21 C
Hanoi
Thứ bảy, Tháng Một 25, 2025

Siêu âm 2D tốt hơn siêu âm màu 4D ???

- Advertisement -

  “Siêu âm 2D tốt hơn siêu âm màu 4D”. Nghe có vẻ nghịch lí nhưng nếu bạn đọc xong bài viết này, sẽ không thấy nghịch lí chút nào. Mình cũng sẽ chỉ ra những nhầm lẫn cơ bản khi lựa chọn các loại hình siêu âm mà mọi người hay gặp phải.

Siêu âm 2D – “Mẹ” của siêu âm 3D, 4D

   Sở dĩ nói như vậy không chỉ bởi siêu âm 2D ra đời sớm hơn, mà còn vì nó là kĩ thuật cơ bản của tất cả các bác sĩ làm siêu âm. Siêu âm 2D tạo ra hình hai chiều trên màn ảnh, hình ảnh giống như một lát cắt qua cấu trúc bác sĩ cần khảo sát.

siêu âm 2D
Hình ảnh siêu âm 2D, giống như ta bổ một quả cam và nhìn vào mặt cắt của nó vậy.

   Siêu âm 3D là công nghệ tạo hình ảnh dưới dạng không gian 3 chiều. Đầu dò siêu âm sẽ quét qua cấu trúc cần khảo sát một lượt và thu được cái mà thuật ngữ chuyên môn gọi là “dữ liệu khối”, hiểu đơn giản là một tập hợp các ảnh 2D trên nhiều lát cắt liên tiếp. Sau đó phần mềm của máy siêu âm sẽ xử lí dữ liệu này và tạo ra ảnh 3D.

- Advertisement -
siêu âm 3D khác siêu âm 2D thế nào
Hình ảnh siêu âm 3D, giống như ta nhìn quả cam trong không gian thực – không gian ba chiều.

   Siêu âm 4D là siêu âm 3D theo thời gian thực (3D real-time). Trong kiểu siêu âm này, dữ liệu khối được quét liên tục và máy sẽ tái tạo ảnh liên tục, cho ra hình ảnh 3D chuyển động như trong thực tế.

ultrasound 4D

ultrasound 4D

 

 

 

 

 

 

Hình ảnh siêu âm 4D, giống như ta nhìn thấy quả cam chuyển động trong thời gian thực vậy.

   Nhiều kiểu loại siêu âm là thế, nhưng thực tế, siêu âm 2D là kĩ thuật được sử dụng nhiều nhất. Vì sao ư?  Siêu âm 2D cho phép bác sĩ đánh giá hầu như mọi thứ: kích thước to nhỏ, hình dạng méo tròn, cấu trúc đặc hay rỗng …

   Tất cả các số đo của thai là đo trên 2D. Tất cả các lát cắt từ cơ bản đến nâng cao khảo sát hình thái của thai nhi bình thường hay bất thường đều là 2D.

   Siêu âm 2D tiện lợi và có thể thực hiện được trong mọi trường hợp (siêu âm 3D, 4D đòi hỏi thai phải nằm ở tư thế thuận lợi, nếu không sẽ không chụp được). Trong nghề của mình, bác sĩ làm siêu âm giỏi là bác sĩ tạo ảnh 2D đẹp, rõ nét, làm nổi bật cấu trúc bệnh lí để chẩn đoán. Trong siêu âm thai, 2D là kĩ thuật mà mọi bác sĩ đều thực hiện để theo dõi sự phát triển của thai và đánh giá các dị tật. Nếu các bạn để ý, trong một cuộc siêu âm 4D, bác sĩ sẽ dành tới 90% thời lượng để … siêu âm 2D.

   Đặc biệt, trong các tuần đầu của thai kì thì siêu âm 3D, 4D “chịu chết”, không thể đánh giá hình thái thai tốt bằng 2D.

Role of three‐dimensional (3D) and 4D ultrasound

Three‐dimensional (3D) and 4D ultrasound are not currently used for routine first‐trimester fetal anatomical evaluation, as their resolution is not yet as good as that of 2D ultrasound. 

   Trên đây là một đoạn trích trong Hướng dẫn của Hiệp hội siêu âm Sản phụ khoa Thế giới (Viết tắt là ISUOG) về thực hành siêu âm thai trong 3 tháng đầu. Dịch ra là:

Giá trị của siêu âm 3 chiều và 4 chiều

Siêu âm 3 chiều và 4 chiều hiện tại không được sử dụng thường xuyên để đánh giá hình thái giải phẫu của thai trong 3 tháng đầu, vì độ phân giải của chúng không tốt bằng siêu âm 2D.

Thế thì siêu âm 3D, 4D có vai trò gì ?

   Nếu siêu âm 2D đã có thể chẩn đoán hết tất cả mọi thứ thì còn sinh ra 3D, 4D để làm gì ?

   Thứ nhất, siêu âm 3D, 4D cho ra hình ảnh 3 chiều, “thân thiện” hơn và dễ hiểu hơn đối với người xem. Hình ảnh 2D là một hình ảnh khá “chuyên môn” và nhìn vào không phải ai cũng hiểu được. Để bệnh nhân cũng như các bác sĩ không chuyên khoa về Chẩn đoán hình ảnh có thể hình dung được, 3D và 4D ra đời. Chúng ta hay xem ví dụ dưới đây.

siêu âm 2D và siêu âm 3D sứt môi
Hình bên trái thể hiện dị tật sứt môi trên 2D. Nếu không phải bác sĩ chuyên khoa, người xem khó có thể hình dung được. Hình bên phải là hình ảnh tái tạo 3D trên cùng thai nhi đó, ai cũng có thể thấy rõ dị tật trên ảnh này, kể cả người không chuyên.

   Thứ hai, vì là hình ảnh “thân thiện” nên siêu âm 3D, 4D giúp các mẹ có trải nghiệm siêu âm thú vị hơn. Các mẹ bầu sẽ nhìn thấy con mình cười, ngáp, mút tay, đạp chân … rất sinh động. Bởi vì siêu âm thai không chỉ là một thăm khám y tế đơn thuần, nó là thời điểm mẹ được gặp con. Cảm giác thấy sinh linh bé bỏng trong bụng mình đang phát triển từng ngày, nhìn thấy con nghịch ngợm, giãy đạp quả là những kỉ niệm đáng nhớ. Mình đã từng gặp những mẹ bầu khóc nghẹn ngào khi lần đầu tiên nghe được nhịp tim của con đập đều đặn, có mẹ lại cười phá lên trầm trồ khi thấy mặt con giống bố như đúc từ một khuôn. Siêu âm 3D, 4D, và ngày nay là siêu âm 4D HD live cho mẹ bầu những trải nghiệm về bé con của mình thực sự rất ấn tượng.

siêu âm 4D
Hình ảnh siêu âm 4D đem lại trải nghiệm rất sống động đối với mẹ bầu và là những kỉ niệm đáng nhớ.

   Từ những phân tích trên có thể thấy rằng, về mặt chuyên môn y học, chính siêu âm 2D mới là kĩ thuật chủ đạo mà bác sĩ dùng để thăm khám và chẩn đoán. Siêu âm 3D, 4D chỉ có vài trò phụ trợ vì những lí do như mình đã nói. Nên không có gì ngạc nhiên khi một bác sĩ chỉ cần một chiếc máy siêu âm 2D đen trắng đơn giản cũng đã có thể chẩn đoán được một dị tật thai mà chưa cần đến máy siêu âm 4D cao cấp.

Siêu âm đen trắng và siêu âm màu khác nhau ở điểm nào ?

   Mình đã làm một cuộc khảo sát nho nhỏ và kết quả 100% các mẹ bầu đều trả lời sai khi được hỏi câu này.

  • Hỏi: em có biết siêu âm màu khác siêu âm đen trắng ở điểm gì không ?
  • Đáp: Siêu âm đen trắng là màn hình có màu đen trắng. Siêu âm màu là màn hình có màu xanh, màu đỏ.
  • Hỏi: Vậy màu xanh màu đỏ ấy thì có gì tốt hơn màu đen trắng?
  • Đáp: em nghĩ là nhìn sẽ rõ hơn.

   Mình sẽ chỉ rõ hơn cho các bạn ý của mẹ bầu này. Theo bạn ấy, siêu âm đen trắng là hình nền siêu âm 2D sẽ có màu đen trắng. Còn siêu âm màu thì hình nền sẽ là một tông màu gì đó không phải đen trắng, như hình bên dưới.

siêu âm màu và siêu âm đen trắng
Theo mẹ bầu, hình siêu âm bên trái là siêu âm đen trắng, vì chỉ nhìn thấy màu đen, xám và trắng. Còn hình bên phải là “siêu âm màu”.

   Vậy có đúng không ? Không các mẹ ạ. Cả hai hình ảnh chúng ta nhìn thấy đều là hình siêu âm 2D, và cái khác biệt duy nhất chỉ là tông màu nền, mọi thứ còn lại là giống nhau. Hình ảnh màu kia chẳng có giá trị chẩn đoán gì cho bác sĩ hơn so với ảnh đen trắng cả. Thế nhưng đáng tiếc là nhiều mẹ bầu không hiểu lại trách bác sĩ sao lại chỉ định siêu âm đen trắng để mà nhìn không rõ. Cáng đáng tiếc hơn là ở nhiều nơi, mẹ bầu đang phải trả tiền cao hơn để được “siêu âm màu” kiểu này. Mình đã đi làm ở nhiều phòng khám, một số nơi người ta định nghĩa còn ngớ ngẩn hơn về siêu âm màu là tờ kết quả siêu âm in ra phải có tí màu mè !

   Thế thì siêu âm màu đúng nghĩa là như thế nào? Thuật ngữ đầy đủ phải là “Siêu âm Doppler màu”. Doppler là kĩ thuật siêu âm để phát hiện các dòng chảy (chủ yếu là dòng máu) trong cơ thể, qua đó đánh giá hình thái và các bệnh lí về tim và mạch máu. Trên siêu âm, hình ảnh siêu âm Doppler màu là những dải màu xanh đỏ vàng lập lòe, phản ánh dòng máu di chuyển bên trong lòng mạch. Như hình dưới đây.

siêu âm doppler màu
Hình ảnh siêu âm Doppler màu. Hình bên trái thể hiện dòng chảy của máu trong dây rốn thai nhi. Hình bên phải thể hiện dòng máu trong các buồng tim thai.

   Kĩ thuật siêu âm Doppler màu thường xuyên được kết hợp cùng siêu âm 2D để đánh giá các bất thường của thai. Trong các thế hệ máy siêu âm ngày nay hầu hết đều có chức năng Doppler.

   Vậy là câu hỏi thứ nhất mẹ đã trả lời sai nhé. Còn câu hỏi thứ 2: có thực là siêu âm với nền có màu nhìn sẽ rõ hơn siêu âm nền đen trắng không? Cũng sai luôn. Khoa học đã chứng minh mắt người phân biệt được các chi tiết khác nhau trong thang độ xám trắng tốt hơn so với trong các thang độ màu khác. Có nghĩa là 2 chi tiết có độ tương phản khác nhau sẽ được nhận biết tốt hơn trong chế độ nền đen trắng hơn là chế độ nền màu. Bởi vậy đa phần các bác sĩ thích dùng màu nền đen trắng trên siêu âm hơn, đơn giản bởi vì nó giúp bác sĩ nhận định hình ảnh chính xác hơn. Bạn nào hay đi chiếu chụp cứ để ý xem: hình ảnh chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ in ra cũng đa phần là hình đen trắng !

Một ví dụ cho thấy mắt người phân biệt chi tiết rõ ràng hơn trên ảnh xám trắng hơn là ảnh màu. So với ảnh màu bên trái, chấm tròn ở giữa hình chữ nhật dễ dàng được nhận biết hơn trên ảnh xám trắng (bên phải).

Sự nhầm lẫn giữa các khái niệm

   Hiện nay theo mình thấy, các thuật ngữ siêu âm đang được dùng khá lộn xộn và không thống nhất gây nên nhiều hiểu nhầm. Đa phần mọi người đang cho rằng:

Siêu âm đen trắng = siêu âm 2D = chất lượng hình ảnh kém, không rõ = rẻ tiền
Siêu âm màu, siêu âm 3D, 4D = chất lượng hình ảnh tốt, nhìn rõ= đắt tiền

   Kết quả là các phòng khám tha hồ quảng cáo siêu âm 3D, 4D tốt hơn siêu âm 2D (vì thu được giá cao hơn), các mẹ đua nhau đi siêu âm 3D, 4D (vì nhìn “chất” hơn) mặc dù trong nhiều trường hợp là không thực sự cần thiết. Ở phòng khám của mình, mình thường xuyên phải “chỉnh” lại các mẹ muốn siêu âm 4D ở những tuần thai rất sớm (<10 tuần) hoặc tuần sắp sinh vì cho rằng 4D là cái gì đó “thần thánh” hơn 2D.

   Một lần nữa mình khẳng định lại: siêu âm 2D, siêu âm đen trắng là cái gốc, là cơ sở để bác sĩ chẩn đoán cho bạn, đừng coi thường giá trị của nó. Các mẹ cũng không nên “sính” 3D, 4D đến mức lần nào đi siêu âm cũng sử dụng dịch vụ đó. Mình sẽ có một bài viết về các mốc siêu âm 4D – tầm soát dị tật dành cho mẹ bầu.

   Nói như vậy cũng không có nghĩa là một máy siêu âm 2D đơn thuần có thể chẩn đoán hết được mọi thứ. Các máy siêu âm ngày nay đa phần đều được tích hợp đầy đủ các chức năng 2D, Doppler, 3D, 4D trong cùng một thiết bị, ngoài ra còn được bổ sung nhiều công nghệ tạo ảnh tiên tiến khác. Việc phối hợp nhiều kĩ thuật giúp nhận định bệnh lý chuẩn xác hơn. Chất lượng hình ảnh cũng càng ngày càng được cải tiến giúp cho bác sĩ có thể làm việc tốt hơn. Nói đơn giản, máy càng “xịn”, hình ảnh (2D, 3D, 4D) càng đẹp, càng chính xác.

♥ Đọc thêm: Những hiểu lầm thường gặp của mẹ bầu khi siêu âm độ mờ da gáy

Kết luận

   Viết cũng đã dài dòng. Tóm lại là mình đã chứng minh cho các bạn thấy: siêu âm đen trắng (đúng hơn là màu nền đen trắng) tốt hơn “siêu âm màu”, và siêu âm 2D có ý nghĩa hơn nhiều so với siêu âm 3D, 4D trong công việc chuyên môn của bác sĩ. Hãy nắm vững các khái niệm để tránh nhầm lẫn khi đi siêu âm các mẹ bầu nhé.

   Cuối cùng, mình muốn chia sẻ với mọi người điều này: máy móc dù có hiện đại đến đâu cũng chỉ là một cái máy. Nó sẽ không thể phát huy hết tác dụng, không thể chẩn đoán được gì nếu thiếu người vận hành nó. Người chẩn đoán bệnh cho chúng ta là bác sĩ chứ không phải là máy. Đừng chỉ nhìn vào những quảng cáo máy móc hiện đại để lựa chọn dịch vụ y tế. Hãy xem xét thêm về khả năng chuyên môn của bác sĩ thăm khám cho mình. Đó mới là tư duy của “người bệnh thông thái”.

  • Nếu bạn có gì không hiểu về nội dung bài viết, hãy comment bên dưới nhé.
  • Các bạn cần tư vấn về các vấn đề sức khỏe của bản thân có thể đặt câu hỏi trong mục TƯ VẤN.

 

- Advertisement -
Nguyễn Hoàng Sơn
Nguyễn Hoàng Sơnhttps://bshoangson.com/
Bác sĩ chuyên khoa I chuyên ngành Chẩn đoán hình ảnh tại Đại học Y Hà Nội. Hiện đang làm việc tại Hà Nội

ĐỌC THÊM

7 COMMENTS

Nhận thông báo qua Email
Nhận thông báo cho
guest

7 Góp ý
cũ nhất
mới nhất bình chọn nhiều nhất
Phản hồi trích dẫn trong bài viết
Xem tất cả bình luận
Thanh Loan

Bác sĩ cho em hỏi Siêu âm 5D là gì và có tốt hơn siêu âm 2D, 4D không? em xin cảm ơn

Lan anh

Siêu âm trắng đen cho kết quả trai siêu âm màu thì nói năm kẹp chặt không thấy được . siêu âm trong cùng một ngày vậy xin cho nhận xét với ah

Thanh

Bác sĩ cho em hỏi, siêu âm tần suất nhiều có ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi không ạ?

Thanh

Vâng, em cảm ơn anh ạ. Anh có thể viết các bài về bệnh tiêu hóa ở phụ nữ mang thai không ạ? Em có vào mục “Bệnh tiêu hóa” trên trang nhưng chưa thấy nhắc đến. Trong khi nhiều phụ nữ khi có thai bị rối loạn tiêu hóa, trào nguợc dạ dày, đại tràng co thắt lắm ạ. Hoặc anh biết ở đâu có các thông tin khoa học về vấn đề này có thể giới thiệu cho em với ạ. Em cảm ơn anh!

CỘNG ĐỒNG Y HỌC THÚ VỊ

6,000FansLike
5,000FollowersFollow
3,500SubscribersSubscribe
- Advertisement -

BÀI MỚI

7
0
Nếu thích bài viết, hãy để lại bình luận bạn nhé!x