20 C
Hanoi
Chủ Nhật, Tháng mười một 3, 2024

Sàng lọc trước sinh NIPT, thông tin mẹ bầu cần biết

- Advertisement -

   Sàng lọc trước sinh không xâm lấn NIPT (non invasive prenatal testing) là xét nghiệm nhằm tầm soát các bất thường nhiễm sắc thể của thai nhi, qua đó phát hiện các bệnh lí di truyền có thể ảnh hưởng đến sự sống còn của thai hoặc gây ra các khiếm khuyết về thể chất – tâm thần cho trẻ sau khi sinh ra.

   NIPT mới được triển khai tại Việt Nam trong những năm gần đây. Với nhiều ưu điểm vượt trội, NIPT đang ngày càng được nhiều bác sĩ cũng như các mẹ bầu quan tâm.

   Trong bài viết này mình sẽ đề cập chi tiết đến nguyên lý của xét nghiệm NIPT, tại sao nó cho độ chính xác đến 99,9%, các ưu thế vượt trội của NIPT so với các phương pháp sàng lọc trước sinh khác là gì, nó có nhược điểm gì, và những trường hợp nào nên sử dụng nó.

Hãy bắt đầu bằng việc nhớ lại một chút kiến thức sinh học từ thời phổ thông

   Cơ thể con người được xây dựng nên nhờ “bản thiết kế” chính là bộ gen. Bộ gen được chứa trong nhân tế bào trong các cấu trúc được gọi là Nhiễm sắc thể (Chromosome).

Cấu trúc DNA và nhiễm sắc thể

   Bộ NST của loài người gồm 46 nhiễm sắc thể chia làm 23 cặp, mỗi cặp gồm 2 nhiễm sắc thể một có nguồn gốc từ bố, một có nguồn gốc từ mẹ.

Bộ nhiễm sắc thể người gồm 23 cặp

   Các đột biến làm thay đổi số lượng bình thường của các cặp NST này gọi là đột biến lệch bội. Trong đó, hay gặp nhất là đột biến làm cho 1 cặp NST có tới 3 chiếc gọi là thể tam nhiễm hay Trisomy. Trisomy có thể nằm trên nhiễm sắc thể thường hoặc nhiễm sắc thể giới tính.

   Người ta thống kê được 7 đột biến lệch bội thường gặp nhất, đó là:

Trisomy 21Trisomy 18Trisomy 1345,XXXXXXY, XYY
Hay còn gọi là Hội chứng Down. Bệnh gây nên do đột biến 3 nhiễm sắc thể ở cặp số 21. Đây là bệnh lý thường gặp nhất, chiếm 53% tổng số các trường hợp đột biến dị bội. Tỉ lệ mắc trung bình là 1/1000 trẻ được sinh ra. Các biểu hiện chủ yếu là cổ ngắn, gáy rộng, mắt xếch, lưỡi dày và thè ra ngoài, tay chân ngắn, ngón tay ngắn, bàn chân phẳng, cơ quan sinh dục kém phát triển. Trẻ thường chậm phát triển về trí tuệ ở nhiều mức độ. Kèm theo nhiều dị tật về tim, đường tiêu hóa.
Còn gọi là Hội chứng Edwards, nguyên nhân do thừa một nhiễm sắc thể ở cặp số 18. Bệnh chiếm khoảng 13% số lượng bất thường dị bội ở người. Tỉ lệ mắc là 1/3000. Trẻ mắc hội chứng Edwards thường chết trước hoặc ngay sau khi sinh. Chỉ 10% trẻ sống được qua 1 năm đầu. Các đặc điểm thường gặp là cân nặng thấp, đầu nhỏ, hàm nhỏ, dị tật tim, thận bẩm sinh, khuyết tật trí tuệ nghiêm trọng.
Còn gọi là Hội chứng Patau, nguyên nhân do thừa một NST ở cặp số 13. Bệnh chiếm khoảng 5% tổng số đột biến dị bội thể ở người. Tỉ lệ mắc 1/4000 trẻ được sinh ra. Các bất thường điển hình bao gồm đầu nhỏ, thừa ngón tay, ngón chân, sứt môi, hở hàm ếch, tai thấp, dị tật tim, thành bụng. Đa số các trẻ mắc hội chứng Patau chết trước hoặc vài ngày sau sinh.
Còn gọi là hội chứng Turner, nguyên nhân do mất hoàn toàn hoặc một phần một nhiễm sắc thể X. Tỉ lệ mắc là 1/2000-5000 bé gái. Trẻ sinh ra có đặc điểm cổ ngắn, có nếp da dọc xuống vai, tai thấp, ngực không phát triển, không có kinh nguyệt, vô sinh. Thường mắc các bệnh lý về tim mạch và tiểu đường.
Còn gọi là hội chứng Siêu nữ, nguyên nhân do thừa một nhiễm sắc thể X. Tỉ lệ mắc là 1/600-2000 bé gái. Trẻ sinh ra có giới tính là nữ, thường có chiều cao bất thường, vẫn có thể sinh sản được. Trường hợp nặng có thể mắc chứng teo cơ, co giật, thiểu năng trí tuệ.
XXY còn gọi là hội chứng Klinefelter, XYY còn gọi là hội chứng Jacobs, hai bất thường dị bội này chiếm khoảng dưới 5% tổng số đột biến dị bội ở người. Trẻ sinh ra có giới tính là nam, thường có chiều cao bất thường, hầu hết vẫn có thể sinh sản được. Các biểu hiện thường gặp là vú to, dậy thì muộn, các đặc điểm giới tính nam biểu hiện không rõ, bất thường về tinh hoàn, giảm mật độ xương… Một số mắc các rối loạn tâm thần như tự kỉ, trầm cảm, rối loạn lo lắng.
Tỉ lệ các đột biến dị bội ở người (Theo Wellesley và cộng sự, 2012)
Tỉ lệ các đột biến dị bội ở người (Theo Wellesley và cộng sự, 2012)

   Các đột biến lệch bội gây nên những tác hại nặng nề đối với bào thai và em bé sau khi sinh ra, cả về khả năng sống còn cũng như các khuyết tật về hình hài, thể chất, tâm thần … Chính vì vậy, nhiệm vụ của các xét nghiệm sàng lọc và chẩn đoán trước sinh là phát hiện sớm các bất thường này, giúp các mẹ bầu an tâm về sự phát triển của con, hoặc nếu không may mắc phải thì có kế hoạch đình chỉ thai nghén hoặc chuẩn bị tinh thần và vật lực để chăm sóc đặc biệt cho con sau khi chào đời.

Nguyên lí của xét nghiệm sàng lọc trước sinh NIPT

   NIPT là một xét nghiệm gen, nó khác với các xét nghiệm tầm soát khác như Double test, Triple test là xét nghiệm các chất trong huyết thanh của mẹ. Cấp độ gen, tất nhiên là cấp độ xét nghiệm sâu hơn, đòi hỏi những công nghệ tiên tiến hơn.

 

sự khác nhau giữa NIPT và sàng lọc trước sinh bằng huyết thanh
Sự khác nhau giữa NIPT và xét nghiệm sàng lọc huyết thanh

♥ Đọc thêm: Xét nghiệm Double test, Triple test, kiến thức từ A đến Z

   Nguyên lý chung của NIPT là như thế này: người ta sẽ đi tìm các đoạn DNA của con ở trong máu mẹ, giải mã chúng và sử dụng các thuật toán để xác định các bất thường nhiễm sắc thể.

   Sau đây mình sẽ đi vào quy trình chi tiết, tất nhiên đã được “made easy” cho các mẹ dễ hiểu.

DNA của con tại sao lại có trong máu mẹ ?

   Đây là thắc mắc thường gặp nhất của các mẹ bầu. Ngay từ các tuần đầu thai kì, đã có những tế bào gai rau của thai bị bong ra và “lưu lạc” vào trong mạch máu ở tử cung của mẹ. Các tế bào này đi vào hệ thống tuần hoàn của mẹ, thoái hóa và giải phóng ra các đoạn DNA tự do (cell-free DNA) có độ dài khoảng 150-200 cặp nucleotid. Trong quá trình phân tích, các đoạn DNA này sẽ được phát hiện và phân lập khỏi máu mẹ.

cf-DNA trong sàng lọc trước sinh NIPT
Nguồn gốc DNA của con trong máu mẹ.

Nhân bản DNA tự do và giải mã trình tự gen

   Công nghệ PCR sẽ giúp nhân bản các đoạn DNA tự do lên ở số lượng đủ nhiều để giải mã trình tự các đoạn gen trên đó. Mỗi đoạn gen được giải mã này gọi là một “mảnh” (Fragment). Các mảnh này sẽ được dùng để xác định NST nguyên gốc ban đầu chứa nó.

nhân bản DNA và giải mã gen NIPT

So sánh các Mảnh với bản đồ gen để xác định NST nguyên gốc.

   Mỗi mảnh giống như một tấm ghép hình trong bức tranh tổng thể của bản đồ Gen. Công việc tiếp theo là xác định mảnh đó thuộc về NST nào.

định danh nhiễm sắc thể chứa mảnh cf DNA - NIPT
So sánh trình tự mảnh cf DNA đã giải mã với bản đồ gen có sẵn để tìm ra mảnh đó thuộc về NST nào.

Định lượng số lượng các mảnh và kết luận.

   Quá trình xét nghiệm, máy sẽ tính toán được số lượng các mảnh của từng NST và tỉ lệ hàm lượng mảnh đó trong tổng số bộ gen. Sau đó đối chiếu với tỉ lệ chuẩn hàm lượng DNA trong bộ NST người.

NIPT số lượng mảnh
Hàm lượng DNA trong từng cặp NST ở người bình thường. Ta thấy hàm lượng DNA trong nhiễm sắc thể số 21 chỉ chiếm 1,5% trong tổng số bộ NST.

   Ví dụ, bình thường hàm lượng mảnh của NST 21 chỉ chiếm 1,5% tổng số các mảnh của bộ gen. Nếu qua các phép đo, tính ra được hàm lượng mảnh NST 21 trong mẫu xét nghiệm là 1,6% chẳng hạn, có nghĩa là hàm lượng NST 21 đã bị thừa ra, điều này chỉ có thể xảy ra khi có đột biến dị bội làm số lượng NST 21 tăng lên. Như vậy mẫu đó sẽ được kết luận là có trisomy 21 (bệnh Down).

NIPT số lượng mảnh 2

   Đó là những bước cơ bản trong quy trình thực hiện NIPT. Trong thực tế, quá trình xét nghiệm còn ứng dụng nhiều kĩ thuật và thuật toán phức tạp để kết quả được chính xác.

   Trong kết quả trả về cho các mẹ, tất nhiên là không có những khái niệm phức tạp nêu trên, sẽ chỉ có dòng kết luận là có phát hiện được dị bội thể hay không mà thôi, như hình dưới đây (mẫu kết quả của hãng Sofiva Genomics).

kết quả sàng lọc trước sinh NIPT
Kết quả NIPT được trả về với 7 bệnh lí dị bội thể phổ biến. “No aneuploidy detected” = không phát hiện đột biến dị bội.

Cơ sở khoa học khẳng định độ chính xác của NIPT

   Các nghiên cứu khoa học về NIPT bắt đầu từ năm 1998 và được triển khai rộng khắp trên thế giới. Từ năm 2012 trở lại đây, các nghiên cứu đều đánh giá độ nhạy và độ đặc hiệu rất cao của phương pháp sàng lọc trước sinh này. Mình đã tổng hợp kết quả một số nghiên cứu như thế trong bảng dưới đây.

Nghiên cứu

Độ nhạy

Độ đặc hiệu

Palomaki 2012

T21: 98,6%

T18: 100%

T13: 91,7%

T21: 99,8%

T18: 99,7%

T13: 99,0%

Bianchi 2012

T21: 100%

T18: 97,2%

T13: 78,6%

45X: 93,8%

T21: 100%

T18: 100%

T13: 100%

45X: 99,8%

Norton 2012

T21: 100%

T18: 97,4%

T21: 99,9%

T18: 99,9%

Zimmerman 2012

>99% với T21, T18, T13, 45X, XXY

>99% với T21, T18, T13, 45X, XXY

(Chú thích : T21 = trisomy 21)

   Một nghiên cứu ở Bỉ và Hà Lan năm 2014 tổng kết 3000 trường hợp xét nghiệm NIPT cho thấy tỉ lệ âm tính giả (xét nghiệm bình thường nhưng thực sự lại có bệnh) cực thấp, chỉ vào 0,03%, trong khi độ đặc hiệu đạt 100%.

   Một nghiên cứu năm 2017 tổng hợp 35 nghiên cứu trên toàn thế giới với hơn 36.000 phụ nữ có thai được làm xét nghiệm NIPT cho thấy độ nhạy và độ đặc hiệu gần như tuyệt đối (99,9%) đối với các bất thường dị bội T21 và T18.

   Tại Việt Nam, gần đây nhất, năm 2018 đã có nghiên cứu của BS. Phan Minh Duy được công bố trên tạp chí Y học bà mẹ và trẻ em trên 130 trường hợp cũng cho thấy độ nhạy đạt 98% và độ đặc hiệu là 99%.

   Bạn nào còn chưa hiểu thế nào là độ nhạyđộ đặc hiệu, âm tính giả dương tính giả có thể xem video dưới đây.

Ưu thế của NIPT so với các phương pháp sàng lọc và chẩn đoán trước sinh khác

   Để dễ hình dung, mình sẽ đưa ra một bảng so sánh giữa NIPT và các biện pháp xét nghiệm sàng lọc và chẩn đoán trước sinh phổ biến ở Việt Nam hiện nay, bao gồm Double test, Triple test, chọc ối, sinh thiết gai rau (CVS).

so sánh sàng lọc trước sinh

   Ta có thể thấy, thời gian thực hiện xét nghiệm đối với NIPT là rất sớm (khoảng 9 tuần, một số hãng đang quảng cáo có thể lấy được sớm hơn nữa !). Ý nghĩa của việc xét nghiệm sớm rất quan trọng, ở chỗ nếu không may phát hiện ra các bất thường quá nặng nề, buộc phải đình chỉ thai nghén thì thời gian thực hiện càng sớm càng tránh được các nguy cơ xấu dành cho mẹ, cả về thể chất lẫn tâm lý. Mình đã từng gặp những trường hợp mẹ mang thai Trisomy 21 phải chọc ối và chờ kết quả đến khi thai hơn 20 tuần tuổi. Ở tuổi thai đó, quyết định bỏ thai thực sự là một cơn ác mộng đối với mẹ bầu.

   NIPT có thể nói là phương pháp kết hợp được độ chính xác của các biện pháp có xâm lấn (chọc ối và CVS) với độ an toàn của các biện pháp sàng lọc không xâm lấn (xét nghiệm máu mẹ).

Nhược điểm của sàng lọc trước sinh NIPT

   Tuy là một kĩ thuật tiên tiến với rất nhiều lợi thế như đã nói trên, nhưng NIPT không phải là không có nhược điểm. Có thể kể ra một số nhược điểm cơ bản như sau:

   Nhược điểm đầu tiên dễ nhận thấy là giá thành của NIPT hiện vẫn có khá cao so với các xét nghiệm sàng lọc khác. Điều này làm cho NIPT khó tiếp cận để trở thành một xét nghiệm sàng lọc phổ biến cho tất cả các bà mẹ mang thai ở Việt Nam, ít nhất là trong thời điểm này. Ở một số quốc gia “có điều kiện”, ví dụ như Đài Loan, NIPT đã được đưa vào để sàng lọc trước sinh một cách rộng rãi (ở Đài Loan họ không làm Double, Triple test nữa), và chi phí NIPT được bảo hiểm thanh toán.

   Thứ hai, mặc dù cho độ chính xác rất cao nhưng đến nay NIPT vẫn chưa được coi là một xét nghiệm để chẩn đoán bất thường NST mà vẫn xếp vào nhóm các xét nghiệm để tầm soát (trên thế giới cũng như ở Việt Nam). Về mặt nguyên tắc, các bác sĩ vẫn sẽ yêu cầu thực hiện một cuộc chọc ối hoặc CVS để khẳng định chẩn đoán nếu như NIPT cho ra kết quả dương tính với các bất thường NST.

   Thứ ba, NIPT có thể cho kết quả không chính xác nếu xảy ra tình trạng “thể khảm”. Thể khảm là thuật ngữ để chỉ tình trạng không phải toàn bộ thai và bánh rau đều chứa tế bào đột biến mà chỉ có ở một vùng nhất định. Sẽ có những trường hợp thai bị đột biến nhưng tế bào rau thai bình thường, hoặc tế bào rau thai đột biến nhưng thai bình thường. Chúng ta đã biết nguồn gốc DNA tự do của thai trong máu mẹ là từ các tế bào gai rau. Trong trường hợp thể khảm, phân tích DNA của tế bào gai rau có thể không phản ánh đúng tình trạng của thai, như trong hình minh họa dưới đây.

thể khảm trong sàng lọc trước sinh NIPT
Thể khảm có thể cho kết quả không chuẩn xác khi sàng lọc bằng NIPT.

   Một tình trạng nữa có thể làm cho nhận định kết quả không chính xác đó là trường hợp xảy ra hội chứng Vanishing Twin, tạm dịch: hội chứng biến mất thai đôi ! Nghĩa là mẹ mang song thai nhưng một thai vì lí do nào đó không phát triển và tiêu biến mất. Nếu thai bị tiêu biến mang bất thường NST và xét nghiệm NIPT phát hiện được bất thường này, thai còn lại sẽ bị nhận định nhầm là mang bệnh !

  NIPT cũng sẽ khó thực hiện nếu mẹ là người mang thai hộ hoặc mang thai mà trứng là do được hiến tặng. Khi đó sự khác biệt di truyền quá lớn giữa cơ thể mẹ và thai sẽ làm kết quả xét nghiệm không chính xác.

   NIPT không nên thực hiện nếu trong vòng 30 ngày trước đó thai phụ được truyền máu do nguy cơ lẫn tạp DNA ngoại lai vào trong máu mẹ.

Những đối tượng nào nên sử dụng NIPT ?

   Trong thời điểm hiện tại, sàng lọc trước sinh NIPT thường được chỉ định cho các mẹ bầu thuộc các trường hợp sau:

  • Mẹ bầu > 35 tuổi hoặc >32 tuổi nếu mang thai đôi.
  • Mẹ bầu có tiền sử sinh con có các khuyết tật di truyền, dị tật bẩm sinh.
  • Mẹ bầu mà trong gia đình, dòng họ có những người mắc các bệnh lý do đột biến dị bội thể.
  • Mẹ bầu nhiễm virus, uống các thuốc có khả năng gây dị tật thai.
  • Kết quả siêu âm hình thái thai nhi phát hiện các bất thường nghi ngờ do bệnh lí di truyền; hoặc Double test, Triple test cho kết quả nguy cơ cao.
  • Các mẹ bầu được chỉ định chọc ối hoặc sinh thiết gai rau nhưng lo ngại về những nguy cơ, tai biến của thủ thuật.

   Nhìn chung, tất cả những mẹ bầu “muốn làm điều tốt nhất cho con” đều có thể sàng lọc trước sinh bằng NIPT vì nó không có chống chỉ định tuyệt đối.

sàng lọc trước sinh NIPT - làm những gì tốt nhất cho con

   OK, trên đây mình đã trình bày khá chi tiết về các kiến thức về NIPT – một trong những phương pháp sàng lọc tốt nhất hiện nay dành cho mẹ bầu. Trong phần tiếp theo của bài này, mình sẽ giới thiệu một số gói dịch vụ xét nghiệm NIPT của các Hãng xét nghiệm đang có mặt trên thị trường Việt Nam, các mẹ có thể đọc theo link bên dưới.

Sàng lọc trước sinh NIPT – Một số điểm cần lưu ý cho các mẹ bầu

   Chúc các mẹ bầu có một thai kì an toàn và khỏe mạnh.

   Mọi thắc mắc các bạn có thể comment bên dưới bài viết này hoặc gửi cho mình theo hướng dẫn trong mục TƯ VẤN.

- Advertisement -
Nguyễn Hoàng Sơn
Nguyễn Hoàng Sơnhttps://bshoangson.com/
Bác sĩ chuyên khoa I chuyên ngành Chẩn đoán hình ảnh tại Đại học Y Hà Nội. Hiện đang làm việc tại Hà Nội

ĐỌC THÊM

1 COMMENT

Nhận thông báo qua Email
Nhận thông báo cho
guest

1 Bình luận
cũ nhất
mới nhất bình chọn nhiều nhất
Phản hồi trích dẫn trong bài viết
Xem tất cả bình luận
Phương thúy

Bài viết hay và hữu ích quá bsi ah

CỘNG ĐỒNG Y HỌC THÚ VỊ

6,000FansLike
5,000FollowersFollow
3,500SubscribersSubscribe
- Advertisement -

BÀI MỚI

1
0
Nếu thích bài viết, hãy để lại bình luận bạn nhé!x