21 C
Hanoi
Thứ bảy, Tháng Một 25, 2025

Tính tuổi thai và ngày dự sinh, hướng dẫn chi tiết nhất

- Advertisement -

   Tuổi thai và ngày dự sinh là một trong những chỉ số đầu tiên mà mẹ bầu quan tâm khi biết mình mang thai. Trong bài viết này, mình tập trung vào các phương pháp tính tuổi thai và dự kiến sinh trong 3 tháng đầu thai kì, vì các lí do sau:

  • Biết tuổi thai sớm từ những tuần đầu giúp các mẹ xác định được các mốc thời gian làm siêu âm và xét nghiệm quan trọng cho con, ví dụ mốc siêu âm khoảng sáng sau gáy (hay độ mờ da gáy)  lúc 12 tuần, mốc xét nghiệm sàng lọc dị tật, mốc tiêm phòng …).

♥ Đọc thêm: Những hiểu lầm thường gặp của mẹ bầu khi siêu âm độ mờ da gáy

  • Trong 3 tháng giữa và 3 tháng cuối, tuổi thai và dự sinh xác định qua siêu âm càng ngày càng kém chính xác (lý do mình sẽ giải thích bên dưới).

Các khái niệm cơ bản

   Tuổi thai là khoảng thời gian từ khi thai hình thành cho đến thời điểm hiện tại.

- Advertisement -

   Đơn vị tính có thể là 3 tháng đầu/giữa/cuối (hay còn gọi là tam cá nguyệt 1/2/3); hoặc tính theo tháng (tháng thứ nhất đến tháng thứ 9). Tuy nhiên mình khuyến cáo các mẹ nên nhớ tuổi thai theo tuần. Và cũng không nhất thiết phải nhớ chính xác đến từng ngày.

   Bảng dưới đây cho thấy tương quan giữa 3 loại đơn vị tuổi thai nói trên.

cách tính tuổi thai
Tương quan giữa tam cá nguyệt, tháng tuổi và tuần tuổi thai.

   Có hai loại tuổi thai chúng ta cần phân biệt: Tuổi thai theo ngày thụ tinh và tuổi thai theo ngày đầu tiên của kì kinh cuối cùng (ngày đầu kinh cuối).

   Nếu mẹ biết chính xác ngày rụng trứng (qua siêu âm canh trứng chẳng hạn) để có em bé thì tuổi thai tính từ thời điểm đó gọi là tuổi thai theo ngày thụ tinh. Đó chính xác là thời điểm bé con hình thành ! Tính từ mốc này, thai có 266 ngày (tương đương 38 tuần) để trưởng thành và chui ra khỏi bụng mẹ. Lưu ý con số 266 này chỉ là trung bình được các nhà khoa học thống kê từ rất rất nhiều ca sinh đẻ, thực tế từng người có thể khác đi.

   Tuy nhiên cái khó là nhiều trường hợp mẹ không biết rõ ngày rụng trứng, cũng không rõ ngày thụ tinh ra em bé ( xxx nhiều lần gần ngày rụng trứng chẳng hạn …:D). Lúc đó bác sĩ sẽ ước tính tuổi thai qua ngày đầu của kì kinh cuối. Theo mốc này, thai có 280 ngày (tương đương 40 tuần) để phát triển. Cách tính này cũng được quy ước là cách tính tuổi thai khi các mẹ đi siêu âm và khám sản khoa. Như vậy tuổi thai theo ngày đầu kinh cuối chênh với tuổi thai theo ngày thụ tinh thực tế khoảng 2 tuần. Vì không nắm rõ 2 khái niệm này nên đã từng có những chuyện dở khóc dở cười như thế này: Hai anh chị dắt nhau vào siêu âm thai. Sau khi bác sĩ kết luận thai được 5 tuần thì anh chàng khăng khăng bảo đây không phải là con của mình, vì anh ấy nhớ rõ mới chỉ …abc xyz cách đây có 3 tuần thôi.

   Dưới đây mình sẽ hướng dẫn chi tiết cách tính tuổi thai và dự kiến sinh bằng hai cách này.

Cách tính tuổi thai và dự kiến sinh theo ngày đầu kinh cuối (LMP)

   Cách này chỉ áp dụng cho các mẹ có vòng kinh đều từ 28 đến 30 ngày. Như vậy nếu giả định rằng chu kì kinh của mẹ là 28 ngày và trứng rụng để được thụ tinh vào ngày thứ 14 thì theo quy ước mình đã nói ở trên, khi thụ tinh, thai coi như đã được 2 tuần tuổi.

cách tính tuổi thai theo kinh cuối cùng
LMP : Last Menstrual Period (kì kinh cuối cùng)

   Tuy nhiên do trứng có thể rụng trước hoặc sau ngày giữa chu kì nên cách này có thể sai số trong phạm vi (+/-) 1 tuần.

   Các mẹ nên nhớ rõ ngày đầu kinh cuối (theo dương lịch nhé) để khi đi siêu âm đọc cho bác sĩ. Bác sĩ sẽ nhập số liệu vào máy để tính tuổi thai thực tế và dự sinh.

   Để tính nhẩm ngày dự sinh theo LMP, mẹ có thể áp dụng quy tắc Naegele đơn giản như sau:

Dự sinh = LMP + 7 ngày – 3 tháng + 1 năm.

   Như ví dụ dưới đây, dự sinh sẽ là ngày 12/5/2019.

cách tính tuổi thai theo quy tắc Naegele

   Nếu tháng nhỏ hơn 3 thì :

Dự sinh = LMP + 7 ngày + 9 tháng + 0 năm.

   Ví dụ:

cách tính tuổi thai theo quy tắc Naegele

   Cách thứ 2, nếu mẹ nào có sẵn máy tính thì mở Excel ra, nhập ngày đầu kinh cuối vào, nhớ định dạng dữ liệu là DATE nhé. Sau đó tính ngày dự sinh bằng cách đơn giản là cộng ngày dự sinh với 280, như hình dưới đây:

   Thủ công hơn thì mẹ mở lịch ra, lấy mốc ngày đầu kinh cuối và đếm lên 40 tuần nữa. Ví dụ ngày kinh cuối rơi vào thứ hai thì đếm 40 lần thứ 2 trở về sau thì sẽ ra ngày dự sinh.

   Cũng có rất nhiều công cụ Online giúp các mẹ tính ngày dự sinh và tuổi thai. Ví dụ trang http://perinatology.com/calculators/Due-Date.htm . Hãy xem hướng dẫn dưới đây, hết sức đơn giản phải không nào.

Tính tuổi thai và dự sinh theo ngày thụ tinh (hoặc ngày rụng trứng)

   Nếu biết chính xác ngày quan hệ để có em bé hoặc ngày trứng rụng, thì tuổi thai theo quy ước sẽ là:

   Và ngày dự kiến sinh sẽ là ngày thụ tinh + 266 ngày. Có thể dễ dàng tính các con số này bằng Excel như hình dưới.

tính tuổi thai và dự sinh theo ngày rụng trứng hoặc ngày quan hệ

Tính tuổi thai theo siêu âm

   Khi không nhớ cả ngày kinh cuối lẫn ngày thụ tinh, hoặc với các mẹ có vòng kinh không đều, thất thường thì các cách trên chịu chết. Lúc này siêu âm sẽ là cứu cánh.

   Máy siêu âm tính tuổi thai và dự kiến sinh bằng cách dựa vào các chỉ số của thai do bác sĩ đo rồi so sánh với dữ liệu sẵn có.

   Câu hỏi đặt ra là chỉ số nào trong 3 tháng đầu dự kiến sinh sẽ sát với thực tế nhất ?

   Có 3 chỉ số mà bác sĩ siêu âm hay dùng để dự sinh trong 3 tháng đầu, đó là đường kính túi ối (GS), chiều dài đầu mông (CRL) và đường kính lưỡng đỉnh (BPD).

   Đường kính túi ối là khoảng cách giữa hai bờ túi ối trên siêu âm. Nói tới chữ đường kính nghĩa là túi ối phải tròn. Nhưng tiếc là thời điểm túi ối có dạng hình tròn như cái đĩa lại khá ngắn, đa phần sẽ thấy túi ối có dạng bầu dục hoặc cong như quả chuối. Khi đó bác sĩ sẽ phải đo kích thước túi ối theo ba chiều và tính chỉ số trung bình. Quá trình này có thể sẽ làm phát sinh sai số.

Khi túi ối không tròn đều, bác sĩ sẽ phải đo 3 kích thước và lấy chỉ số trung bình.

   Trong thực tế, bác sĩ sẽ chỉ đo đường kính túi ối để dự đoán tuổi thai trong giai đoạn 4-6 tuần, khi phôi thai chưa hình thành.

   Chiều dài đầu mông là khoảng cách đo từ đỉnh đầu (cực đầu) cho đến hết mông (cực đuôi) của phôi thai. Chiều dài đầu mông thường được đo từ tuần thứ 6 đến tuần thứ 14 của thai kì. Với độ phân giải của các máy siêu âm hiện nay, chiều dài dài đầu mông được xác định rất dễ dàng đặc biệt từ tuần thứ 8 trở đi và có độ chính xác cao trong dự đoán tuổi thai.

chiều dài đầu mông
Cách đo chiều dài đầu mông CRL trên siêu âm (ảnh trái) và tương quan giữa tuổi thai với CRL (ảnh phải).

   Đường kính lưỡng đỉnh là khoảng cách giữa 2 bờ xương sọ của thai nhi. Chỉ số này thường được đo sau 12 tuần, lí do: lúc này xương sọ của thai mới phát triển đủ rõ để đo được chính xác trên siêu âm. Đường kính lưỡng đỉnh cũng là một thông số đáng tin cậy để tính tuổi thai nếu như thai không có bất thường gì đó về đầu và thần kinh trung ương.

đường kính lưỡng đỉnh dự đoán tuổi thai

   Theo Hướng dẫn của Hiệp hội Sản phụ khoa thế giới về siêu âm thai trong 3 tháng đầu, “Phụ nữ mang thai nên được siêu âm sớm trong khoảng thời gian từ 10 tuần +0 ngày đến 13 tuần+6 ngày để xác định tuổi thai chính xác”. Đây được coi là giai đoạn “vàng” để đánh giá tuổi thai chuẩn nhất. Và chỉ số hay được dùng trong giai đoạn này, như đã phân tích ở trên, là Chiều dài đầu mông.

guidelines của hiệp hội sản phụ khoa thế giới
Hướng dẫn của hiệp hội Sản phụ khoa Thế giới về siêu âm xác định tuổi thai trong 3 tháng đầu.

   OK, như vậy là các mẹ bầu đã có câu trả lời rồi nhé: tuổi thai đo trên siêu âm chính xác nhất nên dựa vào Chỉ số chiều dài đầu mông (CRL) trong giai đoạn từ 10 đến trước 14 tuần.

Tuổi thai thực tế và tuổi thai trên siêu âm những tháng cuối

   Như mình có nói ở phần đầu, trong 3 tháng cuối và 3 tháng giữa, tuổi thai được dự đoán khi làm siêu âm càng ngày càng kém chính xác và giao động đôi khi với biên độ rất lớn. Nhiều mẹ không khỏi bối rối khi con mình được 38 tuần nhưng kết quả siêu âm trả về chỉ là 35, 36 tuần.

   Điều này là do nguyên nhân: càng về cuối thai kì, tốc độ phát triển của thai càng có nhiều biến động. Bé sẽ không lớn đều đều như trong 3 tháng đầu nữa mà có lúc lớn nhanh, lúc chậm, thậm chí chững lại.

   Hơn nữa, không phải tất cả các chỉ số siêu âm của thai đều tăng trưởng đều đặn như nhau, sẽ có những bộ phận lớn nhanh hơn, bộ phận phát triển chậm hơn. Chẳng hạn đầu của thai to, nhưng xương đùi lại ngắn, hoặc đầu bình thường, nhưng bụng lại to … Máy siêu âm sẽ tính gộp các chỉ số này lại theo công thức cài đặt sẵn và cho ra một tuổi thai “trung bình”, do vậy sẽ có ít nhiều sai lệch với tuổi thai thực tế.

   Hiểu được điều này, các mẹ bầu lúc nào cũng phải nhớ rõ tuổi thai thực tế  (tuổi thai theo ngày đầu kinh cuối  hoặc theo chiều dài đầu mông trong 3 tháng đầu) của con khi đi siêu âm để thông báo cho bác sĩ. Giả dụ bé thực tế đã được 36 tuần nhưng trên siêu âm, cân nặng của con nhẹ và tuổi thai bác sĩ ước tính chỉ là 33 tuần thôi, hãy cẩn thận một tình trạng thai chậm tăng trưởng trong tử cung đấy !

   Nói thêm về một tình trạng cũng hay xảy ra làm cho tuổi thai và dự sinh giữa các lần siêu âm khác nhau, đó là do công thức tính của máy siêu âm. Có rất nhiều công thức khác nhau được ứng dụng để ước tính cân nặng cũng như tuổi thai, dự sinh của bé. Mỗi dòng máy siêu âm có thể sử dụng một công thức, dẫn tới sai số khi ước đoán. Để khắc phục, mẹ bầu nên siêu âm thai ở một địa chỉ cố định (cùng một bác sĩ theo dõi nữa thì càng tốt).

Tính tuổi thai đối với thai IVF

   Thai thụ tinh trong ống nghiệm (viết tắt là IVF) có cách tính tuổi thai hơi khác một chút, nhưng nếu các mẹ đã nắm được nguyên tắc thì cũng dễ hiểu thôi. Lúc này, thời điểm bác sĩ tiến hành chọc trứng, cấy phôi sẽ tương đương với thời điểm thụ tinh. Sau đó phôi sẽ được theo dõi và sàng lọc rồi chuyển vào buồng tử cung của mẹ sau 3-5 ngày. Ta vẫn cộng thêm khoảng thời gian 2 tuần như quy ước tính tuổi thai theo ngày đầu kinh cuối. Như vậy tuổi thai IVF là:

Tuổi thai tính từ ngày chọc trứng, cấy phôi + 2 tuần

tính tuổi thai IVF
Cách tính tuổi thai IVF

   Ngoài ra, còn nhiều phương pháp ước đoán tuổi thai khác mà các mẹ có thể đã từng nghe đến, như dựa vào chiều cao tử cung, dựa vào xét nghiệm beta hCG, dựa vào chụp XQ tìm điểm cốt hóa trên xương của thai nhi … Tuy nhiên các cách này đều cho ra kết quả khá là giao động, bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố gây sai số và khó áp dụng trong thực tế, nên mình không khuyến cáo các mẹ sử dụng.

♥ Đọc thêm: 5 tác dụng của xét nghiệm beta hCG

♥ Đọc thêm: Hướng dẫn bổ sung sắt cho bà bầu đúng cách [3 phần]

♥ Đọc thêm: Sàng lọc trước sinh NIPT, thông tin mẹ bầu cần biết

   Như vậy mình đã trình bày ra đây những cách tính tuổi thai chuẩn xác nhất dành cho các mẹ. Mọi thắc mắc các bạn có thể comment bên dưới bài viết này hoặc gửi cho mình theo hướng dẫn trong mục TƯ VẤN.

- Advertisement -
Nguyễn Hoàng Sơn
Nguyễn Hoàng Sơnhttps://bshoangson.com/
Bác sĩ chuyên khoa I chuyên ngành Chẩn đoán hình ảnh tại Đại học Y Hà Nội. Hiện đang làm việc tại Hà Nội

ĐỌC THÊM

Nhận thông báo qua Email
Nhận thông báo cho
guest

0 Góp ý
cũ nhất
mới nhất bình chọn nhiều nhất
Phản hồi trích dẫn trong bài viết
Xem tất cả bình luận

CỘNG ĐỒNG Y HỌC THÚ VỊ

6,000FansLike
5,000FollowersFollow
3,500SubscribersSubscribe
- Advertisement -

BÀI MỚI

0
Nếu thích bài viết, hãy để lại bình luận bạn nhé!x