểu đồ về tổng số phút gọi điện thoại di động của dân Bắc Âu trong giai đoạn 2001-2013.
Khi đặt các biểu đồ nói trên cùng nhau, người ta nhận thấy có một sự tương đồng giữa sự gia tăng thời gian gọi điện thoại di động với sự gia tăng số ca ung thư tuyến giáp được phát hiện. Cụ thể là thời gian gọi điện thoại tăng trưởng trước và số ca ung thư bắt đầu tăng sau đó khoảng 5 năm. Điều này gợi ý cho bạn điều gì? Phải chăng sóng điện từ của điện thoại di động có tác động tích tụ và theo thời gian đem tới nguy cơ ung thư tuyến giáp?
Điều đáng nói hơn là sự gia tăng tỷ lệ mắc ung thư tuyến giáp thể nhú là tình trạng phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới. Các báo cáo về vấn đề này đã được ghi nhận ở Mỹ, Canada, Nhật Bản, Hà Lan, Hàn Quốc, Brazil … những quốc gia có nền công nghệ viễn thông phát triển.
Our results clearly indicate that the increasing incidence of thyroid cancer is mainly for the papillary type and may be caused by radiation. Both ionizing and non-ionizing radiation should be considered.
Trên đây là một đoạn trong kết luận của nghiên cứu ở Thụy Điển. Dịch ra là: “Kết quả của chúng tôi đã chỉ ra một cách rõ ràng rằng tỷ lệ mắc ung thư tuyến giáp ngày càng tăng, chủ yếu là đối với ung thư thể nhú và có thể do nguyên nhân bức xạ. Cả bức xạ ion hóa và không ion hóa nên được xem xét“.
Tiếp theo mình sẽ nói rõ hơn về ảnh hưởng của 2 loại bức xạ này lên tuyến giáp.
Bức xạ tần số vô tuyến điện và ung thư tuyến giáp
Bức xạ tần số vô tuyến điện (RF-EMFs : radiofrequency electromagnetic fields) là năng lượng sinh ra ở dạng sóng vô tuyến điện từ một nguồn phát nào đó. Sóng vô tuyến có tần số từ 3 kHz tới 300 GHz, tương ứng bước sóng từ 100 km tới 1 mm.
Có 2 nhóm nguồn bức xạ tần số vô tuyến điện gây ra phơi nhiễm hàng ngày cho chúng ta được gọi là nhóm bức xạ trường gần và nhóm bức xạ trường xa. Nhóm bức xạ trường xa bao gồm trạm phát sóng truyền hình, truyền thanh, cột thu phát sóng điện thoại di động và tín hiệu kĩ thuật số, điểm phát sóng wifi (router wifi).
Nhóm bức xạ trường gần bao gồm điện thoại di động và điện thoại cố định không dây (Cordless phone), máy vi tính và một số đồ điện tử gia dụng khác.
Với việc giá cước thuê bao ngày càng rẻ và sự đổi mới công nghệ không ngừng, chúng ta đang chứng kiến một cuộc bùng nổ về mạng di động trên phạm vi toàn thế giới. Có một sự gia tăng đột biến về số lượng người sử dụng điện thoại di động trong 2 thập kỉ vừa qua. Theo thống kê của Liên đoàn Viễn thông Quốc tế (ITU) ước tính có khoảng 6,9 tỉ điện thoại di động được sử dụng trên toàn cầu vào năm 2014, con số này đã tăng lên 8,9 tỉ trong năm 2018 và sẽ còn chưa dừng lại.
Điện thoại di động ảnh hưởng đến tuyến giáp bằng cách nào?
Các bộ phận bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi bức xạ vô tuyến bao gồm não bộ, thủy tinh thể mắt, da, tinh hoàn và tuyến giáp. Động tác gọi điện thoại quen thuộc là áp sát máy vào đầu và cổ. Với động tác này, bên cạnh não bộ, tuyến giáp là cơ quan chịu mức độ phơi nhiễm nhiều nhất. Tại sao lại như vậy?
Câu trả lời nằm ở kết cấu của ăngten điện thoại, bộ phận phát ra từ trường mạnh nhất. Chúng ta hãy xem hình dưới đây.
So sánh với điện thoại di động cổ điển, Smartphone ngày nay rõ ràng có bức xạ sóng vô tuyến cao hơn. Lí do vì hầu hết điện thoại đều được tích hợp nhiều công nghệ kết nối như 2G, 3G, 4G (và tương lai là 5G nữa), wifi, bluetooth… Điều này đòi hỏi phải tích hợp nhiều loại ăngten trong cùng một chiếc điện thoại, hệ quả là làm tăng kích cỡ của ăngten trong máy. Tất nhiên các hãng điện thoại phải tìm cách thu gọn kích thước này vì còn nhiều bộ phận khác cần lắp đặt và xu hướng điện thoại ngày càng gọn và mỏng hơn. Giải pháp là phải tăng cường độ năng lượng đầu ra của anten, và vì vậy, người dùng sẽ phải chịu phơi nhiễm nhiều hơn với bức xạ điện từ.
Hình trên mô tả 3 giai đoạn phát triển của ăngten điện thoại trong 2 thập kỉ vừa qua. Thế hệ điện thoại 2G từ những năm 1990 với ăngten gắn ngoài có thể thu lại được hay còn gọi là anten xoắn ốc, nằm ở đầu trên điện thoại. Đến những năm 2000, ăngten ngoài bắt đầu bị “xóa sổ” và thay vào đó là ăngten nằm trong điện thoại hay còn gọi là ăngten “Microstrip”. Chiếc điện thoại đầu tiên với ăngten nằm bên trong được giới thiệu vào năm 1998. Sự tiến hóa của Smartphone vào giữa và cuối thập niên 2000 dần đẩy vị trí của ăngten từ đầu trên xuống đầu dưới điện thoại. Càng xuống thấp, ăngten càng gần tuyến giáp hơn, và bức xạ tác động lên tuyến giáp càng mạnh hơn.
Các bằng chứng thực nghiệm
Đa phần các nghiên cứu thực nghiệm được tiến hành trên chuột. Năm 2015, một nghiên cứu thực nghiệm đã chứng minh bức xạ tần số sóng vô tuyến ở mức 2,45GHz mặc dù không sinh nhiệt nhưng cũng đã đủ làm thay đổi hình thái tuyến giáp của chuột. Bức xạ này làm vùng ngoại vi và trung tâm của nang tuyến giáp phình lên.
Trong một nghiên cứu khác trên chuột, toàn bộ cơ thể chuột được cho phơi nhiễm với 900MHz sóng cao tần (tương tự với tần số của chuẩn công nghệ GSM cho điện thoại di động) đã phát hiện ra sự hoạt hóa emzym Caspase, là chất kích thích quá trình “chết rụng” của tế bào tuyến giáp.
Ảnh hưởng của bức xạ vô tuyến lên hormon tuyến giáp cũng đã được nghiên cứu, tuy còn nhiều tranh cãi.
Một nghiên cứu năm 2009 đã cho thấy có sự gia tăng nồng độ TSH ở mức có ý nghĩa thống kê ở người sau khi sử dụng điện thoại di động. Nồng độ TSH tăng cao, như trong video ở đầu bài viết này, cũng là một yếu tố nguy cơ làm gia tăng ung thư tuyến giáp.
Tuy vậy, phải thành thật nói với các bạn rằng chưa có một nghiên cứu hoàn chỉnh nào khẳng định mối liên hệ trực tiếp giữa ung thư tuyến giáp ở người và sóng vô tuyến điện. Hiện tại WHO vẫn chỉ xếp bức xạ điện từ vào các chất gây ung thư nhóm 2: “chất có khả năng gây ung thư”, thay vì nhóm 1 (“chất gây ung thư”).
Bức xạ ion hóa và ung thư tuyến giáp
Bức xạ ion hóa là thuật ngữ để chỉ các tia phóng xạ và tia X. Đây là các bức xạ điện từ có năng lượng lớn đủ để phá vỡ cấu trúc của nguyên tử. Không như sóng vô tuyến điện, bằng chứng về tác động gây ung thư của bức xạ ion hóa thì đã quá rõ ràng với rất nhiều nghiên cứu khoa học từ những năm 40 của thế kỉ trước !
Các nguyên tố phóng xạ giải phóng ra từ sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi tại Nhật Bản năm 2011 đã làm tỉ lệ ung thư trong cư dân tăng vọt. Sau 4 năm nghiên cứu, người ta đã phát hiện ra nhiều trường hợp ung thư tuyến giáp, ngay cả ở nhóm người rất trẻ (<18 tuổi). Thời gian ngắn nhất được ghi nhận từ khi nhiễm xạ cho đến khi mắc ung thư là 2,5 năm ở người lớn và 1 năm ở trẻ em; còn trung bình là 5-10 năm sau khi phơi nhiễm.
Một nghiên cứu từ năm 2011 đến 2014 ở Nhật cho thấy, trong số 87 trẻ em ở Fukushima bị ung thư tuyến giáp đã được phẫu thuật thì có tới 83 em mắc ung thư ở thể nhú. Điều này một lần nữa khẳng định sự liên quan giữa bức xạ với ung thư giáp thể nhú.
Loại trừ các yếu tố nhiễm xạ do thảm họa hạt nhân, có yếu tố nào trong đời sống hàng ngày của chúng ta có nguy cơ gây ra ung thư tuyến giáp không? Có các bạn ạ. Điều đáng buồn là nó lại đến từ các bệnh viện. Hầu hết các bức xạ ion hóa mà chúng ta phải tiếp xúc đến từ các phòng chiếu chụp X-quang và cắt lớp vi tính y học.
Khi mà nền kinh tế khởi sắc hơn, các cơ sở y tế có điều kiện đầu tư máy móc hiện đại hơn, thì tình trạng lạm dụng chỉ định chiếu chụp cũng có xu hướng gia tăng. Tình trạng này không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà cũng là tình hình chung ở nhiều quốc gia khác trên thế giới. Không thể phủ nhận được lợi ích từ các kĩ thuật chẩn đoán hình ảnh này đối với y học, đặc biệt là cắt lớp vi tính. Sự phát triển như vũ bão của công nghệ cắt lớp vi tính đem lại cho bác sĩ một “con mắt thần” để nhìn sâu vào cơ thể bệnh nhân, giúp chẩn đoán chính xác hơn và sớm hơn rất nhiều bệnh lý. Tuy nhiên mặt trái của việc lạm dụng công nghệ là điều không thể không nhắc đến.
Cũng giống như bức xạ vô tuyến điện, tia X rất “ưa thích” tấn công vào nhóm các tế bào của não, da, thủy tinh thể, tinh hoàn và tuyến giáp. Việc tính toán liều bức xạ mà bệnh nhân phải nhận trong các lần chụp X-quang và Cắt lớp hoàn toàn đang bị bỏ ngỏ ở Việt Nam. Việc che chắn các bộ phận “nhạy cảm” với tia X trong khi chiếu chụp cũng chưa được để ý (đa phần các cơ sở y tế đều lấy lí do quá đông bệnh nhân để có thể triển khai các biện pháp dự phòng như cho bệnh nhân mặc áo chì …)
Làm thế nào để phòng ngừa tác hại của bức xạ điện từ lên tuyến giáp
Bức xạ sóng vô tuyến điện và tia phóng xạ, tia X là “kẻ thù” của tuyến giáp. Như những gì mình phân tích ở trên, chúng thực sự là những ẩn họa với tiềm năng gây ung thư tuyến giáp ở nhiều mức độ khác nhau. Và dù đã được khoa học chứng minh hoàn toàn hay chưa thì việc phòng tránh nguy cơ từ các loại bức xạ này là điều nên làm. Dưới đây mình liệt kê 10 biện pháp phòng tránh được khuyến cáo.
1. Giảm thời gian sử dụng điện thoại
Điều này đơn giản nhưng không phải ai cũng có thể thực hiện được. Giảm thời gian sử dụng đồng nghĩa với giảm thời gian phơi nhiễm với sóng điện từ. Ngoài ra bạn cũng sẽ có nhiều thời gian hơn dành cho gia đình và bạn bè. Quá nhiều lợi ích phải không!
2. Sử dụng chế độ loa ngoài hoặc tai nghe Bluetooth
Để hạn chế sự tiếp xúc trường gần giữa ăngten điện thoại với tuyến giáp, một cách hay là sử dụng chế độ loa ngoài. Nếu bạn ngại loa ngoài có thể làm nội dung cuộc trò chuyện bị tiết lộ, hãy dùng tai nghe. Tai nghe với dây rợ lằng nhằng bất tiện ngày nay đã được thay thế bằng tai nghe Bluetooth, rất tiện dụng và thanh lịch.
3. Hạn chế sử dụng điện thoại ở nơi sóng chập chờn.
Khi sóng di động yếu, ăngten sẽ phải làm việc nhiều hơn để tăng cường bắt sóng. Quá trình này đòi hỏi năng lượng nhiều hơn và kết quả là bức xạ phát ra cũng cao hơn.
4. Không ngủ với điện thoại đặt gần đầu cổ.
Khuyến cáo này chắc đã quá quen thuộc với mọi người. Để tránh phơi nhiễm với sóng điện từ, hãy quẳng điện thoại thật xa giường ngủ ! Nếu lười ra khỏi chăn, chí ít bạn cũng nên tắt nguồn hoặc đặt điện thoại vào chế độ máy bay để ngắt toàn bộ các trường điện từ kết nối.
5. Khi upload hay download dữ liệu trên điện thoại, đặc biệt với các tệp tin lớn, hãy để điện thoại tránh xa cơ thể.
Điều này nhằm hạn chế ảnh hưởng của bức xạ vô tuyến phát ra từ các ăngten 3G/4G hoặc wifi.
6. Sử dụng các thiết bị chống tác động của sóng điện từ.
Các thiết bị này được gọi chung là CMO (Compensating Magnetic Oscillator có nghĩa là công cụ bù đắp dao động từ trường). Các thiết bị CMO dựa trên nguyên lí như thế này: các ion trong cơ thể như Canxi, Natri, Kali, Magie có những dao động vật lí riêng của chúng. Những dao động này ở điều kiện bình thường luôn hài hòa và đảm bảo tính bền vững trong liên kết với các phân tử khác. Khi có sự kích thích của sóng điện từ (từ điện thoại, sóng Wifi …) các dao động này bị biến động và làm mất tính ổn định của phân tử.
Thiết bị CMO chứa các vi tinh thể muối đã được xử lí, khi gắn vào thiết bị di động sẽ phát ra những bức xạ có năng lượng thấp bù đắp lại biến đổi do sóng điện từ của điện thoại gây nên với các ion trong cơ thể, qua đó triệt tiêu ảnh hưởng của sóng điện từ.
Các thiết bị này hiện đã có mặt ở Việt Nam và dễ dàng đặt mua được qua các trang thương mại điện tử. Bạn nào đọc được tiếng Anh có thể download tài liệu về CMO mình đính kèm theo bên dưới.
Các bạn chú ý là phải phân biệt giữa thiết bị CMO với các miếng dán chống từ trường điện thoại được bán với giá rất rẻ trên thị trường. Mình không tin vào tác dụng của miếng dán này cho lắm vì các tài liệu và quảng cáo của chúng rất mập mờ về công nghệ cũng như nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm.
7. Không lạm dụng các kĩ thuật chiếu chụp y học
Người dân mình đang có thói quen rất xấu là cho rằng máy móc chính xác hơn con người. Nếu đi khám mà không được bác sĩ cho chỉ định chiếu chụp xét nghiệm là y như rằng quy kết bác sĩ khám hời hợt. Một số người thậm chí nghĩ rằng chiếu chụp là có thể chẩn đoán được mọi thứ. Nên mới có câu chuyện cứ ho là đi chụp phổi, đau đầu là đi chụp cắt lớp sọ não. Hệ quả là bệnh chưa chắc đã chẩn đoán được mà tia xạ thì “ăn” vào người đều đều.
Lời khuyên của mình là đừng tự động đòi hỏi các dịch vụ chiếu chụp này (người ta chắc chắn sẽ đáp ứng bạn vì nó mang lại doanh thu cho cơ sở y tế, lại còn được tiếng làm “hài lòng” bệnh nhân), hãy để bác sĩ khám lâm sàng cho mình trước, họ sẽ đưa ra những lời khuyên về các xét nghiệm bạn nên làm.
8. Che chắn vùng cổ khi chiếu chụp
Giải pháp này cần được thực hiện ở các cơ sở y tế có máy X-quang, cắt lớp vi tính. Trong các kĩ thuật chiếu chụp ở những vùng gần cổ (như chụp CT sọ não, CT ngực, CT toàn thân …) ở nước ngoài người ta có một tấm chắn tia X đeo vào cổ cho bệnh nhân, nhằm hạn chế phơi nhiễm của tuyến giáp với tia xạ.
Che chắn tuyến giáp đặc biệt nên làm với trẻ em, vì các tế bào của trẻ em còn non và nhạy cảm hơn nhiều với tia xạ so với người lớn.
9. Cẩn trọng khi sống trong những vùng có từ trường mạnh
Ngoài điện thoại di động, những bức xạ trường xa nhưng với năng lượng cao, cường độ lớn cũng là mối nguy cơ đáng kể đối với tuyến giáp nói riêng và cơ thể nói chung.
Các nguồn từ trường mạnh có thể kể ra như cột thu phát sóng truyền hình, trạm không lưu, trạm Rada, tháp anten của trạm BTS, đường dây điện cao thế … Khi sống trong những khu vực xung quanh các nguồn phát từ trường này, tốt hơn hết là bạn nên cẩn thận. Mọi triệu chứng bất thường về sức khỏe nên được thăm khám để phát hiện nguy cơ ung thư sớm.
10. Thường xuyên khám sức khỏe định kì
Sống trong thời đại khoa học công nghệ thì việc tiếp xúc với bức xạ điện từ là không thể tránh khỏi. Phơi nhiễm diễn ra hàng ngày từ chính những đồ điện tử mà chúng ta sử dụng như điện thoại, máy tính, máy giặt, lò vi sóng, ô-tô… Biết làm sao được, lợi ích của chúng quá lớn đến mức chúng ta phải chấp nhận nguy cơ mà nó đem lại. Để hạn chế nguy cơ, thăm khám sức khỏe định kì là một biện pháp không bao giờ thừa.
Nói riêng đối với tuyến giáp, thăm khám đơn giản nhất để tầm soát ung thư là siêu âm tuyến giáp. Kĩ thuật này dễ thực hiện, phổ biến ở nhiều cơ sở y tế, giá thành rẻ và có tỉ lệ phát hiện bệnh rất cao. Trong bối cảnh ung thư tuyến giáp đang có xu hướng gia tăng ở Việt Nam như hiện nay, mình khuyên mọi người nên cố gắng siêu âm kiểm tra tuyến giáp tối thiểu mỗi năm 1 lần.
Đó là tất cả những gì mình muốn nói về chủ đề này. Các bạn có thể đặt câu hỏi cho mình về nội dung bài viết bằng cách comment lại bên dưới. Bạn nào muốn đọc tài liệu gốc của nghiên cứu mà mình nói đến ở đầu bài viết thì nó đây :
Chúc mọi người có một tuyến giáp khỏe mạnh !
Cảm ơn bác sĩ, bài viết rất thiết thực. Mình phải cẩn trọng hơn khi dùng điện thoại mới được.
Bài viết hay,cảm ơn bs