21 C
Hanoi
Thứ bảy, Tháng Một 25, 2025

Xét nghiệm Double test, Triple test-kiến thức từ A đến Z

- Advertisement -

   Nói đến xét nghiệm Double testTriple test chắc các mẹ bầu đã quá quen thuộc. Đây là xét nghiệm sàng lọc trước sinh đầu tay mà bác sĩ thường tư vấn và chỉ định cho thai phụ trong 3 tháng đầu3 tháng giữa. Tuy nhiên Cơ sở khoa học của xét nghiệm này như thế nào, độ chính xác của nó đến đâu và vai trò của chúng trong chuỗi xét nghiệm chẩn đoán dị tật thai trước sinh thì không phải ai cũng biết. Trong bài viết này mình sẽ làm sáng tỏ các vấn đề đó cho các mẹ bầu. Mình cũng sẽ đề cập đến một số vấn đề thực tiễn như cách chuẩn bị lấy máu, cách nhận định kết quả và giá thành của Double, Triple test.

Ý nghĩa của Double, Triple test

   Double test và triple test là các xét nghiệm sàng lọc trước sinh bằng cách phát hiện nồng độ bất thường của các chất tiết ra từ thai và rau thai ở trong máu mẹ. Nó khác với xét nghiệm sàng lọc bằng DNA (DNA-based prenatal screening, hay tên gọi quen thuộc hơn là NIPT).

♥ Đọc thêm: Sàng lọc trước sinh NIPT – Kiến thức mẹ bầu cần biết

- Advertisement -

   Double test được làm trong khoảng thời gian từ 11 tuần đến 13 tuần 6 ngày. Xét nghiệm này giúp sàng lọc 3 bệnh lý đột biến dị bội thể thường gặp nhất là Trisomy 21 (Hội chứng Down), Trisomy 18 (Hội chứng Edwards) và Trisomy 13 (Hội chứng Patau). Riêng 3 bất thường này đã chiếm trên 70% tổng số các đột biến dị bội ở người. Nguy cơ mắc và hậu quả của các bệnh này ở trong bảng dưới đây.

Trisomy 21Trisomy 18Trisomy 13
Hay còn gọi là Hội chứng Down. Bệnh gây nên do đột biến 3 nhiễm sắc thể ở cặp số 21. Đây là bệnh lý thường gặp nhất, chiếm 53% tổng số các trường hợp đột biến dị bội. Tỉ lệ mắc trung bình là 1/1000 trẻ được sinh ra. Các biểu hiện chủ yếu là cổ ngắn, gáy rộng, mắt xếch, lưỡi dày và thè ra ngoài, tay chân ngắn, ngón tay ngắn, bàn chân phẳng, cơ quan sinh dục kém phát triển. Trẻ thường chậm phát triển về trí tuệ ở nhiều mức độ. Kèm theo nhiều dị tật về tim, đường tiêu hóa.
Còn gọi là Hội chứng Edwards, nguyên nhân do thừa một nhiễm sắc thể ở cặp số 18. Bệnh chiếm khoảng 13% số lượng bất thường dị bội ở người. Tỉ lệ mắc là 1/3000. Trẻ mắc hội chứng Edwards thường chết trước hoặc ngay sau khi sinh. Chỉ 10% trẻ sống được qua 1 năm đầu. Các đặc điểm thường gặp là cân nặng thấp, đầu nhỏ, hàm nhỏ, dị tật tim, thận bẩm sinh, khuyết tật trí tuệ nghiêm trọng.
Còn gọi là Hội chứng Patau, nguyên nhân do thừa một NST ở cặp số 13. Bệnh chiếm khoảng 5% tổng số đột biến dị bội thể ở người. Tỉ lệ mắc 1/4000 trẻ được sinh ra. Các bất thường điển hình bao gồm đầu nhỏ, thừa ngón tay, ngón chân, sứt môi, hở hàm ếch, tai thấp, dị tật tim, thành bụng. Đa số các trẻ mắc hội chứng Patau chết trước hoặc vài ngày sau sinh.
Tỉ lệ các đột biến dị bội ở người
Tỉ lệ các đột biến dị bội ở người (Theo Wellesley và cộng sự, 2012)

   Triple test được thực hiện vào khoảng từ 15 đến 22 tuần, nhưng lí tưởng nhất là trong giai đoạn 16 đến 18 tuần. Triple test tầm soát 3 bệnh là Trisomy 21, Trisomy 18Dị tật ống thần kinh. Trisomy 21 và 18 mình đã nói ở trên. Còn dị tật ống thần kinh là gì? Phôi thai ở giai đoạn đầu giống như một tấm bìa cát tông phẳng gồm nhiều lớp. Ở ngày thứ 20, lớp trên cùng của phôi (gọi là ngoại bì) sẽ lõm vào tạo thành một rãnh và 2 mép rãnh khép lại tạo nên một cái ống kín, đây chính là ống thần kinh.

sự hình thành ống thần kinh
Sự hình thành ống thần kinh

Ống thần kinh chứa một chất dịch trong suốt bên trong gọi là dịch não tủy. Từ ống thần kinh này sau này sẽ phát triển thành toàn bộ não và tủy sống của thai.

Sự phát triển của ống thần kinh
Sự phát triển của ống thần kinh trở thành não bộ và tủy sống

   Khi quá trình đóng ống thần kinh không kín, sẽ để lại những lỗ hở trên thành của ống, tùy vào vị trí hở mà gây ra những dị dạng sau này cho thai nhi. Các dị dạng này thường là rất nặng nề, ảnh hưởng đến sự sống còn của thai. Như hình dưới đây (hình ảnh có thể hơi đáng sợ, các mẹ cân nhắc khi xem).

Xem ảnh: Các dị tật ống thần kinh thường gặp
dị tật ống thần kinh

   OK, như vậy chúng ta đã biết các bệnh lí mà xét nghiệm Double test, Triple Test nhắm tới để sàng lọc. Lưu ý là đây chỉ là những bất thường hay gặp nhất chứ không phải toàn bộ các dị tật của thai. Nếu như kết quả Double, Triple test cho ra nguy cơ cao với một hoặc một số bệnh lý nào đó, bước tiếp theo mẹ sẽ phải làm thêm các xét nghiệm chuyên sâu, có độ chính xác cao hơn để chẩn đoán xác định. Sau đó bác sĩ sẽ cân nhắc mức độ nặng nhẹ của vấn đề để tư vấn cho mẹ bầu hướng xử trí. Sơ đồ dưới đây sẽ cho ta hiểu rõ hơn quy trình này.

quy trình sàng lọc bằng xét nghiệm Double test, Triple test

   Nói đến đây sẽ có mẹ hỏi rằng thế tại sao không làm luôn các xét nghiệm chuyên sâu, cần gì phải làm Double, Triple test cho thêm phức tạp. Có 2 lí do chính:

   Thứ nhất, Double test, Triple test đáp ứng tốt yêu cầu của một xét nghiệm sàng lọc là có thể triển khai rộng khắp để tầm soát cho phần lớn thai phụ trong cộng đồng. Mặt khác tỉ lệ phát hiện bệnh của chúng khá cao (80-90%). Video dưới đây sẽ giúp bạn hiểu hơn ý nghĩa của từ “Sàng lọc”.

   Thứ hai, các xét nghiệm chuyên sâu, đặc biệt là xét nghiệm phải can thiệp vào thai (chọc ối, sinh thiết gai rau) là những thủ thuật phức tạp, đòi hỏi phải nhập viện và chuẩn bị kĩ lưỡng, giá thành cao, hơn nữa chứa đựng nguy cơ tai biến (như sảy thai, nhiễm khuẩn ối).

   Tiếp theo mình sẽ nói kĩ hơn về cơ sở khoa học của xét nghiệm Double test, Triple test và mức độ chính xác của nó qua các nghiên cứu khoa học.

Cơ sở khoa học của xét nghiệm Double test, Triple test

   Trước hết, ta cần biết các chất được xét nghiệm trong Double test, Triple test là gì? Hãy nhìn bảng dưới đây.

Double testTriple test
PAPP-AAFP
beta hCGuE3
 beta hCG

   Chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu ý nghĩa của từng chất này.

PAPP-A

   Là chữ viết tắt của Pregnancy-associated plasma protein , tạm dịch: Protein huyết tương liên quan thai nghén. PAPP-A được sản xuất ở gan của thai nhi và bánh rau. Ở một thai kì bình thường, nồng độ PAPP-A tăng dần trong suốt thai kì. Với các thai mắc bệnh Down, nồng độ chất này giảm trong 3 tháng đầu, nhưng không giảm hoặc giảm nhẹ trong 3 tháng giữa. Do đó PAPP-A chỉ được dùng với Double Test.

   Một nghiên cứu từ năm 2006 của Palomaki cho thấy tỉ lệ phát hiện hội chứng Down khi xét nghiệm PAPP-A nhiều lần trong quý I là khoảng 75%.

beta hCG

   Viết tắt của Beta human Chorionic Gonadotropin, là một hormon đặc trưng của thai nghén, được tế bào nuôi của thai tiết ra ngay từ những ngày đầu thai kì và xuất hiện trong máu mẹ vào ngày thứ 6-8 sau khi thụ tinh. Beta hCG có rất nhiều ý nghĩa trong theo dõi thai nghén và chẩn đoán các bất thường thai nghén.

♥ Đọc thêm: 5 tác dụng của xét nghiệm beta hCG

 Đối với chẩn đoán sàng lọc hội chứng Down, beta hCG tăng đáng kể trong quý I và II của thai kì.

   Trong một nghiên cứu từ năm 1994, người ta nhận thấy tỉ lệ phát hiện hội chứng Down khi xét nghiệm beta hCG trong giai đoạn 14 đến 16 tuần vào khoảng 82%.

AFP

   Thai đang phát triển có 2 loại protein trong máu là Albumin và alpha fetoprotein ( viết tắt AFP), Trong khi cơ thể mẹ chỉ có một loại là Albumin. Bình thường chỉ có một lượng nhỏ AFP trong dịch ối có thể qua bánh rau để đi vào máu người mẹ. Tuy nhiên khi có bất thường ống thần kinh, do một phần ống thần kinh phôi thai không được đóng kín nên AFP sẽ thoát vào dịch ối và qua đó làm nồng độ chất này tăng cao trong máu mẹ.

   Hiệp hội sản khoa của Mỹ thống kê có đến 75-90% trẻ sinh ra với khuyết tật ống thần kinh được phát hiện bởi xét nghiệm AFP. Ngoài ra nồng độ AFP thấp trong máu cũng gợi ý đến đột biến Trisomy 21 và 18.

   Để xét nghiệm AFP được chính xác, cần phải biết chính xác tuổi thai, vì nồng độ AFP tăng dần theo tuổi thai.

uE3

   Còn gọi là Estriol tự do (Unconjugated estriol). uE3 được sản xuẩt từ tuyến thượng thận của thai nhi sau đó được bánh rau chuyển hóa thành estriol rồi đi vào máu mẹ. Nồng độ Estriol suy giảm trong thai bị hội chứng Down hoặc thiểu sản tuyến thượng thận kèm theo vô não.

   Như vậy chúng ta thấy rằng xét nghiệm cả 4 chất nêu trên đều có khả năng phát hiện bất thường của thai nhưng tỉ lệ phát hiện không bao giờ đạt 100%. Vì thế người ta sẽ kết hợp khả năng dự đoán bệnh của 4 xét nghiệm này lại với nhau trong một bộ xét nghiệm. Cũng giống như đánh cá bằng 4 cái lưới vậy, khả năng bắt được cá chắc chắn cao hơn dùng 1 cái lưới !

   Trong thực tế người ta không chỉ dùng 4 cái lưới đâu ! Mẹ bầu đã từng làm Double test, Triple test có để ý bác sĩ sẽ hỏi rất kĩ về các thông số cá nhân, tiền sử bệnh tật và tiền sử mang thai của mình, đồng thời bắt buộc phải có kết quả siêu âm thai kèm theo xét nghiệm. Mỗi một thông số này đều có giá trị ước đoán nguy cơ dị tật thai đấy. Ví dụ:

Tuổi mẹ

    Khoa học đã chứng minh, tuổi mẹ càng lớn, nguy cơ con mắc dị tật càng cao. Nguyên nhân thường được lí giải là do chất lượng trứng kém và nội tiết tố suy giảm.

tỉ lệ mắc hội chứng Down theo tuổi mẹ thống kê tại US 1990-2010

Siêu âm tuổi thai và khoảng sáng sau gáy

   Siêu âm là cần thiết để ước đoán tuổi thai. Tuổi thai thì lại rất cần thiết để xác định thời điểm làm xét nghiệm, mặt khác còn dùng để chuẩn hóa kết quả xét nghiệm nữa (mình sẽ nói kĩ hơn ở bên dưới).

♥ Đọc thêm: Tính tuổi thai và ngày dự sinh, hướng dẫn chi tiết nhất

   Khi làm Double test, trên siêu âm bắt buộc bác sĩ phải đo được khoảng sáng sau gáy của thai nhi (Nuchal translucency – viết tắt NT),  đây cũng là chỉ số quan trọng để sàng lọc dị tật. Chỉ dùng NT có thể phát hiện đến 75-80% thai mắc hội chứng Down Nếu kết hợp NT với các xét nghiệm huyết thanh mẹ có thể tăng tỉ lệ phát hiện bệnh lên đến 90%.

   Như vậy có thể thấy Double test, Triple test không đơn thuần là một xét nghiệm máu. Nó là một tập hợp các kĩ thuật y học nhằm mục đích phát hiện được nguy cơ dị tật thai nhi.

♥ Đọc thêm: Những hiểu lầm thường gặp của mẹ bầu khi siêu âm độ mờ da gáy

  Sau khi thu mẫu máu của mẹ và có kết quả xét nghiệm, các thông số xét nghiệm và thông tin khai thác từ mẹ bầu sẽ được nhập vào một phần mềm tính toán nguy cơ. Máy sẽ tính toán nguy cơ từ tất cả các thông số và tổng hợp lại vào một kết quả cuối cùng. Phần mềm thường được sử dụng nhất hiện nay cho Double test, Triple test là PRISCA của hãng Siemens.

Giao diện phầm mềm Prisca dành cho xét nghiệm Double test, Triple test
Giao diện phần mềm PRISCA dùng cho sàng lọc trước sinh

Luận giải kết quả xét nghiệm Double, Triple test

   Kết quả Double test, Triple test nhìn chung khá dễ đọc. Mẫu kết quả có thể khác nhau tùy từng trung tâm xét nghiệm nhưng đều có 2 phần chính như sau:

   Một là nồng độ các chất được định lượng. Phần này thì dễ hiểu. Nhưng có một thắc mắc các mẹ bầu hay hỏi mình là có một chỉ số nhìn là lạ gọi là “MoM hiệu chỉnh”, ý nghĩa của nó là gì?

Đơn vị MoM trong xét nghiệm Double test, Triple test
Chỉ số MoM hiệu chỉnh trong kết quả sàng lọc

   MoM viết tắt của Multiple of Median, tạm dịch: bội số trung vị. MoM được tính bằng cách chia giá trị đo được của một chất trong mẫu máu xét nghiệm cho nồng độ trung bình của chất đó ở tuổi thai tương ứng. Giá trị trung bình này được lấy từ cơ sở dữ liệu sẵn có trong phần mềm, được tổng hợp từ hàng trăm ngàn thai phụ khác.

   Tại sao lại phải có bước này? Như mình đã nói ở trên, nồng độ các chất xét nghiệm rất thay đổi theo tuổi thai, hơn nữa có thể sai lệch giữa các trung tâm xét nghiệm do phương pháp xét nghiệm khác nhau … Để cho khách quan, cần phải có một giá trị trung bình để đối chiếu và hiệu chỉnh lại. Mẹ bầu có thể hình dung như thế này cho dễ hiểu: một cô gái cao 1m60 là cao hay là thấp ? Để trả lời được ta phải đối chiếu với chiều cao trung bình của cư dân nơi cô ấy sống. Nếu so với người Việt mình thế có thể đã là cao, nhưng so với dân Châu Âu chẳng hạn, vẫn là “nấm lùn” thôi. Chỉ số MoM cũng có ý nghĩa đối chiếu như thế đấy.

   Tiếp theo ta sẽ có trong tờ kết quả một Bảng đánh giá nguy cơ dị tật. Đây là phần mà chúng ta quan tâm nhất. Đó là kết quả đánh giá của phần mềm sau khi tính toán từ các thông số. Chú ý là kết quả thể hiện là nguy cơ mắc bệnh cao hay thấp chứ không phải là có bệnh hay không, điều này là do Double, Triple test chỉ là một xét nghiệm sàng lọc chứ không phải xét nghiệm để chẩn đoán.

bảng nguy cơ dị tật
Bảng nguy cơ dị tật của thai trong một xét nghiệm Triple test

   Nguy cơ mắc bệnh dưới dạng một phân số. Ví dụ: nếu nguy cơ Down của một mẫu xét nghiệm là 1/250 có nghĩa là trong 250 thai phụ có chỉ số tương tự với mẫu xét nghiệm sẽ có 1 người sinh con mắc Down.

   Mẫu số càng to thì giá trị càng nhỏ và nguy cơ mắc bệnh càng thấp. Thế nên các mẹ luôn mong muốn mẫu số càng to càng tốt. Ngưỡng “cut off” (ngưỡng phân biệt giữa nguy cơ thấp và nguy cơ cao) của mỗi bệnh lý ở trong bảng dưới đây:

Bệnh lýngưỡng Cut off
Trisomy 21 (hội chứng Down)1/250
Trisomy 18 (hội chứng Edwards)1/100
Trisomy 13 (hội chứng Patau)1/100
Dị tật ống thần kinh1/75

   Khi được kết luận nguy cơ cao với một bệnh lý nào đó, thai phụ cần phải được làm các xét nghiệm chuyên sâu hơn để chẩn đoán.

Độ chính xác của Double test, Triple test như thế nào?

   Để trả lời câu hỏi này, mình sẽ trích dẫn ở đây số liệu của một nghiên cứu khoa học từ năm 2003 trên hơn 47.000 thai phụ.

   Tỉ lệ phát hiện bất thường của Double test kết hợp siêu âm đo khoảng sáng sau gáy tối đa là 83%, của Triple test là 77% và khi kết hợp đầy đủ Double+Triple+Siêu âm thì tỉ lệ này nâng lên đến 93%. Điều này có nghĩa là các mẹ nên làm đủ cả 3 xét nghiệm này trong thai kì để nâng cao hiệu quả sàng lọc. Mặt khác, tỉ lệ phát hiện 93% cũng có nghĩa là khoảng 7% các trường hợp sẽ bị bỏ sót (thai có bệnh nhưng xét nghiệm nguy cơ thấp). Quả thực sẽ là rất tai hại nếu mẹ bầu nào rơi vào 7% âm tính giả này.

   Tỉ lệ dương tính giả (nghĩa là xét nghiệm nguy cơ cao nhưng con sinh ra bình thường) nếu chỉ sử dụng siêu âm lên đến 20%, kết hợp Double test thì giảm xuống còn 6,1%. Với triple test, tỉ lệ dương tính giả là 9,3%. Những trường hợp dương tính giả này hiện nay hoàn toàn có thể được “giải oan” với các công nghệ chẩn đoán khác như NIPT, chọc ối, sinh thiết rau.

   Video dưới đây sẽ giải thích rõ hơn về âm tính giả và dương tính giả.

Ưu – nhược điểm của Double test, Triple test

   Hiện nay, Double Test và Triple test đã được triển khai rộng rãi tại các cơ sở y tế tại tất cả các tỉnh thành ở Việt Nam, đặc biệt là ở khu vực đô thị khiến cho khả năng tiếp cận xét nghiệm này trở nên dễ dàng. Một số đơn vị xét nghiệm còn triển khai lấy máu tại nhà. Giá thành của Triple test cũng không phải quá cao (trung bình chỉ từ 400.000-600.000 VND/lần xét nghiệm) khá phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân hiện nay. Quy trình làm xét nghiệm nhanh chóng, lấy mẫu đơn giản và trả kết quả sau 1-3 ngày.

Tham khảo: Giá xét nghiệm Double, Triple test ở một số bệnh viện tại Hà Nội
 Double testTriple test
Bệnh viện phụ sản Hà Nội600.000 VND600.000 VND
Bệnh viện Phụ sản T.Ư500.000 VND500.000 VND
Medlatec469.000 VND499.000 VND

   Tuy nhiên Double, Triple test cũng có những nhược điểm, đó là:

  Thứ nhất: có tỉ lệ âm tính giả và dương tính giả. Như mình đã phân tích ở trên, tỉ lệ này là khá đáng kể, đặc biệt nếu thực hiện Double, Triple test một cách riêng lẻ. Bạn nào tham gia các diễn đàn như Webtretho, Lamchame sẽ thấy có khá nhiều ý kiến phàn nàn về kết quả Double, Triple không chuẩn xác. Biết làm sao được, vì không có xét nghiệm nào là hoàn hảo 100% cả. Lời khuyên mình dành cho các mẹ bầu là hãy thực hiện cả hai xét nghiệm này, kết hợp siêu âm hình thái thai để có kết quả sàng lọc chuẩn xác nhất.

   Thứ hai, đối với các trường hợp mẹ mang song thai, khuyến cáo của Hiệp hội siêu âm sản phụ khoa Thế giới là chỉ nên thực hiện Double test và Siêu âm khoảng sáng sau gáy để sàng lọc Hội chứng Down. Triple test rất ít giá trị. Tỉ lệ phát hiện bệnh trong song thai cũng kém hơn so với thai đơn do nồng độ các chất xét nghiệm Double test trong máu của mẹ bầu song thai có xu hướng cao hơn bình thường.

   Thứ 3, số lượng các bệnh tật di truyền mà Double, Triple test tầm soát khá ít (4 bệnh). Đối với các mẹ bầu có nguy cơ rất cao, thường phải đòi hỏi một kĩ thuật sàng lọc tiên tiến hơn, phát hiện được nhiều bất thường hơn như NIPT chẳng hạn.

Những đối tượng cần làm xét nghiệm Double test, Triple test

   Trong bối cảnh hiện nay, “xét nghiệm Sàng lọc Dị bội thể Trisomy 21, 18 và dị tật ống thần kinh nên được thực hiện cho mọi thai phụ trong suốt thai kì bất kể tuổi của mẹ”. Đó là khuyến cáo của các Giáo sư tại Đại học Di truyền Y học Mỹ năm 2009. Đặc biệt đối với các trường hợp sau thì càng nên thực hiện Double test và Triple test:

  • Mẹ bầu > 35 tuổi.
  • Mẹ bầu có tiền sử sinh con có các khuyết tật di truyền, dị tật bẩm sinh.
  • Mẹ bầu mà trong gia đình, dòng họ có những người mắc các bệnh lý do đột biến dị bội thể.
  • Mẹ bầu nhiễm virus, uống các thuốc có khả năng gây dị tật thai.
  • Mẹ bầu tiếp xúc, phơi nhiễm với các tác nhân phóng xạ, hóa chất độc hại.
  • Kết quả siêu âm hình thái thai nhi phát hiện các bất thường nghi ngờ do bệnh lí di truyền.

Các mẹ cần phải làm gì khi đi xét nghiệm Double test, triple test

   Có mấy điểm mẹ bầu cần lưu ý khi làm Double, Triple test.

  • Làm 2 xét nghiệm này mẹ bầu không cần nhịn ăn.
  • Ghi nhớ chính xác các thông tin cá nhân, tiền sử sinh đẻ, tiền sử bệnh lý để khai báo cho bác sĩ lập hồ sơ sàng lọc. Các thông tin này thường bao gồm:
    • Ngày sinh của mẹ
    • Cân nặng, chiều cao của mẹ
    • Ngày đầu kinh cuối cùng (LMP)
    • Mang thai lần thứ mấy?
    • Có phải mang thai IVF (thụ tinh ống nghiệm) không ?
    • Mẹ có mắc tiểu đường không?
    • Mẹ có hút thuốc không?
    • Mẹ có tiền sử sinh con dị tật không?
  • Siêu âm: mẹ cần có kết quả siêu âm thai được thực hiện gần hoặc trong ngày lấy máu xét nghiệm. Các chỉ số tối thiểu phải có là Chiều dài đầu mông – CRL, khoảng sáng sau gáy – NT (11-13 tuần 6 ngày) và Đường kính lưỡng đỉnh – BPD (16-18 tuần)

   Trên đây là tất cả những gì các mẹ bầu cần biết về xét nghiệm Double test, Triple Test. Các số liệu mình dẫn nguồn từ các Bài báo khoa học, bạn nào đọc được tiếng Anh có thể click vào đường link tương ứng để xem bản gốc. Bạn nào có thắc mắc về nội dung bài viết có thể comment bên dưới. Các mẹ bầu muốn tư vấn về kết quả Double, Triple test có thể đặt câu hỏi cho mình trong mục TƯ VẤN.

Chúc các mẹ bầu có một thai kì khỏe mạnh và hạnh phúc !

- Advertisement -
Nguyễn Hoàng Sơn
Nguyễn Hoàng Sơnhttps://bshoangson.com/
Bác sĩ chuyên khoa I chuyên ngành Chẩn đoán hình ảnh tại Đại học Y Hà Nội. Hiện đang làm việc tại Hà Nội

ĐỌC THÊM

Nhận thông báo qua Email
Nhận thông báo cho
guest

0 Góp ý
cũ nhất
mới nhất bình chọn nhiều nhất
Phản hồi trích dẫn trong bài viết
Xem tất cả bình luận

CỘNG ĐỒNG Y HỌC THÚ VỊ

6,000FansLike
5,000FollowersFollow
3,500SubscribersSubscribe
- Advertisement -

BÀI MỚI

0
Nếu thích bài viết, hãy để lại bình luận bạn nhé!x